Bộ Y tế gặp mặt các cơ quan báo chí nhân Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam
Ngày 20/6, Bộ Y tế đã tổ chức buổi gặp mặt các cơ quan báo chí nhân kỷ niệm 87 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925- 21/6/2012), Ngày Bảo hiểm y tế Việt Nam (1/7/2012) và Phát động phong trào vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân.
Tại buổi gặp mặt, PGS.TS. Nguyễn Thị Kim Tiến – Bộ trưởng Bộ Y tế đã gửi tới các nhà báo những lời chúc tốt đẹp nhất và đánh giá cao những đóng góp của các nhà báo trong sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội của đất nước nói chung và của ngành y tế nói riêng. Bộ trưởng Bộ Y tế cũng mong muốn các cơ quan báo chí trong thời gian tới tiếp tục tuyên truyền tích cực những thành tựu của ngành cũng như có các phản biện nhằm giúp cho ngành ngày càng hoạt động hiệu quả hơn trong sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân (Sức khỏe & Đời sống (trang 2) 21/6).
Lấy mẫu táo nhập khẩu để kiểm tra
Sau khi báo Sức khỏe&Đời sống cùng nhiều phương tiện truyền thông khác thông tin về việc táo đỏ Fuji Trung Quốc nhiễm độc vì bọc thuốc sâu từ khi còn non, Cục Bảo vệ Thực vật, Bộ NN-PTNT đã yêu cầu lấy mẫu táo nhập khẩu bán tại Hà Nội và TP.HCM để phân tích.
Cục cũng đã chỉ đạo kiểm tra loại táo Fuji chặt chẽ hơn ở các cửa khẩu. Hai trung tâm kiểm nghiệm và khảo nghiệm thuốc BVTV của Cục lấy ngay mẫu táo hiện có ở Hà Nội và TP.HCM, kiểm tra hai chất độc hại mà Trung Quốc thông báo xem có trong táo nhập khẩu bán tại VN hay không. Dự kiến ngày 22/6 sẽ có kết quả của đợt kiểm tra (Sức khỏe & Đời sống (trang 2) 21/6).
Tổng kết dự án hỗ trợ y tế vùng ĐB sông Cửu Long
Ngày 20/6/2012, tại Hà Nội, Bộ Y tế đã họp tổng kết dự án “Hỗ trợ y tế vùng đồng bằng sông Cửu Long” sử dụng vốn vay của Ngân hàng Thế giới và vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Nhật Bản. Dự án với tổng kinh phí 85 triệu USD được bắt đầu triển khai từ tháng 9/2006 tại 13 tỉnh vùng ĐBSCL và 2 đơn vị trực thuộc Bộ Y tế là Bệnh viện (BV) đa khoa TW Cần Thơ và Trường ĐHYD Cần Thơ.
Sau hơn 5 năm thực hiện, dự án đã đạt được nhiều kết quả: hỗ trợ để hơn 70% tổng số người cận nghèo trong vùng có thẻ BHYT, 808 bệnh nhân mổ tim; cung cấp trang thiết bị và một số trang thiết bị kỹ thuật cao cho 17 BV, chủ yếu là BV tuyến tỉnh và 13 TTYTDP. Dự án cũng hỗ trợ đào tạo được 23 tiến sĩ, thạc sĩ, 1.592 chuyên khoa I, 364 chuyên khoa II và 1.794 cán bộ chuyên tu để có trình độ đại học về y, dược… cho các cơ sở y tế trong vùng. Thay mặt lãnh đạo Bộ Y tế, phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên nhận định, các nội dung đầu tư của dự án đã mang lại hiệu quả rõ rệt cho hệ thống y tế vùng ĐBSCL; phù hợp với chủ trương, chính sách chung của ngành y tế, đáp ứng tốt nhu cầu CSSK của nhân dân vùng ĐBSCL… (Sức khỏe & Đời sống (trang 2) 21/6).
