Trang chủ » Danh y xưa và nay » Câu chuyện Danh y » Thời đi học – Ký ức của GS Đặng Hanh Đệ

Thời đi học – Ký ức của GS Đặng Hanh Đệ

GS Đặng Hanh Đệ[1] sinh năm 1936 tại Hà Nội. Bố ông là BS Đặng Hanh Kiên, từng tốt nghiệp trường Cao đẳng Y Dược Đông Dương năm 1921, được bổ làm y sĩ ở Hải Dương, Việt Trì, Tam Đảo, Lai Châu, Hà Nam, Hà Nội. Sau ngày kháng chiến toàn quốc (12-1946), cụ Kiên giữ chức Viện trưởng Quân y viện Tiểu đoàn Liên khu I Hà Nội, sau đó được lệnh giải tán bệnh viện rút ra ngoài, sơ tán về Bắc Ninh ở làng Ô Cách (huyện Yên Phong, Bắc Ninh) phụ trách Quân dân y Viện II tỉnh Bắc Ninh, rồi Thái Nguyên, Bắc Giang.
 Nghĩ về Hà Nội trước ngày kháng chiến bùng nổ (12-1946),GS Đặng Hanh Đệ nhớ về căn nhà số 71, phố Quán Thánh, ở đó cứ mỗi buổi tối ăn cơm xong, tất cả 5 anh em[2] tự giác vào phòng học. Hồi đó ông học Tiểu học tại trường Albert Sarraut, nhưng học được gần 3 năm thì Nhật đảo chính Pháp (3-1945), trường bị giải thể, ông chuyển sang học trường Đỗ Hữu Vị. Thời gian sau đó, ông cùng gia đình sơ tán về Bắc Ninh, học ở trường Hàn Thuyên trong khoảng thời gian từ 1947-1948. Học hết lớp 5, ông tự mình lo thủ tục chuyển trường về Bắc Giang nhập học ở trường Ngô Sỹ Liên và ở đây cho đến năm 1954 thì thi vào học ở Đại học Y Hà Nội. Khoảng thời gian ở đây để lại nhiều kỷ niệm sâu sắc và cũng chính là hành trang đầu đời để ông bước vào ngưỡng cửa trường Đại học.
Đi ở trọ
Trước khi gia đình chuyển về sống ở Bố Hạ, Bắc Giang, bố của ông – cụ Đặng Hanh Kiên được điều chuyển về Thái Nguyên công tác y tế một thời gian, các anh lớn thì đều tham gia vào bộ đội, chỉ có mẹ ông là bà Lê Thị Nhượng là ở đó. Hàng tháng hoặc đôi ba tuần ông lại quốc bộ về với mẹ.
Hồi đó, trường Ngô Sỹ Liên đóng ở Nhã Nam, ở trọ trong nhà dân với ông còn có 2 anh em ruột Nguyễn Quang Nhật và Nguyễn Quang Trung và Hồ Quốc Vỹ[3]. Bốn anh em góp gạo thổi cơm chung, mỗi tuần một lần cả nhóm lại quang gánh cuốc bộ xuống chợ Nhã Nam để mua cà chua – quả xanh, chín đủ cả và một ít thịt về ăn cho cả tuần. Những bữa ăn vẫn như nguyên trong trí nhớ của ông, nó gồm thịt kho mặn lẫn với mắm khô, ăn rè cả tuần, rau muống luộc chấm muối đánh tan với cà chua.

GS Đặng Hanh Đệ
Đáng nhớ nhất là vào những buổi tối mùa đông, 4 anh em trên một chiếc giường và đắp chung một chiếc chăn bông vá đủ loại màu, bông thì chỗ dầy chỗ mỏng, người này kéo thì người kia rét, giường lại chật, một người giở mình thì cả nhóm cùng phải làm theo. Ở vùng miền núi trung du Nhã Nam, mùa đông hiếm nước, chẳng đủ để dùng, mấy cậu học trò lại bắc thang xuống giếng đào thêm đất để lấy nước dùng. Đôi khi sáng dậy, không có nước rửa mặt, chỉ dụi cho tỉnh mắt rồi cứ thế đi học. Có lẽ cụm từ “tắm búng” cũng từ hoàn cảnh này mà ra. GS Đặng Hanh Đệ nhớ lại: “Mùa đông, cả tuần mới tắm một lần, ngồi kỳ ra ghét rồi lấy tay búng cho ghét bay ra. Cũng có khi chúng tôi ra đập thủy nông, nơi có nước dẫn của sông Cầu từ Thái Nguyên về Bắc Giang nhảy ùm xuống, vội lên xoa ít xà phòng rồi lại nhảy xuống và ra về. Ký ức mùa đông còn là những trận sốt rét mà đến bây giờ khi nghĩ lại ông vẫn còn cảm thấy rùng mình, tự hỏi sao ngày xưa lại có thể bạo gan đến như vậy: “Hồi học lớp 7, lớp 8, sốt rét khiến người tôi gầy nhom, lại mệt, thức ăn cũng chẳng có gì. Mấy anh em chúng tôi đều bị, rất gay go nên rủ nhau ra chợ, có mấy bà bán thuốc để ở trên mẹt, không có quán như bây giờ, hỏi họ bán cho thuốc sốt rét, họ đưa cho thuốc tiêm Kiđôxerom, tiêm vào tĩnh mạch. Mua về, chúng tôi tự tiêm cho nhau, bắt chước người lớn tiêm cho vì từ nhỏ chúng tôi ai cũng từng được đi tiêm. Bây giờ nghĩ lại, tôi thấy liều quá vì tiêm tĩnh mạch không cẩn thận sẽ bị đột tử nhưng lúc đó tôi thấy bình thường. Tiêm xong khỏi được vài tháng là thích rồi”.

