Trang chủ » Tin tức » Điểm báo ngày 22/2/2013

Điểm báo ngày 22/2/2013


Liên tiếp nhập viện vì liên cầu khuẩn lợn

Thống kê tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, tính từ đầu năm 2013 đến nay đã có 16 trường hợp nhập viện vì nhiễm liên cầu khuẩn lợn, trong đó có hai ca đã tử vong do nhiễm trùng huyết quá nặng. Chỉ tính riêng trong 10 ngày tết, bệnh viện này đã tiếp nhận chín bệnh nhân, hầu như những bệnh nhân này đều có liên quan trực tiếp đến việc giết mổ, ăn tiết canh hoặc các sản phẩm từ thịt heo chưa qua nấu chín.

Theo bác sĩ Nguyễn Hồng Hà – phó giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, khi bị nhiễm liên cầu khuẩn lợn, bệnh nhân dễ dàng bị điếc, suy đa phủ tạng cấp và rất dễ tử vong. Có nhiều trường hợp, thời gian tiến triển bệnh nhanh đến mức chỉ trong vòng 12 giờ tính từ lúc bắt đầu nhiễm khuẩn đến lúc phát bệnh nặng. Trong khi đó, các biểu hiện ban đầu lại rất dễ nhầm lẫn với các bệnh khác nên gây nhiều khó khăn trong việc chẩn đoán và điều trị (Tuổi trẻ trang 3).
 
Sau tết, trẻ tiêu chảy tăng vọt

Bệnh nhi đến khám, điều trị ở Bệnh viện Nhi Đồng 1 và Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP.HCM) do mắc bệnh tiêu chảy đang ở mức cao. Bác sĩ Hoàng Lê Phúc, trưởng khoa tiêu hóa Bệnh viện Nhi Đồng 1, cho biết những ngày sau tết, số bệnh nhi nhập viện do mắc bệnh tiêu chảy tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 vẫn ở mức cao với 130 trẻ nằm điều trị/ngày.
Còn tại Bệnh viện Nhi Đồng 2, theo thống kê của phòng kế hoạch tổng hợp, từ ngày 15 đến 20-2, mỗi ngày khoa khám bệnh tiếp nhận 179-229 trẻ mắc bệnh tiêu chảy đến khám, số trẻ nằm điều trị dao động từ 158-190 trẻ mỗi ngày, tăng hơn so với những ngày trước tết. Tại khoa tiêu hóa của bệnh viện này, trẻ mắc bệnh tiêu chảy đang phải nằm ghép 2-3 trẻ/giường bệnh.

Cẩn thận với thức ăn trữ lạnh

Sau chuyến về quê ở miền Bắc thăm ông bà vào dịp tết được một ngày, con gái sáu tháng tuổi của chị Nguyễn Ngọc Thư (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) bị tiêu chảy phải tới Bệnh viện Nhi Đồng 2 khám bệnh. Chị Thư rất bối rối vì dịp tết chị chỉ cho con gái bú sữa mẹ và ăn giặm như ngày thường chứ không cho con ăn uống gì lạ nhưng bé vẫn bị tiêu chảy.

Theo bác sĩ Nguyễn Minh Ngọc – phụ trách khoa tiêu hóa Bệnh viện Nhi Đồng 2, tết thường là dịp các gia đình đưa con nhỏ đi chơi xa hoặc về quê thăm ông bà nên môi trường sống của trẻ thay đổi, khiến trẻ dễ bị các tác nhân gây nhiễm trùng đường ruột tấn công gây bệnh tiêu chảy. Bác sĩ Minh Ngọc cho biết từ mồng 1 tết đến nay, các bác sĩ tại khoa tiêu hóa rất vất vả vì bệnh nhân nhập viện khá đông. Nhiều giường bệnh phải nằm đôi, nằm ba, nhiều trẻ phải nằm ngoài hành lang. Dự báo bệnh tiêu chảy có xu hướng gia tăng trong thời gian tới vì khi tết kết thúc cũng là lúc bắt đầu vào mùa nắng nóng, đây là mùa khiến trẻ em bị mắc tiêu chảy nhiều nhất.

