Đêm hội tôn vinh thầy thuốc
Dịp này, có bốn thầy thuốc được tôn vinh gồm: đại úy, bác sĩ Nguyễn Quang Ánh, bác sĩ tại trại giam Thủ Đức, nhiễm HIV trong khi chăm sóc bệnh nhân; bác sĩ Phạm Đức Giàu (Thái Bình) đã mất ngay trong ca trực; bác sĩ Triệu Văn Dân, Trạm y tế Khánh Long, Tràng Định, Lạng Sơn, 17 năm gắn bó với trạm y tế vùng sâu nhất của tỉnh miền núi Lạng Sơn và GS.TS Bùi Đức Phú, giám đốc Bệnh viện Đa khoa T.Ư Huế, một trong những thầy thuốc đầu ngành về mổ tim hở, ghép tim… ở VN.
Ngày 3-3 tới, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến sẽ trao tặng danh hiệu Anh hùng lao động cho GS.TS Bùi Đức Phú. Phát biểu tại buổi lễ, bà Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng ngoài những khó khăn về cơ sở vật chất, ngành y đang phải đối mặt với những vấn đề y đức, khiến những nỗ lực, hi sinh của nhiều thầy thuốc đôi khi bị che khuất bởi những định kiến. Những thầy thuốc được tôn vinh lần này và các thầy thuốc là nhân vật trong cuộc thi “Sự hi sinh thầm lặng” đã góp phần khôi phục những phẩm chất cao đẹp của người thầy thuốc như lòng vị tha, yêu thương con người, lòng tận tâm (Tuổi trẻ trang 17, Thanh niên trang 2).
Xã có 23 người nhiễm HIV/AIDS
Với hàng ngàn người đang làm ăn xa, trong đó hầu hết ở Lào, xã thuần nông nghèo khó – Lộc Bổn, huyện Phú Lộc (tỉnh Thừa Thiên – Huế) giàu nhanh với nhiều nhà lầu, xe hơi. Đằng sau sự hào nhoáng vật chất, những người Lộc Bổn tha hương chao đảo vì HIV/AIDS, con cái đối diện nguy cơ thất học.
Kéo nhau làm ăn xa
Hơn mười năm trước, những cư dân đầu tiên của xã Lộc Bổn đến đất nước Triệu Voi lập nghiệp, kiếm kế sinh nhai. Họ làm đủ việc từ thợ xây, lái xe, cắt tóc, móng chân móng tay…. Người trước kéo người sau, anh chị em dìu nhau, cứ thế mà nay chỉ riêng thôn Hòa Vang, số người đi Lào đã xấp xỉ cả ngàn người. Ông Trần Văn Hoa – Chủ tịch UBND xã Lộc Bổn – nhẩm tính: “Toàn xã có 2.700 hộ dân, 15.000 nhân khẩu. Chưa thống kê cụ thể, nhưng Lộc Bổn ước có đến 3.000 – 4.000 người đang sinh sống, làm việc tại Lào”. Nhanh chóng giàu có, khắp xã dân cất nhà lầu hoành tráng, mua xe hơi: “Tết năm nay, số xe hơi trong xã đã tăng gấp đôi, ước tính cũng đã lên đến vài trăm chiếc. Người sau thi đua người trước sắm xe” – ông Hoa tự hào nói.
Ở xã này, trẻ ba bốn tuổi đã có hộ chiếu riêng, số năm đi Lào cũng bằng số tuổi và đối diện với nguy cơ thất học. Ông Phạm Văn Ngọc (thôn Hòa Vang) dắt díu cả gia đình sang Lào làm ăn gần chục năm nay. Hai đứa con Phạm Thị Uyên (4 tuổi), Phạm Thị Cúc (16 tháng tuổi) phải theo chân cha mẹ: “Con nhỏ qua bên đó không được đi học, chăm nom cũng đau lòng lắm. Hy vọng vài năm nữa, tích cóp được tiền, vợ chồng về quê để con được đến lớp” – ông Ngọc dự tính. Còn những đứa trẻ ở lại quê đến lớp lại không có sự giám sát của cha mẹ đâm ra hư hỏng, bỏ học rồi cũng theo cha mẹ đi Lào, đang trở thành cái vòng luẩn quẩn.
