48 điểm cung ứng thuốc cho người dân trong dịp tết
Sở Y tế Hà Nội vừa có công văn thông báo các điểm trực bán thuốc phục vụ người dân trong dịp Tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013 trong các ngày 29, mùng 1, 2, 3, 4, 5 và 6 tết.
Theo đó, 48 điểm trực bán thuốc bao gồm: Nhà thuốc 21 Quán Thánh (quận Ba Đình); nhà thuốc 69 Hàng Đường, 59 Lãn Ông, 82 Ngô Thì Nhậm, 2 Hàng Bài, 119 Hàng Gai, 52-54 Tràng Tiền, 97 Hàng Bạc (Hoàn Kiếm); nhà thuốc 378 Khâm Thiên, 107 Tôn Đức Thắng (Đống Đa); 228 Lò Đúc, 162 phố Huế, 44 Lê Đại Hành, 5 Cửa Nam, 512 Bạch Mai, 268 Minh Khai (Hai Bà Trưng); hai quầy thuốc Hapharco tại chợ Tó, Uy Nỗ và thôn Phù Liễn, Bắc Hồng (huyện Đông Anh); quầy trung tâm số 18 đường Đa Phúc, quầy thuốc 97 đường 2 Phú Minh, quầy thuốc đầu tây, đầu đông chợ Phù Lỗ, 2 quầy thuốc ở chợ Nỷ của thị trấn Sóc Sơn (Sóc Sơn); quầy thuốc số 2 thôn Tựu Liệt, chợ Tựu Liệt (Tam Hiệp), quầy thuốc thôn Cương Ngô (Tứ Hiệp), đại lý Đặng Thị Duyên (Tả Thanh Oai), đại lý Đàm Thị Lan (đầu cầu Hữu Hòa) – (Thanh Trì); nhà thuốc 156 và 362 phố Ngọc Lâm (Long Biên); nhà thuốc 157 Cầu Giấy; đại lý Nguyễn Thị Lai, Đông Ngạc (Từ Liêm); nhà thuốc Bệnh viện Đa khoa Hà Đông; nhà thuốc 80 (phố Quang Trung – Hà Đông); nhà thuốc số 3 (Nguyễn Thái Học – Quang Trung – thị xã Sơn Tây); nhà thuốc số 1 (phố Chùa Thông, phường Sơn Lộc, thị xã Sơn Tây); quầy thuốc Chi nhánh dược phẩm Chương Mỹ (thị trấn Chúc Sơn); điểm bán lẻ thuốc tại thị trấn của các huyện Thanh Oai, Ứng Hòa, Mỹ Đức, Thường Tín, Phú Xuyên, Hoài Đức, Quốc Oai, Đan Phượng, Thạch Thất, Phúc Thọ, Ba Vì.
Sở Y tế Hà Nội cũng chỉ đạo Trung tâm Y tế dự phòng tổ chức giám sát dịch 24/24h tại các quận, huyện, thị xã. Các quận, huyện, thị xã và y tế tuyến cơ sở cũng chủ động phát hiện, giám sát và điều trị kịp thời các trường hợp nghi ngờ và khoanh vùng, xử lý ổ dịch. Đối với các đơn vị khám chữa bệnh, nhà hộ sinh, trạm y tế phải bảo đảm có hộ lý trực 24/24h. Đặc biệt, các bệnh viện không được đùn đẩy, từ chối hoặc để chậm trễ bất cứ trường hợp cấp cứu nào, ngay cả khi người bệnh đến trái tuyến. UBND TP Hà Nội đã phê duyệt mức chi hỗ trợ cho bệnh nhân nằm điều trị tại bệnh viện trong 4 ngày tết là 70.000 đồng/ngày/bệnh nhân (Hà Nội mới trang 1).
Phòng tránh ngộ độc rượu, bia
Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho biết: Năm 2012, số người ngộ độc do sử dụng rượu tăng cao so với năm 2011. Phần lớn trong số đó là do sử dụng rượu tự nấu, pha chế, ngâm, ủ có lượng cồn quá ngưỡng cho phép. Đã từ lâu, rượu, bia được coi là đồ uống trong mỗi dịp liên hoan, cưới hỏi, lễ, Tết. Đặc biệt trong những ngày Tết, lượng rượu, bia tiêu thụ nhiều hơn, theo đó số người nhập viện do say rượu, bia, thậm chí bị ngộ độc rượu cũng tăng cao hơn. Có không ít trường hợp bị ngộ độc rượu, không được xử trí kịp thời, đã dẫn đến biến chứng hôn mê sâu, có trường hợp bị tử vong.
Những tác hại về rượu, bia ai cũng biết vì nó hiển hiện trong cuộc sống. Tuy nhiên, trong các cuộc vui bên bàn nhậu, trong các lễ hội, ngày Tết, người ta thường không nhớ đến nó, rượu, bia luôn được rót tràn ly, ai cũng uống hết mình.
Trong dịp Tết Nguyên đán Quý Tỵ, mặt hàng rượu bia có sức tiêu thụ cao, rượu giả tranh thủ thời cơ được tung ra thị trường. Theo các chuyên gia, rượu giả thường được làm bằng các loại cồn công nghiệp không rõ nguồn gốc hoặc có pha phẩm mầu công nghiệp. Loại rượu này, khi uống vào rất dễ gây ngộ độc, nguy cơ tử vong cao.
Để phòng tránh ngộ độc rượu, bia, nhất là trong dịp Tết, theo khuyến cáo của các bác sĩ, khi uống, nên chọn loại rượu có thương hiệu, bảo đảm an toàn thực phẩm và chỉ uống rất ít (khoảng 30ml), khi uống rượu vẫn phải ăn cơm và thức ăn kèm, tránh bị cảm lạnh do đói, rét (Nhân dân trang 4).