Sản phẩm sữa chứa thủy ngân chưa được cấp phép tại Việt Nam
Ngày 20/6, Cục ATVSTP, Bộ Y tế cho biết, ngay sau khi thông tin liên quan đến việc thu hồi sản phẩm sữa bột dành cho trẻ nhỏ của Tập đoàn công nghiệp Yili Nội Mông, Trung Quốc do phát hiện sản phẩm có chứa thủy ngân cao, Cục ATVSTP đã liên hệ ngay với Tổng cục Giám sát Chất lượng, Thanh tra và Kiểm dịch Trung Quốc (AQSIQ) để xác minh các thông tin liên quan. Theo đó, AQSIQ cho biết đã tiến hành kiểm tra 715 mẫu sữa bột của nhiều hãng khác nhau sản xuất từ tháng 11/2011 đến tháng 5/2012.
Kết quả cho thấy, hiện tại, cơ quan này mới chỉ phát hiện sản phẩm sữa dành cho trẻ nhỏ có nhãn hiệu Quanyou của hãng sữa Yili, Nội Mông, Trung Quốc có chứa hàm lượng thủy ngân cao bất thường. Cùng với việc xác minh này, Cục ATVSTP đã tiến hành rà soát, kiểm tra tình hình nhập khẩu, công bố tiêu chuẩn sản phẩm đối với sản phẩm sữa nói trên. Qua kiểm tra cho thấy, từ năm 2009 đến nay, Cục ATVSTP không cấp giấy Chứng nhận tiêu chuẩn sản phẩm cho bất kỳ sản phẩm sữa nào của Tập đoàn công nghiệp Yili Nội Mông, Trung Quốc (Sức khỏe & Đời sống (trang 2) 21/6).
Nhiều trường hợp mắc liên cầu lợn nhập viện
Tin từ BV Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết, trong thời gian gần đây, nhiều trường hợp nhập viện do nhiễm vi khuẩn liên cầu lợn. Trong số 20 trường hợp nhập viện từ đầu năm tới nay, bệnh nhân phần lớn là nam giới từng tiếp xúc với lợn mắc bệnh, ăn thịt lợn bệnh. Trong tổng số các bệnh nhân thì có tới 80% bệnh nhân trong tình trạng bệnh nặng hoặc đã biến chứng, đặc biệt, có nhiều ca bị sốc, hoại tử, suy đa phủ tạng.
Trước tình trạng này, các bác sĩ khuyến cáo, người dân cần chọn thực phẩm có nguồn gốc, ăn thức ăn chín và nếu nghi ngờ có dấu hiệu mắc bệnh cần đến ngay các cơ sở y tế để kiểm tra và điều trị (Sức khỏe & Đời sống (trang 2), Thanh niên (trang 2) 21/6).
Phòng khám Đông y Trung Quốc lại vi phạm: Sai phạm tiếp diễn do thiếu “thuốc đặc trị”?
Trên trang 3, số 50 ra ngày 27/3/2012, báo Sức khỏe&Đời sống đã có bài viết Phòng khám Đông y Trung Quốc lại quảng cáo trên trời: Sẵn sàng nộp phạt để… vi phạm. Tuy nhiên, qua đợt kiểm tra tại một số phòng khám Đông y Trung Quốc trên địa bàn của Thanh tra Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh mới đây cho thấy tình trạng này lại tiếp tục tái diễn…
Đủ kiểu lừa
Sáng 18/6, đoàn thanh tra sở Y tế TP.HCM đã bất ngờ kiểm tra Phòng khám y học Trung Quốc tại 141 Phan Đăng Lưu, phường 2, quận Phú Nhuận. Điều đáng ngạc nhiên là khi đoàn thanh tra vừa xuất hiện, một số “bác sĩ” Trung Quốc đang khám bệnh lập tức cởi áo blouse và bỏ ra ngoài hết.
