Trang chủ » Tin tức » Điểm báo ngày 23/2/2013

Điểm báo ngày 23/2/2013


Hai trường hợp tử vong nghi do nhiễm liên cầu lợn

Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Quảng Nam vừa có báo cáo kết quả về 2 trường hợp tử vong nghi do nhiễm liên cầu lợn tại huyện Đại Lộc trong dịp tết vừa qua.

Nạn nhân gồm bà Phạm Thị Ng (SN 1968, trú xã Đại Thắng) và ông Nguyễn Ng (SN 1970, trú xã Đại Tân- cả 2 người đều làm nghề mổ lợn). Ngày 4.2, nhà ông Võ Sinh (cán bộ thú y xã Đại Tân) bán cho bà Ng 24 con lợn; bà trực tiếp giết mổ 5 con, chồng bà giết mổ 3 con.

Đến ngày 7.2 bà Ng xuất hiện các triệu chứng sốt, đau bụng, đi cầu phân lỏng, kèm nôn mửa, nhập viện lúc 8h ngày 7.2 và tử vong vào 16h ngày 8.2.

Sau khi bà Ng bị bệnh, ông Sinh chuyển lợn từ nhà bà Ng sang cho ông Ng giết mổ. Đến ngày 9.2, ông Ng xuất hiện các triệu chứng tương tự. Sau đó, những con lợn còn lại đều có biểu hiện bệnh. Ông Ng tử vong lúc 8h ngày 10.2 do truỵ tim mạch, suy đa phủ tạng, khi chết bệnh nhân có nhiều vết xuất huyết dạng tử ban trên toàn thân.

Ngay sau khi nhận được tin báo, Chi cục Thú y tỉnh đã tiến hành giám sát, điều tra và xử lý đàn lợn bị bệnh và lấy mẫu lợn bệnh gửi Phân viện Thú y vùng IV (tại Đà Nẵng) để xét nghiệm.

Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cũng xác định có 2 ổ dịch bệnh liên cầu lợn trên người tại 2 xã trên và đã triển khai công tác giám sát dịch tễ, lập danh sách 62 người thân và những người cùng tham gia giết mổ, ăn thịt lợn để theo dõi. (Thanh niên, Hà Nội mới, Lao động 23/2 (trang 2))

Tháo gỡ khó khăn cho y tế tuyến xã

Tăng cường năng lực cho y tế tuyến cơ sở, nhất là ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn là một chủ trương đúng đắn và cần thiết nhằm hướng tới công bằng, hiệu quả và phát triển trong chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Ðể giúp y tế tuyến xã, nơi thực hiện rất nhiều nhiệm vụ quan trọng của y tế cơ sở, cần sớm tháo gỡ những vướng mắc từ chế độ chính sách cho cán bộ đến mô hình tổ chức và đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất.

Chăm sóc sức khỏe ban đầu (CSSKBÐ) là những dịch vụ chăm sóc sức khỏe thiết yếu, dựa trên những phương pháp và kỹ thuật thực hành, khoa học chấp nhận được về mặt xã hội, những phương pháp và kỹ thuật này được áp dụng cho tất cả mọi người dân và mọi gia đình trong cộng đồng. CSSKBÐ nhấn mạnh đến những vấn đề sức khỏe chủ yếu của cộng đồng, đến nâng cao sức khỏe, phòng bệnh, chữa bệnh và phục hồi sức khỏe. Trên cơ sở nguyên tắc của CSSKBÐ, Việt Nam áp dụng thực hiện mô hình y tế cơ sở. Thực tế thời gian qua, y tế cơ sở đã góp phần quan trọng trong phục vụ lao động sản xuất, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhiều bệnh dịch, bệnh tật được khống chế hoặc loại trừ, tỷ lệ tử vong giảm, tuổi thọ của người dân ngày càng tăng…