Tăng tỷ lệ học sinh tham gia bảo hiểm y tế
Với đối tượng học sinh, sinh viên (HSSV), tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) bắt buộc không chỉ để bảo vệ sức khỏe bản thân mà còn hướng tới giá trị nhân văn vì cộng đồng. Khi khỏe mạnh, phần đóng góp của mình sẽ giúp đỡ những người bạn không may ốm đau, gặp tai nạn. Còn khi bản thân gặp rủi ro, phần đóng góp chung của số đông sẽ chia sẻ cho mình.
Những năm gần đây, BHYT đã mang lại nhiều lợi ích cho người tham gia trong việc khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe. Từ ngày 1-1-2010, Luật Bảo hiểm y tế đã quy định, HSSV từ đối tượng tự nguyện chuyển sang đối tượng có trách nhiệm tham gia BHYT. Như vậy, năm học 2012 -2013 cũng đánh dấu năm thứ ba, hàng chục triệu HSSV trên cả nước đã tham gia BHYT bắt buộc.
Từ nhiều năm trước, BHYT là khoản tự nguyện với đối tượng HSSV, mức cố định thấp nhất là 50 nghìn đồng/người/năm và có tính đến yếu tố khác biệt, chênh lệch vùng miền. Từ năm 2010, theo quy định của Luật BHYT, HSSV trở thành nhóm đối tượng bắt buộc tham gia BHYT như công nhân viên chức Nhà nước. Ðây là cơ sở pháp lý để đẩy mạnh lộ trình thực hiện BHYT toàn dân trong những năm tới.
Theo quy định, HSSV phải đóng mức BHYT bằng 3% mức lương tối thiểu hiện hành trong 12 tháng. Trong số đó, HSSV phải nộp 70% và Nhà nước hỗ trợ 30% mức đóng. Ðối tượng quy định phải thu BHYT bắt buộc là HSSV đang học tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề, các cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn (trừ các trường hợp HSSV thuộc các nhóm đối tượng: người nghèo, cận nghèo; người dân tộc thiểu số vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn; thân nhân người có công cách mạng; thân nhân sĩ quan, binh sĩ quân đội, công an, cơ yếu, bảo trợ xã hội đã được cấp thẻ BHYT bắt buộc tại địa phương). Cũng theo quy định, nếu HSSV tham gia BHYT gặp rủi ro, tai nạn, bệnh tật hay khi khám, chữa bệnh sẽ được cơ quan bảo hiểm chi trả 80% (cho cả hai loại hình điều trị nội trú và ngoại trú). Nhưng nếu chọn khám, chữa bệnh tại tuyến dưới (xã, phường…), hoặc trong trường hợp tổng chi phí của một lần khám, chữa bệnh thấp hơn 15% mức lương tối thiểu thì được thanh toán toàn bộ 100%. Với thuốc điều trị ung thư, thuốc chống thải ghép ngoài danh mục nhưng đã được phép lưu hành tại Việt Nam theo chỉ định của cơ sở khám, chữa bệnh (với điều kiện đã tham gia BHYT liên tục đủ 36 tháng trở lên), bệnh nhân được chi trả 50%.
Căn cứ Luật BHYT, đối tượng HSSV được chăm sóc sức khỏe ban đầu tại trường; được khám chữa, sơ cứu, cấp cứu khi bị tai nạn, ốm đau tại nơi đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu và được chuyển lên các tuyến trên có chuyên môn kỹ thuật cao hơn, khi bệnh tật tiến triển vượt quá khả năng xử lý của cấp dưới.
Ðầu năm học, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã có văn bản yêu cầu các địa phương tích cực chủ động phối hợp các cấp, các ngành, đẩy mạnh tuyên truyền vận động để 100% số học sinh trên địa bàn tham gia BHYT. Ðể đạt được mục tiêu, các cấp, các ngành mà nòng cốt là ngành giáo dục và đào tạo cần phải vào cuộc với quyết tâm rất cao, trong cả khâu tuyên truyền lẫn vận động. Ðiều này không chỉ tạo sự bình đẳng trong HSSV, mà bản thân nhà trường cũng được hưởng lợi. Bởi theo quy định, trường sẽ được trích lại từ quỹ khám, chữa bệnh của HSSV 12% để dành cho hoạt động y tế học đường, một đặc điểm riêng chỉ có ở BHYT học sinh đã được cụ thể hóa trong Luật BHYT. Nếu tất cả HSSV đều tham gia BHYT đầy đủ theo quy định, cộng thêm nguồn hỗ trợ từ ngân sách, kinh phí thu được ước tính khoảng 3.300 tỷ đồng, số được trích lại cho mỗi năm học ước khoảng 350 tỷ đồng. Ðây là khoản rất đáng kể để thực hiện có hiệu quả việc chăm sóc sức khỏe ban đầu ngay tại trường cho học sinh và triển khai các chương trình y tế học đường khác như mắt học đường, nha học đường… nhằm phòng, chống và giảm tỷ lệ cận thị, cong vẹo cột sống, bệnh răng miệng…
Vì thế, tham gia BHYT học đường không đơn thuần là ý nghĩa về lợi ích kinh tế mà còn mang ý nghĩa an sinh xã hội sâu sắc, nhằm bảo đảm sức khỏe cho đối tượng HSSV mỗi ngày cắp sách tới trường. Tham gia BHYT là tăng cường giáo dục ý thức với cộng đồng của HSSV, để hướng tới nếp sống đẹp đậm chất nhân văn "mỗi người vì mọi người, mọi người vì mỗi người" (Nhân dân trang 4).