Giám đốc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS thành phố Hải Phòng, bác sĩ Vũ Văn Công cho biết, năm 2011, thành phố có hơn 9.627 người nhiễm HIV, 5.481 người chuyển sang giai đoạn AIDS và 3.085 người tử vong vì AIDS.
Phân tích nguyên nhân lây nhiễm HIV tại Hải Phòng cho thấy, 63,08% số bệnh nhân bị nhiễm qua đường máu, 34,58% qua đường tình dục, 2,34% qua đường lây truyền từ mẹ sang con. Tỷ lệ người nhiễm HIV là nam giới chiếm hơn 73% và nữ hơn 26%. Phần lớn số người nhiễm HIV được phát hiện trong nhóm từ 20 đến 39 tuổi, chiếm 82%, trẻ em dưới 15 tuổi chiếm gần 3%. Số trường hợp nhiễm HIV phát hiện mới năm 2012 chỉ chiếm khoảng 85% so với năm 2011, số trường hợp tử vong do AIDS giảm còn 50%. So với năm 2011, số người nhiễm mới HIV trong năm 2012 đã giảm đáng kể, số trường hợp nhiễm HIV mới tại Hải Phòng là 290 người, số người bệnh AIDS phát sinh là 113 và số người tử vong do AIDS là 52 người.
Tuy nhiên, xu hướng lây nhiễm HIV lại tăng lên ở khu vực nông thôn và nữ giới qua quan hệ tình dục. Năm 2012, tình hình dịch HIV đã có xu hướng giảm và chậm lại. Ðể có được kết quả này, cũng theo bác sĩ Vũ Văn Công, năm 2012, trung tâm đã triển khai nhiều chương trình trên toàn địa bàn thành phố như: tuyên truyền sử dụng phát miễn phí bao cao-su, bơm kim tiêm cho các đối tượng có hành vi nguy cơ cao; triển khai được hơn 20 điểm nóng phân phát bơm kim tiêm cố định, ngoài ra có hơn 150 đồng đẳng viên triển khai các hoạt động phân phát bơm kim tiêm tại cộng đồng.
Dịch vụ tiếp cận, can thiệp dự phòng được triển khai toàn diện, trung bình mỗi tháng có 2.500 người tiếp cận với dịch vụ hỗ trợ, xét nghiệm HIV tự nguyện và kết nối với các nhóm tự lực, câu lạc bộ người có HIV. Kết quả này đã góp phần tăng cường hỗ trợ can thiệp giảm tác hại của HIV/AIDS trong đời sống cộng đồng, lồng ghép với việc thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện hành vi an toàn tới những người có nguy cơ lây nhiễm cao.
Công tác điều trị Methadone, tính đến tháng 12-2012, đã có 2.953 người bệnh tham gia điều trị tại 10 cơ sở điều trị của TP Hải Phòng. Các đối tượng nghiện chích ma túy khi tham gia điều trị có sự thay đổi rõ rệt. Chất lượng cuộc sống người bệnh được cải thiện, tỷ lệ người bệnh có việc làm tăng theo thời gian. Tỷ lệ tội phạm trong nhóm người bệnh giảm rất rõ rệt. Bên cạnh đó, hệ thống giám sát của thành phố đã tiến hành tư vấn xét nghiệm cho tổng số hơn 5.550 người, số người được xét nghiệm HIV là đạt 90%, phát hiện 498 mẫu máu HIV dương tính. Toàn thành phố hiện có 14 điểm điều trị bằng ARV, có 3.860 người bệnh đang nhận thuốc ARV trong đó có 133 trẻ em. Số người nhiễm HIV/AIDS đang được điều trị ARV bằng phác đồ bậc 1 là 3.725 (trẻ em là 121). Số người được điều trị phác đồ bậc 2 là 135 (trong đó có 12 trẻ em). Ðiều trị phơi nhiễm cho 47/47 trường hợp do tai nạn rủi ro nghề nghiệp (đạt 100%). Thành phố cũng quan tâm tới các chương trình dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con, chương trình quản lý các bệnh lây truyền qua đường tình dục và chương trình an toàn truyền máu nhằm can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV.