Nguyên nhân khiến trẻ dễ mắc bệnh trong và sau tết là do thời gian này nhiều bà mẹ bận rộn nên việc chăm sóc con nhỏ không được kỹ, nhất là trong vấn đề ăn uống. Trẻ có hệ tiêu hóa rất nhạy cảm nên dễ bị tiêu chảy khi ăn những thức ăn không đảm bảo vệ sinh. Thời gian sau tết, các gia đình thường tồn lại lượng thức ăn trữ lạnh. Đây là loại thức ăn dễ bị nhiễm khuẩn, trẻ ăn phải những loại thức ăn này cũng dễ bị tiêu chảy.

Không cho trẻ uống thuốc “cầm”

Bác sĩ Hoàng Lê Phúc cũng cho rằng nguyên nhân gây bệnh tiêu chảy thường do trẻ bị nhiễm virút hoặc vi trùng trong đường ruột. Nếu trẻ bị tiêu phân lỏng, không đàm máu thì thường bệnh kéo dài 5-7 ngày. Giai đoạn trẻ bị tiêu phân lỏng nhiều có thể dẫn tới tình trạng mất nước và muối gây nguy hiểm cho trẻ. Nếu không được bù nước thích hợp và kịp thời, trẻ sẽ nhanh chóng bị khô kiệt, thậm chí có thể tử vong.

Muốn tránh tình trạng trẻ bị mất nước, các bà mẹ nên cho trẻ uống thêm nước đun sôi để nguội, nước khoáng, nước dừa tươi. Bên cạnh đó, tránh cho trẻ dùng các loại nước giải khát công nghiệp có nhiều đường, quá ngọt. Các bà mẹ có thể giúp trẻ bù nước bằng dung dịch ORS theo hướng dẫn của nhân viên y tế. Ngoài ra, cần cho trẻ ăn đầy đủ các chất dinh dưỡng phù hợp lứa tuổi và chia nhỏ bữa ăn làm nhiều lần, đút chậm bằng muỗng để tránh cho trẻ bị ói.

Bác sĩ Phúc nhấn mạnh không phải trẻ mắc bệnh tiêu chảy đều nhập viện điều trị mà tùy mức độ nặng nhẹ của bệnh. Trẻ tiêu chảy không bị mất nước sau khi được khám, nhân viên y tế sẽ hướng dẫn cách chăm sóc, điều trị tại nhà và hẹn ngày tái khám. Tuy vậy, trong quá trình chăm sóc trẻ tại nhà, nếu các bậc cha mẹ phát hiện trẻ có dấu hiệu nguy hiểm cần đưa đến cơ sở y tế ngay. Đó là khi trẻ có một trong những dấu hiệu như sốt cao liên tục, co giật, ói nhiều, không ăn uống được, trướng bụng, tiêu phân có máu hoặc khi thấy trẻ bệnh nặng hơn (vì tiêu chảy có thể là biểu hiện của một bệnh khác).

Lo lắng, xót xa khi con cứ liên tục bị tiêu chảy, người sút ký trông thấy, một số bà mẹ đã tự ý mua thuốc “cầm tiêu chảy” về cho trẻ uống. Bác sĩ Phúc khuyên các bà mẹ tuyệt đối không cho trẻ uống những loại thuốc này vì các thuốc cầm tiêu chảy làm giảm nhu động ruột, liệt ruột khiến phân không được thải ra ngoài. Khi trẻ vẫn bị tiêu chảy nhưng phân không bài xuất ra ngoài được, ứ lại trong ruột gây trướng bụng, viêm ruột, thậm chí làm tắc ruột, thủng ruột, tử vong (Tuổi trẻ trang 12).
 
Nên dừng ăn tiết canh

Những ngày qua, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư (Hà Nội) liên tục tiếp nhận các ca viêm màng não mủ, nhiễm khuẩn huyết do nhiễm vi khuẩn từ lợn, nhiều ca bệnh nặng, thậm chí tử vong.

