Trang chủ » Diễn đàn Danh Y » Chuyện phiếm » Viện phí – làm sao tính?

Viện phí – làm sao tính?

Chuyện đứa bé
Một phụ nữ bồng con xám ngoét vì hóc hột me trong họng đến bác sĩ. Chỉ 1 phút nữa thôi thì đứa bé lìa đời. Vị bác sĩ úp bụng đứa bé lên tay này, và dùng tay kia vỗ mạnh vào lưng bé khiến hột me văng ra. Đứa bé thoát chết trong gang tấc.
Hỏi rằng người mẹ sẽ trả công cho vị bác sĩ đó như thế nào?
Năng lượng cho việc vỗ ngực đứa bé chỉ bằng năng lượng sinh ra từ một hột cơm. Người mẹ có thể trả cho bác sĩ … 2 hột cơm cũng là dư rồi.
Hỏi người mẹ: "Mạng sống của đứa bé đáng giá bao nhiêu?", bà ta nói: “Tôi xin trả cho mạng sống của con tôi bằng toàn bộ gia tài của tôi”.
 
Chuyện cái laptop
Vị bác sĩ mang chiếc laptop đến cửa hàng sửa máy. Chiếc laptop này giúp BS nhiều trong việc học tập từ mạng internet. Nó hư gì không biết mà màn hình bị sọc. Sửa xong màn hình bác sĩ trả 80 USD (hơn triệu rưỡi).
Bác sĩ lẩm bẩm: ”Số tiền này bằng số tiền tôi nhận được sau khi khám 1.000 bệnh nhân. Công khám và kê đơn cho mỗi bệnh nhân tôi nhận được một nghìn rưỡi. Ông thợ sửa laptop có bao giờ đi tù vì sai sót trong nghề nghiệp không ?”
 
Tiền típ
Vị khách ăn nhà hàng. Hóa đơn tính 400 ngàn. Vị khách trả 400 ngàn và kẹp thêm 20 ngàn cho người phục vụ. Người phục vụ cảm thấy vui vẻ và cố công làm việc tốt hơn để được thu nhập thêm.
Sau một ca mổ, bệnh nhân được chữa lành bệnh. Người nhà bệnh nhân mang một túi trái cây và một phong bì có ít tiền để đền ơn bác sĩ. Một nhà báo chụp được ảnh và bêu xấu rằng vị bác sĩ thiếu y đức, nhận phong bì của bệnh nhân.
 
Tiền khám:
Phòng khám theo yêu cầu BV Bạch Mai treo biểu giá:
–          Khám bác sĩ: 50.000 đồng
–          Khám giáo sư: 100.000 đồng
Khoa khám bệnh, cũng trong BV Bạch Mai
–          Khám bác sĩ: 3.000 đồng.
–          Khám giáo sư: 3.000 đồng.
Buổi chiều, bác sĩ khoa khám theo yêu cầu mời bác sĩ khoa khám công đi làm vài cốc bia sau một ngày làm việc mệt nhọc. Bác sĩ phòng khám công thoái thác: "Bận công việc". Tiền đâu mà uống bia?
Người nghèo – người giàu:
Người phu hồ ăn cơm tấm. Thương gia ăn nhà hàng. Phu hồ hay thương gia thì cũng no bụng sau bữa ăn. Nhưng thương gia thì ngồi máy lạnh, có bia bọt, có người phục vụ… Người phu hồ phân bì với thương gia và đòi quyền bình đẳng! Thương gia nói: ”Anh hãy làm việc thật giỏi, kiếm được nhiều tiền thì sẽ bình đẳng. Dù sao đi nữa thì anh cũng đã được ăn no”.
Phu hồ khám bảo hiểm. Thương gia khám theo yêu cầu. Phu hồ đòi phải được khám chất lượng cao, cho thuốc tốt. Thương gia nói: "Anh hãy làm việc thật giỏi, kiếm được nhiều tiền thì sẽ bình đẳng. Dù sao đi nữa thì anh cũng đã được khám và chữa bệnh".
Thì giờ là vàng bạc:
–          A: Một ngày lao động của tôi giá 100 ngàn.
–          B: Một giờ làm việc của tôi đáng giá 100 đô.
–          A: Tôi đi khám bệnh mất 1 ngày, tức là thất thu 100 ngàn.
–          B: Tôi đi khám bệnh mất 1 giờ, tức là mất 100 đô. Tôi xin trả thêm tiền để rút ngắn thời gian khám bệnh.
Tiền bạc không tự sinh ra, không tự mất đi:
–          Bác làm nghề gì?
–          Thầy thuốc công.
–          Thế tiền thu nhập của bác từ đâu?
–          Từ tiền thuế.
–          Thế tiền thuế ở đâu ra?
–          Của dân.
 
–          Bác làm nghề gì?
–          Thầy thuốc tư.
–          Thể tiền thu nhập của bác ở đâu?
–          Từ bệnh nhân trả.
 
Tiền khám hay tiền thuốc?
Tại phòng khám tư
–          Công khám của bé là 200 nghìn đồng. Bệnh của bé không đáng kể, không cần uống thuốc, sau 2 ngày sẽ tự khỏi.
–          Khám gì mà đắt thế. Những 200 nghìn đồng.
Tại phòng khám công:
–          Công khám của bé là 3 nghìn đồng. Đơn thuốc đây, uống 2 tuần lễ nhé.
–          Nhà nước thật là nhân đạo, công khám rẻ mạt. Chỉ có 3.000.
Tại quầy thuốc:
–          Hóa đơn của bà đây, tám trăm nghìn đồng tiền thuốc.
Vài ngày sau tại khoa cấp cứu:
–          Bé bị ngộ độc thuốc do uống các loại thuốc không cần thiết.
–          Thế sao bác sĩ lại kê đơn cho con tôi như thế?
–          Tự hiểu lấy đi.

Gửi thảo luận