TỪ NHỮNG NHÀ BÁO “KHÔNG TIM”…
Những ngày gần đây, chỉ cần vào công cụ tìm kiếm Google, gõ “Nữ sinh lớp bảy mang bầu, cả thị trấn xôn xao” là có ngay 162.000 kết quả. Và cụm từ khóa “Nam thanh niên tự thiêu cùng người tình 13 tuổi” cũng xuất hiện tới 426.000 kết quả. Một câu chuyện với kết cục đau lòng mà thủ phạm không ai khác chính là… giới truyền thông. Với tốc độ lan truyền nhanh hơn ánh sáng, sự kiểm soát thông tin trên mạng in-tơ-nét ngày nay đã trở nên vô cùng khó khăn.
Những câu chuyện gây rúng động làng báo chí kiểu như trên trong thời gian qua không phải ít và hậu quả đau lòng của nó đã khiến những cây viết đang tung hoành, xông xáo săn tìm thông tin “nóng, sốc và độc” chợt giật mình. Một bài viết với mục đích “câu view”, không những có thể khiến một (thậm chí nhiều) con người “thân bại danh liệt” mà còn tiềm ẩn nguy cơ đẩy họ tới cái chết.
Tương lai sập cửa, đàm tiếu bủa vây, lại “trẻ người non dạ”, đôi bạn trẻ ấy nghĩ quẩn là điều không đáng ngạc nhiên. Ngạc nhiên là người chấp bút bài viết ấy, ban biên tập đầy kinh nghiệm của tòa soạn ấy đã để tính nhân văn của mình ở đâu, khi đang tâm chặn mọi ngả đường đến với tương lai của những tâm hồn non nớt còn chưa kịp vào đời? Lạ nữa là cũng chính trang tin ấy lại tiếp tục đăng tải hậu quả đau xót đến với đôi trẻ một cách lạnh lùng, vô cảm. Chưa đề cập chuyện Luật Dân sự về Quyền nhân thân cùng bộ quy tắc mà báo chí phải tuân theo khi làm việc với đối tượng trẻ em do Quỹ nhi đồng LHQ (UNICEF) đưa ra đã bị vi phạm nghiêm trọng trong trường hợp cụ thể này, xét ở góc độ tình người tối thiểu, chỉ có thể gọi họ bằng cụm từ “những nhà báo không tim”.
Có thể bắt gặp những cây viết bất chấp mọi giới hạn đạo đức như thế ở nhan nhản các tờ báo đang dần tiệm cận xu hướng “lá cải” bằng mọi giá, trong đó nhiều trang báo điện tử là lực lượng đi đầu. Dân thường bị xâm phạm “quyền đối với bí mật đời tư của cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ” (theo Mục 2: Quyền nhân thân thuộc Bộ luật Dân sự) không thiếu. Người nổi tiếng thì mặc nhiên phải “sống chung với lũ”, khi chẳng ai dám mạnh miệng tuyên bố “chưa từng một lần sập bẫy và trở thành miếng mồi ngon của giới truyền thông”. Trừ những phận “đom đóm” phải mượn ánh sáng từ những scandal, những chiêu trò PR, đánh bóng tên tuổi bằng mọi giá để đủ sức “lập lòe”, những nghệ sĩ chân chính , không ít người sau vài ba bài viết tác nghiệp cẩu thả, lạnh lùng đến mức vô cảm của người cầm bút bỗng hốt hoảng với hình ảnh mình cố công xây dựng bao năm đã bị bóp méo. Chuyện bị stress, phải kêu cứu rồi chọn cách co mình lại trốn chạy đám đông như cô bé Quỳnh Anh của cuộc thi Tìm kiếm tài năng không ít. Chuyển thái độ sang phòng thủ, dè chừng báo giới như một phản xạ tự vệ cũng nhiều. Hậu quả nặng nề mà họ gánh chịu, sau những con chữ của nhà báo thiếu tâm, xem ra không thể đo đếm nổi.