Hai người chết

Sáng 21.2, tại Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư (Hà Nội) đang điều trị một bệnh nhân nam 46 tuổi, ở Bình Lục, HàNam. Bệnh nhân thường xuyên uống rượu với lòng lợn, tiết canh. Hai ngày trước khi phát bệnh, bệnh nhân này có dùng bữa với món tiết canh khoái khẩu. Bác sĩ (BS) Trung Cấp, Phó trưởng khoa Cấp cứu, cho biết: “Bệnh nhân sốt cao, vật vã, ý thức lơ mơ rồi hôn mê. Các xét nghiệm cho thấy trường hợp này bị viêm màng não mủ do nhiễm liên cầu lợn (LCL)”.

Theo BS Cấp, ngoài thể viêm màng não, LCL còn gây nhiễm trùng huyết, là bệnh gây tử vong cao. Mới đây, 2 ca bệnh nhiễm LCL nặng tử vong đều bị nhiễm trùng huyết. Hai bệnh nhân này ở Nam Định nhập viện sau khi ăn tiết canh lợn. Mặc dù vào điều trị sớm khi có biểu hiện ban đầu là sốt cao, nhưng hai ca này có bệnh diễn biến rất nhanh, suy nhiều tạng: gan, thận, phổi, rối loạn đông máu nên không qua khỏi.

Tại Khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, bệnh nhân Lê Văn N., 47 tuổi ở Thanh Hóa, nhập viện từ ngày 11.2, đang điều trị do nhiễm trùng huyết vì LCL; các mảng da màu tím thẫm phủ kín ống chân, bàn chân, cánh tay. Người nhà ông N. cho biết ngày cận tết, ông N. có tham gia giết mổ lợn và đến sáng mùng 1 tết thì sốt rất cao, rét run nên gia đình đưa vào bệnh viện huyện. Lúc này ông N. bắt đầu nổi ban đỏ thẫm ở chân, bệnh viện nghi sốt xuất huyết nên chuyển ông N. lên Bệnh viện tỉnh Thanh Hóa, sau đó tiếp tục chuyển lên Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư. “Chỗ chúng tôi không hề biết gì về bệnh lây từ lợn, không biết có phải nhiễm bệnh do tiết canh lợn”, người nhà ông N. nói.

Ăn tiết canh để giải đen, nhập viện

Biểu hiện ban đầu của nhiễm trùng huyết do LCL là sốt cao, nổi các ban ngoài da từ đỏ đến thâm tím, từng mảng lớn, có hoại tử bong tróc từng đám da trên cơ thể. Nhiễm trùng huyết gây tắc mạch máu, chết mạch máu nuôi dưỡng khiến hoại tử các đầu ngón chân, tay, có trường hợp phải cắt bỏ chi do hoại tử. “50% bệnh nhân nhiễm LCL cho biết có ăn tiết canh lợn, ngoài ra, nhiều người liên quan đến giết mổ, chế biến thịt lợn”, BS Cấp cho biết.

Theo BS Hồng Hà, Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư: “Với các ban ngoài da, nhiều bệnh nhân bị chẩn đoán nhầm là sốt xuất huyết. Chẩn đoán nhầm có thể làm chậm quá trình điều trị hoặc không đúng phác đồ”. Các BS cảnh báo các địa phương cần chấn chỉnh về an toàn thực phẩm. Ngay từ 2 tuần trước tết, số ca nhập viện do LCL tăng cao, liên quan đến mật độ giết lợn, ăn tiết canh để “giải đen” cuối năm tăng lên. Trong các ngày nghỉ tết và ngay sau tết vẫn có bệnh nhân, vì lúc này nhiều người lại ăn tiết canh lợn đầu năm để lấy vận “đỏ”.

