Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Nguyễn Văn Bình vừa cho hay năm 2013, lần đầu tiên Bộ Y tế sẽ triển khai tiêm ngừa bệnh Rubella cho nhóm nguy cơ cao trên diện rộng.
Theo đó, phụ nữ 15-35 tuổi ở các vùng có nguy cơ mắc bệnh cao như vùng đông dân, khu vực dân cư tập trung dễ lây lan bệnh… sẽ nằm trong nhóm được tiêm ngừa. Dự kiến có trên 1 triệu phụ nữ trong nhóm đối tượng trên tham gia chương trình này.
Theo ông Bình, từ năm 2004-2011 liên tục ghi nhận các vụ dịch Rubella ở VN. Ước tính mỗi năm VN có trên 1.000 đến trên 6.000 trường hợp mắc hội chứng Rubella bẩm sinh. (Tuổi trẻ trang 2).
Cảnh giác thuốc ho gây tử vong
Cục Quản lý dược vừa có văn bản thông báo người dân cảnh giác với thuốc ho Tyno dạng xirô, chai dung tích 120ml của Công ty Reko Pakistan và thuốc ho Dextromethorphan dạng xirô, 120ml do Công ty Ethical Laboratories, Lahore, Pakistan sản xuất đã làm 60 trường hợp tử vong và một số trường hợp tai biến nghiêm trọng tại Pakistan trong tháng 11 và 12-2012.
Theo Cục Quản lý dược, cả hai loại thuốc ho kể trên đều chưa được đăng ký lưu hành tại VN, nhưng nguyên liệu sản xuất hai loại thuốc này là dextromethorphan nhập khẩu từ Ấn Độ thì có lưu hành tại VN. Tại Pakistan, cơ quan chức năng đã phát hiện nguyên liệu và thành phẩm thuốc ho đều lẫn tạp chất là một đồng phân quang học của dextromethorphan.
Do đó, Cục Quản lý dược yêu cầu sở y tế các tỉnh thành nhanh chóng yêu cầu cơ sở sản xuất thuốc rà soát nguyên liệu và nguồn gốc dextromethorphan sử dụng trong sản xuất thuốc, kiểm tra chất lượng nguyên liệu này và chỉ đưa ra lưu thông khi sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng. ( Tuổi trẻ trang 2, Lao động trang Thông tin Hà Nội, Nông thôn ngày nay trang 3).
Người đến khám bệnh tăng đột biến
Bệnh viện Việt Tiệp (Hải Phòng) số lượng bệnh nhân đến khám bệnh đông gấp đôi, gấp ba ngày bình thường do nhiều người cố đợi hết kỳ nghỉ mới đi khám.
Buổi chiều ngày 18.2, tại khu khám bệnh của bệnh viện vẫn rất đông bệnh nhân chờ đến lượt. Lãnh đạo BV Việt Tiệp cho biết, trong ngày, có hơn 860 lượt bệnh nhân đến khám bệnh tại bệnh viện, đông gấp hai ngày bình thường.
Trái ngược với sự tất bật tại các bệnh viện lớn phải trực cấp cứu ngay cả trong tết, thì tại phòng khám điều trị cơ sở 2 Cầu Đất của Bệnh viện Đa khoa quận Ngô Quyền, trạm y tế phường Lê Lợi (quận Ngô Quyền) lúc hơn 14h chiều 18.2 vẫn trong tình trạng cửa đóng then cài.
Còn tại các BV trên địa bàn TPHCM như Chợ Rẫy, Nhi Đồng 1, 2, Nguyễn Tri Phương, Trưng Vương, Nhân dân 115…, lượng bệnh nhân đến khám không dồn ứ như những ngày trước tết. Đại diện BV Nhi Đồng 1 cho biết, năm nào cũng vậy, ngoại trừ những trường hợp cấp cứu đầu năm bệnh nhân đến khám thường không đông vì nhiều người kiêng đến BV những ngày đầu năm. Theo lãnh đạo Sở Y tế, mặc dù nghỉ dài ngày nhưng nhiều BV sợ dồn bệnh sang đầu năm dễ gây quá tải nên đã bố trí trực và làm việc từ trước đó để giải quyết bệnh tồn đọng. Riêng tại BV Chấn thương chỉnh hình, Chợ Rẫy… các trường hợp phẫu thuật hẹn từ trước tết đã được chuyển sang chỉ định phẫu thuật ngay trong ngày đầu làm việc của năm mới. Trong khi các BV “dễ thở” ngày đầu năm thì ngược lại, tại khoa cấp cứu của BV Chợ Rẫy luôn trong tình trạng quá tải vì tai nạn giao thông trên địa bàn TP và ở các tỉnh đổ về. (Tuổi trẻ trang 2).
