Nhiều kỹ thuật y học Việt Nam ngang tầm thế giới
Nước ta có nhiều chuyên gia y tế, bác sĩ giỏi đứng ngang hàng với đồng nghiệp ở các nước tiên tiến, có khả năng làm chủ các kỹ thuật cao ngang tầm thế giới. Trong đó, có nhiều chuyên ngành, lĩnh vực y khoa, do chính các bác sĩ Việt Nam làm thầy, chuyển giao kỹ thuật cho bác sĩ của các nước.
Những năm qua, ngành y tế đã luôn quan tâm đầu tư, phát triển mạnh công tác nghiên cứu khoa học, tiếp cận và ứng dụng thành tựu về khoa học và công nghệ hiện đại, từng bước đưa nền y học nước ta đạt trình độ cao trong khu vực và thế giới. Trong nhiều lĩnh vực, y học Việt Nam khẳng định được vị thế của mình như: ghép tạng, can thiệp tim mạch, ung bướu, nội soi phẫu thuật, can thiệp chấn thương chỉnh hình, ứng dụng tế bào gốc, hỗ trợ sinh sản, nhãn khoa… Việc định hướng, phát triển và nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh được ngành y tế xác định theo hướng: công bằng, hiệu quả, phát triển; kết hợp phát triển dịch vụ khám, chữa bệnh phổ cập với phát triển kỹ thuật cao, y tế chuyên sâu; bảo đảm mọi người dân được tiếp cận dịch vụ y tế cơ bản, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng và đa dạng của nhân dân về bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe. Trên cơ sở đó, lựa chọn các thành tựu, thế mạnh về mũi nhọn y tế chuyên sâu, kỹ thuật cao trong khám, chữa bệnh của mỗi bệnh viện, mỗi chuyên khoa để đầu tư thêm một bước, nhằm thực hiện được các kỹ thuật khó, chuyên khoa sâu các đơn vị đã lựa chọn, xây dựng trong thời gian ngắn nhất. Theo đó, tập trung vào các lĩnh vực phẫu thuật mở, phẫu thuật nội soi, robot phẫu thuật, nội soi can thiệp, chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm cao cấp đối với các chuyên khoa: tim mạch, tiêu hóa, tiết niệu, ung thư, chấn thương chỉnh hình, ghép tạng, hồi sức cấp cứu…
Ghép tạng là thành tựu nổi bật của y học thế kỷ 20, nó là kết quả tổng hợp của các chuyên ngành nội, ngoại, gây mê hồi sức, xét nghiệm, miễn dịch, dược… Ghép tạng là đích đến cuối cùng để mang lại cơ hội sống cho những người suy tạng giai đoạn cuối, cần phải thay tạng bị bệnh bằng một tạng, hoặc một phần tạng khỏe mạnh để duy trì sự sống. Kỹ thuật ghép tạng ngày nay đã đạt trình độ rất cao cả về kỹ thuật cũng như theo dõi tạng ghép sau mổ. Và thành công nổi bật của các thầy thuốc Việt Namnhững năm gần đây cũng là về kỹ thuật ghép mô tạng, từ ghép tim, gan đến ghép tế bào gốc tạo máu, ghép giác mạc. Tính từ ca ghép tạng (ghép thận) đầu tiên thực hiện năm 1992 đến nay đã thực hiện được 620 ca ghép thận, 24 ca ghép gan, bảy ca ghép tim và phần lớn số người được ghép tạng đều có cuộc sống bình thường. Ðáng chú ý, đến nay cả nước có 12 bệnh viện có khả năng thực hiện kỹ thuật ghép thận; năm bệnh viện có khả năng thực hiện kỹ thuật ghép gan và ba bệnh viện có khả năng ghép tim.
Hiện tại, Bệnh viện Hữu nghị Việt Ðức đã hoàn thành các quy trình chẩn đoán chết não, hồi sức người bệnh chết não; quy trình lấy đa tạng từ người bệnh chết não; quy trình gây mê, phẫu thuật ghép gan, tim, thận từ người cho sống và chết não, điều trị chống thải ghép.