Theo Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư, chỉ trong vòng hơn 1 tháng qua liên tục 12 ca nhập viện điều trị các bệnh do nhiễm LCL. Các bệnh nhân từ Hà Nội, Nam Định, Thanh Hóa, Hà Nam, trong đó 2 ca tử vong. So với các tháng trước đó, số bệnh nhân tăng rất cao khá dồn dập, liên quan trực tiếp đến giết mổ, chế biến thịt lợn và đặc biệt là ăn tiết canh lợn.

Tuyệt đối không nên ăn tiết canh!

Ở Việt Nam thường có thói quen dùng các món tiết canh chế biến từ máu sống lấy từ các loại động vật như: gà, vịt, lợn, bò, thậm chí uống máu sống lấy từ rắn. Chuyên gia về vệ sinh an toàn thực phẩm, BS Trần Văn Ký (Hội Khoa học kỹ thuật an toàn thực phẩm Việt Nam) nói: “Các nước phương Tây không bao giờ dùng món tiết canh; ngay cả bộ đồ lòng, nội tạng của các con vật (như lòng gà, mề gà…) cũng là đồ thải đối với họ. Tiết canh bản chất là máu sống mang rất nhiều mầm bệnh, nhất là máu của các con vật: lợn, gà, vịt… đang bị nhiễm bệnh. Nếu lợn đang mắc bệnh thì nguồn máu của nó sẽ chứa vi trùng, vi khuẩn gây bệnh. Do vậy, người dùng tiết canh từ con vật này sẽ có nguy cơ nhiễm các bệnh như LCL, hay nhiễm giun sán, bệnh đường tiêu hóa, viêm não mô cầu…”. Gà, vịt đang nhiễm bệnh, thường gặp nhất là bệnh cúm, thì người dùng tiết canh của chúng sẽ có nguy cơ cao mắc bệnh cúm A/H5N1, H1N1. “Chưa nói, thời gian qua liên tục phát hiện nhiều vụ heo bệnh, gà bệnh, hay chưa qua kiểm soát giết mổ được giết mổ, vận chuyển trái phép; ngoài ra tình trạng giết mổ gia súc, gia cầm trong điều kiện không đảm bảo vệ sinh diễn ra rất nhiều, nên việc dùng tiết canh heo, gà, vịt là có nguy cơ rất cao nhiễm bệnh, ảnh hưởng đến sức khỏe”, BS Ký nói.

Ông Lâm Quốc Hùng, Trưởng phòng Giám sát ngộ độc, Cục An toàn thực phẩm, nhấn mạnh: “Tuyệt đối không ăn tiết canh, nem chua, thịt chưa nấu chín vì có thể nhiễm liên cầu lợn, dễ mắc bệnh viêm màng não mủ. Hiện vẫn còn tình trạng bán hoặc chế biến món ăn này tại gia đình. Các địa phương cần đẩy mạnh truyền thông để người dân nói không với các món chứa mầm bệnh nguy hiểm” (Thanh niên trang 3, An ninh Thủ đô trang 6, Lao động trang 3).
 
Cấp thẻ BHYT cho 100% dân xã đảo

Ngày 21-2, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cho biết, theo Đề án của Chính phủ về phát triển y tế biển, đảo Việt Nam đến năm 2020, đến năm 2020, tất cả xã đảo đều có trạm y tế cấp xã; 40% bệnh viện/trung tâm y tế huyện đảo có khả năng triển khai kỹ thuật ngoại khoa tương đương bệnh viện hạng 2; 100% người lao động trên các tàu biển, nhà giàn có kiến thức tự bảo vệ sức khỏe và biết kêu gọi sự trợ giúp khi có tình huống cấp cứu; 100% người dân xã đảo được cấp thẻ BHYT… Ngoài ra, 6 trung tâm cấp cứu, khám chữa bệnh đặc thù cho vùng biển đảo và làm nhiệm vụ hỗ trợ cấp cứu từ xa (Telemedicine) sẽ hình thành, đặt tại Viện Y học biển (Hải Phòng), Bệnh viện Quân khu 4 (Nghệ An), Bệnh viện C (Đà Nẵng), Bệnh viện 87 (Nha Trang), Bệnh viện thuộc Liên doanh Việt Nga – Vietsovpetro (Vũng Tàu), Bệnh viện Quân dân y 78 (Phú Quốc). Bên cạnh đó, một tàu biển đa năng chịu được sóng cấp 8, đóng vai trò là cơ sở y tế lưu động trên biển (tàu bệnh viện) sẽ được đóng để phục vụ ngành kinh tế biển xa bờ (Tiền phong trang 2).
 
