Báo cáo tổng hợp tình hình Tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013 của Văn phòng Chính phủ cho thấy, công tác tổ chức phục vụ nhân dân đón Tết được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo sát sao, kịp thời, toàn diện. Công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân được duy trì tốt, các cơ sở y tế bố trí các kíp trực 24/24 giờ, xử lý những trường hợp cấp cứu, các bệnh phát sinh do thời tiết; tổ chức thăm hỏi, động viên, chăm sóc, phục vụ chu đáo người bệnh còn phải điều trị nội trú trong những ngày Tết. Đặc biệt, tình hình dịch bệnh được kiểm soát chặt chẽ, không có dịch phát sinh, trong và sau Tết không xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm.
Theo báo cáo công tác y tế trong dịp Tết Quý Tỵ của Bộ Y tế, trước Tết, Bộ Y tế đã chỉ đạo các cơ sở y tế bố trí các kíp trực 24/24 giờ, bảo đảm có đủ khả năng xử lý kịp thời các trường hợp cấp cứu, tai nạn giao thông, sinh đẻ trong những ngày Tết… Nghỉ Tết Quý Tỵ dài ngày, nhưng các cơ sở y tế đã tổ chức chăm sóc, phục vụ chu đáo những người bệnh còn phải nằm tại viện để điều trị, chăm lo cả về vật chất lẫn tinh thần cho họ. Về tình hình vệ sinh an toàn thực phẩm, đã không ghi nhận vụ ngộ độc thực phẩm hoặc bệnh truyền qua thực phẩm xảy ra. Điều đó cho thấy, sự vào cuộc tích cực của chính quyền địa phương và nỗ lực của các cán bộ làm công tác an toàn thực phẩm trong toàn quốc đảm bảo cho người dân được ăn Tết vui vẻ và đầm ấm bên gia đình.
Lo Tết cho người nghèo
Trước Tết, các bộ, ngành, địa phương đã hoàn thành việc chuyển quà chúc Tết đến gần 1,9 triệu người có công với tổng kinh phí trên 393 tỷ đồng; xuất cấp (không thu tiền) 23.999 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia hỗ trợ 15 tỉnh.
Các địa phương cũng tổ chức thăm hỏi, tặng quà các gia đình chính sách với kinh phí trên 807 tỷ đồng; thăm hỏi, tặng quà các trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trẻ em vùng sâu, vùng xa, trẻ em đang điều trị tại các cơ sở y tế… với số tiền trên 109 tỷ đồng. Các địa phương trích ngân sách, huy động xã hội hóa tặng quà dịp Tết, điển hình là TP. Hồ Chí Minh (158,5 tỷ đồng), Đà Nẵng (83,4 tỷ đồng), Hà Nội (61,6 tỷ đồng), Hải Phòng (42 tỷ đồng)…
Do đẩy mạnh đấu tranh ngăn chặn, xử lý nghiêm các trường hợp sản xuất, vận chuyển, tàng trữ, buôn bán và đốt pháo nổ trái phép nên số pháo nổ và tình trạng đốt pháo đã giảm hẳn. Tuy nhiên, ở một số địa phương vẫn còn xảy ra đốt pháo gây dư luận xấu trong xã hội như Hải Dương, Hà Nội, Lào Cai…
Tập trung thực hiện kế hoạch năm 2013
Phát biểu tại cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá các bộ, ngành, địa phương đã chấp hành nghiêm túc chỉ đạo của Trung ương trong công tác chăm lo Tết cho nhân dân; thực hiện tốt chế độ trực Tết; đảm bảo cung cầu hàng hóa trên thị trường trong dịp Tết, không để xảy ra tình trạng khan hàng, sốt giá; kiểm soát được giá cả hàng hóa; đảm bảo thuận lợi cho nhân dân đi lại ăn Tết; giải quyết được ùn tắc giao thông; hoạt động du lịch, văn hóa nghệ thuật diễn ra sôi động; tội phạm hình sự được tập trung kiểm soát; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững… Tuy nhiên, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ ra những mặt còn hạn chế: còn xảy ra tình trạng đốt pháo nổ ở một số địa phương, việc kiềm chế tai nạn giao thông cần phải được tập trung xử lý tốt hơn… Đặc biệt, hết sức quan tâm theo dõi sát diễn biến thị trường, giá cả sau Tết, nhất là những mặt hàng thiết yếu để có các biện pháp xử lý kịp thời trong trường hợp có biến động, bảo đảm góp phần kiểm soát lạm phát
năm 2013 theo mục tiêu đề ra; đồng thời sau Tết vẫn phải tiếp tục bình ổn giá cả hàng hóa, đặc biệt là đối với những mặt hàng thiết yếu.
Tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, xử phạt nghiêm các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông, không để xảy ra ùn tắc giao thông nghiêm trọng; coi trọng đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông trong mùa lễ hội đầu năm (Sức khỏe & Đời sống trang 1).
Miễn, giảm học phí cho chuyên ngành pháp y, lao, tâm thần
Chính phủ vừa phê duyệt Đề án “Khuyến khích đào tạo và phát triển nhân lực y tế các chuyên ngành lao, phong, tâm thần, pháp y và giải phẫu bệnh giai đoạn 2013 – 2020”. Đề án đặt mục tiêu, đến năm 2020, số lượng đào tạo nhân lực y tế thuộc các chuyên ngành trên ước tính 2.500 người. Cùng đó, 90 – 100% bệnh viện, viện tuyến Trung ương và các cơ sở đào tạo, 70 – 90% bệnh viện, viện tuyến tỉnh và các cơ sở đào tạo có đủ nhân lực các chuyên ngành lao, phong, tâm thần, pháp y và giải phẫu bệnh; 50 – 70% bệnh viện tuyến huyện có đủ nhân lực các chuyên ngành này. Đặc biệt, đề án quy định, miễn, giảm học phí đối với tất cả các loại hình đào tạo cho các sinh viên, học viên theo học các chuyên ngành trên (Sức khỏe & Đời sống trang 2).
Công điện khẩn của Bộ Y tế về phòng chống áp thấp nhiệt đới
Ngày 20/2, Bộ Y tế đã có Công điện khẩn số 930/CĐ-BYT gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Trị đến Cà Mau, Kiên Giang và các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế khu vực miền Trung và miền Nam về việc triển khai công tác chủ động đối phó với diễn biến của áp thấp nhiệt đới trên biển. Theo đó, Bộ Y tế yêu cầu theo dõi chặt chẽ diến biến của áp thấp nhiệt đới; có kế hoạch chủ động trong công tác phòng, chống, phát huy phương châm bốn tại chỗ, ứng phó kịp thời, chính xác, hạn chế thấp nhất thiệt hại xảy ra. Sở Y tế các tỉnh, thành phố chủ động triển khai ngay các phương án bảo vệ, hỗ trợ hoặc di dời cơ sở y tế để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho bệnh nhân, cán bộ y tế cũng như trang thiết bị y tế tại các vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng do áp thấp nhiệt đới gây ra. Các cơ sở y tế tổ chức trực ban, trực cấp cứu nghiêm túc, sẵn sàng thu dung và cấp cứu miễn phí cho nạn nhân bị ảnh hưởng do áp thấp nhiệt đới; đội cấp cứu cơ động luôn trong trạng thái sẵn sàng ứng cứu khi có lệnh… (Sức khỏe & Đời sống trang 2).
