Trang chủ » Danh y xưa và nay » Câu chuyện Danh y » Dấu ấn Bác sĩ Trần Duy Hưng trong lòng người Hà Nội

Dấu ấn Bác sĩ Trần Duy Hưng trong lòng người Hà Nội

Bác sĩ Trần Duy Hưng  sinh năm 1912 trong một gia đình trung lưu, có học và nề nếp gia phong – ở xã Xuân Phương huyện Từ Liêm – Hà Nội. Ông theo học ngành y và tốt nghiệp bác sĩ cùng thời với các BS Tôn Thất Tùng, Phạm Ngọc Thạch, Đặng Văn Ngữ, Đặng Văn Chung, vào năm 1942 lúc 30 tuổi. Sau đó ông mở bệnh viện tư ở phố Thợ Nhuộm – Hà Nội chữa bệnh cứu người. Với lòng nhân đức, thương người ông thường chữa bệnh cho người nghèo không lấy tiền, được nhiều đồng bào kính trọng ca ngợi người bác sĩ phúc đức nhân từ. 

Lúc sinh thời nhà văn Nguyễn Đình Thi vẫn thường kể với đồng nghiệp ông không khi nào quên những ngày hoạt động cách mạng tiền khởi nghĩa ở Hà Nội cùng nhạc sĩ Văn Cao – mỗi khi mật thám Pháp truy lùng, chúng tôi lại lẩn vào trốn trong bệnh viện của BS Trần Duy Hưng như một bệnh nhân đang điều trị, được BS che chở, thế là thoát. Đối với cán bộ Việt minh đang hoạt động trong nội thành, khi bị ốm đau, được BS tận tình cứu chữa.
Sau cuộc Tổng khởi nghĩa cách mạng Tháng Tám thành công, khi về đặt "Bản doanh" ở 48 phố Hàng Ngang để viết Tuyên ngôn độc lập, Hồ Chủ tịch đã cho mời BS Trần Duy Hưng đến gặp, trong cuộc gặp Người nói: – Đoàn thể giao cho chú làm Chủ tịch Uy ban hành chính TP Hà Nội. Vì quá bất ngờ và xúc động lần đầu tiên được gặp lãnh tụ Hồ Chí Minh và được Người giao cho vinh dự lớn lao, BS Trần Duy Hưng thưa lại: – Thưa cụ, đây là một trọng trách quá lớn đối với một BS mới tham gia hoạt động trong phong trào yêu nước như tôi, xin cụ chọn người khác xứng đáng hơn. Nghe vậy Hồ Chủ tịch động viên: – Thì tôi có quen với việc làm Chủ tịch nước đâu, chúng ta cứ làm rồi sẽ quen. Vậy là BS Trần Duy Hưng đã trở thành Chủ tịch thành phố Thủ đô của chính quyền cách mạng được Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa giao cho – lúc ông 33 tuổi. 

Đảm nhận nhiệm vụ mới trong bối cảnh Hà Nội mới giành lại chính quyền còn bộn bề biết bao công việc phải lo cho dân – tưởng chừng khó có thể vượt qua được. Nhưng với sự lãnh đạo của Thành ủy và cùng với các đồng sự, Chủ tịch BS Trần Duy Hưng bắt tay ngay vào thực hiện những công việc cấp bách của Chính phủ lâm thời vừa đề ra là giải quyết nạn đói, diệt giặc dốt và chuẩn bị chống giặc ngoại xâm. Nạn đói dần dần được giải quyết với sự huy động tương trợ của chính quyền cứu giúp người nghèo, người đói. Học sinh, sinh viên, trí thức được huy động để mởi bình dân học vụ khắp nơi diệt giặc dốt. 

Tổ chức tuần lễ vàng để nhân dân TP ủng hộ chính quyền kiến thiết nước nhà… Một sự kiện trọng đại của đất nước diễn ra đầu năm 1946 đó là cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên trong toàn quốc để bầu ra QH, lập ra Hiến pháp, cử ra Chính phủ chính thức vào ngày 1-6. BS Trần Duy Hưng được Hồ Chủ tịch ủy nhiệm đọc cương lĩnh tranh cử của liên danh trước đại hội cử tri, và liên danh đã trúng cử cả 6 đại biểu với số phiếu cao nhất dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch BS Trần Duy Hưng. Đó là một thắng lợi lớn về chính trị góp phần xây dựng chính quyền cách mạng thủa ban đầu ở Thủ đô, trong đó BS Trần Duy Hưng đã góp nhiều công sức với trí tuệ, tài năng và phẩm cách của mình, được cử tri hoàn toàn ủng hộ. Và ông đã trở thành đại biểu QH liên tục từ khóa I đến khóa VI.

Gửi thảo luận