Tại thời điểm kiểm tra, phòng khám vẫn mở cửa hoạt động và có khoảng chục bệnh nhân đang được khám hoặc ngồi chờ khám. Có 3 bệnh nhân ở Đồng Nai và An Giang đang điều trị bệnh trĩ. Tất cả đều cho biết qua xem tivi thấy quảng cáo của phòng khám này “hay quá” nên đã tìm đến chữa bệnh. Trong đó, anh V.V.T. đến khám ngày 17/6 phải đóng 12,3 triệu đồng. Khi thấy phòng khám giữ lại điều trị thêm và đòi thu thêm 1,5 triệu đồng, anh T. sợ bị lừa nên tới phòng khám làm thủ tục xin về. Anh N.V.M. đóng 9,8 triệu đồng. Sau khi điều trị bị phòng khám đưa đến lưu giữ tại khách sạn Sơn Lâm và yêu cầu đóng thêm 1,5 triệu đồng nữa mới được “viết giấy đảm bảo chữa trị khỏi bệnh 100%”. Còn anh M.P.K. đang chờ khám bệnh thì đoàn thanh tra tới.
Cũng là nạn nhân của phòng khám này, chị Vạn Thị Thu Đậm (32 tuổi, Ninh Thuận) ngày 4/6 vào TP.HCM khám bệnh. Người ở phòng khám này nói chị bị loét tử cung, không điều trị sẽ bị ung thư. Hỏi điều trị bao nhiêu tiền, khi nào hết bệnh, bác sĩ Trung Quốc đưa ra ba giá điều trị: 30 triệu đồng thì 20 ngày hết bệnh, 25 triệu thì 1 tháng mới hết bệnh, 15 triệu thì một tháng rưỡi khỏi bệnh. Khi vợ chồng chị nói không có nhiều tiền, bác sĩ đã “dụ” cứ ký vào đơn xin gia hạn đóng viện phí rồi về nhà mượn tiền trả sau! Sau đó, chị bị nhân viên phòng khám canh gác 24/24 giờ, không cho đi đâu.
Muốn về thì “phải đóng hết tiền”. Quá bức xúc, gia đình chị đã báo Công an phường 2, quận Phú Nhuận nhờ can thiệp và được phòng khám giảm một nửa tiền. Như vậy, gia đình chị Đậm phải đóng cho phòng khám 14.850.000 đồng mới được “thả” khỏi khách sạn ngày 8/6. Thoát được phòng khám này, chị Đậm đến BV Từ Dũ khám bệnh, các bác sĩ ở đây cho biết, chị không hề bị viêm loét tử cung. Cả tiền khám, tiền thuốc ở BV Từ Dũ chỉ hết 200.000 đồng.
Sai phạm chồng lên sai phạm
Tại thời điểm Thanh tra Sở Y tế đến kiểm tra, chủ phòng khám này không có mặt. Tất cả bác sĩ đang thực hiện khám chữa bệnh đều không đeo bảng tên và chưa xuất trình được bằng cấp chuyên môn, giấy phép lao động. Phòng khám có 2 phòng cấp phát thuốc, một phòng cấp phát tân dược, một phòng cấp thuốc dịch truyền, kháng sinh và một số loại thuốc Trung Quốc. Tuy nhiên, phòng khám chưa xuất trình được giấy phép lưu hành các thuốc Trung Quốc. Tại đây còn có 3 loại thuốc đã hết hạn sử dụng (trong đó có 2 loại thuốc xuất xứ từ Trung Quốc và một loại dùng trong cấp cứu chống sốc), một số thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Dù phòng khám không được phép truyền dịch nhưng đoàn thanh tra phát hiện tại đây có rất nhiều chai dịch truyền chưa sử dụng.