Mô hình y tế tuyến xã của nước ta có nhiều đặc thù, là đơn vị đầu tiên tiếp xúc và cung cấp các dịch vụ y tế ban đầu cho người dân. Tuy vậy, cách gọi tên đối với y tế xã, phường, thị trấn theo Quyết định 58/TTg năm 1994 đến nay không còn phù hợp vì tổ chức trạm y tế xã là đơn vị chuyên môn, kỹ thuật, nhân lực được hưởng lương theo ngạch bậc, trong khi đó nhân viên y tế thôn, bản là chức danh riêng được hưởng phụ cấp. Cụm từ y tế cơ sở dễ bị nhầm, chưa rõ về tổ chức và còn nhiều cách hiểu khác nhau. Hiện nay, các trạm y tế tuyến xã được giao nhiệm vụ khám ban đầu cho các đối tượng tham gia BHYT, công tác dân số, nhưng đến nay 11 nhiệm vụ của trạm y tế theo hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 08/TT-LB do liên bộ ban hành từ năm 1995 đến nay chưa được bổ sung, sửa đổi. Trong khi đó, định mức biên chế đối với trạm y tế tuy đã được điều chỉnh thấp nhất là năm cán bộ và cao nhất là mười cán bộ nhưng chưa thật sự phù hợp với những nơi có địa bàn rộng, điều kiện địa lý khó khăn; cũng như áp dụng cứng đối với trạm y tế phường (chỉ có năm biên chế) mặc dù dân số đông; chưa có hướng dẫn chức danh dược, chức danh dân số ở trạm y tế. Công tác tuyển dụng cán bộ chuyên trách dân số – kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGÐ) xã gặp khó khăn vì chưa có quy định ngạch viên chức cụ thể theo Thông tư 05/2008/TT-BYT vì số cán bộ này hầu như không có chuyên môn y tế nên không phù hợp.

Hiện nay, việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý lao động có sự khác nhau giữa hai đối tượng lao động là viên chức và hợp đồng theo Quyết định 58. Các địa phương áp dụng không thống nhất, có nhiều cách làm khác nhau gây khó khăn và ảnh hưởng đến tâm lý, chất lượng công tác của người lao động. Tại nhiều địa phương, số hợp đồng theo Quyết định 58 được hưởng mọi chế độ chính sách như viên chức nhà nước, nhưng không được bổ nhiệm ngạch viên chức; bác sĩ không được xếp ngạch viên chức nên không được thi nâng ngạch, không điều chuyển từ xã lên huyện hoặc chuyển công tác từ huyện này sang huyện khác hoặc từ tỉnh này sang tỉnh khác. Văn bản của Nhà nước quy định chồng chéo, có văn bản quy định quá lâu, có nội dung không phù hợp nhưng đến nay chưa có văn bản thay thế hoặc sửa đổi nên rất khó thực hiện; hầu hết các văn bản hiện hành chỉ quy định đối tượng là viên chức, không có văn bản nào đề cập đến đối tượng hợp đồng theo Quyết định 58 nên các chức danh chuyên môn (kể cả bác sĩ, trưởng trạm) đều thực hiện tuyển dụng, quản lý như lao động hợp đồng, riêng chức danh dân số lại tuyển dụng, quản lý như đối với viên chức nên rất không hợp lý. Vì vậy, việc áp dụng thực hiện các chế độ chính sách cho cán bộ y tế xã gặp nhiều khó khăn, không thống nhất, thiếu công bằng; việc điều động, luân chuyển giữa các đơn vị tuyến huyện và tuyến xã đối với số lao động hợp đồng theo Quyết định 58 gặp nhiều khó khăn. Số bác sĩ là những cán bộ chuyên môn có trình độ đại học chưa thật sự yên tâm công tác tại xã vì chưa có chính sách thu hút, đãi ngộ phù hợp.