Bộ Y tế hướng dẫn về giá KCB một số cơ sở y tế
Bộ Y tế vừa ban hành Thông tư 04/2013/TT-BYT hướng dẫn việc phê duyệt và áp dụng giá dịch vụ KCB đối với các cơ sở KCB thuộc các bộ, ngành khác quản lý. Theo đó, đối với các BV hạng đặc biệt, hạng I thuộc thẩm quyền quản lý trực tiếp các bộ, ngành, Bộ trưởng Bộ Y tế phê duyệt giá dịch vụ KCB. Đối với trạm y tế cơ quan, đơn vị, tổ chức, trạm y tế quân dân y, phòng khám quân dân y sẽ áp dụng giá dịch vụ KCB do HĐND, UBND tỉnh quy định. Các BV hạng II , III, IV, giá dịch vụ KCB sẽ áp dụng như các cơ sở KCB cùng hạng của địa phương theo quy định của HĐND, UBND tỉnh ban hành. Đối với các cơ sở KCB chưa thực hiện việc xếp hạng thì cơ quan quản lý y tế phối hợp với BHXH tỉnh thống nhất việc áp dụng giá dịch vụ KCB đã được HĐND, UBND tỉnh quy định trong thời gian chờ xếp hạng theo quy định của Bộ Y tế. Trường hợp cơ sở KCB thực hiện các dịch vụ kỹ thuật chưa có trong quy định giá dịch vụ KCB của địa phương thì cơ sở KCB phải thực hiện xây dựng phương án giá theo hướng dẫn của Bộ Y tế và báo cáo Bộ Y tế xem xét, quyết định. Thông tư này không áp dụng đối với các cơ sở KCB của Nhà nước thuộc Bộ Y tế và các địa phương quản lý (Sức khỏe & Đời sống trang 2).
Năm 2013, có ít nhất 100 bác sĩ Hà Nội tham gia Đề án 1816
Nhằm nâng cao hiệu quả hỗ trợ hoạt động chuyên môn cho tuyến dưới thông qua việc cử cán bộ từ bệnh viện (BV) tuyến trên về luân phiên đào tạo, chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới theo Đề án 1816 của Bộ Y tế, Sở Y tế Hà Nội đã có kế hoạch trong năm 2013 cử ít nhất 100 cán bộ BV tuyến trên tham gia.
Mục tiêu ngành đặt ra là 100% BV hạng I, hạng II thực hiện kế hoạch cử cán bộ luân phiên về BV tuyến huyện, tham gia hỗ trợ tỉnh bạn theo sự phân công của Bộ Y tế; 80% các kỹ thuật sau khi tiếp nhận, chuyển giao được các BV tuyến huyện thực hiện tốt, 100% BV đa khoa tuyến huyện phối hợp với các trung tâm y tế huyện cử bác sĩ về khám, chữa bệnh tại các xã chưa có bác sĩ.
Để thực hiện có hiệu quả kế hoạch này, Sở Y tế Hà Nội yêu cầu các BV cử cán bộ đi luân phiên phải khảo sát, đánh giá đúng nhu cầu tuyến dưới và chọn cử những cán bộ có thể làm thầy – hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật và làm thay – hỗ trợ nhân lực cho phù hợp; các đơn vị tiếp nhận cán bộ luân phiên phải bố trí cán bộ có khả năng, trình độ để tiếp nhận kỹ thuật được chuyển giao, chuẩn bị trang thiết bị, cơ sở vật chất để bác sĩ đi luân phiên hoàn thành tốt nhiệm vụ (Sức khỏe & Đời sống trang 6).
Quảng Ngãi: Huyện đảo Lý Sơn nhận xe cứu thương đầu tiên
Huyện đảo Lý Sơn vừa nhận chiếc xe cứu thương đầu tiên do tổ chức Sống để yêu thương Việt Nam trao tặng.
Ngày 4.2, ông Mai Hữu Hậu, giám đốc Trung tâm Y tế quân – dân y kết hợp huyện Lý Sơn đã tiếp nhận chiếc xe cứu thương do Quỹ sống để yêu thương Việt Nam trao tặng. Đây là chiếc xe cứu thương đầu tiên của huyện đảo Lý Sơn, có giá trị gần 700 triệu đồng. Cùng ngày, sở Y tế Quảng Ngãi kết hợp với Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Ngãi và Trung tâm Y tế quân – dân y kết hợp huyện Lý Sơn đã tổ chức khám bệnh, cấp thuốc cho hơn 500 dân nghèo, chính sách của đảo, trong đó có 300 suất quà Tết với tổng số tiền gần hơn 100 triệu đồng (Sức khỏe & Đời sống trang 6).