Trong lĩnh vực huyết học cũng có những thành công đáng kể. Tháng 7-1995, ca ghép tế bào gốc tủy xương đầu tiên cho người bị bệnh máu được thực hiện thành công, đến nay riêng Viện Huyết học TP Hồ Chí Minh đã ghép hơn 100 ca. Ngoài ra, đến nay các thầy thuốc chuyên ngành này đều thực hiện được các phác đồ chẩn đoán và điều trị tốt, hiện đại, cập nhật với trình độ quốc tế của hầu hết các nhóm bệnh lý chuyên khoa huyết học, như: Ðau tủy xương, Ulympho ác tính, Suy tủy xương, Lơ-xê-mi, Hội chứng rối loạn sinh tủy, Hemophilia… Cũng như áp dụng được nhiều phương pháp điều trị hiện đại nhất của thế giới, như: điều trị nhắm đích, điều trị đông máu rải rác trong lòng mạch, ghép tế bào gốc đồng loại, diệt tủy tối thiểu bằng tế bào gốc lấy từ máu ngoại vi… Với kết quả đó, nhiều người bệnh đã và đang điều trị ở nước ngoài quay về trong nước điều trị ở viện. Một số người bệnh là người nước ngoài cũng sang Việt Nam để điều trị bệnh máu.
Kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm (TTTON) được ứng dụng và phát triển ở nước ta hơn 15 năm qua với hơn 10 nghìn trẻ ra đời từ phương pháp này. Hiện nay, Việt Nam là nơi thực hiện TTTON nhiều nhất khu vực Ðông – Nam Á với tỷ lệ thành công cao và thực hiện được hầu hết các kỹ thuật điều trị trên thế giới. Tỷ lệ thành công của kỹ thuật này ở một số trung tâm lớn của Việt Nam đạt tới gần 50%, là con số mơ ước của không ít trung tâm làm thụ tinh trong ống nghiệm trên thế giới. Chính vì vậy, rất nhiều người sống ở nước ngoài biết đến kỹ thuật TTTON ở ViệtNam.
Trong lĩnh vực Nhi khoa, các thầy thuốc Việt Nam cũng gây được tiếng vang lớn, nhất là trong nội soi nhi khoa, khi mà GS Nguyễn Thanh Liêm (Bệnh viện Nhi T.Ư) nghiên cứu đề xuất bảy kỹ thuật mổ hoàn toàn mới mà trên thế giới chưa ai thực hiện. Với cụm công trình phẫu thuật nội soi này, GS Liêm đã được các đồng nghiệp quốc tế đánh giá rất cao. Ngoài các học trò ở trong nước, nhiều bác sĩ từ I-ta-li-a, Ðài Loan (Trung Quốc), Ma-lai-xi-a… đến Việt Nam xin ông hướng dẫn. Ông cũng được mời đi giảng bài tại nhiều trường đại học danh tiếng ở Mỹ, Nhật Bản, I-ta-li-a, Ô-xtrây-li-a, ở nhiều hội nghị quốc tế; được mời viết sách giáo khoa về phẫu thuật nhi xuất bản tại Anh và Mỹ… Kỹ thuật phẫu thuật teo trực tràng nội soi qua đường hậu môn được cho là một trong các kỹ thuật khó, nhiều trung tâm phẫu thuật lớn trên thế giới ít dám thực hiện, nhưng tại Bệnh viện Nhi T.Ư đã đưa phẫu thuật này vào danh mục mổ thường quy.