Ðối với y tế thôn, bản, cánh tay nối dài của y tế xã thì mức phụ cấp được quy định tại Quyết định số 75/2009/QÐ-TTg ngày 11-5-2009 của Thủ tướng Chính phủ không áp dụng đối với nhân viên y tế thôn, bản tại các tổ dân phố thuộc các phường, thị trấn. Ðiều đó dẫn đến tình trạng nhân viên y tế ở các tổ dân phố thuộc phường, thị trấn không tham gia hoạt động vì không thuộc phạm vi, đối tượng áp dụng mà do địa phương tự cân đối và vận dụng chi trả phụ cấp. Ðội ngũ "cô đỡ" dân tộc chưa chính thức được xác định vị trí trong hệ thống y tế. "Cô đỡ" dân tộc là những người sống tại cộng đồng ở những vùng địa lý đi lại khó khăn, thiếu thông tin liên lạc, thiếu sự sẵn có của dịch vụ y tế thân thiện với người dân tộc thiểu số, còn tồn tại các tập tục và thói quen của đồng bào dân tộc thiểu số, liên quan đến việc mang thai và sinh đẻ, đây là những yếu tố cơ bản cản trở trong việc sinh con tại cơ sở y tế. Ở một số địa phương đội ngũ "cô đỡ" đã được quản lý, sử dụng như nhân viên y tế thôn, bản. Từ đó đã phát huy được hiệu quả cụ thể bằng việc sử dụng ngôn ngữ của dân tộc mình để truyền đạt cho người dân thôn, bản những thông tin quan trọng về chăm sóc sức khỏe và cung cấp dịch vụ làm mẹ an toàn ngay tại thôn, bản cho các vùng dân tộc miền núi để tăng cường cung cấp dịch vụ làm mẹ an toàn tại các vùng khó khăn, có nhiều người dân tộc sinh sống. Tuy nhiên, phần lớn các tỉnh mới chỉ quan tâm tới việc cử đi đào tạo nhưng chưa quan tâm trong việc quản lý, sử dụng, cho nên có tình trạng có nhiều "cô đỡ" sau khi được đào tạo đã không tham gia hoạt động hoặc hoạt động kém hiệu quả. (Nhân dân 23/2 (trang 5))

Nghiện rượu dễ bị mắc liên cầu lợn

Trước tình trạng nhiều ca bệnh nhiễm liên cầu lợn nhập viện liên tiếp thời gian qua, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó trưởng khoa Cấp cứu (BV Bệnh nhiệt đới T.Ư) phân tích: các ca bệnh nặng hay tử vong phần lớn là bệnh nhân nghiện rượu.

Khi nghiện rượu, cơ thể suy yếu nên dễ bị vi khuẩn liên cầu lợn thâm nhập dễ dàng hơn người khỏe mạnh. Trong số bệnh nhân nhập viện thì có tới hơn 40% bệnh nhân ăn tiết canh, lòng lợn và các sản phẩm khác của lợn như tràng lợn, nem chua…

Theo bác sĩ Cấp, bệnh liên cầu khuẩn lợn hầu như không có mùa dịch cụ thể, mà vẫn gặp rải rác quanh năm. Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư, thỉnh thoảng lại có bệnh nhân biểu hiện nhiễm liên cầu khuẩn nhập viện, một tháng trở lại đây số bệnh nhân nhiều hơn bình thường và có 2 bệnh nhân tử vong. Nhất là trong đợt Tết, số bệnh nhân mắc liên cầu lợn ở lại bệnh viện điều trị nhiều hơn Tết năm 2012.