Phê duyệt giá dịch vụ khám, chữa bệnh tại các cơ sở không do Bộ Y tế quản lý
Bộ Y tế vừa ban hành Thông tư 04/2013/TT-BYT hướng dẫn việc phê duyệt, áp dụng giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (KCB) thuộc các bộ, ngành khác quản lý (không áp dụng đối với các cơ sở KCB của Nhà nước thuộc Bộ Y tế và thuộc địa phương quản lý) có hiệu lực thi hành từ ngày 15-3-2013.
Thông tư quy định, đối với các BV hạng đặc biệt, BV hạng I thuộc thẩm quyền quản lý trực tiếp các bộ, ngành thì Bộ trưởng Bộ Y tế phê duyệt giá dịch vụ KCB đối với từng cơ sở. Giá dịch vụ KCB tại trạm y tế cơ quan, đơn vị, tổ chức, trạm y tế quân dân y, phòng khám quân dân y đã được HĐND, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quy định. Các BV hạng II, III, IV thuộc thẩm quyền quản lý trực tiếp các bộ, ngành còn lại (bao gồm cả BV quân dân y), áp dụng giá dịch vụ KCB đã được HĐND, UBND tỉnh quy định đối với cơ sở KCB cùng hạng của địa phương đó.
Trong trường hợp cơ sở KCB bộ, ngành thực hiện các dịch vụ kỹ thuật chưa có trong quy định giá dịch vụ KCB của địa phương thì cơ sở KCB bộ, ngành phải thực hiện xây dựng phương án giá theo hướng dẫn của Bộ Y tế và báo cáo Bộ Y tế xem xét, quyết định (Hà Nội mới trang 2).
Phí thẩm định kinh doanh, hành nghề thuộc lĩnh vực y, dược cao nhất là 20 triệu đồng
Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 03/2013/TT-BTC, quy định phí thẩm định kinh doanh thương mại, phí thẩm định tiêu chuẩn và điều kiện hành nghề dược với các cơ sở thuộc lĩnh vực y tế, dược phẩm.
Theo biểu phí mới, mức phí thẩm định kinh doanh thương mại có điều kiện thuộc lĩnh vực y, dược thấp nhất 300.000 đồng/hồ sơ (đối với phí thẩm định cấp giấy phép lưu hành trang thiết bị y tế) và cao nhất là 8 triệu đồng/hồ sơ (đối với phí thẩm định hồ sơ cấp giấy chứng nhận đăng ký lưu hành chính thức hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong gia dụng và y tế).
Phí thẩm định tiêu chuẩn và điều kiện hành nghề dược, cao nhất là 20 triệu đồng/lần (đối với việc thẩm định tiêu chuẩn và điều kiện sản xuất thuốc, mỹ phẩm, bao bì dược phẩm). Phí thẩm định hồ sơ cấp chứng chỉ hành nghề dược là 500.000 đồng/lần…
Các khoản phí, lệ phí nói trên sẽ do Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng và Sở Y tế các tỉnh, TP trực thuộc trung ương thu. Cơ quan thu phí, lệ phí được trích 80% số tiền thu được để trang trải cho việc thực hiện các công việc liên quan đến thẩm định, cấp phép và thu phí. Phần còn lại nộp vào ngân sách nhà nước. Thông tư có hiệu lực từ ngày 1-3-2013 (Hà Nội mới (trang 2).
Hội Thầy thuốc trẻ TP Hà Nội: Khám bệnh, phát thuốc cho hơn 10.000 lượt người
Chiều 20-2, Hội Thầy thuốc trẻ TP Hà Nội tổ chức kỷ niệm 58 năm Ngày thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955 – 27/2/2013) và tổng kết hoạt động công tác Hội năm 2012.
