Ngay cả những người trồng rau tần dày lá, khi ngậm viên kẹo – thực phẩm chức năng – làm từ rau do chính mình trồng cũng bất ngờ.
Chọn bước đi
Ông Trần Văn Cảnh, giám đốc ADC Pharma, nơi làm ra kẹo từ rau, nói rằng chọn lựa cách đăng ký sản xuất thực phẩm chức năng thay vì dược phẩm là tự lượng sức mình để tích luỹ năng lực, đồng bộ hoá với nhận thức của người trồng, tốc độ phát triển quy mô diện tích, các bước hoàn thiện quy trình chiết xuất (nhà máy đạt chuẩn GMP-WHO) và làm thành phẩm khớp nhu cầu thị trường.
Theo quy định, nhà máy có quy trình an toàn vệ sinh thực phẩm, thời gian nộp hồ sơ trong vòng một tháng mới có giấy phép, trong khi muốn làm dược phải có nhà máy sản xuất đạt tiêu chuẩn GMP-WHO và phải chờ giấy phép một năm. “Hiện nay, quy trình kiểm soát ở nhà máy Phước Thới theo quy trình dược dù làm thực phẩm chức năng; hy vọng giữa năm 2014, ADC có nhà máy sản xuất dược thì mọi việc sẽ chỉn chu”, ông Cảnh cho biết.
ADC “dò” nhu cầu thị trường và lọc từng dòng thảo dược để làm thực phẩm chức năng. Khi rau, củ, trái được chọn lọc để làm thực phẩm chức năng nông dân có nhiều cơ hội đa dạng hoá việc trồng tỉa, tránh bị động đầu ra như lúa gạo, cá. Riêng mặt hàng xirô ho, hiện nay nhà máy ở Phước Thới, Ô Môn, TP Cần Thơ chạy hết hai máy, công nhân làm ba ca, nhu cầu nguyên liệu rất lớn.
Tuy nhiên, cũng không đơn giản chút nào khi tinh dầu tràm phải mua ở Tây Ninh, tinh dầu tần dày lá mua ở Long An, An Giang, Cần Thơ, và tắc mua ở Chợ Lách, tỉnh Bến Tre; và Bình Thuỷ, TP Cần Thơ… Theo ông Cảnh, nhu cầu tinh dầu rất lớn, nhưng riêng tinh dầu tần dày lá cần 2.000 tấn (4 tấn cho 2 lít tinh dầu), khu vực miền Tây Nam bộ chỉ đáp ứng 400 – 500 tấn/năm.
Hiện nay, giá tắc 23.000 – 24.000 đồng/kg nhưng không có hàng. Ngược lại giữa mùa mưa, giá chỉ còn 1.500 – 2.000 đồng/kg, do tắc vào mùa rộ. ADC ký bao tiêu thí điểm với giá 5.500 đồng /kg tắc tại Cần Thơ, để tránh tình trạng đứt nguyên liệu và hướng sản xuất hoa kiểng vào dược liệu.
Theo ông Cảnh, mức dự trữ dạng xirô – tinh dầu tắc – khoảng 100.000 lít trong năm nay, nông dân có cơ hội bán hàng nhưng thách thức cũng rất lớn nếu họ không chọn giải pháp hữu cơ.
Sân chơi nhiều thử thách
Việt Nam có những loại thảo dược bậc nhất thế giới: như gấc ở Hải Dương, atisô ở Lâm Đồng, tần dày lá ở miền Tây; gừng ở Dăk Lăk, Gia Lai… (có đủ hai loại gừng trâu và gừng sẻ), đặc biệt gừng sẻ chiết xuất tinh dầu mới đủ độ cay, thơm để cho vô kẹo.
Tần dày lá trồng nhiều ở Cần Thơ, An Giang, Long An nhưng trồng chậu thì tươi tốt tới khi trồng theo quy mô lớn lại không dễ dàng chút nào. Hebacool từ chanh dây, tắc… cũng do ADC nghiên cứu thành công. Rau má được xem là loại thảo dược có triển vọng nhờ đặc tính giải độc, làm mịn da, nhưng giống bản địa quý hiếm đang bị giống lá to của Thái Lan lấn át, chỉ được lợi cho người xay sinh tố!
Thiếu chính sách bảo tồn và phát huy nguồn dược liệu bản địa khiến đất trồng thảo dược vốn đã ít lại càng ít hơn, khi những loại cây kinh tế khác lấn át. Năm 2007, chương trình Phát huy vai trò của phụ nữ trong sản xuất – quảng bá sử dụng rau bản địa do trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp Úc (ACIAR) tài trợ, công bố danh sách gồm nhiều loại rau quý hiếm được các chuyên gia nước ngoài phát hiện và gợi ý tưởng bảo tồn, phát triển thương mại… nhưng chuyện vườn rau, cây thuốc trong nhà chỉ loé lên như phong trào rồi thôi.
Hầu hết tân dược phải nhập nguyên liệu. Thảo dược thì có thể chủ động trồng trọt, chiết xuất, làm thành phẩm có tính khác biệt. Nhưng ông Cảnh tiếc rẻ nói: “Thiếu chính sách khuyến khích phát triển sản phẩm có giá trị sáng tạo từ nguồn dược liệu bản địa, cho thấy vai trò thực phẩm chức năng trong phòng bệnh chưa được coi trọng. Cách tính thuế thực phẩm chức năng là 10%, trong khi thuốc điều trị 5%, và hàng rào kiểm soát thực phẩm chức năng cũng như hoạt động của các công ty đa cấp không chặt chẽ, không đánh giá rõ ràng và cũng không phân định ai tốt ai xấu nên người tiêu dùng không biết đặt lòng tin vào đâu! Điều đó cũng làm cho người đàng hoàng khó sống”.