Bác sỹ Đặng Văn Ngữ sinh ngày 4/4/1910 tại làng An Cựu, tỉnh Thừa Thiên Huế. Năm l936, ông tốt nghiệp bác sỹ y khoa và là người Việt Nam đầu tiên được giữ lại làm phụ giảng cho Giáo sư Galliard – Chủ nhiệm bộ môn Ký sinh trùng, Hiệu trưởng trường Đại học Y khoa Đông Dương (tiền thân của trường Đại học Y Hà Nội. Năm 1942, ông là Trưởng phòng thí nghiệm Ký sinh trùng, hoàn thành 19 công trình nghiên cứu khoa học nổi tiếng. Do có nhiều công trình nghiên cứu có giá trị trong lĩnh vực y học nên năm 1943, ông chọn được đi du học với tiêu chuẩn là người có trình độ cao, hiện đại, xứng đáng cho nền y học của Pháp tại Việt Nam.
Trong thời gian học tập tại Nhật, ông tìm ra giống nấm sản xuất Penicillin và công bố 4 công trình khoa học có giá trị, gây được tiếng vang: “ Xác định loại nấm có tính kháng sinh cao”; “ Xác định công thức kháng sinh nguyên Salmonella”; “Đặc điểm tiến hóa của D. Mansoni”. Với những kết quả trong học tập cũng như nghiên cứu khoa học có giá trị, ông có điều kiện để sang Mỹ làm việc nhưng lúc nào ông cũng một lòng hướng về Tổ Quốc. Vì vậy, sau khi tốt nghiệp trường Đại học Y khoa tại Nhật Bản, ông quyết định trở về nước. Hành trang mà ông mang về nước là những kiến thức y học của Nhật, các nước Phương Tây và mang theo Souche Penicillium (*) có thể gây rất nhiều Penicillin: souche Q176 (**) của Mỹ.
Tháng 12 năm 1949, bác sĩ Đặng Văn Ngữ trở về Việt Nam trong hoàn cảnh đất nước đang tiến hành cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp đầy gian khó. Bộ đội và nhân dân bị thương vong nhiều nhưng thuốc men dành cho điều trị khan hiếm đặc biệt là các loại thuốc kháng sinh để phòng chống nhiễm khuẩn. Ngày 19/12/1949, trên đường về nước, tới Liên Khu IV, bác sĩ đã viết đơn gửi Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Hành chính Liên khu IV đề nghị với Chính phủ cho phép ông ở lại để nghiên cứu và sản xuất Penicillin. Trong thư, bác sỹ Đặng Văn Ngữ đề nghị Chính Phủ cung cấp một số phương tiện để nghiên cứu và chế tạo Penicillin và tỏ rõ tinh thần hết mình vì công việc. Ông viết: “ Về phần riêng tôi, tôi quyết không chữa bệnh riêng và nguyện để tất cả thì giờ và tâm trí vào công việc nghiên cứu” (1).
Đáp ứng nguyện vọng của ông, Chính Phủ, Hội đồng Quốc phòng tối cao đã chấp thuận và tạo mọi điều kiện để ông tiến hành công việc. Trong thư gửi bác Phạm Văn Đồng, ông có viết: “ Thấy Bác và các anh trong Chính Phủ và đoàn thể để ý giúp đỡ, tôi rất cảm động và nguyện sẽ không phụ lòng tin cậy của Bác và các anh”. (2)
Theo báo cáo số I ngày 25/8/1950 của Phòng Thí nghiệm trường Y Khoa- Đại học Việt Nam về vấn đề cung cấp Penicillin cho bộ đội, bác sỹ Tôn Thất Tùng đã viết: Penicillin là một thứ thuốc do giống nấm Penicillim Notatum sinh ra; vấn đề chế Penicillin chỉ là một vấn đề nuôi dưỡng các nấm ấy. Thời kỳ đó, có hai cách chế thuốc Penicillin: một cách đại quy mô- cần những máy móc mà chúng ta chưa có được và một cách tiểu quy mô mà mỗi phòng thí nghiệm có thể làm được.