Hơn 25.500 bệnh nhân khám, cấp cứu do tai nạn giao thông trong dịp Tết
Đây là số liệu Bộ Y tế tổng hợp từ báo cáo của 51 sở y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, 25 bệnh viện trực thuộc Bộ trong 6 ngày Tết Nguyên đán vừa qua. Theo đó, đã có 212.988 lượt người bệnh đến khám, điều trị, trong đó 65.513 trường hợp đến khám cấp cứu do tai nạn (chiếm 30,76% số trường hợp đến khám).
Đáng lưu ý, trong số bệnh nhân khám cấp cứu, tai nạn có 25.502 bệnh nhân do tai nạn giao thông (chiếm 11,97% trong tổng số bệnh nhân đến khám, chữa bệnh). Tổng số bệnh nhân phải nhập viện nội trú là 73.946 ca với 10.093 ca phải phẫu thuật và 11.765 ca đẻ. Số bệnh nhân tử vong tại bệnh viện là 593 ca. Trước khi nghỉ Tết, các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur và trung tâm y tế dự phòng các tỉnh, thành phố được yêu cầu giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh để xử lý, khống chế kịp thời nên cả nước không ghi nhận ca mắc mới cúm A/H5N1 trên người và tiêu chảy cấp do phẩy khuẩn tả. Riêng bệnh tay chân miệng phát hiện 102 trường hợp mắc tại 13 địa phương và 129 trường hợp mắc sốt xuất huyết.
Về thông tin Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vừa cảnh báo các nước thành viên cần cảnh giác trước nguy cơ lây lan của một loại virus mới có thể gây chết người, tương tự như virus gây hội chứng viêm đường hô hấp cấp (SARS) sau khi cơ quan Bảo vệ sức khỏe Anh (HPA) xác nhận 3 trường hợp nhiễm loại virus mới ở nước này, lãnh đạo Bộ Y tế cho biết chưa có thông tin cụ thể. Tuy nhiên, Bộ Y tế cũng sẽ theo dõi chặt chẽ diễn biến của dịch bệnh để có phương án phòng chống kịp thời. (Hà Nội mới trang 7, Nông thôn ngày nay trang 1).
Miễn học phí một số ngành học y tế
Chính phủ vừa phê duyệt Đề án “Khuyến khích đào tạo và phát triển nhân lực y tế các chuyên ngành lao, phong, tâm thần, pháp y và giải phẫu bệnh giai đoạn 2013 – 2020”.
Đề án đặt mục tiêu, đến năm 2020, số lượng đào tạo nhân lực y tế thuộc các chuyên ngành trên ước tính 2.500 người. Ngoài ra, 90 – 100% bệnh viện, viện tuyến Trung ương và các cơ sở đào tạo, 70 – 90% bệnh viện, viện tuyến tỉnh và các cơ sở đào tạo có đủ nhân lực các chuyên ngành lao, phong, tâm thần, pháp y và giải phẫu bệnh; 50 – 70% bệnh viện tuyến huyện có đủ nhân lực các chuyên ngành này. Đặc biệt, đề án quy định, miễn, giảm học phí đối với tất cả các loại hình đào tạo cho các sinh viên, học viên theo học các chuyên ngành trên. Theo thông tin từ Bộ Y tế, các ngành nói trên hiện đang rất thiếu nhân lực. Đặc biệt, có những lĩnh vực như đào tạo pháp y gần như không có người theo học. (An ninh thủ đô trang 2).
Năm 2013, có ít nhất 100 bác sĩ Hà Nội tham gia đề án 1816
Nhằm nâng cao hiệu quả hỗ trợ hoạt động chuyên môn cho tuyến dưới thông qua việc cử cán bộ từ bệnh viện (BV) tuyến trên về luân phiên đào tạo, chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới theo Đề án 1816 của Bộ Y tế, Sở Y tế Hà Nội đã có kế hoạch trong năm 2013 cử ít nhất 100 cán bộ BV tuyến trên tham gia.