Ấn tượng nữa là những bộ quần áo do tự tay ông nhuộm. Mùa hè thì mặc quần đùi, mùa đông thì mặc quần dài bằng vải lanh nhuộm nâu đến trường. Công việc nhuộm quần áo, đều do ông tự làm ở nhà, thường là vào đợt nghỉ hè: “Ra chợ mua củ nâu, thái ra, cho vào cối giã, vắt lấy nước hoặc giã ra, đun cho nóng, cho quần áo vải trắng vào chậu nước đó rồi ngâm, phơi, lại ngâm, khoảng 3, 4 nước (2 ngày) như vậy thì thành màu nâu thường. Muốn thành màu nâu gụ (màu đẹp) thì ngâm vào bùn. Càng những ao lâu năm, bùn càng đen, lấy lên, hoà ra, lấy nước rồi cho quần áo trắng vào ngâm khoảng 1 đêm giặt xong phơi, thành nâu gụ thì rất hãnh diện. Hồi đó, chúng tôi không ai được mặc màu trắng vì như vậy là chỉ điểm cho máy bay, đến khăn mặt còn phải nhuộm, chỉ được mặc màu nâu hoặc đen” – GS Đặng Hanh Đệ kể về quy trình nhuộm quần áo.
Những ngày đến trường
Vào đầu những năm 1950, lớp học của các ông thường được tổ chức ở đình làng Thễ, Thuộc Hạ. Giờ học không bao giờ cố định cả, có khi học ban ngày, có khi bắt đầu học từ 6-7 giờ tối, lúc thì lại bắt đầu từ lúc 2 giờ sáng, học đến 6-7 giờ sáng. Những lớp học được tổ chức vào buổi tối để tránh máy bay của giặc Pháp bắn phá, trường có phong trào “bảng đen, đèn sáng”, trên bảng có treo đèn bão, còn dưới lớp, mỗi học sinh đều tự trang bị cho mình một chiếc đèn tự chế bằng hộp díp đánh răng đã dùng hết, cho dầu, bông và bấc vào, dùng được vài ngày thì lại cho thêm dầu để dùng tiếp. Phong trào bảng đen, đèn sáng diễn ra sôi nổi, cả lớp chia làm 4 tổ, mỗi tổ chịu trách nhiệm một tuần để làm sao cho bảng đen, viết lên nhìn rõ được. Hắc ín để sơn bảng không có, các ông lấy nhọ nồi, than củi, dọc cây ráy trộn với nhau, giã ra và trát lên bảng để khô. Cũng có khi thì lấy rau lang trộn lẫn với than củi, dùng như vậy cũng chỉ được 1-2 ngày rồi phải làm lại thì mới nhìn thấy chữ ở trên bảng.

GS Đặng Hanh Đệ rất vui vẻ khi chia sẻ thêm rằng, trong tất cả các môn học, môn văn ông học kém, nhất là những bài luận, môn toán ông học giỏi nhất và ông cứ tự hào mãi. Đó là khi học lớp 5 ở trường Hàn Thuyên (Bắc Ninh), ông được cô giáo Nghiêm Chưởng Châu[4] cho điểm 20/20 [5] vì giải được bài toán khó. Trong thời kỳ học phổ thông, ông vui sướng biết bao khi nhận được học bổng trị giá một đồng, và ông đã dùng số tiền đó để mua một ít thuốc nhuộm về tự nhuộm lại chiếc quần do mẹ mình dùng tay khâu cho để có được màu gụ ưng ý, hãnh diện với bạn bè.
 Những kỷ niệm về một thời trở nên rôm rả hơn xen lẫn vẻ tự hào khi GS Đệ chợt nhớ ra rằng ông chính là người tham gia tổ chức kết nạp Đoàn cho thầy giáo dạy toán của mình. Ông được kết nạp Đoàn vào 1-5-1952, trước cả thầy giáo của mình. Là phân đội trưởng Chi đoàn của lớp, ông tự tay in Điều lệ Đoàn theo cách in litô và phổ biến cho các đoàn viên: “Lấy phiến đá mài, đổ nuớc, mài cho thật nhẵn. Ngồi vài ngày mới mài xong, để khô dùng mực viết ngược lên đá đó, để khô mực, lấy chanh hoà nước dội lên trên mặt đá, lấy mực làm sẵn, cho vào con lăn, chữ đó bám mực, lấy tờ giấy (giống như giấy gió) áp lên, lấy con lăn khác không có mực lăn lên, dở ngược lại thành ra chữ xuôi” – GS Đặng  Hanh Đệ  hồ hởi kể về một sáng kiến.

Sau hòa bình lập lại, năm 1954, Đặng Hanh Đệ về Hà Nội thi vào trường Đại học Y khoa Hà Nội, tốt nghiệp bác sĩ rồi trở thành Giáo sư nổi tiếng trong ngành Phẫu thuật Tim mạch-Lồng ngực nói riêng, của ngành Y nói chung. Tuy vậy, những hành trang thuở ban đầu khi đi học đã tôi luyện cho ông thêm bản lĩnh và động lực để cố gắng, nó như gia vị không thể thiếu của cuộc đời mà ông sẽ mãi mang theo.
 
Nguyễn Thanh Hóa – Hoàng Thị Liêm

Gửi thảo luận