Cùng với chương trình giáo dục truyền thông, thay đổi hành vi, Hải Phòng thực hiện đồng bộ tám chương trình khác nhằm ngăn ngừa sự lây nhiễm HIV, như: can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV, cai nghiện bằng Methadone, giám sát HIV, tiếp cận điều trị, dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con, an toàn truyền máu, điều trị phơi nhiễm HIV và quản lý các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Nhờ vậy, so với những năm trước đây, tình hình lây nhiễm HIV trên địa bàn thành phố có xu hướng giảm dần, nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây lan nên không được chủ quan. Riêng chương trình cai nghiện bằng Methadone, Hải Phòng thực hiện đạt hiệu quả cao. Tính đến tháng 10-2010, đã có một nghìn người bệnh tham gia điều trị tại ba cơ sở điều trị Methadone. Chất lượng cuộc sống người bệnh được cải thiện, tỷ lệ người bệnh có việc làm đạt 67%. Tỷ lệ tội phạm trong nhóm người bệnh giảm rõ rệt, từ 40% (trước điều trị) xuống còn 3% sau điều trị chín tháng. Ngoài số 279 người nhiễm HIV từ trước, không có trường hợp nào nhiễm HIV mới trong tổng số 721 người được điều trị trong 24 tháng qua. Năm 2013, thành phố Hải Phòng quyết tâm khống chế tỷ lệ nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng dân cư dưới 0,37% vào năm 2015 và dưới 0,3% vào năm 2020; tăng tỷ lệ người dân trong độ tuổi từ 15 đến 49 tuổi có hiểu biết đầy đủ về HIV/AIDS, đạt 80% vào năm 2015 và 90% vào năm 2020; phấn đấu giảm tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con xuống dưới 5% vào năm 2015 và dưới 2% vào năm 2020; tăng 80% người nhiễm HIV đủ tiêu chuẩn điều trị được điều trị thuốc kháng vi-rút HIV vào năm 2020.
Ðể hướng tới mục tiêu năm 2015 không còn người nhiễm HIV mới, Hải Phòng kiên trì thực hiện bốn mục tiêu: Phổ cập các dịch vụ y tế xã hội; giúp người nhiễm HIV tiếp cận các dịch vụ phòng, chống AIDS và hưởng lợi từ các dịch vụ này; xóa bỏ rào cản về kỳ thị, xa lánh, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV; tạo mọi điều kiện để họ hòa nhập cộng đồng. (Nhân dân trang 5)
“Tết trắng” nơi bệnh viện
Tết ồn ào ngoài phố phường, nhưng trong bệnh viện, nơi bác sĩ và người bệnh phải giằng co với thần chết để giữ lại mạng sống vẫn là những cuộc đấu trí căng thẳng.
Căng thẳng tai nạn giao thông
Theo thống kê của BV Việt Đức, trong 4 ngày từ 29 tháng Chạp đến mùng 3 Tết âm lịch, Bệnh viện Việt Đức tiếp nhận 438 trường hợp bị tai nạn, trong đó có 284 trường hợp tai nạn giao thông (TNGT). Đáng lưu ý, trong số này có tới 187 trường hợp bị chấn thương sọ não.
19 giờ tối mùng 4 Tết Quý Tỵ, tại Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Việt Đức, hàng chục con mắt đỏ hoe đang dõi theo từng nhịp thở của người thân trên chiếc giường phủ ga trắng lạnh lẽo. Người nước mắt lưng tròng, người cắn chặt môi để không bật ra tiếng khóc. Nhiều người dường như không dám thở mạnh, sợ người nhà đang nằm kia sẽ bị đau hay không nghe được tiếng thở, tiếng rên của người thân. Những nạn nhân bị TNGT nằm cấp cứu gần kín các giường bệnh trong khi những chiếc xe cứu thương từ các tỉnh vẫn hối hả chở nạn nhân nhập viện. Phòng cấp cứu 1 của bệnh viện có 5 chiếc giường đều đã kín chỗ, tất cả các ca bị thương nặng nhất đều được đưa vào đây và họ có một điểm chung – đều là nam giới. Một nạn nhân mới được người nhà đưa vào viện lúc 19 giờ 30 trong tình trạng đầu vỡ toác, máu chảy đầm đìa. Bốn ca còn lại, một ca bệnh viện buộc phải trả về, một ca đang trong tình trạng nguy kịch. Đôi mắt ầng ậng nước, chị N. – mẹ nạn nhân K.T.