Có rất nhiều nguyên nhân gây ra đau bụng khi hành kinh, có thể do sự co thắt quá độ của tử cung, hàm lượng chất prostaglandin (PG) trong máu kinh nguyệt và nội mạc tử cung tăng cao, một số bệnh lý như: lạc nội mạc tử cung, u dưới niêm mạc tử cung, dính khoang tử cung…
Nếu đau bụng kinh diễn ra thường xuyên và kéo dài, người bệnh nên đến cơ sở y tế chuyên Sản phụ khoa để khám xác định nguyên nhân và được tư vấn điều trị. Ngoài ra để làm giảm cơn đau bụng kinh có thể áp dụng một số biện pháp đơn giản sau:
Vệ sinh kinh nguyệt đúng cách
Vào những ngày có kinh mặc dù cơ thể có mệt mỏi nhưng vẫn cần phải tắm, thay rửa thường xuyên bằng nước sạch (mùa lạnh nên dùng nước ấm). Tuyệt đối không dùng nước múc ở ao, hồ, sông, suối. Thay băng vệ sinh (hoặc vải xô) 4 – 5 lần một ngày. Mỗi lần thay băng vệ sinh dùng nước nấu chín còn ấm thay rửa. Nếu dùng dung dịch vệ sinh phụ nữ chỉ nên dùng loại có thành phần diệt khuẩn, chiết xuất từ thảo dược, giữ độ cân bằng pH.
Vận động nhẹ nhàng, tránh căng thẳng
Trong thời gian có kinh, chị em không nên luyện tập thể thao hoặc lao động nặng, chỉ nên đi bộ và vận động nhẹ nhàng. Tránh căng thẳng, xúc động, nghỉ ngơi thoải mái.
Chế độ ăn uống
Ăn uống đủ chất dinh dưỡng, ăn thức ăn dễ tiêu để tránh đầy bụng. Tránh ăn các thức ăn chua, cay, nóng,… Không nên uống cà phê, chè đặc, nước có ga,…
Chườm ấm
Giữ ấm cơ thể và chườm ấm vùng bụng là biện pháp hiệu quả làm dịu cơn đau bụng kinh. Bạn có thể dùng túi chườm ấm, miếng khăn đã được làm nóng hoặc đơn giản là một chai nước nóng vừa đủ để chườm lên vùng bụng dưới. Hơi ấm sẽ làm giãn cơ, làm tử cung co bóp dễ dàng, cơn đau sẽ dịu dần.
Dùng thuốc giảm đau
Tuy thuốc giảm đau không thực sự tốt cho cơ thể, nhưng nếu cơn đau ảnh hưởng đến sinh hoạt và công việc bạn có thể dùng thuốc giảm đau. Có nhiều loại thuốc giảm đau bụng kinh có bán tại các nhà thuốc nhưng trước khi dùng bạn cần có sự tư vấn của bác sĩ chuyên khoa về liều lượng và cách sử dụng. Dùng thuốc giảm đau chỉ là biện pháp tạm thời, bạn không nên sử dụng thường xuyên và kéo dài.