Đó là kết quả của cuộc nghiên cứu kéo dài 35 năm do các nhà khoa học từ Học viện Sahlgrenska, Trường đại học Gothenburg (Thụy Điển) thực hiện.
Đối tượng nghiên cứu là 7.500 người đàn ông chào đời tại Gothenburg trong thời gian từ năm 1915 đến 1925.
Trong số này, 6.828 người không có tiền sử mắc bệnh tiểu đường, bệnh về động mạch vành hoặc đột quỵ. 899 người bị mắc bệnh tiểu đường trong thời gian tham gia cuộc nghiên cứu.
Nhóm nghiên cứu đề nghị đối tượng tự đánh giá mức độ căng thẳng của mình, căn cứ vào những yếu tố như tình trạng phát cáu, lo âu, khó ngủ liên quan đến việc làm tại công sở hoặc trong gia đình.
15,5% đối tượng cho biết mình thường xuyên căng thẳng do công việc hoặc gia đình trong thời gian từ một hoặc 5 năm trước đó.
Theo Masuma Novak, người đứng đầu cuộc nghiên cứu, những người đàn ông thường xuyên căng thẳng thì tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường lên 45%, so với những người đàn ông không căng thẳng hoặc chỉ thỉnh thoảng căng thẳng.
Nhận xét này vẫn chính xác sau khi xem xét đến tuổi tác, vị trí kinh tế xã hội, cơ thể thiếu vận động, chỉ số khối cơ thể BMI, huyết áp tâm thu và uống thuốc để giảm huyết áp.