BYT bàn giao quần thể di tích Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác
Sáng ngày 23/2/2013, tại Khu di tích Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (Sơn Trung, Hương Sơn, Hà Tĩnh), Bộ y tế, Trung ương Hội Đông y Việt Nam phối kết hợp với UBND tỉnh Hà Tĩnh tổ chức Lễ kỷ niệm 222 năm ngày mất của Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác và bàn giao quần thể di tích cho UBND tỉnh.
Đến dự có ông Uông Chu Lưu- UV TƯ Đảng; Phó Chủ tịch Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam; bà Nguyễn Thị Kim Tiến – UVBCH TƯ Đảng; Bộ trưởng Bộ Y tế; ông Phan Xuân Dũng – UV TƯ Đảng; Chủ nhiệm UB Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội cùng nhiều cán bộ Bộ y tế, Viện bỏng Quốc gia, đại diện Tỉnh uỷ, Hội đồng nhân dân, UBND tỉnh Hà Tĩnh, Hưng Yên, các Sở ban ngành tỉnh Hà Tĩnh, UBND huyện Hương Sơn cùng đông đảo nhân dân, bà con nội ngoại đã thắp hương tưởng nhớ Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác; một tài năng nhiều mặt, một tấm gương sáng ngời về y đức…
Cùng ngày, Bộ trưởng Bộ y tế đã bàn giao quần thể di tích Hải Thượng Lãn Ông cho UBND tỉnh Hà Tĩnh quản lý, khai thác phục vụ đời sống nhân dân.
Quần thể di tích Hải Thượng Lãn Ông được Bộ trưởng Bộ y tế ký quyết định phê duyệt trùng tu, tôn tạo vào ngày 31/10/2003 và giao cho Viện bỏng Quốc gia đầu tư xây
dựng. Sau 8 năm thi công các hạng mục công trình đã hoàn thành.
Quần thể di tích gồm 3 khu chính: Khu di tích số 1 tại xã Sơn Trung có diện tích xây dựng 45.000 m2, với 48 hạng mục công trình (gồm mộ đá Hải Thượng Lãn Ông, nhà phương đình, vườn cây, đường lát đá lên tượng đài dài 629m với 231 bậc, 51 bậc nghỉ, hệ thống thoát nước, tượng đài Lê Hữu Trác bằng đá cẩm thạch (cao 16,91m, nặng 350 tấn, bình phong đá cẩm thạch nguyên khối nặng 17 tấn…) nhà khách, sân lễ hội …được khởi công xây dựng ngày 21/11/2004 và hoàn thành vào ngày 30/05/2008.
Khu di tích số 2 tại xã Sơn Quang, huyện Hương Sơn có diện tích 12.970m2 với 18 hạng mục (nhà thờ Hải Thượng, sân hành lễ, nhà bia, vườn đào, vườn cây ăn quả, núi Giả, hồ Sen…) được khởi công xây dựng vào ngày 20/06/2008 và hoàn thành vào ngày 01/11/2009.
Khu di tích số 3 là chùa Tượng Sơn tại xã Sơn Giang, Hương Sơn với diện tích xây dựng là 13575m2 với 22 hạng mục công trình (thượng điện, nhà tổ, tả vu, hữu vu, tam quan, tượng Phật bà quan âm, bia di tích…) được Bộ trưởng Bộ y tế ký quyết định giao cho Viện bỏng Quốc gia làm chủ đầu tư tiếp tục tu bổ, tôn tạo ngày 30/10/2009 và hoàn thành vào ngày 20/2/2013.
Phát biểu tại buổi lễ, bà Nguyễn Thị Kim Tiến- UVTƯ Đảng; Bộ trưởng Bộ y tế đã nhấn mạnh “ Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông đã để lại cho nền y học Việt Nam một di sản qúy giá, đặc biệt là bộ sách “Y tông tâm lĩnh” được khắc in vào năm 1885, gồm 28 tập, 66 quyển. Trong tác phẩm đồ sộ này, ông đã đúc kết tinh hoa y học cổ truyền phương Đông và y học cổ truyền Việt Nam, thông qua những kinh nghiệm thực tiễn phong phú của bản thân, xây dựng thành toàn bộ Lý, Pháp, Phương, Dược của nền y học cổ truyền Việt Nam. Những trước tác mà Đại danh y để lại là toàn bộ giáo khoa kinh điển còn nguyên giá tri, góp phần đào tạo, bồi dưỡng về y đức, y đạo, y thuật cho các thầy thuốc đời sau”.