Năm qua, Hội đã tổ chức nhiều hoạt động tình nguyện vì cộng đồng, khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho 10.159 lượt người thuộc đối tượng gia đình chính sách, trẻ em nghèo, gia đình bị ảnh hưởng thiên tai, lũ lụt, thanh niên trong các khu công nghiệp, khu chế xuất với tổng trị giá hơn 2 tỷ đồng. Ngoài ra, Hội còn tích cực thực hiện các hoạt động do Trung ương Hội LHTN Việt Nam, Trung ương Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam chỉ đạo. Đó là khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho 500 người là thương bệnh binh, cựu thanh niên xung phong, người có công với cách mạng, gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tỉnh Hà Giang; tặng 200 chăn ấm, 5 tấn quần áo, 3.000 quyển vở mới và đồ dùng học tập cho thanh thiếu nhi, nhân dân huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang; tặng 10 suất học bổng (mỗi suất trị giá 500.000đ) cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn tại huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang; tặng 2 bộ máy vi tính cho Tỉnh đoàn Hà Giang, trị giá hơn 200 triệu đồng.
Nhân dịp này, 78 tập thể, cá nhân được Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam, Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam và Hội liên hiệp thanh niên TP Hà Nội biểu dương, khen thưởng; tập thể Hội Thầy thuốc trẻ TP Hà Nội được Bộ Y tế tặng Bằng khen (Hà Nội mới trang 5).
Phấn đấu 70% dân số tham gia bảo hiểm y tế
"Ngành y tế cần quyết liệt thực hiện bảo hiểm y tế (BHYT) toàn dân, phấn đấu đạt mục tiêu đưa tỷ lệ số người tham gia BHYT tăng lên 70% dân số vào năm 2013, 75% vào năm 2015 và trên 80% vào năm 2020" – đây là nội dung yêu cầu ngành y tế của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tại Thông báo số 74/TB-VPCP mới đây.
Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với BHXH Việt Nam, các bộ, ngành có liên quan và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khẩn trương xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể để thực hiện; giao chỉ tiêu phát triển BHYT theo từng nhóm đối tượng, từng địa phương để mở rộng độ bao phủ BHYT. Đặc biệt, ngành cần thực hiện tốt chính sách hỗ trợ người nghèo, người cận nghèo mua BHYT, song song với cải cách thủ tục hành chính, thủ tục thanh toán BHYT để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người tham gia (Hà Nội mới trang 7).
Tài trợ bệnh viện Chợ Rẫy hệ thống truyền hình ảnh
Nhằm mục đích hỗ trợ giảm tình trạng quá tải bệnh nhân, đặc biệt là tại khoa cấp cứu và khoa chẩn đoán hình ảnh, cũng như tối ưu hóa nguồn lực hiện có gồm nhân viên y tế và thiết bị y tế, Siemens đã trao tặng hệ thống lưu trữ hình ảnh và truyền dữ liệu – PACS cho Bệnh viện Chợ Rẫy.
Giải pháp công nghệ thông tin y tế này là sự kết hợp của phần cứng và phần mềm cùng dịch vụ kỹ thuật chuyên nghiệp sẽ giúp cải tiến quy trình chụp và thăm khám của bệnh viện một cách đáng kể, vì vậy mang đến lợi ích cho cả bệnh viện và hàng triệu lượt bệnh nhân trong việc khám và chẩn đoán bệnh mỗi năm.
Bằng việc kết nối tất cả các thiết bị hình ảnh đến người sử dụng thông qua hệ thống mạng tích hợp, giải pháp này đặc biệt cho phép xử lý, lưu trữ và truyền hình ảnh dưới dạng số hóa một cách nhanh chóng và dễ dàng mà không cần rửa phim.
Điều này giúp cho các bác sỹ chẩn đoán hình ảnh và các bác sỹ chuyên khoa – những người được kết nối với hệ thống mạng – có thể tiếp cận và đọc hình ảnh một cách thuận lợi và nhanh chóng.
Giải pháp PACS syngo.plaza cũng giúp tăng độ tin cậy về dữ liệu của bệnh nhân và giảm thiểu lỗi thông qua việc số hóa hình ảnh và các tính năng đọc ảnh nâng cao, khiến cho hình thức film chụp trở nên lỗi thời.
