Cô bé vẫn tỉnh táo, bút đàm với mình nguyện vọng là muốn về nhà để được “đi” ở chính ngôi nhà mình. Bệnh nhân hỏi tôi về khả năng sống là bao nhiêu, bệnh của em thế nào? Về nhà được bao nhiêu lâu?. Tôi thì không có khả năng nói dối, nhưng cũng chẳng thể nói thật, đành dùng những từ ngữ chung chung, chẳng đâu vào đâu, nhìn mà chẳng dám nhìn vào mắt em.
Dù công việc của tôi là phải cố gắng cứu người bệnh, nhưng trong thâm tâm, tôi tôn trọng và nghĩ rằng, nên để mong muốn cuối cùng của cô bé thành sự thật. Rất có thể, em nằm đây nhưng rồi chắc chắn một hôm nào đó – sớm thôi, suy hô hấp, ngừng tuần hoàn, và mãi mãi chẳng thể về lại được mái nhà thân yêu.
Ai chẳng có một mái nhà của tuổi thơ yêu dấu, bên cha mẹ, anh em, cùng những con vật thân thiết; từng góc nhà, góc vườn in đậm trong tâm trí của mỗi chúng ta mỗi khi muốn trở về với ký ức tuổi thơ. Hôm nay nhiều bệnh nhân nặng quá, hết người này nặng – cấp cứu – xin về; lại người khác về. Nếu biết được một ngày mà có đến 3 bệnh nhân nặng và tử vong xin về thì có lẽ cô bé sẽ sợ hãi lắm!
Cô bé bút đàm với tôi, đề nghị tôi cho thuốc an thần để cô bé có thể ra đi cho đỡ sợ. Có lẽ đấy cũng là một đề nghị hợp lý đấy chứ! Chúng ta vẫn nhắm mắt lại mỗi khi sợ hãi quá đấy thôi. Cô bé cảm ơn và chào tôi, chúc tôi ở lại chữa được nhiều bệnh nhân. Tôi đã rớm nước mắt, lâu lắm rồi nước mắt mới xuất hiện trở lại. Nước mắt không bao giờ có lỗi – ai đó đã nói với tôi như vậy. Cũng vì muốn cô bé được thực hiện mong muốn của mình mà tôi đã làm một điều mà tôi luôn tránh, đó là can thiệp vào những quyết định cuối cùng (kiểu như người nhà hỏi còn bao nhiêu khả năng sống để xin về) liên quan đến sinh mạng một con người. Tôi đã nói với ông bố còn đang phân vân theo hướng ủng hộ quyết định của cô con gái. Vì tôi nghĩ, nếu ông ấy đưa cô bé về, có thể ông ấy sẽ ân hận một thời gian dài với quyết định đó, nhưng rồi sẽ qua vì ông được an ủi là đã làm đúng nguyện vọng của con gái ông. Còn nếu ông không đưa về, cô bé sẽ mất ở bệnh viện, và có lẽ ông sẽ ân hận suốt đời vì đã không làm được điều cuối cùng mà bé gái mong muốn.
Gia đình cô bé có 4 anh em (3 gái, 1 trai). Cô bé là chị lớn, gia đình sống ở phố Hàng Bột, Hà Nội. Vậy mà nhìn ông bố với bàn tay cáu bẩn, gót chân nứt nẻ, những móng chân đen kịt, đi đôi dép tổ ong bẹp dí đế, chiếc cổ áo cháy vàng vệt mồ hôi, mốc đen loang lổ, tôi có thể hình dung được sự vất vả của người cha khi lo cho những đứa con của mình được ăn học đến nơi đến chốn. Ông quyết định theo nguyện vọng con gái là làm đơn xin cho con về.
Gọi 115, cô bé hoàn toàn tỉnh táo. Chưa bao giờ tôi có bệnh nhân tỉnh táo đến như vậy lúc xin về. Nhân viên y tế 115 không đủ can đảm nhận việc đưa một cô bé còn tỉnh táo xin về rồi để chết dần khi không còn có mặt của họ và hệ thống oxy. Cho bệnh nhân tạm ngừng máy thở lại tím tái toàn thân, kết cục là bệnh nhân ở lại dù đã làm các thủ tục thanh toán ra viện.
Tôi cứ cảm thấy một điều gì đó ám ảnh, hay đó là bóng dáng thần chết vẫn lởn vởn đâu đây. Chợt nhớ Steven Job có nói, đại ý rằng, “kể cả những người tin rằng sau cái chết là thiên đường thì họ cũng không bao giờ muốn chết”. Nhưng ông cũng cho rằng “sự chết là một trong những phát minh vĩ đại của tự nhiên”. Âu cũng là lẽ tự nhiên…
ThS.BS. Nguyễn Kim Cương