Trang chủ » Thực phẩm chức năng » Thông tin về thực phẩm chức năng » Bát nháo thực phẩm chức năng: Mập mờ thuốc – thực phẩm

Bát nháo thực phẩm chức năng: Mập mờ thuốc – thực phẩm

“Thần kỳ” nhờ… quảng cáo!
Do thị trường quá hấp dẫn, TPCN gần như có mặt khắp nơi và “phủ sóng” quảng cáo trên tất cả các kênh thông tin (đặt bảng quảng cáo tại nhà thuốc, trên màn hình tivi tại các bệnh viện, quảng cáo trên báo và đặc biệt là trên truyền hình…). Nhiều mẫu quảng cáo TPCN với những công dụng “thần kỳ” được lặp đi lặp lại nhiều lần khiến rất nhiều người, đặc biệt là các bà nội trợ, tin vào quảng cáo và sẵn sàng chi ra số tiền lớn để mua.
Chị Vân, ngụ TP Biên Hòa – Đồng Nai, cho biết cách đây không lâu, một đoàn tự xưng là y –  bác sĩ xuống làm chương trình từ thiện, khám chữa bệnh miễn phí cho người lớn tuổi trong xóm. Sau khi khám bệnh xong, nhóm này “phán” các cụ bị thiếu canxi trầm trọng và cần bổ sung bằng cách dùng các sản phẩm có vitamin, viên canxi… do họ bán.
Rốt cuộc, các cụ mỗi người đều hào hứng bỏ ra từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng mua sản phẩm bổ sung canxi. “Dù không biết gì về TPCN nhưng bà ngoại tôi mua 2 hộp hết gần 1 triệu đồng. Sử dụng được một thời gian không thấy tác dụng gì nên đành… cất vào tủ” – chị Vân bức xúc…

Theo các bác sĩ, hầu hết TPCN được quảng cáo rầm rộ gắn liền với hình ảnh thuốc chữa bệnh. Gần như tất tần tật bệnh đều có TPCN để trị, từ tim mạch, đái tháo đường, xương khớp, dạ dày, máu mỡ đến làm đẹp, tiêu nếp nhăn, cải thiện số đo 3 vòng, cải thiện năng lực phòng the…
Nội dung quảng cáo thường lạm dụng từ “chống” và “chữa” bệnh. Nhiều loại TPCN còn đóng gói dưới dạng viên nang hoặc vỉ y như thuốc, gây ngộ nhận cho người tiêu dùng. “TPCN chỉ “thần kỳ” nhờ… quảng cáo, còn hiệu quả chỉ người sử dụng mới kiểm chứng” – một bác sĩ cho biết.
Tác dụng khó lường nhưng giá “cắt cổ”
Chị Ngọc Minh, nhân viên một doanh nghiệp viễn thông trên đường Cộng Hòa, quận Tân Bình – TPHCM, cho biết mới đây cháu chị đã bị dị ứng nặng, phải đến bệnh viện da liễu chữa trị khi sử dụng TPCN. Cụ thể: Cháu gái chị bị bệnh viêm màng não kèm di chứng có nguy cơ bại liệt nửa người nên làm vật lý trị liệu.
Nghe quảng cáo hấp dẫn từ dòng sản phẩm V. có thể giúp cháu nhanh chóng cải thiện tình trạng bệnh nên gia đình đã mua cho cháu dùng với số tiền hơn 3 triệu đồng. Trước khi mua, chị nhờ công ty này tư vấn rất kỹ về khả năng dị ứng với sản phẩm, cách sử dụng khi đang điều trị thuốc tây. Tuy nhiên, sau khi dùng vài ngày, đứa cháu đã bị dị ứng nặng, nổi nốt sưng đỏ khắp người, phải ngưng uống…

Đánh vào tâm lý người tiêu dùng tin tưởng sản phẩm tốt nên giá mới cao nên giới kinh doanh TPCN đua nhau làm giá. Anh Phong, chủ hiệu thuốc tây trên địa bàn TP Biên Hòa, tiết lộ: Kinh doanh TPCN lãi lớn nên khoản chiết khấu mà nhà cung cấp, phân phối chia cho các tiệm thuốc tây cũng khá cao. Người trong ngành chỉ cần nhìn vào thành phần của sản phẩm có thể dễ dàng thấy giá “trên trời”.
Phó tổng giám đốc một doanh nghiệp tại TPHCM cho biết trong lần đi công tác ở Mỹ, chị đã mua một số loại TPCN bổ sung khoáng chất, vitamin với giá khá rẻ. Về tới Việt Nam, cũng sản phẩm này nhưng giá đã bị “đội” lên 5 – 6 lần. PGS-TS Trần Đáng, Chủ tịch Hiệp hội TPCN Việt Nam, cũng từng thừa nhận tình trạng TPCN bị đội giá gấp nhiều lần khi đến tay người tiêu dùng đang rất phổ biến. “Tôi biết có sản phẩm chức năng bán tại Hungary giá chỉ tương đương 300.000 đồng nhưng mua tại Việt Nam lên đến gần 2 triệu đồng” – ông Trần Đáng cho biết.
Không chỉ TPCN nhập khẩu mà ngay cả TPCN sản xuất trong nước cũng được bán với giá “cắt cổ”. Năm 2011, qua kiểm tra, Bộ Y tế phát hiện HP xirô (một loại TPCN bổ sung vitamin B1, vitamin D và lysine) bán tại một số bệnh viện quá cao, lên đến 95.000 đồng/chai, trong khi loại tương tự trên thị trường chỉ 16.000 đồng/chai. Bộ Y tế đã làm việc với công ty sản xuất và phát hiện giá thành sản xuất chỉ… 10.000 đồng/chai.
Không có tác dụng chữa bệnh
PGS-TS Trần Đáng khẳng định: “TPCN không phải là thuốc nên không có tác dụng chữa bệnh mà chỉ hỗ trợ điều trị bệnh. Việc điều trị và hỗ trợ điều trị là hoàn toàn khác nhau”. PGS-TS-DS Nguyễn Hữu Đức, Trường ĐH Y Dược TPHCM, nói: Nhiều doanh nghiệp đang lập lờ giữa thuốc và TPCN để bán hàng giá cao.
Do TPCN không bị quản lý, kiểm soát chặt nên dễ lập lờ để tạo niềm tin với người tiêu dùng, nhất là khi bán trong hiệu thuốc và được bác sĩ, dược sĩ tư vấn. Thuốc chữa bệnh được kiểm chứng bằng các nghiên cứu khoa học, trong khi TPCN tác dụng không được kiểm chứng rõ ràng.
Tuy nhiên, do quá tin vào quảng cáo nên nhiều người đổ xô mua TPCN với kỳ vọng sẽ hết bệnh, khỏe mạnh. Thậm chí, có tình trạng người bệnh đang điều trị bệnh bằng thuốc nhưng khi nghe quảng cáo “thần kỳ” đã bỏ thuốc quay sang dùng TPCN. Điều này vô cùng nguy hiểm, có thể làm bệnh nặng thêm hoặc mất cơ hội điều trị.

Thanh Nhân – Thái Phương
(Theo NLĐ)

Gửi thảo luận