… ĐẾN NHỮNG CÂY VIẾT BỊ MẠNG XÃ HỘI “DẮT MŨI”
Đời tư người nổi tiếng – hiện đang là “món chính” không thể thiếu với không ít trang báo mạng. Giờ đây, hình như bất cứ trang báo mạng về văn hóa nào cũng đều dành một dung lượng lớn cho các chuyên mục này. Hậu quả, công chúng đã và đang có những cái nhìn méo mó về bức tranh đời sống văn hóa nước nhà, khi tin tức cập nhật hằng ngày thay vì những hoạt động nghệ thuật nghiêm túc, những gương mặt nỗ lực cống hiến là một biển thông tin “lá cải” gây nhiễu loạn, thật giả khó lường. Những bộ phim châu Âu giá trị được chiếu miễn phí, những buổi hòa nhạc do các nghệ sĩ quốc tế nổi danh trình tấu, những triển lãm mỹ thuật – nhiếp ảnh được tổ chức kỳ công, những cuốn sách quý vừa ra mắt… chỉ được dành một diện tích eo hẹp, trong khi tràn ngập tin tức về những kiểu ăn mặc hở hang, lộ hàng; tranh cãi tiền – tình bất tận cùng lối hành xử đậm chất giang hồ…
Ca sĩ Uyên Linh từng khóc dở mếu dở khi chuyện cô phải “lãnh bốn cái tát ghen tuông từ vợ của một nhạc công” đã bị nhiều trang tin, báo mạng làm rùm beng ầm ĩ như một “scandal hậu Idol” suốt cả thời gian dài. Mới đây nhất, nhạc sĩ Đức Trí cũng tá hỏa khi thông tin bỗng đâu lan tràn chóng mặt trên các trang báo mạng là anh đã phá sản, phải bán tháo cả nhà cửa, xe cộ lẫn Công ty Music Faces của mình. Diễn viên Quách Ngọc Ngoan cũng từng choáng váng, khi những thông tin vỉa hè không có nguồn kiểm chứng kiểu như anh từng chấp nhận làm trai bao, từng nợ tiền như chúa Chổm, từng nghiện ngập… được một tờ tạp chí chuyên ngành tung lên với tựa đề “trai tỉnh nhưng lém lỉnh”. Rồi chuyện một Việt kiều dùng mạng xã hội làm “công cụ sát thương” ca sĩ C.T.S, khi tố giọng ca này vừa là người đồng tính vừa mưu mô lừa tình lẫn lừa tiền cá nhân mình. Mới đây, “nữ hoàng dao kéo” Phi Thanh Vân còn hồn nhiên chia sẻ lý do cô mập thêm tới năm ký lô là do lâu lắm không có scandal nào. Tất cả những tin đồn, hoặc có thật, hoặc bịa đặt hoàn toàn, hoặc thật – giả khó lường ấy đều có một điểm chung: xuất phát từ một nguồn ba vạ, và đều được các nhà báo “sống ký sinh” vào mạng xã hội nhanh nhảu tung lên khi vừa “thuổng” được, lờ luôn khâu kiểm chứng tối thiểu. May ra, đúng thì không sao, mà sai thì lờ tịt khỏi cần cải chính, xin lỗi hay đền bù thiệt hại cho “khổ chủ”.
Cũng chính vì thói lười nhác, quen “ăn sẵn”, “thuổng” thông tin từ các nguồn không chính thống nên nhiều cây bút đã bị mạng xã hội “đưa vào tròng”, khi trở thành cái loa nhiệt thành lan truyền những câu chuyện được dàn dựng và chèo lái theo ý đồ một cá nhân, một nhóm lợi ích. Sau chuyện lùm xùm giới tính – tình tiền của C. T. S, khi người châm ngòi Adam Nguyễn bất ngờ tuyên bố “đình chiến”, đã khối tờ báo giật mình, khi nhận ra mình đã bị biến thành con rối cho “đôi tình nhân” giật dây điều khiển… Vừa bị lợi dụng, vừa bị coi thường khi bỏ qua đạo đức tác nghiệp, đúng là thiệt đơn thiệt kép.
***
Trong thời báo chí hiện đại, tin nóng, tin nhanh, tin độc… không phủ nhận là sự đòi hỏi “sống, chết” của từng tòa soạn. Tuy nhiên, cách xử lý thông tin của mỗi tờ báo sẽ khẳng định đẳng cấp của mình. Cũng chính những người làm báo sẽ tự phân loại mình. Đứng trước nỗi buồn đau, bất hạnh, mất mát của người khác, việc đưa hay không đưa, đưa tin như thế nào là một cách để độc giả nhận ra được nhân cách cùng cái tâm của chính người cầm bút.
Mang tới cho độc giả những gì họ cần là nguyên tắc nghề nghiệp mà mỗi người làm báo phải nằm lòng. Nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc tác nghiệp bằng mọi giá, giẫm đạp lên những quy chuẩn đạo đức về tình người. Mỗi nhà báo, bên cạnh cái đầu “lạnh” vẫn phải giữ được một trái tim “nóng”. Để biết chia sẻ, cảm thông, biết dừng lại trước những nỗi đau của nhân vật.
* Trong thời báo chí hiện đại, tin nóng, tin nhanh, tin độc… không phủ nhận là sự đ.i hỏi “sống, chết” của từng t.a soạn. Tuy nhiên, cách xử l. thông tin của mỗi tờ báo sẽ khẳng định đẳng cấp của m.nh. Cũng chính những người làm báo sẽ tự phân loại m.nh. Đứng trước nỗi buồn đau, bất hạnh, mất mát của người khác, việc đưa hay không đưa, đưa tin như thế nào là một cách để độc giả nhận ra được nhân cách cùng cái tâm của chính người cầm bút.
——————-
Ảnh trong bài: Những gương mặt giải trí thường xuất hiện trên các trang báo “lá cải”.