Theo Thanh tra Sở Y tế, dù chỉ là phòng khám Đông y nhưng cơ sở này đã thực hiện nhiều hoạt động chuyên môn vượt quá chức năng cho phép như khoa sản, xét nghiệm, siêu âm, máy phục hồi trị liệu. Đoàn thanh tra cũng xác định ông Trần Phú Kiến (người phẫu thuật trĩ cho bệnh nhân V.V.T.) chưa xuất trình được bằng cấp chuyên môn. Cơ sở treo 2 bảng quảng cáo không đúng với nội dung đã được duyệt, bảng hiệu chưa đúng quy định (không có số giấy phép, không có tên bác sĩ phụ trách)…
Đoàn thanh tra đã yêu cầu các bác sĩ, nhân viên của phòng khám chưa trình được bằng cấp chuyên môn ngừng ngay việc khám chữa bệnh; tháo ngay 2 bảng quảng cáo không đúng nội dung được phê duyệt; ngưng việc lưu bệnh tại khách sạn; ngưng ngay những hoạt động quá phạm vi chuyên môn cho phép kể trên và ngưng ngay việc bán thuốc chưa được phép lưu hành. đoàn thanh tra cũng đã yêu cầu chủ phòng khám xuất trình bằng cấp chuyên môn, giấy tờ nhân thân của những người Trung Quốc tại phòng khám này xem có đúng như người phiên dịch cung cấp hay không khi lên làm việc với Sở Y tế vào ngày 21/6.
Liên quan đến sai phạm của phòng khám Trung Quốc 141 Phan Đăng Lưu nói riêng và các sai phạm của những phòng khám có yếu tố nước ngoài trên địa bàn TP.HCM nói chung, trao đổi với phóng viên báo Sức khỏe&Đời sống ngày 20/6, PGS.TS. Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, vấn đề này đã và đang gây ra những bức xúc không chỉ với ngành y tế mà còn với người dân. Những phòng khám này thường dùng chiêu quảng cáo rầm rộ và lời lẽ tâng bốc như chữa được bách bệnh kể cả những bệnh nan y giai đoạn cuối trên các phương tiện truyền thông đại chúng, nhất là trên các đài truyền hình. Theo tìm hiểu của ngành y tế, nhiều nạn nhân của các phòng khám có yếu tố nước ngoài đều vì tin quảng cáo mà bị lừa!
Đối với sai phạm của phòng khám Trung Quốc 141 Phan Đăng Lưu, ngành y tế sẽ căn cứ vào các hành vi sai phạm để áp dụng các hình thức xử phạt đúng pháp luật, đồng thời có thể áp dụng các biện pháp bổ sung như tạm ngưng hoạt động hoặc rút giấy phép hành nghề. PGS.TS. Nguyễn Tấn Bỉnh cũng cho biết, sẽ tiến hành các biện pháp nghiêm ngặt hơn, kiểm soát kiên quyết hơn để chấn chỉnh lại hoạt động khám chữa bệnh của các phòng khám Đông y, y học có yếu tố nước ngoài tại TP. HCM (Sức khỏe & Đời sống (trang 2), An ninh thủ đô (trang 10), Tiền phong (trang 6) 21/6).
Phát hiện nhiều mẫu xí muội, ô mai bẩn
Kết quả kiểm tra của Bộ Y tế tại nhiều địa phương cho thấy rất nhiều mẫu ô mai, xí muội không đạt các tiêu chuẩn về chất lượng.
Sau khi tiếp nhận thông tin cảnh báo của Trung tâm giám sát và thanh tra chất lượng thực phẩm Trung Quốc đối với hoa quả sấy khô (xí muội, ô mai) có nguồn gốc từ Trung Quốc có chứa hóa chất phụ gia gây độc hại có nguy cơ đe dọa sức khỏe người tiêu dùng, Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) đã vào cuộc. Cụ thể: Cục đã có công văn chỉ đạo các địa phương, các viện kiểm nghiệm về vệ sinh an toàn thực phẩm tổ chức kiểm tra, lấy mẫu ô mai, xí muội tại các cở sản xuất trong nước, cơ sở kinh doanh trên thị trường để giám sát, kiểm nghiệm kiểm tra đánh giá chất lượng ô mai xí muội đang lưu thông trên thị trường, trong đó đặc biệt lưu ý tại hai thị trường lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.
