Trang chủ » Danh y xưa và nay » Câu chuyện Danh y » Thuyền trưởng của “tàu cứu nạn”

Thuyền trưởng của “tàu cứu nạn”

TS.BS. Phạm Duệ sinh năm 1954, quê ở Đông Mỹ, Thanh Trì, Hà Nội, là con một gia đình viên chức ở Nam Định. Năm 1971 tốt nghiệp THPT với học lực giỏi, Phạm Duệ tình nguyện đi bộ đội. Cuối tháng 3/1977 được ra quân, anh chăm chỉ tự ôn tập để 3 tháng sau thi đỗ vào Trường đại học Y Hà Nội với số điểm vượt chuẩn. 6 năm là sinh viên trường y, vượt qua mọi khó khăn của cuộc sống sinh viên nghèo, anh vẫn phấn đấu học tốt.
 
Phạm Duệ tốt nghiệp bác sĩ y khoa với thành tích học tập khá, là đảng viên được kết nạp tại trường. Anh đủ tiêu chuẩn thi tuyển bác sĩ nội trú, nhưng nghĩ đến hoàn cảnh gia đình có 5 anh em, kinh tế khó khăn, không muốn bố mẹ phải tốn  kém lo cho mình thêm 3 năm nữa, anh quyết định ra trường đi làm ngay.

Phấn đấu khởi đầu sự nghiệp

Năm đó (1983) 3 bác sĩ được giới thiệu về Khoa Hồi sức cấp cứu A9 BV Bạch Mai thì 2 người xin rút. Còn lại một mình Phạm Duệ cũng xao động và lo lắng. Khoa A9 là nơi làm việc vất vả nhất, căng thẳng liên tục không kể ngày đêm, đòi hỏi các bác sĩ phải luôn nâng cao trình độ. Anh hiểu được về làm việc tại Khoa A9 là một vinh dự. Anh chấp nhận dấn thân vào chuyên ngành đầy thử thách này.

Tiếp nhận anh, GS. Vũ Văn Đính thay mặt lãnh đạo khoa ân cần dặn dò: Anh đã được rèn luyện và trưởng thành trong quân đội, trong nhà trường, chúng tôi mong anh làm việc tốt và hãy tự khẳng định mình.

Phạm Duệ xác định nhiệm vụ chính lúc này là học tập. Sách vở thời bấy giờ rất thiếu thốn, anh tranh thủ mượn sách của thầy, mượn các bài giảng chép tay của các bác sĩ nội trú, chăm chú lắng nghe khi theo các thầy đi buồng. Để nhanh chóng làm quen công việc, nắm bắt kiến thức chuyên ngành và hòa nhập thực sự vào tập thể A9, BS. Duệ xin vào ở tạm trong khoa, tại phòng các bác sĩ nội trú.
 
Anh tích cực làm việc và thầm lặng, miệt mài học hỏi. Anh thường xuyên tham gia cấp cứu bệnh nhân vào giờ nghỉ, ngày nghỉ. Sau 1 năm về Khoa A9, do ăn uống kham khổ cùng chế độ làm việc ngày đêm tại khoa đã khiến anh bị xuất huyết tiêu hóa, biến chứng của bệnh dạ dày anh mắc từ trước. Nhờ các đồng nghiệp cùng tổ công tác chăm sóc tốt, anh cố gắng làm việc ngay cả trong những ngày bị bệnh.

 

Suốt 35 năm theo nghề: 6 năm đi học vất vả, 29 năm theo nghề cấp cứu, TS. Duệ đã dâng hiến toàn tâm toàn sức cho sự nghiệp y học. Nghề chữa bệnh cứu người rất vất vả, chuyên ngành hồi sức cấp cứu và chống độc lại càng vất vả, phải hy sinh nhiều hơn. Ngày ngày, tháng tháng lo nghĩ đến những bệnh nhân nặng, lúc nào cũng căng thẳng với chẩn đoán, điều trị.
 
