Sơ cứu
Nhanh chóng đưa bé lên khỏi mặt nước: bằng cách đưa cánh tay, ném cây sào dài hoặc phao, bơi trực tiếp xuống nước để đưa bé lên. Sau đó đặt bé nằm ở nơi khô thoáng.
Nếu bé bất tỉnh, quan sát lồng ngực của bé để biết bé còn thở hay không. Nếu lồng ngực không có sự di chuyển nghĩa là trẻ đã ngưng thở. Cần hà hơi thổi ngạt cho bé ngay. Nếu lồng ngực vẫn còn sự di chuyển nghĩa là bé vẫn đang tự thở được. Hãy đặt bé nằm nghiêng một bên để dễ bề nôn/trớ ra nước.
Cởi bỏ quần áo ướt của bé và lau người, giữ ấm người bé bằng một chiếc chăn hay khăn tắm to và khô.
Cần nhanh chóng đưa bé đến cơ sở y tế gần nhất ngay cả khi bé có vẻ bình thường sau khi được sơ cứu. Vì khi bị ngạt nước, dễ xảy ra nguy cơ khó thở thứ phát sau vài giờ đối với bé.
Lưu ý:
Không cần mất quá nhiều thời gian trong việc làm thế nào để bé nôn/trớ hết nước tỏng người ra. Điều đó có thể làm chậm việc cấp cứu thổi ngạt, làm tăng nguy cơ hít sặc ở bé. Lượng nước thừa sẽ được tống ra ngoài khi bé tự thở được.
Phòng ngạt nước
Không để bé ở nhà một mình. Đậy kín các thùng, xô chậu đựng nước. Không cho bé chơi một mình ở gần ao hồ, kênh rạch.
Bỏng cũng đáng sợ không kém
Sơ cứu
Nếu lửa vẫn đang cháy thì tìm cách dập lửa càng nhanh càng tốt bằng cách hất nước lên người bé, chụp kín bé bằng một tấm vải hoặc chăn và lăn trên nền đất/ sàn nhà. Không dùng loại vải có chất liệu nilon vì sẽ càng làm cho ngọn lửa cháy to thêm.
Trấn an bé và cởi bỏ quần áo chẳng may bị cháy.
Làm mát ngay vùng bị bỏng bằng cách dội nước lạnh lên vết thương liên tục trong 10 phút.
Đắp băng/vải/gạc không có lông tơ lên chỗ vết bỏng để tránh nhiễm trùng. Hoặc vội quá dùng túi nilon buộc tạm vào.
Quan sát vết bỏng và đưa bé đến cơ sở y tế nếu vết bỏng có dấu hiệu đỏ, sưng, nhiễm trùng, trẻ bị bất tỉnh, khó thở.
Lưu ý:
Không bóc phần da chết hoặc làm vỡ các bọng nước ở vết bỏng, dễ làm bé bị nhiễm trùng thêm.
Không dùng đá lạnh hoặc các loại thuốc mỡ lên vết bỏng.
Không dùng các loại băng dính, vải, băng gạc có lông tơ đắp lên vết bỏng.
Nhà có trẻ nhỏ, không nên dùng các loại bình ga, bếp ga du lịch. Không để bé chơi gần với các loại bế, bao diêm, cồn, phích, ấm nước sôi…
Điện giật
Sơ cứu:
Ngắt dòng điện bằng cách rút phích điện hoặc dập cầu dao. Nếu không ngắt được dòng điện thì nên dùng vật không dẫn điện như chổi, ghế, hoặc tấm thảm, chăn để đẩy bé ra khỏi dòng điện.
Nếu bé bất tỉnh, nhanh chóng kiểm tra nhịp thở, tim mạch. Nếu ngừng thở, nhanh chóng gọi cấp cứu và tiến hành hô hấp nhân tạo.
Nếu bé có vết bỏng do điện giật thì cởi bỏ quần áo và rửa sạch vùng bị bỏng bằng nước lạnh cho tới khi cơn đau dịu xuống.
Đưa bé đến cơ sở y tế càng sớm càng tốt.
Lưu ý:
Không chạm tay trực tiếp kéo bé ra ngoài khi nguồn điện chưa ngắt.
Không được để bé (nhất là các trẻ nhỏ) sờ tay hoặc đút ngón tay vào ổ điện. Kiểm tra các thiết bị, tránh rò rỉ điện trong nhà.
Cần sử dụng giày dép khô, bút điện… Không để dụng cụ điện, ổ cắm ngang tầm tay bé. Bịt kín các ổ điện khi không sử dụng.
Các loại côn trùng đốt
Sơ cứu:
Rửa sạch cho bé vùng bịt đốt bằng xà phòng và nước ấm.
Chườm đá lạnh lên vết thương để giảm sưng và đau.
Nếu bé bị nổi mề đay, tay chân lạnh, đi tiểu ít hoặc quá ngứa ngáy, khó chịu, hãy đưa bé đi khám.
Lưu ý:
Mẹ không để bé chơi ở nơi có nhiều bụi rậm, dễ bị các loại côn trùng đốt.
Dặn bé không nên nghịch phá tổ của các loại côn trùng, nhất là tổ ong.