Theo báo cáo của Viện kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia và Viện Vệ sinh Y tế công cộng TP. Hồ Chí Minh, đến thời điểm hiện nay đã có 90 mẫu ô mai xí muội được lấy tại các địa phương gồm Hà Giang, Lai Châu, Khánh Hòa, Cà Mau, Tiền Giang, Phú Thọ, Bắc Ninh, Kiên Giang, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Bình Định, Hải Phòng, Lâm Đồng Bắc Giang, Quảng Nam.
Kết quả kiểm tra công bố ngày hôm nay (20/6) cho thấy 65/90 mẫu xét nghiệm có sử dụng đường Sarcarine vượt quá giới hạn cho phép, 13/90 mẫu xét nghiệm có sử dụng Cyclamate, 1/90 mẫu có sử dụng Natri Benzoic, 23/90 mẫu có sử dụng Axit Benzoic, 9/90 mẫu xét nghiệm có hàm lượng chì cao hơn giới hạn cho phép, 90/90 mẫu không phát hiện có sử dụng phẩm màu không được phép sử dụng. Các địa phương đã xử lý các cơ sở có sản phẩm không đạt yêu cầu và thu hồi, tiêu hủy các sản phẩm vi phạm theo quy định. Cục An toàn vệ sinh thực phẩm chỉ đạo các địa phương tiếp tục kiểm tra, giám sát và lấy mẫu tại các cơ sở sản xuất và kinh doanh ô mai xí muội trên địa bàn được giao quản lý, xử lý kiên quyết, triệt để các cơ sở vi phạm về chất lượng sản phẩm, vi phạm về cơ sở đủ điều kiện kiện sản xuất, kinh doanh. Đồng thời đề nghị Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn chỉ đạo UBND, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn các tỉnh/TP trực thuộc Trung ương tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở sản xuất thực hiện việc sản xuất kinh doanh các sản phẩm ô mai, xí muội đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm đặc biệt chú ý hướng dẫn các hộ sản xuất thực phẩm không được sử dụng phụ gia (Phẩm màu, đường hóa học…) ngoài danh mục cho phép của Bộ y tế (Lao động (trang 3), Nhân dân (trang 8) 21/6).
Khẳng định vai trò đầu ngành trong phòng, chống lao và bệnh phổi
Bệnh viện Phổi T.Ư (nguyên là Viện Chống Lao T.Ư) được thành lập năm 1957, là một trong những viện nghiên cứu được thành lập sớm nhất của ngành y tế. Trải qua 55 năm xây dựng và phát triển, bệnh viện không ngừng vươn lên, khẳng định vai trò chuyên khoa đầu ngành trong phòng, chống lao và bệnh phổi. Với kết quả đó, bệnh viện vừa được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động.
Kết quả nổi bật mà bệnh viện thu được là xây dựng được hệ thống cơ sở phòng, chống bệnh lao ổn định từ Trung ương đến tận xã, phường và tìm được phương pháp phòng, chống lao phù hợp điều kiện của đất nước. Ngay từ năm 1995, khi được triển khai, Chương trình Chống lao quốc gia (CTCLQG) nhanh chóng đạt được những dấu ấn quan trọng, 100% số dân được bảo vệ; số người bệnh được phát hiện mới hằng năm trong cộng đồng đạt hơn 80% so với ước tính. Bệnh viện đã tiến hành giám sát và theo dõi diễn biến dịch tễ học bệnh lao qua nghiên cứu điều tra chỉ số "nguy cơ nhiễm lao hằng năm", nhờ đó đã có thể ước tính số nguồn lây chính đang có trong cộng đồng, góp phần cho việc tiên lượng bệnh lao thời điểm đó cũng như những năm tiếp theo. Bệnh viện cũng đã tiến hành điều tra tình hình bệnh lao tại các khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và biên giới, hải đảo để có chiến lược giải quyết những vấn đề y tế xã hội đáp ứng yêu cầu về công bằng và bình đẳng giữa các vùng miền. Song song với việc thực hiện chương trình chống lao, bệnh viện còn triển khai có hiệu quả Chương trình chống nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính ở trẻ em tại tất cả số xã trong cả nước, qua đó làm giảm được tỷ lệ tử vong do viêm phổi trẻ em dưới một tuổi xuống dưới 0,36%.