 
Sáng đi sớm nắm tình hình bệnh nhân trước giờ giao ban, chiều tối luôn về muộn vì hội chẩn cho bệnh nhân nặng, hoặc viết báo cáo khoa học cần hoàn thành gấp. Ðiện thoại di động luôn sẵn sàng đáp ứng công việc cấp cứu ngày đêm. Anh biết mình luôn có lỗi với gia đình. Việc chăm nom gia đình từ miếng ăn, cái mặc, việc học hành của hai con phần lớn đều nhờ người vợ đảm đang.

Trưởng thành cùng chuyên ngành chống độc

 

Năm 1995 anh được cử đi thực tập ở Thái Lan. Trở về, BS. Phạm Duệ được GS.Đính tín nhiệm giao cho làm Tổ trưởng Tổ Hồi sức chống độc mới thành lập. Áp dụng những điều học được ở nước ngoài, được sự đồng ý của  thầy, BS. Duệ đã cho tổ thực hiện chăm sóc toàn diện cho bệnh nhân theo chế độ 3 ca 4 kíp, một thử nghiệm đầu tiên ở chuyên ngành hồi sức Việt Nam. Sau 3 tháng thử nghiệm thành công, công tác chăm sóc toàn diện được triển khai rộng tại Khoa A9 Bệnh viện Bạch Mai.

Cuối năm 1998 Bộ Y tế quyết định thành lập Khoa Chống độc, đến 17/9/2003 được nâng cấp thành Trung tâm Chống độc  (TTCĐ) BV Bạch Mai, bổ nhiệm GS.TS. Nguyễn Thị Dụ là Giám đốc, BS. Phạm Duệ là Phó giám đốc. TTCĐ ngày càng phát triển, đạt được nhiều thành tích: tỉ lệ tử vong do ngộ độc đã giảm từ 8,5% (1998) xuống còn trên dưới 1% trong các năm gần đây. Hơn 50 đề tài nghiên cứu khoa học và hàng chục cuộc hội nghị hội thảo chuyên ngành trong nước và quốc tế đã góp phần đưa chuyên ngành chống độc tiếp cận với những kiến thức khoa học hiện đại của thế giới, được nhân dân và đồng nghiệp tin cậy.

Tháng 5/2007, TS. Phạm Duệ được bổ nhiệm Giám đốc TTCĐ.  Anh đã kiên trì đề nghị và được Bộ Y tế ra quyết định bổ sung cho TTCĐ nhiệm vụ khám chữa bệnh cho các bệnh nhân nội khoa. Số giường bệnh của trung tâm cũng được bệnh viện tăng từ 20 thành 35 giường.
 
Hiện nay, ngoài nhiệm vụ chính trong lĩnh vực phòng chống ngộ độc, TTCĐ đang hoạt động như một Khoa Nội tổng hợp và đã tiếp nhận hàng nghìn bệnh nhân cấp cứu nội khoa. Với kiến thức rộng và kinh nghiệm nhiều năm làm hồi sức cấp cứu cùng với tinh thần tận tụy vì người bệnh, TS. Duệ đã cùng tập thể BS của trung tâm tổ chức hội chẩn nội bộ rồi hội chẩn liên khoa, liên viện tìm ra bệnh và chữa khỏi cho các bệnh nhân mắc các căn bệnh nặng, bệnh hiểm nghèo, hiếm gặp, khó chẩn đoán.