Ông Uông Chu Lưu- UVTƯ Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội đã định hướng: “ Phát triển nền đông y Việt Nam vì mục tiêu bảo vệ chăm sóc sức khoẻ nhân dân, góp phần cải thiện và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là trách nhiệm của các cấp uỷ Đảng, CQ và toàn xã hội…”.
Ông Võ Kim Cự – Phó Bí thư Tỉnh uỷ; Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh xúc động khi nhận bàn giao quần thể di tích Hải Thượng Lãn ông và hứa: “ Được tiếp nhận quần thể di tích Hải Thượng Lãn Ông, với niềm tự hào và thành kính tưởng nhớ công lao to lớn của Đại danh y; Đảng bộ, CQ và nhân dân Hà Tĩnh xin hứa sẽ làm tốt công tác bảo quản, gìn giữ và phát huy những giá trị di sản của quần thể di tích quan trọng và đặc biệt có ý nghĩa này”.
Nhân dịp kỷ niệm 222 năm ngày mất Hải Thượng Lãn Ông, 58 năm ngày thầy thuốc Việt Nam, Bộ trưởng Bộ y tế trao giải thưởng Hải Thượng Lãn Ông cho 105 cán bộ, y, bác sỹ đã kế thừa, phát triển nền Y, Dược cổ truyền dân tộc Việt Nam. Bộ trưởng Bộ y tế đã tặng Bằng khen cho một cá nhân (Ông Nguyễn Trung Thực; nguyên Bí thư Đảng uỷ, Phó GĐ Viện bỏng Quốc gia) đã có thành tích trong công tác xây dựng, quản lý khu di tích Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác; Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh tặng bằng khen cho 3 cán bộ có thành tích xuất sắc trong việc xây dựng quần thể di tích Hải Thượng Lãn Ông (Gia đình & Xã hội trang 1).
Bác sỹ trẻ về vùng khó khăn
Ngày 27/2 tới đây, BYT phối hợp cùng Hội Thầy thuốc trẻ sẽ chính thức triển khai Dự án “thí điểm bác sỹ trẻ tình nguyện về công tác tại miền núi, vùng khó khăn, biên giới hải đảo, ưu tiên 62 huyện nghèo”. Hiện nay, đã có hàng trăm sinh viên các trường đại học y đăng ký tham gia (Chi tiết xem Gia đình & Xã hội) (Gia đình & Xã hội trang 7).
Bộ Y tế hướng dẫn giá khám bệnh ở các cơ sở y tế
Bộ Y tế vừa ban ban hành Thông tư 04/2013/TT-BYT hướng dẫn việc phê duyệt và áp dụng giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc các bộ, ngành khác quản lý.
Theo hướng dẫn trên, các bệnh viện hạng đặc biệt, bệnh viện hạng 1 thuộc thẩm quyền quản lý trực tiếp các bộ, ngành thì Bộ trưởng Bộ Y tế phê duyệt giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh đối với từng cơ sở.
Đối với trạm y tế cơ quan, đơn vị, tổ chức, trạm y tế quân dân y, phòng khám quân dân y, việc áp dụng giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh đã được Hội đồng nhân dân, Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quy định đối với trạm y tế xã, phường, thị trấn của địa phương đó. Đối với bệnh xá quân dân y, việc áp dụng giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh đã được Hội đồng nhân dân, Ủy ban Nhân dân tỉnh quy định đối với phòng khám đa khoa khu vực của địa phương đó. Các bệnh viện hạng 2, 3, 4 thuộc thẩm quyền quản lý trực tiếp các Bộ, ngành còn lại (bao gồm cả bệnh viện quân dân y) áp dụng giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh đã được Hội đồng nhân dân, Ủy ban Nhân dân tỉnh quy định đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cùng hạng của địa phương đó.
Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bộ, ngành chưa thực hiện việc xếp hạng thì cơ quan quản lý về y tế của bộ, ngành phối hợp với cơ quan Bảo hiểm xã hội tỉnh thống nhất việc áp dụng giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh đã được Hội đồng nhân dân, Ủy ban Nhân dân tỉnh quy định đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cùng hạng của địa phương đó trong thời gian chờ xếp hạng theo quy định của Bộ Y tế.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên, trường hợp cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bộ, ngành thực hiện các dịch vụ kỹ thuật chưa có trong quy định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh của địa phương thì cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bộ, ngành phải thực hiện xây dựng phương án giá theo hướng dẫn của Bộ Y tế và báo cáo Bộ Y tế xem xét, quyết định.
Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 15/3/2013 và không áp dụng đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước thuộc Bộ Y tế và các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước thuộc địa phương quản lý (Gia đình & Xã hội trang 7).
Trên 58% cơ sở y tế được công nhận xử lý triệt để ô nhiễm
Bộ Y tế cho biết, theo số liệu báo cáo tổng hợp từ 72 đơn vị cơ sở y tế trung ương, năm 2012, tổng lượng chất thải rắn là 7.333kg/ngày và nước thải là 30.159m3/ngày; tại các cơ sở y tế tuyến tỉnh, huyện, tổng lượng chất thải rắn y tế nguy hại phát sinh 38,8 tấn/ngày và tổng lượng nước thải y tế phát sinh là 90.752m3/ngày.
Trước thực trạng trên, Bộ Y tế đã triển khai nhiều biện pháp nhằm giải quyết triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường tại các cơ sở ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Năm 2012, cả nước có 49/84 cơ sở được công nhận xử lý triệt để ô nhiễm môi trường (chiếm 58,3%); 23/84 cơ sở đang làm các thủ tục trình chứng nhận hoàn thành việc xử lý ô nhiễm môi trường triệt để (chiếm 27,4%); 12 cơ sở đang chuẩn bị đầu tư xây dựng các hệ thống xử lý chất thải y tế…
Bộ Y tế cũng đã ban hành Thông tư 08/2012/TT-BYT (17/5/2012) hướng dẫn cấp phép vận chuyển hàng hoá nguy hiểm là hoá chất diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ; phối hợp với các bộ, ngành liên quan triển khai phong trào “Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân”…
Thời gian tới, ngành y tế tiếp tục tập trung hoàn thiện tổ chức, cơ chế, chính sách và văn bản qui phạm pháp luật về quản lý chất thải y tế; ưu tiên tập trung nguồn lực xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Bên cạnh đó, tăng cường năng lực quan trắc, đánh giá tác động môi trường, đánh giá tác động sức khỏe; tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng và nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ và nhân viên y tế về chuyên môn, nghiệp vụ trong công tác quản lý chất thải y tế; đẩy mạnh công tác truyền thông giáo dục nâng cao nhận thức của cán bộ các cấp chính quyền, ban, ngành, các cơ sở y tế và người dân trong việc xử lý chất thải y tế.
Bộ Y tế tiếp tục xây dựng và hoàn thiện dự thảo các văn bản chỉ đạo và hoạt động quản lý môi trường y tế như: kế hoạch truyền thông cho Chương trình mục tiêu quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn giai đoạn 2012 – 2015 và dự thảo Dự án vệ sinh nông thôn; kế hoạch Chương trình quốc gia về an toàn lao động, vệ sinh lao động giai đoạn 2011 – 2015; kế hoạch công tác quản lý hóa chất gia dụng, hóa chất diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế giai đoạn 2012 – 2015… (Gia đình & Xã hội trang 7).
Đình chỉ, thu hồi một loạt thuốc uống
Cục Quản lý dược vừa có công văn đình chỉ lưu hành và thu hồi một loạt thuốc không đạt tiêu chuẩn.