Đ. (huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ) cho biết: Con chị không còn hy vọng sống nữa, bác sĩ nói cháu bị chấn thương sọ não, không thể cứu được nên gia đình xin bệnh viện cho về. 21 tuổi, mới rời quân ngũ, chỉ vì bất cẩn khi điều khiển xe quay đầu, để xe lao xuống vực, K.T.Đ. đã trao cho tử thần mạng sống của mình và để lại biết bao đau đớn cho người mẹ, người cha. PGS.TS. Nguyễn Tiến Quyết – Giám đốc Bệnh viện Việt Đức cho biết, để công tác KCB phục vụ người bệnh được tốt, trong những ngày nghỉ Tết, BV luôn đảm bảo từ 45 – 50 bác sĩ và 150 điều dưỡng thường trực tại BV cùng 2 tổ cấp cứu lưu động với 5 bàn mổ luôn sẵn sàng để phục vụ khi cần thiết. Cũng theo PGS.TS. Nguyễn Tiến Quyết, so với Tết năm 2012, lượng bệnh nhân bị TNGT vào cấp cứu tại BV Việt Đức ngày 30 tháng Chạp và mùng 1 Tết có giảm, tuy nhiên, trong hai ngày mùng 2 và mùng 4 Tết lại tăng 20%. Ngoài ra, số bị chấn thương do đánh nhau, tai nạn do pháo nổ cũng khá nhiều. Bình quân mỗi ngày, Khoa Cấp cứu và Khoa Chấn thương sọ não của BV phải thực hiện mổ cấp cứu tới 25 – 30 ca. Đáng lưu ý là đa số bệnh nhân bị TNGT vào cấp cứu tại BV mấy ngày Tết vừa qua đều trong tình trạng có men rượu nồng nặc (cả bệnh nhân nam lẫn bệnh nhân nữ). Hơn nữa, số ca bị chấn thương sọ não, tử vong hoặc phải xin về mấy ngày Tết năm nay tăng cao chưa từng thấy trong dịp Tết nhiều năm qua với gần 30 trường hợp, trong khi những năm trước, con số này chỉ khoảng 10 – 15.
Thống kê mới nhất của Cục Cảnh sát giao thông đường bộ – đường sắt, trong 6 ngày (từ 30 – 5 Tết), trên toàn quốc đã xảy ra 290 vụ tai nạn giao thông (được báo cáo) làm chết 234 người, bị thương 284 người. Con số này cao gấp đôi so với ngày bình thường. Theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, có đến 70% số vụ tai nạn có liên quan đến bia rượu. Tai nạn giao thông đã khiến cái Tết của biết bao gia đình không được trọn vẹn, nhiều gia đình ngày Tết trở thành ngày tang tóc.
Bệnh viện, nơi ấm áp tình người
Nếu như những ngày thường, trước cổng các bệnh viện ở TP. Hồ Chí Minh, tiếng còi hú xe cứu thương liên hồi, nghe não nề, thê lương, thì từ chiều 29 đến sáng mồng 1 Tết, tiếng trống lân rộn rã khắp các con đường khiến lòng người xa quê nao núng, nhớ Tết quê nhà. Sáng mồng 1 Tết, tại các phòng 1, 2, 3, 4, Khoa Ngoại – Tiết niệu, Bệnh viện Chợ Rẫy, hầu hết các bệnh nhân đều thức giấc từ 5 giờ sáng. Họ tự tin trong bộ quần áo mới của bệnh viện hay người nhà mua sắm từ chiều 29, tận hưởng nắng ấm ban mai, hít thở bầu không khí trong lành qua ô cửa. BS. Dương Quang Vũ, Khoa Ngoại – Tiết niệu trực từ đêm 29 đến sáng mùng 1 Tết phấn khởi chia sẻ, động viên tinh thần các bệnh nhân: “Đời người được một lần ăn Tết tại bệnh viện cũng vui nhỉ! Mọi người cứ bình tâm, vui vẻ dưỡng bệnh, sức khỏe sẽ hồi phục nhanh. Về phía bệnh viện, các y, bác sĩ túc trực 24/24 giờ, hòa nhã, niềm nở với tinh thần chăm sóc, phục vụ người bệnh cao nhất”. Đáp lại, nhiều bệnh nhân cũng chúc các y, bác sĩ và gia đình năm mới nhiều niềm vui, thành công trong công việc và cuộc sống, kèm theo phong bao lì xì truyền thống chúc mừng năm mới thể hiện sự quý trọng, biết ơn.