Bác sĩ Nguyễn Hồng Hà, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư khẳng định đây là bệnh nguy hiểm, vì nếu nhiễm loại vi khuẩn này nhưng không được chữa trị kịp thời, người bệnh sẽ bị viêm màng não, nhiễm trùng huyết gây choáng và có thể để lại những di chứng nặng nề với 60% bị ù tai giảm thính lực, 20% điếc hoàn toàn không hồi phục. Các nghiên cứu cho thấy nguồn lây duy nhất được xác định là từ lợn nhiễm liên cầu khuẩn. Vì vậy, chỉ cần có ý thức nấu chín đồ ăn, không ăn tiết canh, nem chạo, tiếp xúc, giết mổ, chế biến thịt lợn an toàn là có thể phòng nhiễm căn bệnh nguy hiểm này. Ngoài ra không nên ăn các loại tiết canh động vật vì trong tiết sống chứa nhiều vi khuẩn gây bệnh.

Bệnh ban đầu không có dấu hiệu điển hình ngoài việc sốt cao, đau đầu, ớn lạnh, vì thế dễ chẩn đoán nhầm với các bệnh khác khiến nhiều người chủ quan và nhập viện khi đã nặng. Các nghiên cứu cho thấy khi vào cơ thể người, vi khuẩn lợn có thể gây bệnh cảnh trầm trọng cho người bệnh. Người bệnh có thể bị viêm màng não giống như các viêm màng não mủ khác, hoặc bị thể nhiễm trùng huyết, hoặc bị cả hai loại bệnh trên cùng lúc. Những người bị bệnh nặng có thể tử vong do độc tố vi khuẩn gây sốc nhiễm khuẩn, viêm nội tâm mạc, suy đa phủ tạng, nhiễm khuẩn huyết… Chỉ sau thời gian rất nhanh, bệnh nhân rơi vào tình trạng shock nặng, tụt huyết áp, khó thở, tím tái, suy gan và thận nhanh. Tỷ lệ tử vong có thể tới trên 10%. Ngoài ra người bị nhiễm liên cầu khuẩn lợn dù đã được điều trị khỏi vẫn có thể bị tái nhiễm.

Hiện ngành y tế xác định căn bệnh này lây từ lợn sang người qua đường tiêu hóa và tiếp xúc, chưa ghi nhận ca bệnh nào lây từ người sang người. Nguồn lây duy nhất vẫn được xác định là từ lợn nhiễm liên cầu khuẩn. Bác sĩ khuyến cáo cần nấu chín đồ ăn, không ăn tiết canh, nem chạo, tiếp xúc, giết mổ, chế biến thịt lợn an toàn để phòng nhiễm bệnh liên cầu khuẩn lợn. (Tiền phong 23/2 (trang 15))

Tọa đàm rèn luyện y đức và y nghiệp

Thành đoàn TP.HCM tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề “Thực hiện cuộc vận động sinh viên 5 tốt trong rèn luyện y đức và y nghiệp” diễn ra lúc 16 giờ 30 ngày 25.2, tại giảng đường Trường ĐH Y Dược TP.HCM (215 Hồng Bàng, P.11, Q.5).

Đến với chương trình, bạn trẻ được các giáo sư, bác sĩ đầu ngành chia sẻ, truyền đạt những kinh nghiệm về thực tiễn trong chuyên môn cũng như trong rèn luyện nhân cách của người thầy thuốc. (Thanh niên 23/2 (trang 9))

Tranh cử chức danh giám đốc Sở Y tế

Trong một giờ, mỗi ứng cử viên trình bày kế hoạch hành động của mình nếu được bổ nhiệm.

Chiều 22-2, Sở Y tế Quảng Ngãi đã tổ chức hội nghị cán bộ chủ chốt ngành y tế để bỏ phiếu tín nhiệm giám đốc Sở Y tế, đồng thời nghe các ứng cử viên chức danh giám đốc Sở Y tế là ông Lê Báy (phó Ban chăm sóc sức khỏe cán bộ tỉnh), ông Nguyễn Tấn Đức (phó giám đốc Sở Y tế) và ông Nguyễn Xuân Mến (phó giám đốc Sở Y tế kiêm giám đốc Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi) trình bày chương trình hành động của mình.