“Ết” nhiều
Ở nơi đất khách quê người, túi tiền rủng rỉnh, lại không làm chủ được hành vi, thiếu kiến thức, khiến nhiều người “rước” vào thân căn bệnh thế kỷ lúc nào không hay biết. Trường hợp ông N.P.H (thôn Hòa Vang) khiến nhiều người không khỏi ngỡ ngàng. Ông H vốn là nông dân hiền lành, chất phác. Sang Lào làm thợ xây, hằng tháng, ông H gửi tiền đều đặn về cho vợ xây nhà, nuôi hai con ăn học. Chỉ đến khi ông H trở về quê với thân hình gầy rộc, lở loét thì bệnh đã chuyển sang giai đoạn AIDS.
Ông H qua đời, bà N.T.B.T đi xét nghiệm kết quả là đã nhiễm bệnh từ chồng. Như ông H, nhiều gia đình tại thôn Hòa Vang cũng chao đảo vì HIV. Ông Nguyễn Văn Linh – trưởng thôn Hòa Vang – cho biết, toàn thôn có 22 người nhiễm HIV/AIDS, trong đó có 14 người đã tử vong. Hầu hết đều bị từ Lào. “6 năm trước, người đầu tiên trong thôn chết vì căn bệnh AIDS, người dân đã hết sức hoang mang, lo lắng. Bây giờ, được tuyên truyền, tập huấn nên đỡ sợ, kỳ thị với những người có H” – ông Linh nói.
Xã Lộc Bổn hiện có 23 trường hợp người dân nhiễm và một cháu bé – con của cặp vợ chồng nhiễm HIV/AIDS – chờ xét nghiệm để khẳng định Trong đó, chủ yếu ở 4 thôn Hòa Vang, Bình An, Thuận Hóa, Hòa Mỹ. 90% số trường hợp nhiễm bệnh từ con đường quan hệ tình dục không an toàn: “Năm 2012 phát hiện 3 trường hợp. Việc thống kê số người nhiễm HIV/AIDS chỉ mang tính chất tương đối chứ chưa phải là con số thực tế, bởi có nhiều trường hợp chưa làm xét nghiệm, hoặc khai giả tên tuổi khi làm xét nghiệm nên không thể nắm được” – ông Hoa nói (Lao động trang 2).
Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27-2: Đồng chí Đinh Thế Huynh thăm và chúc mừng các y, bác sĩ
Nhân dịp kỷ niệm 58 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27-2-1955 – 27-2-2013), hôm qua, đồng chí Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương và đồng chí Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế đã tới thăm và chúc mừng cán bộ công chức, viên chức Bệnh viện Việt Đức và Bệnh viện Y học cổ truyền T.Ư.
TS. Nguyễn Tiến Quyết, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức đã báo cáo những thành quả đội ngũ bác sĩ, cán bộ bệnh viện đạt được trong thời gian qua. Đây là bệnh viện tiên phong triển khai hiệu quả những chương trình lớn như bệnh viện vệ tinh; đưa bác sỹ về hỗ trợ và chuyển giao kỹ thuật tại vùng sâu, vùng xa; xây dựng chuyên sâu một số lĩnh vực thế mạnh như khám, ghép cơ quan, mổ ghép tim, thận…
Đồng chí Đinh Thế Huynh đã chúc mừng những thành tựu mà bệnh viện Việt Đức làm được trong những năm qua, biểu dương bệnh viện luôn phát huy được truyền thống y đức của người thầy thuốc Việt Nam trong công tác điều trị bệnh nhân. Trên tinh thần đó, đồng chí Đinh Thế Huynh đề nghị trong năm 2013 bệnh viện phát huy hơn nữa sự đoàn kết để điều trị bệnh, cứu người, xây dựng bệnh viện là bệnh viện hàng đầu cùng góp phần trong công cuộc chăm sóc bảo vệ sức khỏe nhân dân. Tới thăm bệnh viện Y học Cổ truyền T.Ư, đồng chí Đinh Thế Huynh mong muốn bệnh viện sẽ phát huy những bài thuốc quý của dân tộc; kết hợp có hiệu quả y học cổ truyền với y học hiện đại trong khám chữa bệnh (Tiền phong trang 2).
Tôn vinh sự hy sinh thầm lặng của người thầy thuốc
Tối 25-2, Bộ Y tế tổ chức chương trình nghệ thuật và trao giải cuộc thi "Sự hy sinh thầm lặng" tôn vinh người thầy thuốc ViệtNam. Ðây là một trong những hoạt động của ngành y tế kỷ niệm 58 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27-2). Tới dự, có các đồng chí: Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Y tế; Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của QH.