Cụ thể: Đình chỉ lưu hành thuốc viên nén bao phim Metformin Denk 500 do Công ty Denk Pharma GmbH & Co. KG. Germany sản xuất; đình chỉ lưu hành và thu hồi toàn bộ lô thuốc viên nén bao phim Tencefin 200 (Cefpodoxime Tablets) do Công ty CP Dược vật tư y tế Quảng Nam nhập khẩu do không đạt tiêu chuẩn chất lượng về chỉ tiêu khối lượng trung bình viên và định lượng; yêu cầu cơ sở Thanh Hải ( TP.HCM) thu hồi toàn bộ lô thuốc bột trị đau bao tử Thái Điền lọ 50g do không đạt tiêu chuẩn chất lượng về chỉ tiêu giới hạn nhiễm khuẩn (Nông thôn ngày nay trang 2, Tiền phong trang 2).
Vĩnh Long: Mở rộng độ bao phủ bảo hiểm y tế trong đồng bào dân tộc
Với mục tiêu đạt 65% dân số tham gia BHYT, tỉnh Vĩnh Long xác định năm 2013 sẽ tập trung khai thác các nhóm đối tượng tiềm năng gồm lao động khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, đố i tượng thuộc hộ gia đình cận nghèo đạt tỷ lệ 65%, học sinh – sinh viên đạt tỷ lệ 90%, và hộ gia đình tham gia BHYT đạt bình quân 1.150 đối tượng/xã, phường.
Để thực hiện mục tiêu này, Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án BHYT toàn dân tỉnh Vĩnh Long đẩy mạnh vận động toàn hệ thống chính trị, các đoàn thể tham gia vào công tác BHXH, BHYT; khuyến khích mở rộng các hoạt động nhân đạo vì sức khỏe, vận động các tổ chức, doanh nghiệp hỗ trợ mua BHYT cho các đối tượng chính sách, hộ cận nghèo tại 22 xã điểm nông thôn mới, xã vùng dân tộc thiểu số. Đối với khu vực lao động trong các doanh nghiệp, BHXH Vĩnh Long kết hợp với Liên đoàn Lao động và Ban Quản lý các khu công nghiệp tổ chức các đợt kiểm tra định kỳ, giám sát việc quản lý nhà nước về lao động và các chính sách pháp luật về BHYT, BHXH. Năm nay, hai ngành BHXH và Y tế Vĩnh Long tập trung củng cố bộ phận y tế học đường, hướng dẫn các trường sử dụng Quỹ Chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh, sinh viên sát với yêu cầu thực tế, khắc phục tình trạng tồn đọng quỹ (Nông thôn ngày nay trang 15).
Triển lãm ảnh "Thầy thuốc trẻ làm theo lời Bác"
Kỷ niệm 58 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27-2-1955 – 27-2-2013), ngày 24-2, tại Nhà Văn hóa Thanh niên, Thành Ðoàn TP Hồ Chí Minh đã khai mạc triển lãm ảnh "Thầy thuốc trẻ làm theo lời Bác".
90 bức ảnh tại đây đã được giới thiệu đến người xem những hình ảnh Bác Hồ với cán bộ ngành y, thư Bác Hồ gửi ngành y tế ngày 27-2-1955 cùng chân dung bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, tiểu sử bác sĩ Phạm Ngọc Thạch. Triển lãm cũng trưng bày chân dung 20 gương thầy thuốc trẻ tiêu biểu sẽ được nhận giải thưởng Phạm Ngọc Thạch năm 2013; giới thiệu về phong trào "Thầy thuốc trẻ TP Hồ Chí Minh làm theo lời Bác" trong thời gian qua, với các hoạt động thiết thực như rèn luyện y đức, y nghiệp, hoạt động chăm sóc sức khỏe cho nhân dân tại đơn vị, nghiên cứu khoa học, trau dồi chuyên môn và tình nguyện vì sức khỏe cộng đồng… (Nhân dân trang 1).