Bệnh viện ngày Tết tràn đầy không khí chan hòa, đầm ấm tình yêu thương giữa những người xa xứ cùng cảnh ngộ và các y, bác sĩ. Không bánh kẹo, mứt, hạt dưa như Tết ở quê nhà, song nhờ nghĩa tình đầm ấm, sẻ chia, tất cả bệnh nhân đều có chung một ước nguyện, ngày đầu năm mới này sẽ đem lại nhiều may mắn, tiếp thêm nghị lực để họ vượt qua bệnh tật hiểm nghèo, sớm trở về sum vầy cùng gia đình, dòng tộc những ngày Tết muộn. (Sức khỏe đời sống trang 3)
Khám bệnh siêu tốc
Ở nhiều cơ sở khám chữa bệnh, bệnh nhân phải đợi mấy tiếng đồng hồ thậm chí cả ngày để được bác sĩ khám, nhưng ngược lại, thời gian khám lại diễn ra nhanh như chớp.
"Tôi bác sĩ hay chị là bác sĩ"
Sáng 18/1, chúng tôi có mặt tại dãy D, khoa khám, Bệnh viện (BV) Nhi đồng 1 TP.HCM thì thấy tại đây có đến 15 phòng khám (PK) đều có rất đông bệnh nhi chờ đến lượt. Thế nhưng, công đoạn bác sĩ (BS) hỏi bệnh các bé diễn ra chóng vánh đến nỗi nhiều phụ huynh tỏ ra hoang mang về bệnh tình của con mình.
PV đã ngồi để tính thời gian bệnh nhân khám với BS, 10 giờ sáng 18/1, PV bấm giờ tính thời gian khám của 8 bệnh nhi liền kề nhau tại PK D7 Nội tổng quát nhiễm do BS H. khám thì thời gian dài nhất là 2 phút 59 giây, ngắn nhất chỉ trong vòng 30 giây. Tuy nhiên, tổng thời gian 8 bệnh nhi vào phòng làm thủ tục, cân nặng và khám xong tốn hơn 30 phút. Tiếp tục ghi nhận thời gian khám ở phòng D11 Nội tổng quát tiêu hóa do BS L. khám với 6 bệnh nhi thì hầu hết thời gian khám chỉ hơn 1 phút, chỉ có 1 bé khám 2 phút 32 giây. Đến 11 giờ trưa số thứ tự khám tại phòng này đã lên đến 90.
Ngày 19/1, PV tiếp tục trở lại dãy khám này và bấm giờ để tính thời gian khám của 9 bệnh nhi nữa tại PK D6 Nội tổng quát do BS H. khám. Trong số 9 em này, BS chỉ khám 2 em trên 2 phút, số còn lại chỉ vỏn vẹn hơn 1 phút. BS khám chớp nhoáng làm nhiều phụ huynh hết sức lo lắng. Một cụ bà (ở Q.5) đưa cháu đến khám nói: “Khi đưa bé ngồi vào bàn khám, BS rất tiết kiệm lời, chỉ hỏi “bé khám gì?”. BS ít nói nên tôi cũng không dám hỏi, chỉ biết xem bả kê đơn thôi”. Cũng trong sáng 19/1, PV tính phút khám tại PK D14 Nội tiêu hóa do BS V. khám. Số thứ tự lúc hơn 10 giờ đã đến số 73.
Tính thời gian khám của 10 bé thì chỉ có 2 bé khám trên 2 phút, số còn lại cũng chỉ 1 phút, có 2 bé chỉ khám chưa đến 40 giây.
BV Nhi đồng 2 cũng diễn ra tình trạng tương tự. Tại PK số 30 khu A, BV Nhi đồng 2 (khám tổng quát, sốt, đau đầu…) sáng 18/1, PV tiến hành khảo sát giờ khám đối với 10 bệnh nhi, kết quả là trẻ được khám thời gian dài nhất cũng chưa đầy 3 phút và đa phần đều khoảng từ 1 – 2 phút.