Vận dụng vào hoàn cảnh đất nước, khắc phục những thiếu thốn, ông đã tìm ra cách điều chế Penicillin trong môi trường nước ngô; tránh nhiệt độ cao bằng cách để các chai lọ đựng mẫu nghiên cứu Penicillin ở các hầm, các suối- nơi có nhiệt độ trung bình từ 22-25 độ. Ông đã đặt ra những phương pháp giản dị, dễ làm để các y sỹ trẻ tuổi, sau một tháng tập sự có thể nuôi dưỡng được Penicillin. Thực chất, phương pháp bào chế Penicillin của bác sỹ Đặng Văn Ngữ như sau:
“ Nuôi penicillin trong một tube (***): tube này dùng để chuyên chở souche đi và chỉ dùng một tube này là đủ gây ra bao nhiêu penicillin cũng được.
* Khi muốn chế penicillin: đem nuôi một ít nấm penicillium Q 176 trên mặt nước ngô đựng trong một cái chai để nằm ngang.
* Năm ngày sau (ngày thứ 5 đến ngày thứ 8) trong nước ngô có chất Penicillien hiện ra và có thể dùng được: chỉ đem lọc chai nước ngô này là có Penicillin dùng.
* Vì vậy muốn ngày nào cũng có Penicillien thì ngày nào cũng phải repiquer Penicillium (****) vào nuôi trong các lọ mới.
Một thí dụ cụ thể: chiến dịch sắp mở ở mặt trận A: một y sĩ sẽ đi đến A một tuần trước với một tube có souche penicillium Q176 và một tuần trước sẽ mỗi ngày nuôi một penicillium trong một số lọ tùy theo sự cần dùng của mặt trận,và năm ngày sau đem lọc nước trong các lọ này, sẽ có Penicillin dùng cho thương binh hàng ngày” (3)
Với việc chế tạo thành công Penicillin, ông đã cứu chữa nhiều thương bệnh binh thoát khỏi nguy cơ tử vong do nhiễm trùng vết thương, góp phần vào thành công của cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp xâm lược. Sau khi hòa bình lập lại, ông tiếp tục giảng dạy và nghiên cứu tại trường Đại học Y Khoa. Ông là người xây dựng ngành Ký sinh vật Việt Nam. Năm 1957, ông sáng lập Viện sốt rét Ký sinh trùng và Côn trùng. Năm 1967, ông đã hy sinh tại đường Trường Sơn trong khi đang tiếp tục nghiên cứu căn bệnh sốt rét. Với những cống hiến to lớn trong nền y học, ngành y tế nước ta, bác sĩ Đặng Văn Ngữ đã được tặng thưởng nhiều huân huy chương, danh hiệu anh hùng lao động, đặc biệt, ngày 10/9/1996, ông được Nhà nước truy tặng giải thưởng Hồ Chí Minh đợt một về lĩnh vực y học. Tên của ông đã được đặt cho tên một trong những con đường thuộc ba thành phố lớn trong cả nước đó là: Hà Nội, Thừa Thiên Huế và Thành phố Hồ Chí Minh.
1. Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III, Phông Phủ Thủ Tướng, Hồ sơ 2769, Tờ 01
2. Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III, Phông Phủ Thủ Tướng, Hồ sơ 2769, Tờ 14
3. Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III, Phông Phủ Thủ Tướng, Hồ sơ 2769, Tờ 16
(*) Souche Penicilium: giống Penicillium
(**) Souche Q176: giống Q176
(***) Tube: ống
(****) Repiquer Penicililum: cấy Penicillium
Trang chủ » Danh y xưa và nay » Câu chuyện Danh y » Bác sĩ Đặng Văn Ngữ và cách thức bào chế Penicillin