Chủ động phòng, chống bệnh hô hấp do virus corona

Bộ Y tế đã có văn bản chính thức chỉ đạo Trung tâm y tế dự phòng các tỉnh, thành phố trên cả nước tăng cường hơn nữa việc giám sát phòng, chống bệnh dịch viêm đường hô hấp cấp tính nặng do virus corona gây raTheo đó, các địa phương cần tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nghi mắc bệnh nặng do virus, phải lấy mẫu bệnh phẩm để gửi ngay về Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur xét nghiệm khẳng định, nếu có triển khai ngay các biện pháp xử lý ổ dịch. Các đơn vị này cũng cần phải chuẩn bị sẵn sàng cơ số thuốc, vật tư, hóa chất và phương tiện hỗ trợ kịp thời cho địa phương triển khai biện pháp xử lý ổ dịch. Bộ Y tế yêu cầu các địa phương khi phát hiện trường hợp nghi mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp tính do virus corona cần báo cáo kịp thời về Cục Y tế dự phòng.

Các địa phương cần tăng cường tuyên truyền các biện pháp phòng, chống lây nhiễm virus cho cán bộ y tế và cộng đồng. Bởi theo thông báo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), từ ngày 22-9-2012 đến 16-2-2013, trên thế giới đã có 12 trường hợp dương tính với virus corona, trong đó có 5 trường hợp tử vong tại Saudi Arabia, Jordan và Anh. Ngày 15-2-2013, tại Anh đã xác nhận thêm một trường hợp nhiễm mới và xác định là do lây từ người sang người.

Trường hợp nghi mắc bệnh có dấu hiệu: Sốt cao đột ngột trên 38 độ, ho và có biểu hiện viêm phổi hay suy hô hấp cấp tính (lâm sàng hoặc chụp X-quang). Theo Bộ Y tế, hiện nay trên thế giới vẫn chưa có biện pháp phòng bệnh đặc hiệu. Các biện pháp được khuyến cáo áp dụng là: Tránh tiếp xúc với người bị bệnh đường hô hấp cấp tính; khi cần phải tiếp xúc thì đeo khẩu trang y tế và giữ khoảng cách; che miệng, mũi khi ho hoặc hắt hơi (tốt nhất sử dụng khăn hoặc giấy sau đó giặt sạch hoặc hủy); giữ vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, tránh đưa tay lên mắt, mũi, miệng; thường xuyên súc họng bằng nước sát khuẩn miệng; tăng cường thông khí nơi làm việc, nhà ở, trường học, cơ sở y tế… bằng cách mở cửa ra vào, cửa sổ, hạn chế sử dụng điều hòa; tăng cường sức khỏe bằng ăn uống, nghỉ ngơi, sinh hoạt hợp lý, luyện tập thể thao. Khi trong người có biểu hiện của bệnh viêm đường hô hấp cấp tính phải thông báo ngay với cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, cách ly và điều trị kịp thời (Hà Nội mới trang 1).
 
Đồng Nai: Nối thành công một cánh tay bị đứt lìa

Sau hơn 6 giờ phẫu thuật và một ngày được các bác sỹ của Bệnh viện đa khoa Thống Nhất (Đồng Nai) chăm sóc, ngày 21/2, cánh tay trái của bệnh nhân Nguyễn Văn Thái, 51 tuổi, xã Gia Tân, huyện Thống Nhất đã hồng ấm, các ngón tay đã có thể co duỗi, tình trạng sức khỏe của bệnh nhân đã ổn định.