Trong một giờ, mỗi ứng cử viên trình bày kế hoạch hành động của mình nếu được bổ nhiệm làm giám đốc sở, đồng thời giải đáp những câu hỏi của các đại biểu.

Đây là lần đầu tiên tỉnh Quảng Ngãi tổ chức bỏ phiếu tín nhiệm chức danh giám đốc sở theo hình thức tranh cử. Trước đó ông Phạm Hồng Phương, nguyên giám đốc Sở Y tế, đã được điều động sang giữ chức chánh văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh Quảng Ngãi. (Tuổi trẻ 23/2 (trang 2))

Khám bệnh tối đa 4-7 bước

Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh Lương Ngọc Khuê cho hay tại hội nghị giám đốc bệnh viện khu vực phía Bắc (diễn ra ngày 22-2 ở Hà Tĩnh), Cục Quản lý khám chữa bệnh đưa phương án thay đổi quy trình khám bệnh, giảm chờ đợi cho bệnh nhân để lấy ý kiến.

Theo ông Khuê, theo quy trình này, hoạt động khám bệnh tại bệnh viện tối đa chỉ 4-7 bước, trong đó khám bệnh có xét nghiệm thực hiện theo năm bước, khám bệnh có xét nghiệm, thăm dò chức năng, chẩn đoán hình ảnh và xét nghiệm chỉ tối đa bảy bước, rút ngắn so với hiện hành (có bệnh viện kéo dài 14 bước).

Ông Khuê khẳng định trong quy trình mới, Bộ Y tế sẽ yêu cầu công khai minh bạch ở những khâu gây bức xúc nhất để giảm thời gian chờ khám và chờ xét nghiệm. Bệnh viện chỉ được thu tạm ứng viện phí một lần và phải bố trí khu khám bệnh, khu xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, thăm dò chức năng liên hoàn để người bệnh không phải mất thời gian lòng vòng tại bệnh viện.(Tuổi trẻ 23/2 (trang 2))

20 thầy thuốc trẻ nhận giải thưởng Phạm Ngọc Thạch năm 2013

Hội đồng xét chọn giải thưởng Phạm Ngọc Thạch năm 2013 của Thành đoàn TP.HCM vừa công bố danh sách 20 thầy thuốc trẻ đang làm việc tại các bệnh viện trên địa bàn TP nhận giải thưởng này.

Các thầy thuốc trẻ được xét chọn là những bác sĩ, điều dưỡng… có nhiều sáng kiến trong chuyên môn, tích cực tham gia nghiên cứu khoa học và hoạt động tình nguyện vì cộng đồng gồm: BS Quách Hoàng Ân – Bệnh viện Hùng Vương, BS Nguyễn Duy Long – Bệnh viện Nhi Đồng 1, BS Nguyễn Thị Xuân Hương – Bệnh viện Nhân Dân Gia Định, điều dưỡng Nguyễn Thị Lan Anh – Bệnh viện Nhi Đồng 2, BS Trương Anh Mậu – Bệnh viện Nhi Đồng 2, BS Hoàng Nguyên Khanh – Bệnh viện Truyền máu huyết học, BS Nguyễn Hồ Vĩnh Phước – Bệnh viện Bình Dân, BS Nguyễn Thị Thảo Sương –  Bệnh viện Thống Nhất, BS Bùi Quốc Thắng – Bệnh viện Chợ Rẫy, thạc sĩ vi sinh vật học Vũ Thủy Tiên – Viện Y dược học dân tộc TP.HCM, điều dưỡng Phạm Thanh Thủy – Bệnh viện Tai mũi họng TP.HCM, BS Vũ Thái Sơn – Viện Y dược học dân tộc TP.HCM, BS Nguyễn Phú Hương Lan – Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, cử nhân xét nghiệm Thái Lam Uyên – Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, BS Nguyễn Đạt Nguyên – Bệnh viện Từ Dũ, điều dưỡng Biện Huỳnh San Đan – Bệnh viện Đa khoa khu vực Củ Chi, điều dưỡng Nguyễn Trọng Cường – Bệnh viện Thống Nhất, BS Vũ Bích Thụy – Bệnh viện Từ Dũ, BS Huỳnh Văn Bình – Bệnh viện Nhân Dân Gia Định, BS Đào Phú Phúc – Bệnh viện Đa khoa Q.9.

