Đó là thông tin được PGS.TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đưa ra tại Hội nghị triển khai công tác y tế dự phòng năm 2013, do Bộ Y tế tổ chức sáng 25-3.
Ông Hiển phân tích, hiện nay dịch bệnh truyền nhiễm vẫn đang diễn biến phức tạp. Ngoài tác động của yếu tố môi trường, biến đổi khí hậu thì thói quen vệ sinh cá nhân và vệ sinh an toàn thực phẩm của một bộ phận người dân chưa tốt, vẫn còn nhiều hành vi, thói quen tiềm ẩn nguy cơ dẫn tới nhiều dịch bệnh đã được khống chế xuất hiện trở lại, nhất là những bệnh lây theo đường tiêu hóa như tả, lỵ, thương hàn. Đặc biệt, hiện nay có nhiều người dân sử dụng thuốc điều trị không kê đơn, tình trạng sử dụng thuốc không kê đơn càng tràn lan thì càng nguy hiểm vì dễ dẫn tới sự biến dị và tăng sức đề kháng của các vi sinh vật, gián tiếp gây ra nhiều bệnh dịch mới cũng như gây khó khăn cho công tác điều trị, phòng chống dịch bệnh. (An ninh thủ đô trang 2)
Nhiễm độc là nguyên nhân tử vong ở bệnh nhân viêm da dày sừng ở Quảng Ngãi
Ngày 25.3, BV Bạch Mai cho biết, BV vừa hội chẩn trực tuyến với BV đa khoa (BVĐK) Quảng Ngãi về các bệnh nhân bị viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân mới nhất nhập viện điều trị.
PGS-TS Phạm Duệ – GĐ Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai, người đã 4 lần trực tiếp cùng đoàn công tác của Bộ y tế và BV vào khảo sát, điều tra tại Quảng Ngãi – đưa ra nhận định: Qua thống kê, cứ từ tháng 2 đến tháng 4 hàng năm tỉ lệ bệnh viêm da dày sừng tăng.
Bước đầu có thể thấy bệnh viêm da dày sừng có liên quan đến yếu tố thời tiết nóng ẩm. Còn các ca bệnh mắc viêm gan và tử vong của năm 2012 của huyện Ba Tơ, Quảng Ngãi, sinh thiết và tử thiết đều thấy chủ yếu là do nhiễm độc.
Yếu tố nguy cơ có thể do gạo, ngũ cốc của bà con dân tộc bị nhiễm nấm mốc. Thực tế khảo sát của đoàn công tác của Bộ Y tế và BV Bạch Mai cho thấy bà con dân tộc huyện Ba Tơ thường ăn gạo lúa ủ bị nấm mốc, khoảng 20% các mẫu gạo và ngũ cốc của bà con bị nhiễm nấm aspergillus, loại nấm sản sinh ra aflatoxin, độc tố có thể gây độc cho gan và làm tổn thương da… (Lao động trang 2)
Quy trình khám bệnh quá rườm rà
Tập trung đẩy mạnh các phương án giảm quá tải bệnh viện, rút ngắn quy trình khám, chữa bệnh là những nội dung được nói nhiều tại Hội nghị triển khai công tác y tế do Bộ Y tế tổ chức ngày 25.3 tại TP.HCM.
Theo PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế, mặc dù đã có nhiều quy chế về tiếp đón người bệnh, khám bệnh, làm hồ sơ bệnh án… mà các BV đã triển khai nhưng quy trình khám bệnh vẫn còn nảy sinh nhiều vấn đề, đơn cử như chuyện người bệnh phải đi photo giấy tờ hoặc nộp phí quá nhiều lần.
PGS-TS Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế, cũng cho rằng, quy trình khám bệnh hiện nay lâu nhất là khâu thu tiền, khám bệnh BHYT, thanh toán chờ lấy thuốc. Có người đi từ 4 giờ sáng để lấy số đến chiều tối mới được khám xong. Cũng theo bà Tiến, hiện nay trong khám bệnh người dân phải đóng phí nhiều lần, chỗ lấy máu và chỗ xét nghiệm, chỗ trả kết quả lại lòng vòng, không tiếp giáp nhau cũng là nguyên nhân “hành” người bệnh. Với quy trình khám bệnh lâm sàng có xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh và thăm dò chức năng qua 12 bước là quá rườm rà, làm người dân phải chờ đợi rất lâu. “Đáng nói là quy trình thì rườm rà mà thời gian khám của bệnh nhân có khi chỉ vài phút”, bà Tiến nói.