Mục tiêu ngành đặt ra là 100% BV hạng I, hạng II thực hiện kế hoạch cử cán bộ luân phiên về BV tuyến huyện, tham gia hỗ trợ tỉnh bạn theo sự phân công của Bộ Y tế; 80% các kỹ thuật sau khi tiếp nhận, chuyển giao được các BV tuyến huyện thực hiện tốt, 100% BV đa khoa tuyến huyện phối hợp với các trung tâm y tế huyện cử bác sĩ về khám, chữa bệnh tại các xã chưa có bác sĩ.
Để thực hiện có hiệu quả kế hoạch này, Sở Y tế Hà Nội yêu cầu các BV cử cán bộ đi luân phiên phải khảo sát, đánh giá đúng nhu cầu tuyến dưới và chọn cử những cán bộ có thể làm thầy – hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật và làm thay – hỗ trợ nhân lực cho phù hợp; các đơn vị tiếp nhận cán bộ luân phiên phải bố trí cán bộ có khả năng, trình độ để tiếp nhận kỹ thuật được chuyển giao, chuẩn bị trang thiết bị, cơ sở vật chất để bác sĩ đi luân phiên hoàn thành tốt nhiệm vụ. (Hà Nội mới trang 7).
Đầu năm, bệnh nhi ồ ạt nhập viện
Trong dịp Tết và những ngày đầu năm, do thời tiết ở miền Bắc thay đổi thất thường, lại xuất hiện gió đông và khí nồm khiến cho lượng trẻ em mắc bệnh phải nhập viện tăng đáng kể. Nhiều nhất vẫn là trẻ bị viêm phổi. (An ninh thủ đô trang 8).
Chủ động triển khai các biện pháp phòng chống lây nhiễm cúm A/H5N1
Trước nguy cơ dịch cúm gia cầm H5N1 có thể xâm nhập, lây lan vào Việt Nam khi mà một số nước trong khu vực đã ghi nhận các ca mắc và tử vong do cúm A/H5N1, ngày 18/2, TS. Nguyễn Văn Bình – Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, ngay sau khi có thông tin dịch cúm gia cầm lây lan ở Campuchia, Cục Y tế dự phòng đã có văn bản đề nghị các tỉnh, thành phố khẩn trương, chủ động triển khai các biện pháp phòng chống lây nhiễm cúm A/H5N1 từ gia cầm sang người. Theo đó, các địa phương có đường biên giới phải tăng cường các hoạt động kiểm dịch y tế quốc tế, sớm phát hiện các trường hợp có biểu hiện sốt cao và viêm đường hô hấp cấp, cách ly, điều trị để giảm thiểu lây nhiễm cúm A/H5N1; Thông báo kịp thời cho trung tâm y tế dự phòng để điều tra, xử lý khi có ổ dịch. Các cơ sở y tế có kế hoạch trực 24/24 giờ, sẵn sàng tiếp nhận khi có bệnh nhân nhiễm cúm gia cầm. Theo thông báo của WHO, từ đầu năm 2013 đến nay, thế giới đã ghi nhận 10 ca mắc cúm A/H5N1, trong đó 7 ca đã tử vong. (Sức khỏe và đời sống trang 2).
TP. HCM tăng thẻ BHYT cho tuyến dưới
Sở Y tế TP.HCM vừa có văn bản gửi BHXH TP.HCM đề nghị xây dựng cơ cấu và phân bổ thẻ BHYT. Theo đó, từ nay đến năm 2015, tăng thẻ BHYT cho tuyến quận huyện và phường xã, đồng thời giảm dần số BHYT đối với các BV tuyến TP để các bệnh viện này giảm dần việc KCB thông thường, tập trung phát triển y tế chuyên sâu… Tuy nhiên, đối với BVĐK Sài Gòn và các BVĐK khu vực như Củ Chi, Hóc Môn, Thủ Đức, Sở Y tế đề nghị giữ nguyên hoặc tăng số thẻ, đồng thời xem xét phân bổ thẻ BHYT cho một số trạm y tế phường xã đã được thẩm định đủ điều kiện KCB ban đầu. BHXH TP.HCM và Sở Y tế TP đã thống nhất, đối với người tham gia BHYT mới, bắt buộc phải đăng ký KCB ban đầu ở tuyến quận huyện, còn với người trước đây đã đăng ký KCB ban đầu ở BV tuyến tỉnh thì tạm thời vẫn giữ nguyên. (Sức khỏe và đời sống trang 2).
Bộ Y tế ban hành thông tư hướng dẫn quản lý chất lượng xét nghiệm