Hiện nay, 100% số dân trong cả nước được Chương trình chống lao tiếp cận, bảo vệ và sử dụng điều trị hóa trị ngắn ngày có kiểm soát (DOTS). Việc áp dụng DOTS luôn đạt tỷ lệ khỏi bệnh từ 87 đến 90,5%. Nhờ đó, Việt Nam là nước đầu tiên của châu Á đạt được mục tiêu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) về điều trị khỏi bệnh cho hơn 85% số người bệnh, quản lý điều trị và phát hiện hơn 70% số người bệnh có trong cộng đồng. Chương trình chống lao của Việt Nam được WHO đánh giá cao về hoạt động phòng, chống bệnh lao, nhất là ở những vùng khó khăn: miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo và các nơi có đối tượng có nguy cơ lây nhiễm lao cao để tạo sự công bằng trong thụ hưởng quyền lợi của nhân dân do chương trình mang lại.
Ðáng chú ý, đây là đơn vị duy nhất vừa triển khai được công tác chống lao trong hệ thống y tế chung vừa mở rộng công tác chống lao trong các bộ, ngành (Công an, Quốc phòng, Lao động – Thương binh và Xã hội, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ…). Ðồng thời thành lập các tổ chống lao trong trại giam, Trung tâm 05-06; xây dựng các câu lạc bộ giúp bạn của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, góp phần vào tăng cường độ bao phủ và quản lý, hỗ trợ mọi đối tượng khi mắc bệnh lao. Với kết quả đạt được có tính bền vững, CTCLQG Việt Nam đã vinh dự được nhận Giải thưởng của Hội Chống Lao Hoàng gia Hà Lan; CTCLQG Việt Nam là một trong sáu quốc gia trên thế giới được nhận Giải thưởng của WHO về duy trì tính bền vững của công tác phòng, chống lao. WHO cũng đánh giá Việt Nam là một hình mẫu của công tác chống lao có ảnh hưởng và tác động tích cực đến cộng đồng xã hội.
Ngoài phát triển mạng lưới, mở rộng thực hiện bệnh viện là đơn vị đi đầu trong việc đổi mới công nghệ và ứng dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật, công nghệ mới, luôn đẩy mạnh trong phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật và bảo vệ môi trường. Là đơn vị đề xuất kỹ thuật soi đờm khám phát hiện bệnh lao tại cộng đồng được thế giới công nhận và áp dụng từ năm 1962 đến nay. Ðặc biệt, người Viện trưởng đầu tiên, cố Bộ trưởng Y tế – bác sĩ Phạm Ngọc Thạch đã đề xuất những đường lối hết sức độc đáo, mở đường cho các biện pháp chống lao ở Việt Nam. Ðó là chẩn đoán bằng xét nghiệm đờm soi kính trực tiếp ngay từ tuyến cơ sở. Sau này Tổ chức Y tế thế giới, Hiệp hội Bài Lao và Bệnh phổi quốc tế coi là biện pháp cơ bản để phát hiện người bệnh lao và hiện nay phương pháp này vẫn đang được áp dụng.