Một thầy thuốc tận tụy và tâm đức

Nhiều nghiên cứu khoa học của TTCĐ có những đóng góp quan trọng của BS. Duệ: Đề tài nghiên cứu cấp Bộ: Xây dựng và hoàn thiện phác đồ điều trị ngộ độc thuốc trừ sâu phospho hữu cơ của TS. Duệ, đưa tỉ lệ tử vong từ 20% xuống còn 1,8% (so với hơn 20-40% của các tác giả khác trên thế giới) thực hiện từ 1989 và kết thúc bằng luận văn tiến sĩ của anh năm 2002. Đề tài Ứng dụng các biện pháp lọc máu ngoài cơ thể vào điều trị ngộ độc nặng có biến chứng thực hiện trong giai đoạn 2007 – 2010 do anh làm chủ nhiệm, đã đưa những tiến bộ trong chuyên ngành hồi sức thế giới vào thực hiện hằng ngày ở TTCĐ.
 
Nhiều nghiên cứu khác của TTCĐ do anh chủ trì như: Nghiên cứu về ngộ độc các thuốc thường gặp,Nghiên cứu sản xuất và ứng dụng bộ rửa dạ dày kínNghiên cứu giải độc heroinNghiên cứu chống tái nghiện heroin bằng naltrexonNghiên cứu về chẩn đoán và điều trị ngộ độc hóa chất bảo vệ thực vật đã mang lại những tiến bộ rõ rệt trong chẩn đoán và điều trị cho bệnh nhân ngộ độc.
 
TS. Phạm Duệ còn là Phó trưởng Bộ môn Hồi sức cấp cứu Trường đại học Y Hà Nội, đã hoàn thành tốt các giờ giảng cho sinh viên đại học và học viên sau đại học của trường. Anh rất quan tâm đến việc nâng cao năng lực chuyên môn cho cán bộ tuyến dưới và xây dựng mạng lưới phòng chống độc các địa phương.
 
Cùng với giáo sư đầu ngành và các cộng sự, anh đã tham gia viết 18 đầu sách hướng dẫn điều trị ngộ độc, đi chỉ đạo tuyến tại 41 tỉnh thành, mở nhiều lớp ngắn ngày để truyền đạt các phác đồ cấp cứu ngộ độc và kinh nghiệm chống độc cho hơn 1.000 học viên ở khắp 8 vùng 3 miền của đất nước. Anh thường xuyên tham gia tuyên truyền trên các báo, đài về phòng tránh ngộ độc.
 
Bệnh nhân ngộ độc thường rất nặng, chi phí điều trị lên đến hàng chục, hàng trăm triệu đồng, trong khi bệnh nhân lại nghèo, không có BHYT. Vì vậy, có người bệnh xin về hoặc có gia đình bỏ người thân ở lại “nhờ bệnh viện chữa hộ, vì nhà hết tiền rồi”. Khó khăn lại dồn đến cho các thầy thuốc. Nhiều người được cứu sống từ các hoạt động từ thiện của trung tâm.
 
Để hỗ trợ kịp thời, những đồng tiền trợ giúp đầu tiên lại đến từ những ngày lương của các BS, y tá  trung tâm. TS. Phạm Duệ cùng các đồng nghiệp phải tìm kiếm sự ủng hộ từ các quỹ từ thiện, từ các nhà hảo tâm để tiếp tục cứu chữa bệnh nhân của mình đến cùng. Tiền quỹ được lãnh đạo trung tâm quản lý chặt chẽ và phát huy hiệu quả cao. Thế nhưng có bài báo đưa tin không xác thực làm buồn lòng các thầy thuốc đầy lòng nhân ái. TS. Duệ khẳng định: Những người thầy thuốc ở TTCĐ dù khó khăn vất vả vẫn tiếp tục công việc cứu người.
 
Một tờ Báo điện tử ngày 17/10/2011 có bài: Những lương y xem nhẹ chiếc phong bì. Bài báo viết về những người thầy thuốc ở TTCĐ đã làm việc thực sự bằng cái tâm, dù đời sống còn chật vật. Các thầy thuốc đã kiên trì và tự giác thực hiện “nói không với phong bì tiêu cực” từ nhiều năm trước. Cũng đã từng có nữ nhà báo trẻ của một tờ báo chưa tin sự thật ấy.
 