Tại buổi lễ, ban tổ chức đã tôn vinh bốn thầy thuốc có những đóng góp lớn trong sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân là: bác sĩ Phạm Ðức Giàu – người đã bị người nhà bệnh nhân đâm chết ngay tại Bệnh viện Ða khoa huyện Vũ Thư (Thái Bình) trong khi đang làm nhiệm vụ; Thượng úy Nguyễn Quang Ánh, bác sĩ tại trại giam Thủ Ðức xã Tân Ðức (Hàm Tân, Bình Thuận), nhiễm HIV khi chăm sóc người bệnh; GS, TS Bùi Ðức Phú, Giám đốc Bệnh viện T.Ư Huế, người có nhiều đóng góp trong lĩnh vực tim mạch Việt Nam và bác sĩ Triệu Văn Dân, 17 năm làm thầy thuốc ở trạm y tế miền núi của tỉnh Lạng Sơn. Ðây chỉ là số ít trong rất nhiều tấm gương các thầy thuốc Việt Nam trên mọi miền đất nước.
Với đóng góp của đội ngũ cán bộ y tế, đến nay tuổi thọ trung bình của người Việt Nam tăng lên đáng kể, đạt 73 tuổi; tỷ số tử vong mẹ giảm ba lần từ những năm 1990; tất cả các xã, phường và 90% số thôn, bản đã có nhân viên y tế, hơn 70% số xã có bác sĩ hoạt động… Các cán bộ y tế đã trở thành những "chiến sĩ áo trắng" trên mặt trận phòng, chống dịch bệnh, chữa bệnh và bảo vệ sức khỏe nhân dân. Tuy vậy, trong đội ngũ thầy thuốc vẫn còn những "con sâu làm rầu nồi canh" khiến nhân dân chưa hài lòng. Bên cạnh đó, tình trạng quá tải và chất lượng chăm sóc người bệnh trước hoàn cảnh thực tế hiện nay vẫn là câu hỏi nhức nhối. Ðâu đó vẫn còn bóng dáng của các cán bộ y tế chưa thực hiện được lời dạy của Bác Hồ "thầy thuốc như mẹ hiền". Tuy nhiên với sự tin tưởng và trách nhiệm được giao, những người thầy thuốc sẽ vượt qua chính mình, xứng đáng với niềm tin cậy mà nhân dân gửi gắm. Nhân dịp này, Báo Sức khỏe và Ðời sống trao giải cho 18 tác phẩm xuất sắc đoạt giải cuộc thi viết "Sự hy sinh thầm lặng" của người thầy thuốc.
* Sáng 25-2, đồng chí Ðinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Ðảng, Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư đến thăm và chúc mừng các thầy thuốc tại hai bệnh viện: Hữu nghị Việt – Ðức và Y học cổ truyền T.Ư nhân Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27-2). Cùng đi có Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến.
Tại Bệnh viện Hữu nghị Việt – Ðức, thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư, lãnh đạo Ban Tuyên giáo T. Ư, đồng chí Ðinh Thế Huynh chúc mừng các thầy thuốc trong cả nước nói chung và 1.700 thầy thuốc, người lao động đang công tác làm việc tại Bệnh viện Hữu nghị Việt – Ðức nói riêng lời chúc mừng tốt đẹp nhân dịp năm mới và Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27-2. Ðồng chí đánh giá cao những thành tích đạt được của tập thể cán bộ, giáo sư, thầy thuốc, bác sĩ, người lao động của bệnh viện trong hơn 100 năm qua.
Ðây không chỉ là nơi trị bệnh cứu người, một trung tâm ngoại khoa hàng đầu của cả nước mà còn là cái nôi của nhiều phong trào cách mạng. Ðồng chí Ðinh Thế Huynh đánh giá cao việc trong điều kiện còn nhiều khó khăn nhưng bệnh viện vẫn triển khai tốt các chương trình phát triển bệnh viện vệ tinh, đưa bác sĩ về hỗ trợ và chuyển giao kỹ thuật tại các địa phương, nhất là phát triển thế mạnh trong lĩnh vực ngoại khoa, nhờ đó đạt kết quả tốt trong cứu chữa cho người bệnh. Ðồng chí mong rằng, tập thể thầy thuốc Bệnh viện Việt – Ðức tiếp tục học tập, nghiên cứu để: uyên thâm về y lý, tinh thông y nghiệp, trong sáng về y đức. Bên cạnh đó những người thầy thuốc, người lao động của bệnh viện cần đoàn kết, chung lòng xây dựng là bệnh viện hàng đầu; một trung tâm ngoại khoa, trung tâm khoa học hàng đầu của đất nước về y học; là nơi đào tạo những người thầy thuốc vừa có tài, vừa có đức của nước nhà.