Ngoài ra, hàng loạt các bệnh viện trong nước đều thực hiện được các kỹ thuật cao. Như Bệnh viện đại học Y dược TP Hồ Chí Minh đã áp dụng thành công kỹ thuật nong mạch điều trị bệnh mạch máu não và tủy sống. Bằng phương pháp can thiệp trong lòng mạch, các tổn thương mạch máu nằm rất sâu trong não hay những tổn thương phức tạp nằm gần vùng thần kinh quan trọng không thể can thiệp bằng phẫu thuật. Bệnh viện Mắt T.Ư là đơn vị đầu tiên áp dụng thành công ghép giác mạc lớp trước và lớp sau và ghép nội mô giác mạc. Tại Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP Hồ Chí Minh, kỹ thuật vi phẫu đã được áp dụng giúp chuyển ghép xương mác, chuyển ngón chân lên bàn tay thay thế ngón tay cái, chuyển khớp ngón chân lên ngón tay và thay thế khớp khuỷu…
Việc các bác sĩ Việt Nam ứng dụng và triển khai thành công những kỹ thuật cao đã từng bước đáp ứng kịp thời nhu cầu khám, điều trị bệnh của người dân trong nước; góp phần hạn chế số người Việt Nam ra nước ngoài chữa bệnh và bước đầu thu hút người nước ngoài sang Việt Nam chữa bệnh.( Nhân dân trang 5)
Điều trị bệnh hen từ tuyến y tế cơ sở
Việc quản lý, điều trị bệnh hen tại tuyến y tế cơ sở đóng vai trò hết sức quan trọng. Tuy nhiên, hiện nay chúng ta còn gặp nhiều khó khăn như: thiếu cán bộ, thiếu trang thiết bị, một số cơ chế chính sách chưa phù hợp với tình hình thực tế, nhận thức của người dân còn có những hạn chế nhất định, chính vì vậy tuyến y tế cơ sở chưa phát huy hết vai trò của mình trong công tác phòng, chống bệnh hen.
Theo số liệu thống kê, nước ta có khoảng năm triệu người mắc hen và bệnh hen ở mọi lứa tuổi, nhưng thường tập trung cao nhất ở độ tuổi 60 trở lên và hiện nay cả nước vẫn còn khoảng 2,3 triệu người đang cần được điều trị để đạt được kiểm soát hen. Từ những kết quả nghiên cứu trên thế giới cho thấy, bệnh hen hoàn toàn có thể kiểm soát được và các chuyên gia trong lĩnh vực này đã đưa ra khái niệm "kiểm soát hen triệt để". Ðiều đó có nghĩa là, việc điều trị hen chủ yếu là điều trị dự phòng ngoài cơn hen và yếu tố quan trọng nhất là việc nhận biết, điều trị cắt cơn hen cấp trong mọi tình huống, sẽ đóng một vai trò quyết định đối với việc cứu sống người bệnh. Ngoài ra, Tổ chức Y tế thế giới còn khuyến cáo, nhất là đối với các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam trong việc áp dụng các giải pháp quản lý các bệnh mãn tính như hen cần phải được xây dựng trên nguyên tắc "lấy người bệnh làm trung tâm", nên việc tiếp cận người bệnh từ triệu chứng ban đầu, cho đến việc chẩn đoán, xử lý sớm cần được thực hiện ngay ở tuyến y tế cơ sở.
Hiện nay, chúng ta đã có một hệ thống mạng lưới y tế tương đối hoàn chỉnh, ngoài tuyến T.Ư, tuyến tỉnh, đối với tuyến quận, huyện, tuyến xã, phường đóng một vai trò hết sức quan trọng trong việc chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân. Tuy nhiên, tuyến này hiện nay chưa phát huy được hết vai trò của mình, điều đó được thể hiện qua tỷ lệ người dân đi khám vượt tuyến còn khá cao. Chính vì vậy, dẫn đến tình trạng quá tải cho các cơ sở khám, chữa bệnh ở tuyến trên, trong khi đó việc quản lý các bệnh mãn tính như bệnh hen lại cần được quản lý ở nơi gần người bệnh nhất.