Được biết, đây là lần thứ ba Thành đoàn TP.HCM xét trao giải thưởng này (hai năm một lần), lễ trao giải thưởng sẽ diễn ra vào tối 26-2 tại Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM. (Tuổi trẻ 23/2 (trang 11))

Thông tin sữa dê DANLAIT của Pháp có xuất xứ từ Trung Quốc: Ý kiến chính thức từ Cục An toàn thực phẩm

Xung quanh thông tin về sản phẩm sữa dê DANLAIT có xuất xứ từ Pháp nhưng một số trang thông tin điện tử đăng tin có xuất xứ từ Trung Quốc, gây xôn xao dư luận mấy ngày qua. Ngày 22/2, Cục An toàn thực phẩm đã có công văn thông báo về vấn đề này.

Theo đó, về xuất xứ và hồ sơ pháp lý của 3 loại sữa dê thuộc nhóm thực phẩm bổ sung nói trên, Cục An toàn thực phẩm đã có thông báo đăng tải trên trang thông tin điện tử của Cục. Theo đó, các sản phẩm này đều có đầy đủ hồ sơ pháp lý của Pháp và theo quy định Việt Nam, đồng thời từng lô hàng khi nhập khẩu về Việt Nam đều được kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm, kiểm dịch thú y và hoàn thành thủ tục thông quan hợp lệ, hợp pháp.

Về chất lượng dinh dưỡng, một số bài viết cho rằng, các sản phẩm này không đạt hàm lượng đạm 34% và cho rằng các sản phẩm này là kém chất lượng, không đảm bảo an toàn thực phẩm. Về việc này, phóng viên một số báo đã hiểu nhầm vì áp mức chất lượng về hàm lượng đạm của các sản phẩm trên thuộc nhóm thực phẩm bổ sung theo Quy chuẩn Việt Nam số QCVN 5-2:2010/BYT (Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các sản phẩm sữa dạng bột) là một sự nhầm lẫn. Theo quy chuẩn này, tại Điều 1 đã quy định: “Quy chuẩn này không áp dụng đối với các sản phẩm sữa theo công thức dành cho trẻ đến 36 tháng tuổi, sữa theo công thức với mục đích y tế đặc biệt dành cho trẻ sơ sinh và thực phẩm chức năng (bao gồm cả nhóm thực phẩm bổ sung, theo Luật An toàn thực phẩm)”. Đối tượng áp dụng của quy chuẩn này chỉ bao gồm 4 loại: sữa bột, cream bột, whey bột và sữa bột gầy có bổ sung chất béo thực vật. Vì vậy, áp chỉ tiêu hàm lượng protein sữa trong các sản phẩm thuộc đối tượng áp dụng của QCVN số 5-2:2010/BYT vào các sản phẩm khác, trong đó có thực phẩm bổ sung là không đúng.

Vì vậy, Cục An toàn thực phẩm đề nghị các cơ quan thông tin đại chúng khi đề cập các thông tin liên quan đến sản phẩm sữa dê DANLAIT thuộc nhóm thực phẩm bổ sung như đã nêu trên cần bám sát các quy định pháp luật về an toàn thực phẩm đã được ban hành. (Sức khỏe & Đời sống 23/2 (trang 3))