Tại Bệnh viện Y học cổ truyền T.Ư, đồng chí Ðinh Thế Huynh bày tỏ sự vui mừng trước sự phát triển của đội ngũ những người thầy thuốc với sứ mệnh cao cả là giữ gìn và phát triển nền y học cổ truyền; nơi đi tiên phong trong việc "dùng thuốc Nam chữa bệnh cho người nước Nam" như mong muốn của Ðại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác. Ðồng chí Ðinh Thế Huynh đề nghị Bệnh viện Y học cổ truyền T.Ư tập trung kế thừa và phát huy hơn nữa vốn y học cổ truyền hàng nghìn năm của dân tộc trong trị bệnh, cứu người. Những thầy thuốc y học cổ truyền cần kết hợp chặt chẽ y học cổ truyền và y học hiện đại trong khám và chữa bệnh cho người bệnh. Cùng với đội ngũ những người thầy thuốc Việt Nam, các thầy thuốc y học cổ truyền cũng cần thường xuyên học tập và rèn luyện về y đức, trình độ chuyên môn kỹ thuật; ngày càng xứng đáng với niềm tin của người bệnh cũng như của toàn xã hội.
* Nhân kỷ niệm 58 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27-2-1955 – 27-2-2013), chiều 25-2, đoàn đại biểu Thành ủy, HÐND, UBND, UBMTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh do đồng chí Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh dẫn đầu đến thăm Anh hùng Lao động, Thầy thuốc Nhân dân, Tiến sĩ Nguyễn Duy Cương, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế. Thay mặt lãnh đạo thành phố, đồng chí Lê Thanh Hải đánh giá cao những đóng góp của TS Nguyễn Duy Cương cũng như các thế hệ thầy thuốc Việt Nam trong sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân; chúc TS Nguyễn Duy Cương sức khỏe dồi dào và luôn là gương sáng cho thế hệ thầy thuốc trẻ noi theo. Trước đó, Ðoàn đã đến thăm PGS, TS Trần Thị Trung Chiến, nguyên Bộ trưởng Y tế.
Cùng ngày, đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên T.Ư Ðảng, Phó Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh cùng đại diện các sở, ngành cũng đã đến thăm Anh hùng Lao động, Thầy thuốc Tạ Thị Chung, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ; Giáo sư, Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Ðình Hối, nguyên Hiệu trưởng Trường đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh.
* Sáng 25-2, Sở Y tế tỉnh Nam Ðịnh tổ chức kỷ niệm 58 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27-2). Thực hiện lời căn dặn của Bác Hồ "Lương y phải như từ mẫu", nhiều năm qua, đội ngũ thầy thuốc tỉnh Nam Ðịnh không ngừng tu dưỡng, rèn luyện đạo đức nghề nghiệp, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Hiện nay, số lần khám, chữa bệnh bình quân trong tỉnh đạt 2,5 lần/người/năm, giảm tai biến điều trị và tử vong trước 24 giờ.
* Ngày 25-2, Hội Ðông y TP Cần Thơ tổ chức lễ giỗ lần thứ 222 Ðức Y tổ Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác. Tại lễ giỗ, đông đảo các thế hệ thầy thuốc và nhân dân đến đền thờ ông (ở phường An Hòa, quận Ninh Kiều) dâng hương tưởng nhớ công đức, cũng như những đóng góp to lớn cho nền y học nước nhà của Ðại danh y Hải Thượng Lãn Ông. Ngày giỗ Ðức Y tổ Hải Thượng Lãn Ông là dịp để các thầy thuốc học tập y đức, y đạo, y thuật của ông, xây dựng mối quan hệ khăng khít giữa y học cổ truyền và y học hiện đại (Nhân dân trang 1, Hà Nội mới trang 1).