BS Nguyễn Quang Trung, Viện trưởng Viện Chỉnh hình phục hồi chức năng (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) cho biết, thói quen đi giày cao gót sẽ gây hại cho sức khỏe. Từ góc độ chuyên môn, ông khuyên chị em phụ nữ nên hạn chế thời gian sử dụng giày cao gót, đi càng ít càng tốt.
Vì khi đi giày cao gót bàn chân phải ở một tư thế duỗi quá mức, không phải tư thế sinh lý bình thường. Đi giày cao gót thì mũi bàn chân sẽ phải chịu lực là chính, chứ không phải là gót bàn chân phải chịu lực như bình thường. Đi nhiều có thể gây đau, thoái hoá khớp, đôi khi gây những thay đổi không tốt đến phần mềm như gân, cơ, đau cột sống, bong gân…
Gót cao bao nhiêu là vừa?
Người ta nghiên cứu thấy rằng gót giày cao vừa phải sẽ giúp bước chân nhẹ nhàng hơn vì làm giảm bớt sức căng của gân gót. Tuy nhiên nếu cao quá thì làm thay đổi trọng tâm của bàn chân, khiến sự cân bằng của các nhóm cơ đối vận bị xáo trộn làm các cơ bắp mau mỏi mệt do phải cố gắng duy trì sự thăng bằng mới cho cơ thể.
Trong sinh hoạt và lao động hàng ngày, không nên đi giày đế cao hơn 7cm. Tùy tuổi và giới tính mà chọn giày có gót như sau:
Trẻ dưới 8 tuổi: đế bằng.
Trẻ 8 – 10 tuổi: không cao quá 2cm.
Trẻ gái trên 10 tuổi: không cao quá 3,5cm.
Bé trai trên 10 tuổi: không cao quá 2,5cm.
Phụ nữ: 3 – 7cm, trung bình là 5cm.
Đàn ông: 2 – 5 cm, trung bình là 3cm.