Thêm 50% lương đối với cán bộ y tế luân phiên xuống tuyến dưới

Ngày 20/2, Thủ tướng Chính phủ vừa có Quyết định số 14/2013/QĐ – TTg về việc thực hiện chế độ luân phiên có thời hạn với người hành nghề tại cơ sở KCB. Theo đó, cán bộ y tế hành nghề tại cơ sở KCB luân phiên từ tuyến tỉnh xuống tuyến huyện, từ tuyến huyện xuống tuyến xã, từ vùng điều kiện kinh tế xã hội không khó khăn đến vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn sẽ được hưởng chế độ đặc thù với mức trợ cấp hằng tháng bằng 50% mức lương hiện hưởng. Bên cạnh đó, đối với những người hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ còn có chế độ ưu tiên như được xét nâng bậc lương trước thời hạn, thay đổi chức danh nghề nghiệp khi đủ điều kiện quy định của pháp luật… Mỗi đợt đi luân phiên không quá 60 ngày. Người hành nghề có thời gian đi luân phiên có thời hạn theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền trước ngày này thì được tính trừ vào thời gian đi luân phiên theo quy định… Quy định có hiệu lực từ ngày 15/4/2013. (Sức khỏe & Đời sống 23/2 (trang 2))

Hội nghị Câu lạc bộ giám đốc bệnh viện các tỉnh khu vực phía Bắc 2013: Giải bài toán nâng cao chất lượng, hình ảnh bệnh viện

Tại Hội nghị Câu lạc bộ giám đốc BV khu vực phía Bắc năm 2013 diễn ra ngày 22/2 tại Hà Tĩnh, PGS.TS. Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh, mục tiêu trước mắt và cần làm ngay lúc này là phải thay đổi bộ mặt tiến tới nâng cao hình ảnh tại khoa khám bệnh của các BV từ tuyến Trung ương tới địa phương. Việc thay đổi bộ mặt BV theo Bộ trưởng là về kiến trúc xây dựng BV và cách thức khám chữa bệnh…

Thay đổi hình ảnh khoa khám bệnh

Ngay trong lời phát biểu chỉ đạo khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định, mục tiêu lớn nhất của hội nghị là tìm ra các gói giải pháp hữu hiệu trong giảm tải và nâng cao chất lượng khám chữa bệnh (KCB). Đồng thời, Bộ trưởng cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, bất cập trong công tác KCB hiện nay là tình trạng quá tải tại các BV tuyến Trung ương, BV tuyến cuối. Bên cạnh đó là chất lượng dịch vụ KCB còn yếu, thái độ ứng xử với người bệnh của một số nhỏ các nhân viên, bác sĩ còn chưa đẹp, vẫn để xảy ra sai sót dẫn đến những tai biến sản khoa… Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng chỉ ra một số nguyên nhân chính dẫn tới những tồn tại, hạn chế trong công tác KCB như: khó khăn về tài chính, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng; giá dịch vụ KCB thấp; lương cán bộ y bác sĩ còn bất cập. Vì vậy, thông qua hội nghị này, Bộ trưởng mong muốn, mục tiêu trước mắt và cần làm ngay lúc này là phải thay đổi bộ mặt, tiến tới nâng cao hình ảnh tại khoa khám bệnh (về kiến trúc xây dựng cũng như trong cách thức KCB) của các BV từ tuyến Trung ương tới địa phương. Bên cạnh đó, tiếp tục nâng cao vấn đề đào tạo y đức ngay từ ban đầu tại các trường đào tạo về ngành y. Điều chỉnh giá dịch vụ KCB theo hướng lấy thu bù chi nhằm hỗ trợ nâng cao công tác KCB.