Để cải tiến quy trình nêu trên, Bộ Y tế cải tiến cụ thể từng quy trình khám bệnh. Nếu đến tái khám, không chẩn đoán hình ảnh, không xét nghiệm thì quy trình tái khám sẽ rút ngắn chỉ còn 4 bước. Loại thứ hai, khám bệnh có xét nghiệm rút ngắn còn 6 bước. Với quy trình khám bệnh vừa xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh là loại khám lâu nhất cũng phải rút lại chỉ còn tối đa 8 bước. Theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, chỗ lấy máu, chỗ xét nghiệm và trả kết quả phải cải tiến để gần nhau, ở những nơi áp dụng tốt công nghệ thông tin thì kết quả xét nghiệm máu sẽ hiện lên màn hình để bệnh nhân khỏi mất công đi lại nhiều lần.
Không còn quá tải từ năm 2020
Theo báo cáo từ Cục Quản lý khám chữa bệnh, trong thời gian qua, đã có nhiều phương án tiên quyết nhằm giảm quá tải BV, trong đó tập trung giảm công suất sử dụng giường bệnh tại các BV tuyến T.Ư, nâng cao năng suất giường bệnh tại tuyến dưới hay tăng số giường bệnh công lập, ưu tiên các chuyên khoa: ung bướu, ngoại – chấn thương, tim mạch, sản và nhi. Thế nhưng, hiệu quả chưa cao, mức giảm tải BV cũng chỉ ở khoảng 1 – 2% so với năm trước, BV tuyến T.Ư, công suất sử dụng giường bệnh vẫn còn ở mức quá cao (gần 120%).
Thời gian tới đây, phương án giảm tải BV vẫn chú trọng thành lập và phát triển mạng lưới BV vệ tinh, bác sĩ gia đình. Đặc biệt, nâng cao năng lực khám, chữa bệnh của các BV vệ tinh nhằm giảm số người bệnh từ BV tuyến dưới chuyển lên tuyến trên bằng cách đào tạo cán bộ, chuyển giao cho các BV vệ tinh và tư vấn, khám bệnh từ xa giữa BV hạt nhân và vệ tinh thông qua hệ thống công nghệ thông tin, đẩy mạnh hơn nữa công tác đưa bác sĩ tuyến trên về giúp đỡ tuyến dưới.
Theo PGS-TS Lương Ngọc Khuê, mục tiêu phấn đấu đến năm 2015 là giảm công suất sử dụng giường bệnh của các BV có công suất sử dụng giường bệnh quá cao (hơn 120%) thuộc tuyến T.Ư xuống dưới 100% và cơ bản khắc phục tình trạng nằm ghép; phấn đấu đến năm 2020 trở đi không còn tình trạng quá tải BV… (Thanh niên trang 5)
Nhiều dịch bệnh tấn công người dân
Bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết, tiêu chảy, nhiễm khuẩn liên cầu lợn… vẫn sẽ là tâm điểm nóng trong năm tới.
Lãnh đạo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết tại Hội nghị triển khai công tác y tế dự phòng 2013 ngày 25.3
Dịch bệnh lan rộng, bệnh nhân tăng
Theo báo cáo của Cục Y tế dự phòng, năm 2012, tại Việt Nam, một số dịch bệnh vẫn bùng phát mạnh. Trong đó, bệnh tay chân miệng với gần 158.000 ca, tăng gần 40% so với năm 2011 (tuy tỷ lệ tử vong giảm 74%, với 40 ca). Bệnh nhân sốt xuất huyết cũng tăng vọt với hơn 86.000 ca (tăng 23% so với năm 2011), đặc biệt số ca tử vong tăng mạnh với 80 ca (tăng 31%).
Bệnh tiêu chảy tuy giảm 3,7%, nhưng số ca mắc vẫn rất cao, trên 725.000 ca (trung bình cứ 100.000 dân có đến 810 người mắc tiêu chảy). Ngoài ra, những bệnh như sốt rét (gần 44.000 ca mắc), quai bị (gần 31.000 ca mắc), thủy đậu (27.400 ca), viêm gan virus (10.000 ca)… vẫn bùng phát ở nhiều tỉnh, thành.