Giải pháp này còn giúp giảm chi phí cho bệnh viện trong việc chẩn đoán và lên kế hoạch điều trị nhờ việc tối ưu hoá hơn nguồn lực hiện có của bệnh viện và giảm bớt các quy trình không cần thiết.
Hơn nữa, hệ thống công nghệ cao này sẽ giúp tiết kiệm rất nhiều thời gian và giảm áp lực cho các nhân viên y tế, nhờ đó tăng lượng bệnh nhân được thăm khám và nâng cao chất lượng khám chữa bệnh trên mọi phương diện (Tiền phong trang 2, Thanh niên trang 2).
Việt Nam có thể trị được Coronavirút mới
Hôm qua (20-2), TS.Trần Thanh Dương, Phó Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, Việt Nam chưa phát hiện trường hợp nào nhiễm Coronavirút, một loại virus giống SARS, nhưng có thể điều trị được bệnh này. Đề phòng virus này gây dịch tại ViệtNam, Bộ Y tế đã có công lệnh đề nghị tăng cường kiểm dịch y tế quốc tế tại các cửa khẩu nhằm phát hiện và cách ly những trường hợp nghi ngờ nhiễm virus mới. Hiện ngành y tế đã có thể xét nghiệm các mẫu bệnh phẩm để tìm ra loại virus mới. Trong trường hợp các địa phương có mẫu nghi ngờ sẽ gửi về các Viện Vệ sinh Dịch tễ và Viện Pasteur để xét nghiệm.
Ông Dương cho biết thêm, nếu có bệnh nhân nhiễm virus mới này, ngành y tế hoàn toàn có thể chữa được vì đã có phác đồ điều trị, cũng như tập huấn cho cán bộ y tế về cách nhận biết và điều trị cho bệnh nhân.
TS.Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ T.Ư cho biết Coronavirút là một họ virrus lớn, được chia làm ba giống khác nhau theo phân loại sinh học.
Mặc dù có nhiều chủng Coronavirút, nhưng cho đến nay người ta chỉ phát hiện được năm chủng Coronavirút gây bệnh ở người, trong đó ba chủng gây bệnh cảm lạnh và hai
chủng gây bệnh hô hấp cấp tính nặng, bao gồm SARS Coronavirút năm 2003 và Coronavirút năm 2012 (virus mới).
Ở người, Coronavirút chủ yếu xâm nhập vào tế bào biểu mô đường hô hấp và gây bệnh đường hô hấp. Khoảng 30% số người bị cảm lạnh là do virus này.
Triệu chứng cảm lạnh bao gồm chảy nước mũi, đau họng, ho , nhức đầu, sốt, ớn lạnh… Nhiều trường hợp nhiễm trùng không có triệu chứng rõ ràng nhưng vẫn có khả năng truyền virus qua ho, hắt hơi. Hầu hết bệnh nhẹ và tự khỏi. Miễn dịch sau mắc bệnh thường ngắn, do đó thường bị mắc lại và nhiễm các típ virus khác.
Chỉ có hai chủng Coronavirút được phát hiện năm 2003 (SARS Coronavirút) và virus mới (xuất hiện lầ đầu tháng 9-2012) gây hội chứng nhiễm trùng hô hấp cấp tính nặng gây tử vong cao. Đây là hai loại khác nhau hoàn toàn về mặt di truyền học. Những trường hợp bệnh nhân nhiễm Coronavirút mới bị nhiễm trùng hô hấp cấp tính nặng (sốt cao, ho, khó thở), kèm theo có suy thận, không có liên quan về mặt dịch tễ học. TS. Trần Thanh Dương cho biết, mặc dù cho đến nay chưa có bằng chứng bệnh lây truyền từ người sang người của chủng virus mới này nhưng vẫn cần phải tăng cường giám sát chặt chẽ các trường hợp nhiễm trùng hô hấp cấp tính nặng ở các bệnh viện, đặc biệt là các chùm ca bệnh nặng bất thường, lấy bệnh phẩm xét nghiệm kịp thời nhằm phát hiện được chủng virus mới; cần chủ động áp dụng các biện pháp phòng chống các nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính bao gồm hạn chế tiếp xúc gần với người có biểu hiện mắc bệnh hô hấp cấp tính; khi có dịch cúm hạn chế thời gian ở nơi đông người; tránh đưa tay lên mũi và miệng; rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc sát trùng bằng cồn (Tiền phong trang 2).
