Trang chủ » Phổ biến kiến thức » Chuyên gia mách nhỏ » Đừng để mất trí nhớ vì thuốc ngủ

Đừng để mất trí nhớ vì thuốc ngủ

Đó là kết quả nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học Trường ĐH Harvard (Mỹ) và Trường ĐH Bordeaux (Pháp). Các nhà khoa học cho rằng, tác dụng phụ của thuốc ngủ quá nghiêm trọng nên khuyến cáo các bác sĩ không nên kê toa nhóm thuốc ngủ benzodiazepine.

 

Trước đây đã có những nghiên cứu cho thấy thuốc ngủ nhóm benzodiazepine – được xem là ít độc hơn các nhóm thuốc phenobarbital và meprobamate – có tác dụng phụ như dễ té ngã, lo sợ bị tấn công và mất trí nhớ. Nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ và Pháp đã tái khẳng định những tác dụng phụ kể trên với mức độ nghiêm trọng hơn. Đặc biệt, họ phát hiện có đến gần 50% những người trên 65 tuổi dùng thuốc nhóm benzodiazepine mắc bệnh mất trí nhớ (lú lẫn).
 

Công trình nghiên cứu nói trên vừa đăng trên tạp chí chuyên ngành British Medical Journal ngày 27/9 cho biết, các nhà khoa học đã theo dõi 1.063 người trên 65 tuổi ở miền Nam nước Pháp trong thời gian 20 năm. Trước khi tham gia nghiên cứu, tất cả đều chưa bị mất trí nhớ và chưa dùng thuốc ngủ nhóm benzodiazepine.

Kết quả cho thấy, 253 người mắc bệnh mất trí nhớ sau khi uống thuốc benzodiazepine trong vòng một tuần (thuốc này được chỉ định không nên dùng quá một tuần) tại một thời điểm nào đó trong thời gian 15 năm. Tỷ lệ mắc bệnh được ghi nhận là 48%. Trong nhóm đối chứng không dùng thuốc ngủ, chỉ có 32% mắc bệnh này.

Giáo sư Tobias Kurth, người tham gia cuộc nghiên cứu trên chia sẻ: “Loại thuốc ngủ này thực sự nguy hiểm. Nguy cơ dẫn đến bệnh mất trí nhớ là rất lớn. Tuy nhiên, không nên quá hốt hoảng. Thuốc ngủ loại này vẫn hữu ích nếu được bác sĩ chỉ định đúng mực”.

Trên thực tế, tại Mỹ và Anh, số người dùng benzodiazepine để chữa bệnh mất ngủ và lo âu đã giảm 40% trong 20 năm qua với lý do sợ gây nghiện. Nay, với kết quả nghiên cứu trên, có thêm một lý do khác để những người cao tuổi hạn chế tối đa dùng thuốc ngủ bởi lợi bất cập hại.

 

Gửi thảo luận