Trái với cảnh đông đúc chen lấn ở BV Nhi đồng 1, 2 thì bệnh nhân đến khám tại BV Da liễu TP.HCM hoàn thành các bước thủ tục để được vào khám rất nhanh. PV cũng mua sổ khám và lấy được số thứ tự 32 chỉ chưa đầy 10 phút. Khi PV được phân vào phòng 18 thì lúc này trong PK có một bệnh nhân. Trong phòng chỉ có 1 BS nữ khám, vị này hỏi người khám trước PV mấy câu sau đó kê đơn. Đến lượt PV, vị này hỏi khám gì. “Em bị nổi mấy nốt đỏ đỏ, ngứa ngứa”, BS lấy kính giống kính lúp ra soi lên 2 vết mẩn đỏ rồi cầm sổ khám bệnh ghi đơn thuốc. Kết luận của vị này là "viêm da dị ứng". Chỉ trong vòng 1 phút, PV hoàn tất khâu vào gặp BS và lấy đơn thuốc. Nhanh không thể ngờ! Lần khác, chúng tôi lại thử mua sổ khám với tên khác vào khám. Lần này, PV được BS khám chớp nhoáng hơn, chỉ trong 20 giây. BS chỉ hỏi: “Khám gì?”, PV nói bị mẩn ngứa, đi bụi về là mấy cái nốt nổi lên, BS này nhìn nhìn khoảng vài giây rồi kết luận "bị chàm" và kê đơn thuốc.
Nhiều người nhà bệnh nhân hoặc chính những bệnh nhân cũng bức xúc, nói BS hỏi bệnh nhưng thực chất thời gian BS kê đơn và dặn mua thuốc, tái khám còn dài hơn cả thời gian khám. Sáng 23/1, chị An (28 tuổi) mẹ bé Huy (1 tuổi) khám tại phòng 18 khu A, BV Nhi đồng 2 cho biết, con chị bị ho, nghẹt mũi cả tuần nay, chị đưa con đến khám, gặp BS thì vị này chỉ nói mấy câu rồi cắm cúi ghi đơn thuốc. “Thời gian BS kê đơn thuốc còn nhiều hơn cả thời gian hỏi bệnh. Khám bệnh nhanh quá nên tôi thấy lo”, chị An nói.
Đi khám bệnh chịu cảnh đông người, ngột ngạt để chờ đến lượt vào gặp BS, nhưng chỉ một thoáng là BS đã khám xong. “Có lần tôi thắc mắc, khám nhanh có thể có trường hợp bỏ sót bệnh không thì BS nhăn mặt và quát: Tôi bác sĩ hay chị là bác sĩ?”, chị Khánh (24 tuổi) kể lại.
Lo vì khám nhanh quá
PV thử đến một BV quận. Tại khu khám yêu cầu BV Q.Phú Nhuận, nhiều bệnh nhân ngồi đợi đến lượt khám. Trong số 5 người được vào khám, PV ngồi quan sát thì có 2 người được khám trên 2 phút, 3 người chỉ được khám trong vòng hơn 1 phút. Mặc dù khám theo yêu cầu, nhưng theo ông Nguyễn Kim Hùng (60 tuổi), người bệnh dù được lựa chọn BS khi mua phiếu khám (28.000 đồng) nhưng chất lượng khám cũng không khá hơn khám thường. “Mua phiếu dịch vụ chỉ giảm bớt thời gian mình chờ đợi đến lượt khám thôi chứ có được khám chỉn chu hơn đâu, cũng giống khám thường thôi”, ông Hùng nhận định và nói, 15 ngày ông tái khám một lần, các bước BS tiến hành chỉ đơn giản là đo huyết áp, lấy ống nghe áp vào tim và kê đơn thuốc. “Thực ra đi khám để lấy thuốc thôi chứ có khám cũng thế cả, đo huyết áp thì tôi cũng hay tự đo ở nhà”, ông Hùng than.
Chị D. cũng kể, ngày 23/1 chị đến BV Da liễu khám lúc 16 giờ 30, lúc này BV đã chuyển qua khám ngoài giờ, chị phải mua phiếu khám 40.000 đồng thay vì 20.000 đồng như trong giờ làm chính. Khi chị vào khám, BS hỏi bị gì, chị nói: “Em bị nổi ngứa khắp người từ trưa giờ. Nhưng ở bụng em bị mẩn ngứa hơn hai tuần. Nó khô rồi lại chảy nước, ngứa đỏ lên”. Vị BS này nói mở áo cho xem. Sau đó, BS phán chị D. bị chàm rồi viết đơn thuốc.
BS hẹn tuần sau tái khám, nếu khỏi thì thôi, không cần khám nữa. Chị D. cho biết, vị BS này chỉ ký tên qua loa đóng dấu xanh BV Da liễu chứ không ghi đầy đủ họ tên người khám. “Trước giờ tôi không bị như vậy, tôi sợ có thể mình bị dị ứng nên đi khám. Giờ BS phán sao thì mình nghe vậy thôi chứ vẫn rất lo vì BS khám nhanh quá, không biết chẩn đoán có chính xác không?”, chị D. nói. (Thanh nien trang 3).