Nhiều sáng kiến giải bài toán nâng cao chất lượng KCB

Cũng tại hội nghị, PGS.TS. Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý KCB, Bộ Y tế cho biết, một số thành tựu trong công tác y tế dự phòng như tỷ lệ tử vong do bệnh tay – chân – miệng giảm hơn 4 lần so với năm 2011, tình trạng quá tải tại một số BV tuyến Trung ương đã dần được “gỡ nút thắt”. Bên cạnh đó, ngành y tế đã thực hiện thành công nhiều kỹ thuật hiện đại trong ghép tủy đồng loại, ghép gan, tim, thận… Tuy nhiên, những khó khăn thách thức trong công tác KCB cũng đã được Cục trưởng Cục Quản lý KCB lý giải, một phần do nhu cầu KCB của nhân dân tăng về số lượng và chất lượng, trong khi đó, tỷ lệ giường bệnh thấp, năm 2011 chỉ có 21,1 giường/1 vạn dân (không kể giường bệnh tuyến xã). Điều đó, gây sức ép và áp lực lớn đối với đội ngũ y bác sĩ.

Để giải quyết bài toán chất lượng KCB trong giai đoạn hiện nay, nhiều giám đốc BV đã có những sáng kiến, giải pháp nhằm nâng cao công tác KCB. PGS.TS. Hoàng Quốc Hòa, Giám đốc BV Nhân dân Gia Định, TP.Hồ Chí Minh cho biết: Để giải phóng nhanh lượng bệnh nhân đến khám, BV đã áp dụng nhiều quy trình mới như: mở thêm nhiều cửa khám cấp phát thuốc, lấy số khám, lấy thuốc tự động, rút ngắn thời gian cho bệnh nhân. Mở thêm một khu vực điều trị trong ngày, áp dụng hệ thống công nghệ thông tin trong quản lý. Với BV Bạch Mai, vấn đề chống quá tải luôn được quan tâm ở mức độ rất cao. TS. Viên Văn Đoan, Trưởng khoa Khám bệnh, BV Bạch Mai trao đổi kinh nghiệm về vấn đề chống quá tải tại khoa: Khoa Khám bệnh đã thực hiện quy trình KCB một chiều, một cửa không phân biệt bệnh nhân có bảo hiểm hay không có bảo hiểm. Qua đó, do phân loại bệnh nhân ngay từ bước đầu nên thời gian bệnh nhân đến KCB được rút ngắn, đặc biệt trong việc xét nghiệm và trả kết quả xét nghiệm, bệnh nhân không phải đi lại nhiều. Đang thực hiện thanh toán viện phí trực tuyến và tự đăng ký KCB theo hẹn.

Giám đốc Bệnh viện 103, Thiếu tướng PGS.TS. Hoàng Mạnh An cho biết: BV đã áp dụng nhiều quy trình nhằm nâng cao công tác KCB bằng việc phân loại bệnh nhân ngay từ ban đầu. Phân khu khu vực khám bệnh, áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý. Người bệnh đến khám chỉ cần lấy mẫu xét nghiệm một lần, toàn bộ quy trình xét nghiệm, lấy kết quả xét nghiệm đều được làm tự động. Người bệnh có thẻ BYT được quan tâm KCB tận tình…

Phát biểu kết luận hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đề nghị quy trình KCB tại các BV cần tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, từ việc nhỏ nhất là bố trí các khoa phòng hợp lý. Các công trình mới được xây dựng, khoa khám bệnh phải được bố trí hợp lý, khoa học mới được Bộ Y tế phê duyệt. Bộ Y tế đang hoàn thiện việc soạn thảo quy trình rút ngắn đối với khám lâm sàng, ra thông tư, tổ chức tập huấn về quy tắc ứng xử trong KCB… Xác định rõ trách nhiệm từ giám đốc bệnh viện, đội ngũ y bác sĩ trực tiếp thăm khám đến người nhà bệnh nhân. Về vấn đề tài chính y tế, theo chỉ đạo của Bộ trưởng, cần công khai, giảm bớt yếu tố lợi nhuận trong KCB; minh bạch hơn nữa trong cơ chế đấu thầu thuốc, đấu giá tập trung nhằm mục tiêu nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe người dân. (Sức khỏe & Đời sống 23/2 (trang 3)).

Gửi thảo luận