Có một thực tế cho thấy, hiện nay nhiều cơ sở khám, chữa bệnh tuyến cơ sở ở nhiều địa phương chưa đủ hấp dẫn đối với người dân như: thiếu các thầy thuốc có kinh nghiệm, trang thiết bị, cơ sở hạ tầng còn thiếu thốn, lạc hậu. Việc thanh toán bảo hiểm y tế còn nhiều bất cập, nếu như bảo hiểm y tế sẵn sàng chi trả cho các dịch vụ điều trị trong bệnh viện, dù mức chi trả rất đắt, nhưng bảo hiểm y tế lại từ chối chi trả cho các dịch vụ điều trị dự phòng, trong đó có điều trị dự phòng quản lý hen tại tuyến cơ sở. Ngoài ra, sự hiểu biết về bệnh hen của người dân còn nhiều hạn chế. Theo kết quả điều tra, khảo sát tại Hà Nội, có đến 78% số người dân được hỏi đều không biết hen có thể kiểm soát được, 55% số thầy thuốc cơ sở được hỏi không biết hen được quản lý theo dõi như thế nào. Bên cạnh đó, việc chi phí cho điều trị hen, nhất là chi phí gián tiếp còn cao đối với người bệnh nằm viện, bởi mỗi người bệnh nằm viện thường cần ít nhất một người chăm sóc và thời gian phải nghỉ việc vì điều trị hen thường mất từ 10 đến 30 ngày trong một năm (chiếm 45% số người bệnh) và hơn 30 ngày trong một năm (chiếm 25% số người bệnh), đây thật sự là gánh nặng không hề nhỏ đối với gia đình và cả xã hội.
Bên cạnh hệ thống y tế cả nước nói chung, chúng ta đã xây dựng được một mạng lưới phòng, chống lao và bệnh phổi trong cả nước, điểm đáng chú ý hiện nay 100% số quận, huyện đều có đơn vị chống lao và các trạm y tế xã, phường đều có cán bộ phụ trách về phòng, chống lao. Ngoài ra, các trung tâm dị ứng miễn dịch lâm sàng, hệ thống bệnh viện đa khoa từ tuyến T.Ư, tuyến tỉnh, tuyến huyện đã tạo nên một mạng lưới rộng khắp, nếu chúng ta biết sử dụng tốt mạng lưới này sẽ mang lại hiệu quả tích cực đối với việc quản lý bệnh phổi mạn tính, trong đó có bệnh hen. Về công tác chuyên môn, thời gian qua đã triển khai nhiều kỹ thuật mới như: hướng dẫn thực hành xử trí tốt bệnh hô hấp bao gồm bốn chuẩn thực hành lâm sàng hen, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), viêm phổi và lao. Nhiều bệnh viện đã xây dựng và triển khai thí điểm "thực hành xử trí tốt hô hấp – PAL" từ năm 2009 đến nay và triển khai các hoạt động khác như: quản lý hen trong bệnh viện, quản lý khám ngoại trú, thành lập các câu lạc bộ hen tại cộng đồng… Thông qua các hoạt động này, đã từng bước nâng cao năng lực cho tuyến y tế cơ sở, gồm cả y tế tư nhân trong công tác phòng, chống hen tại cộng đồng.
Với nguyên tắc "lấy người bệnh làm trung tâm", nếu thực hiện tốt, trước hết sẽ giảm được sự quá tải cho bệnh viện tuyến tỉnh và tuyến T.Ư. Giảm chi phí y tế ở mức thấp nhất cho cả người dân, cho cả hệ thống y tế, đồng thời góp phần cải thiện chất lượng quản lý người bệnh mạn tính, nâng cao chất lượng chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân nói chung, bệnh nhân hen nói riêng. Ðể thực hiện được điều đó, ngay từ bây giờ chúng ta cần tập trung nâng cao năng lực thực hành xử trí tốt bệnh hô hấp bao gồm: hen, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, viêm phổi và lao cho các cơ sở y tế, nhất là tuyến huyện, tuyến xã thông qua việc trang bị kiến thức thực hành cho cán bộ. Tiếp tục đầu tư trang thiết bị cần thiết cho lĩnh vực này. Bên cạnh đó, công tác truyền thông giáo dục sức khỏe cho cộng đồng về bệnh hen cần được triển khai thường xuyên, liên tục để người dân hiểu và sử dụng các dịch vụ có chất lượng tại tuyến y tế cơ sở trong việc điều trị và quản lý bệnh hen.( Nhân dân trang 5).