Cô dành hẳn 3 ngày lặng lẽ theo dõi và hỏi chuyện những người vào và ra TTCĐ về việc có đưa phong bì không. Tất cả đều trả lời không, có cụ già còn đưa ra bằng chứng: Phong bì tôi đưa cho bác sĩ bị trả lại đây. Cuối ngày thứ ba, cô vào gặp Giám đốc Phạm Duệ tâm phục khẩu phục nói rằng: Bác sĩ, y tá trung tâm anh tốt quá.

Chú trọng làm tốt nhiệm vụ chuyên môn, đề cao thực hiện y đức, TS. Phạm Duệ cũng luôn quan tâm tạo điều kiện cho các bác sĩ chống độc có thêm thu nhập chính đáng bằng việc tham gia khám chữa bệnh ngoài viện. Anh đã liên hệ với Bệnh viện đa khoa Bãi Cháy tổ chức đưa đội ngũ bác sĩ có chất lượng cao về phục vụ nhân dân Quảng Ninh. Trung tâm tạo điều kiện để các bác sĩ mỗi tháng dành 3 ngày nghỉ bù trực đến làm việc tại đây. Đó là một mô hình tốt được nhiều cán bộ, ngành và địa phương khen ngợi.

 TS. Phạm Duệ và các giáo sư Hoa Kỳ tại Hội thảo Chống độc Việt Nam – Hoa Kỳ (11/2008)

Ði ra biển lớn

TS. Duệ đã lãnh đạo trung tâm tham gia tích cực các hoạt động khoa học đối ngoại. Nhờ đó uy tín của TTCĐ được nâng cao trong khu vực và thế giới, TS. Phạm Duệ được đồng nghiệp trong ngành nể trọng. Năm 2009, Bộ Y tế Ấn Độ đã cử 30 bác sĩ cao cấp đến thực tập và trao đổi kinh nghiệm chẩn đoán và điều trị ngộ độc tại TTCĐ BV Bạch Mai trong 2 tháng. Sau hoạt động này, TTCĐ được WHO công nhận là một trong các cơ sở đào tạo của WHO.

Tháng 11/2010, TTCĐ đã tổ chức thành công Hội nghị chống độc châu Á – Thái Bình Dương lần thứ 9 có sự tham gia của hơn 200 nhà khoa học đến từ 19 nước với chủ đề: Hợp tác chống độc từ kinh nghiệm khu vực đến tầm nhìn quốc tế. Các bạn quốc tế đến từ 4 châu lục (Á, Âu, Mỹ, Úc) đánh giá cao về nội dung, trình độ tổ chức và sự tiếp đón nồng nhiệt của Việt Nam. GS. Winai Wananukul – Chủ tịch Hội Chống độc châu Á – Thái Bình Dương cảm ơn Việt Nam đã tổ chức hội nghị rất tốt cả về nội dung và hình thức và coi đó là một dấu son vinh dự cho nhiệm kỳ Chủ tịch Hội của ông.

Thầy thuốc ưu tú, TS. Phạm Duệ, đảng ủy viên Đảng bộ BV Bạch Mai, là người có ý chí, sống giản dị và điềm đạm chân tình với đồng nghiệp và học trò. Anh đã có nhiều đóng góp trong công tác phòng chống ngộ độc, góp phần hoàn thành nhiệm vụ của ngành trong sự nghiệp bảo vệ sức khỏe nhân dân.
 
Trong mọi thành công của mình, TS. Phạm Duệ luôn bày tỏ sự tri ân tới công lao dìu dắt, đào tạo và quan tâm của GS. Vũ Văn Đính – Anh hùng Lao động, người thầy của chuyên ngành hồi sức  cấp cứu Việt Nam và GS. Nguyễn Thị Dụ – Giám đốc đầu tiên của TTCĐ mà anh là người kế tục sự nghiệp rất vinh quang của  các thầy.
Trần Giữu


Gửi thảo luận