Bác sỹ Nguyễn Tường Quang, Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình của bệnh viện, cho biết đêm 19/2, bệnh nhân Nguyễn Văn Thái được chuyển đến bệnh viện trong tình trạng cánh tay trái bị đứt lìa hơn 95% (chỉ dính lại ít da). Tình trạng sức khỏe của anh Thái lúc đó rất nguy kịch vì mất quá nhiều máu, huyết áp tụt, mạch đập yếu.

Sau hội chẩn, khoa đã quyết định tiến hành nối cánh tay cho bệnh nhân bằng kỹ thuật mổ vi phẫu. Êkíp thực hiện ca phẫu thuật, gồm 4 bác sỹ, đã mất hơn 6 giờ để nối lại động mạch, các dây thần kinh, các cơ bị đứt cho bệnh nhân. Sau ca phẫu thuật, ngày 20/2, bệnh nhân Thái tiếp tục được chăm sóc và theo dõi đặc biệt. Hiện anh Thái đã bình phục, cánh tay được nối đã “sống” lại. Bác sỹ Quang cho biết trước khi đến Bệnh viện đa khoa Thống Nhất, bệnh nhân đã được sơ cứu tại một bệnh viện đa khoa huyện. Đây là lý do quan trọng dẫn đến thành công của ca phẫu thuật này, bởi nếu không được sơ cứu và chuyển đến bệnh viện kịp thời thì da, gân, cơ và các mô mềm của bàn tay sẽ bị chết (Gia đình &Xã hội trang 2).
 
Phương pháp mới điều trị tắc tá tràng bẩm sinh

Các bác sĩ khoa ngoại tổng hợp Bệnh viện Nhi Đồng 2 TP.HCM vừa thực hiện thành công ca phẫu thuật bệnh tắc tá tràng hoàn toàn bằng nội soi cho bệnh nhi sơ sinh 2 ngày tuổi. Bé con bà N.B.H., sau sinh được chuyển từ Bệnh viện Tây Ninh đến Bệnh viện Nhi Đồng 2 vì lý do nhẹ cân (1,6kg) và non tháng. Qua thăm khám, các bác sĩ phát hiện ngoài lý do trên, bé còn bị bệnh tắc tá tràng bẩm sinh. Đây là bệnh do tá tràng (phần đầu tiên đi xuống của ruột non) trong quá trình ở bào thai vì lý do nào đó không phát triển khiến việc lưu thông thức ăn xuống ruột bị ngưng trệ. Ca mổ tuy khó khăn do bé quá nhẹ cân (cân nặng lúc phẫu thuật 1,45kg) nhưng đã thành công tốt đẹp. Hiện bé dần hồi phục và bú được.

ThS.BS Trần Thanh Trí, trưởng kíp mổ, cho biết Bệnh viện Nhi Đồng 2 là một trong những bệnh viện đầu tiên ứng dụng kỹ thuật này trong điều trị bệnh tắc tá tràng. Trước đây điều trị bệnh này chỉ có phương pháp mổ hở với đường mổ tương đối dài. Với phương pháp mổ nội soi, các bác sĩ chỉ cần tạo các lỗ nhỏ 5mm để đưa dụng cụ nội soi vào thao tác, rất nhẹ nhàng và hầu như ít gây tổn thương các cơ quan lân cận, bé sẽ hồi phục nhanh hơn.

Chẩn đoán sinh bệnh lý này có thể thực hiện ở tuần lễ 29 của thai kỳ và thường gặp ở các thai kỳ (50% trường hợp) người mẹ có tình trạng đa ối. Ngoài ra, bệnh cũng thường đi kèm với hội chứng Down, bệnh tim bẩm sinh, sinh non tháng với phổi chưa trưởng thành… Do vậy, bác sĩ khuyên các bà mẹ mang thai rất cần siêu âm và theo dõi tiền sản để phát hiện dị tật của thai nhi (Tuổi trẻ trang 12).

 

Gửi thảo luận