Bệnh viện là đơn vị đi đầu đẩy mạnh việc ứng dụng các phương pháp kỹ thuật cao, mới và hiện đại nhất trên thế giới vào chẩn đoán, điều trị lao và bệnh phổi như kỹ thuật: Sinh học phân tử – Hain test, Gene Xpert TB trong chẩn đoán lao, điều trị điện đông cao tần, chụp CT Scanner, phẫu thuật nội soi lồng ngực, nội soi trung thất… mang lại kết quả điều trị bệnh tốt và hiệu quả nhất, đáp ứng được nhu cầu của nhân dân. Từ năm 1989, bệnh viện đã triển khai thành công phác đồ hóa trị ngắn ngày tám tháng với kết quả điều trị khỏi cao từ 88,3% đến 95%. Công trình nghiên cứu phối hợp Viện Vệ sinh dịch tễ về sản xuất vắc-xin BCG trong nước đã được thực hiện thành công, với kết quả nghiên cứu này bảo đảm cung cấp đủ vắc-xin tiêm phòng lao cho tất cả trẻ sơ sinh. Việc tiêm phòng lao được thực hiện trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng đạt hiệu quả như các nước tiên tiến. Phương pháp điều trị bằng phẫu thuật ngoại khoa lồng ngực mà GS Hoàng Ðình Cầu gây dựng tại bệnh viện (từ những năm 60 của thế kỷ 20) đã góp phần giải quyết các nguồn lây là lao phổi mãn tính khá phổ biến ở thời gian đó làm tiền đề cho các phương pháp điều trị ngoại khoa khác được triển khai. Bệnh viện là đơn vị đi đầu trong nước với các phẫu thuật cắt phổi, cắt thùy phổi, cắt xẹp thành ngực trong lao và bệnh phổi, góp phần nâng cao chất lượng điều trị.
Tuy đã đạt những kết quả quan trọng nhưng hiện nay tình hình bệnh lao ở nước ta vẫn còn khá nặng nề, khi kết quả điều tra tỷ lệ mắc lao và nhiễm lao toàn quốc cho thấy tỷ lệ hiện mắc lao cao hơn so với ước tính của WHO. Trong cộng đồng vẫn còn tồn tại một số lượng lớn người bệnh lao phổi chưa được phát hiện và tiếp tục là nguồn lây cho những người chung quanh. Thành công của CTCLQG trong việc điều trị bệnh và hạn chế lây truyền bệnh lao trong cộng đồng đang bị đe dọa do tỷ lệ đồng nhiễm lao/HIV tăng nhanh, tình hình bệnh lao kháng thuốc; sự quản lý bệnh lao còn yếu trong các cơ sở y tế tư nhân; sự tiếp cận không đầy đủ của người nghèo và các nhóm đối tượng đặc biệt đối với các dịch vụ chữa lao chất lượng cao; thiếu hụt ngân sách… Tỷ lệ nhiễm HIV trong số người bệnh lao vẫn tiếp tục tăng nhanh theo từng năm, nó không chỉ làm tăng số người mắc bệnh lao, mà còn làm giảm hiệu quả điều trị và tăng tỷ lệ chết do lao. Cũng như nhiều nước, vấn đề lao kháng thuốc ở nước ta tiếp tục làm tăng thêm gánh nặng đồng thời làm giảm hiệu quả của Chương trình chống lao. Hiện nay tỷ lệ kháng thuốc chung ở Việt Nam là 32,5%, riêng lao kháng đa thuốc là 2,3%. Bệnh lao còn là nguyên nhân chủ yếu làm cho đói nghèo kéo dài và là trở ngại đối với sự phát triển kinh tế – xã hội. Bệnh lao không chỉ là vấn đề y tế mà thật sự còn là vấn đề kinh tế – xã hội. Ðiều đó đòi hỏi bệnh viện cần phát huy hơn nữa vai trò đầu ngành chủ đạo của Bộ Y tế và trách nhiệm về phòng, chống lao và các bệnh phổi cho người dân, xứng đáng với vinh dự cao quý mà Nhà nước trao tặng nhân dịp 55 năm thành lập (Nhân dân (trang 6) 21/6).
Không còn ca mắc mới bệnh lạ
Ngày 20.6, Bộ trưởng BYT cho biết bằng giải pháp tác động toàn diện, tháng 6 ở huyện Ba Tơ QN không còn ca mắc bệnh lạ. Theo BYT một tỷ lệ lớn người dân ở đây có men gan cao, chứng tỏ sự nhiễm độc là rất lớn, cần phải theo dõi và điều trị kịp thời nếu có hiện tượng phát bệnh (Nông thôn ngày nay (trang 2) 21/6).
