Sau khi uống một loại thuốc giảm cân đắt tiền, ông Nguyễn Trọng Thạo (TP HCM) thấy rất khó chịu, sức khỏe kiệt quệ, bèn đổi thuốc khác nhưng tình hình vẫn không khá hơn. Ông mệt mỏi đến nỗi không làm nổi việc gì. Sau 2 tuần dùng thuốc, tốn hơn 5 triệu đồng, ông chỉ giảm được 0,5 kg.
Còn bà Phan Ngọc Phương (Bình Thuận) bị tiêu chảy liên tục ngay trong ngày đầu tiên dùng thử một loại trà giảm béo của Mỹ. Do phải đi ngoài 4-5 lần/ngày, người bà bị mất nước, mệt lả. Qua 1 tuần thấy da sạm lại, mặt hốc hác nên bà không dùng nữa. Đợt ăn trả bữa sau đó đã khiến bà tăng thêm 2 kg so với trước khi uống trà.
Bà Cao Kim Lan (TP HCM) cũng đã dùng rất nhiều loại thuốc giảm cân và nhận thấy tất cả đều làm bà rất mệt. Có những loại giúp giảm cân rõ ràng, nhưng cứ ngừng sử dụng là người lại càng béo hơn do ăn bù.
Đó là một số trong rất nhiều trường hợp bị ảnh hưởng sức khỏe do dùng thuốc giảm cân . Nhiều người giới thiệu cho nhau những loại thuốc hiệu quả nhanh, chỉ trong một tuần giảm từ 2-3 kg. Họ không biết rằng thuốc càng có tác dụng giảm cân nhanh thì càng có nhiều nguy cơ gây nguy hiểm cho người sử dụng.
Tại Việt Nam có khoảng 100 nhãn hiệu thuốc giảm cân đang lưu hành.Tiến sĩ Nguyễn Hữu Đức, Đại học Y Dược TP HCM cho biết, có thể chia thuốc giảm cân thành 3 loại chính: các thuốc làm no đầy ống tiêu hóa, các thuốc làm chuyển hóa các chất béo trong cơ thể và các thuốc gây chán ăn. Tất cả các thuốc này đều có tác dụng phụ có hại cho sức khỏe người sử dụng; trong đó nguy hiểm nhất là loại thuốc gây chán ăn.
1.Thuốc làm no đầy ống tiêu hóa: Chứa chất độn Sterculia, Methylcellulose… Các chất này không được hấp thụ vào máu mà chỉ nằm trong lòng ruột, hút nước, gây trương nở và làm đầy bụng, khiến người dùng thuốc không có cảm giác đói. Thuốc gây các tác dụng phụ như chướng bụng, đầy hơi. Những người bị chứng hẹp đường tiêu hóa, chứng to kết tràng nếu dùng loại thuốc này sẽ có nguy cơ bị tắc ruột… Để làm mất cảm giác đói, tốt nhất là nên uống hột é hoặc ăn trái thanh long trước bữa cơm.
2. Loại thuốc tăng cường chuyển hóa các chất gây béo trong cơ thể: Chứa nội tiết tố tuyến giáp Thyroxin, một chất có khả năng gia tăng chuyển hóa các chất béo ở tế bào. Thuốc chỉ có công hiệu với chứng béo phì do thiếu Thyroxin gây ra. Nó có nguy cơ làm hại tim, gây ức chế chức năng tuyến giáp nên người dùng dễ bị bướu cổ…
3. Các thuốc gây chán ăn: Chứa Amphetamin, Benzedrine, Phenamin… Các chất này tác động lên hệ thần kinh trung ương gây khó ngủ, làm mất cảm giác đói, ăn mất ngon và không muốn ăn, khiến người sử dụng trở nên gầy ốm. Việc lạm dụng loại thuốc này có thể gây nghiện thuốc, dễ dẫn tới sử dụng ma túy. Khi không dùng nữa, người sử dụng có tâm trạng chán nản và muốn tự tử.
Những người bị bệnh tim mạch, cao huyết áp và bệnh tăng nhãn áp tuyệt đối không được sử dụng các loại thuốc này vì có thể bị suy tim, mù mắt… Những người béo phì từng ăn kiêng nhưng không có hiệu quả có thể dùng nhưng không được quá 4 tuần.
Ngoài việc sử dụng thuốc giảm cân, nhiều người cũng đã tiền mất tật mang khi thực hiện giảm béo bằng cách dùng các loại trà thuốc lợi tiểu hoặc gây tiêu chảy. Tiến sĩ Lê Thúy Tươi, Viện Y Dược học Dân tộc TP HCM, cho biết, nhiều bệnh nhân trước khi đến phòng khám điều trị béo phì đã uống các loại trà này và bị tụt huyết áp, tiêu chảy, mất nước. Theo bác sĩ Tươi, trà là một loại thuốc trong y học dân tộc nhưng nguyên lý điều trị là phải giữ cân bằng cho cơ thể, trong khi tiêu chảy chính là mất cân bằng nước. Hiện tượng này nếu kéo dài có thể dẫn tới rối loạn tim mạch, gây nguy hiểm đến tính mạng.
Như vậy, cách tốt nhất để giảm cân là điều chỉnh chế độ ăn uống, sinh hoạt và năng vận động. So với việc sử dụng các loại thuốc uống, phương pháp này giảm cân ít và chậm hơn nhưng rất an toàn.
Bác sĩ Nguyễn Kim Hưng, Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP HCM, cho biết, để giảm cân nên hạn chế ăn thức ăn chứa nhiều chất béo, bột, đường; ăn nhiều rau quả. Tuyệt đối không nên ăn bữa chiều quá no và quá muộn (sau 19 giờ). Cần điều chỉnh chế độ sinh hoạt phù hợp, không thức khuya hoặc dậy muộn. Ngoài ra, cần tập thể dục mỗi ngày.