Lập Trung tâm mua sắm hàng hóa và tài sản công: Sẽ không còn mỗi bệnh viện một giá thuốc
UBND TP.HCM vừa cho thành lập trung tâm mua sắm hàng hóa và tài sản công thuộc Sở Y tế.
Theo quyết định thành lập, trung tâm có nhiệm vụ tham mưu cho sở về việc mua sắm, cung ứng và điều phối hàng hóa (gồm thuốc, hóa chất, vật tư y tế), trang thiết bị chuyên dụng phục vụ phòng bệnh, khám chữa bệnh của các đơn vị y tế công lập; quản lý, cung ứng và điều phối hàng hóa, trang thiết bị y tế chuyên dụng theo kế hoạch hoặc theo yêu cầu đột xuất; phối hợp với Bảo hiểm xã hội TP, các đơn vị trực thuộc xây dựng danh mục thuốc thống nhất dùng trong các đơn vị y tế…
Như Tuổi Trẻ từng phản ánh, nhiều năm qua tại TP.HCM có tình trạng dù tổ chức đấu thầu nhưng giá của nhiều loại thuốc, vật tư tiêu hao… ở các bệnh viện vẫn còn mỗi nơi một giá. Dự kiến khi trung tâm mua sắm hàng hóa và tài sản công đi vào hoạt động thì tình trạng này sẽ được khắc phục vì tất cả loại hàng hóa nói trên đều do trung tâm tổ chức đấu thầu tập trung và giá cả sẽ thống nhất ở tất cả bệnh viện, đơn vị thuộc Sở Y tế TP (Tuổi trẻ trang 2).
Cứu sống bệnh nhân nuốt nhiều tăm nhọn
Các bác sĩ Bệnh viện 121 đã phẫu thuật cứu sống một bệnh nhân sau khi lấy ra nhiều cây tăm nhọn hai đầu từ bụng người này. Trưa 20.2, tại Bệnh viện 121 (Q.Ninh Kiều, TP.Cần Thơ), ê kíp bác sĩ gồm Huỳnh Văn Tuội, Tô Minh Khá… đã phẫu thuật thành công, lấy ra từ ổ bụng bệnh nhân Tạ Thanh Hùng (30 tuổi, ngụ phường 4, TP.Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng) nhiều cây tăm nhọn hai đầu.
Ngày 18.2 vừa qua, gia đình đưa Hùng đến Bệnh viện 121 trong tình trạng đau bụng, nôn ói… Tại đây, các bác sĩ phát hiện tăm hai đầu nhọn đang xuyên thành dạ dày thấu gan bệnh nhân. Tiến hành mổ hở, các bác sĩ lấy ra bốn cây tăm (nhiều tăm có quấn dây thun) tại dạ dày và đại tràng bệnh nhân. Theo lời bệnh nhân Hùng, trước đó, 11 cây tăm khác đã thoát được ra thông qua đường tiêu hóa).
Những cây tăm này sau khi xuyên thủng dạ dày, gan và đại tràng đã gây tổn thương, viêm nhiễm, chảy dịch, và tạo kết dính rất phức tạp.
Bác sĩ Huỳnh Văn Tuội cho biết, nếu bệnh nhân không được đưa đến bệnh viện kịp thời sẽ dễ nguy hiểm đến tính mạng.
Được biết, Hùng bị nghiện ma túy nhiều năm qua và khi lên cơn đã nuốt tăm, các dị vật khác vào người. Cách đây năm 5, Hùng cũng đã phải lên bàn mổ do nuốt dị vật (Thanh niên trang 2).