Theo TS Nguyễn Văn Bình – Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, lối sống ít hoạt động, ăn nhiều thịt, hút thuốc và uống rượu nhiều khiến người dân Việt Nam càng ngày càng mắc nhiều bệnh không lây nhiễm. Dịch bệnh lây chiếm khoảng 20%, tai nạn, ngộ độc khoảng 10%, còn các bệnh không lây nhiễm chiếm đến 70% tổng số ca bệnh tại Việt Nam.
Trong khi đó, năm 1986, các tỷ lệ này lần lượt là 68%, 39% và 3%. Đặc biệt, người Việt Nam đang đối mặt với 5 nhóm bệnh phổ biến và nguy hiểm: Tim mạch, ung thư các loại, đái tháo đường, phổi tắc nghẽn mãn tính và rối loạn tâm thần (động kinh, trầm cảm).
Đối phó với các diễn biến phức tạp của dịch bệnh ở người, lãnh đạo Cục Y tế dự phòng cho biết tới đây ngành y tế sẽ tăng cường huy động sự tham gia của cộng đồng vào nâng cao sức khỏe, thành lập các mô hình nâng cao sức khỏe từ “chợ”, “nơi làm việc”, “bệnh viện”, “trường học”…
Vẫn dùng vaccin Quinvaxem vì… tài trợ!
Một số liệu về thành tích năm 2012 được ngành y tế đưa ra tại hội thảo hôm qua khiến nhiều người quan tâm là “Duy trì tỷ lệ tiêm chủng trên 90%”. Tuy nhiên, hàng loạt các ca tai biến của trẻ dưới 4 tháng tuổi khi tiêm vaccin “5 trong 1” Quinvaxem (Hàn Quốc sản xuất) vẫn chưa có câu trả lời thích đáng.
Từ cuối tháng 12.2012 đến nay đã có hàng chục ca tai biến do tiêm vaccin 5 trong 1, trong đó 4 trẻ tử vong (kết luận của Bộ Y tế). Vụ việc mới nhất là ngày 15.3.2013, bé V.A (4 tháng tuổi, ngụ TP.Đà Lạt, Lâm Đồng) cũng đã tử vong sau khi tiêm vaccin “5 trong 1” Quinvaxem.
Đây là trường hợp tử vong thứ hai ở TP. Đà Lạt trong vòng 5 tháng qua. Cùng đợt tiêm chủng này tại TP.Đà Lạt, hơn 10 cháu khác đã có dấu hiệu phản ứng sau tiêm. Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ Y tế vẫn khẳng định chất lượng vaccin an toàn và các trường hợp bé tử vong là “trong giới hạn cho phép”.
Theo TS Nguyễn Văn Bình, vaccin Quinvaxem do Liên minh Toàn cầu về vaccin và tiêm chủng (GAVI) tài trợ cho Việt Nam từ năm 2010 đến hết năm 2015. Trong hơn 2 năm qua, Việt Nam đã sử dụng hơn 11 triệu liều. TS Nguyễn Trần Hiển – Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư cũng cho biết, việc bảo quản, vận chuyển, kỹ thuật tiêm vaccin “5 trong 1” Quinvaxem này đều rất đúng quy chuẩn nên có thể loại trừ do kỹ thuật tiêm. Cũng chưa có bằng chứng về chất lượng vaccin nên không thể bỏ khỏi danh mục tiêm chủng mở rộng vì có thể ảnh hưởng đến việc tài trợ nhiều vaccin khác của GAVI..( Nông thôn ngày nay trang 4)
Gia tăng lây lan HIV qua đường tình dục
Theo báo cáo của Cục Phòng chống HIV/AIDS, hiện nay, số người nhiễm HIV là gần 20.000 người, số người bị AIDS là gần 49.400 người, số đã tử vong vì AIDS là hơn 45.200 người.
Năm 2011, tuy số mẫu xét nghiệm gần gấp đôi năm 2007(gần 1,5 triệu mẫu) nhưng số ca nhiễm mới chỉ có hơn 14.000, giảm một nửa so với năm 2007. Như vậy, xu hướng dịch có chiều hướng giảm.
Tuy nhiên, “con đường” lây nhiễm HIV có chiều hướng “chuyển dịch” từ đường máu qua đường “quan hệ tình dục”. Năm 2004, tỷ lệ lây nhiễm HIV qua đường tỉnh dục chỉ là 13% thì năm 2011 là 41%. (Nông thôn ngày nay trang 4)