Ngừng cấp thẻ BHYT cho trẻ tạm trú
Từ ngày 1-7-2012, trẻ dưới 6 tuổi diện tạm trú tại TP.HCM sẽ không được cấp thẻ bảo hiểm y tế (BHYT), những thẻ đã cấp sẽ được thu hồi.
Đó là chỉ đạo mới đây của UBND TP.HCM. Theo UBND TP, trẻ thuộc diện trên phải về địa phương nơi có hộ khẩu thường trú để làm thủ tục cấp thẻ BHYT.
Trong khi đó, theo Bảo hiểm xã hội TP.HCM, Luật BHYT chỉ quy định cấp thẻ BHYT ở nơi trẻ cư trú. Do vậy, cơ quan này sẽ kiến nghị UBND TP tiếp tục cấp thẻ BHYT cho trẻ tạm trú dưới 6 tuổi. TP.HCM hiện có khoảng 450.000 trẻ dưới 6 tuổi được cấp thẻ BHYT.
* Chiều 20-6, ông Cao Văn Sang – giám đốc Bảo hiểm xã hội TP.HCM – cho biết năm 2012 TP.HCM có nguy cơ không cân đối được quỹ khám chữa bệnh BHYT.
Nguy cơ “vỡ” quỹ là do số thẻ BHYT diện tự nguyện tăng mạnh, trong khi đa số đối tượng này chỉ tham gia BHYT tự nguyện khi có bệnh, thậm chí bệnh nặng có chi phí điều trị rất cao. Tại các bệnh viện Ung bướu TP, Truyền máu – huyết học TP, Viện Tim TP và các bệnh viện có khoa thận nhân tạo, bệnh nhân BHYT tự nguyện mắc ung thư, suy thận, khám và mổ tim có số lượt nằm viện và khám bệnh chiếm tỉ lệ khoảng 50% trên tổng số lượt khám chữa bệnh cũng như khoảng 50% tổng chi phí khám chữa bệnh của các bệnh viện này. Ngoài ra, việc thực hiện viện phí theo quy định mới có hơn 400 dịch vụ kỹ thuật tăng và gần 1.000 phẫu thuật, thủ thuật có mức giá tăng gấp hai lần (Tuổi trẻ (trang 2) 21/6).
Thế giới đã có bệnh tương tự bệnh “lạ” ở Quảng Ngãi
Trái ngược với phát biểu của đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho rằng chưa từng thấy bệnh viêm dày sừng da bàn tay bàn chân ở Quảng Ngãi ở đâu ngoài Việt Nam, ngày 20-6 Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng mặc dù là lạ nhưng đây không phải là loại bệnh chưa thấy ở đâu trên thế giới.
Theo bà Tiến, hồ sơ bệnh cho thấy bệnh viêm dày sừng da bàn tay bàn chân từng xuất hiện tại khu vực Ba Tơ, Quảng Ngãi từ năm 2003, nhưng rải rác chứ không dày đặc như hiện nay. Kết quả thăm khám mới nhất của Bệnh viện Bạch Mai tại khu vực xuất hiện bệnh “lạ” Quảng Ngãi là người bệnh lẫn người bình thường đều có men gan tăng cao, phát hiện giá trị nhất đến nay là có nấm mốc aflatoxin ở thóc và gạo ủ cao gấp 5-9 lần cho phép, trong khi aflatoxin có khả năng gây ung thư gan, xơ gan, giai đoạn đầu là tổn thương gan.
Điểm báo ngày 21/6/2012
Theo bà Tiến, trước đây ở Kenya có tình trạng tương tự, tỉ lệ tử vong lên đến 25% người mắc bệnh do người dân ăn phải ngô mốc, khi được cung cấp ngô và thực phẩm sạch đã khống chế được tình hình (Tuổi trẻ (trang 2) 21/6).