Liên quan tới rắc rối cấp rồi lại đề nghị thu hồi lý lịch tư pháp mới của công dân được công nhận đã chuyển đổi giới tính Phạm Lê Quỳnh Trâm tức Phạm Văn Hiệp, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến vừa ký văn bản gửi Sở Y tế TP.HCM đề nghị Sở Y tế hướng dẫn các cơ sở đủ điều kiện như quy định trong thông tư 29 năm 2010 của Bộ Y tế về xác định lại giới tính, làm thủ tục đăng ký để Sở Y tế xem xét cấp chứng nhận đủ điều kiện được can thiệp y tế xác định lại giới tính.
Cũng theo văn bản này, trước mắt Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế TP.HCM chỉ định Bệnh viện Nhi Đồng 2 chuẩn bị nhân lực, trang thiết bị, cơ sở vật chất và gửi hồ sơ về Sở Y tế trước ngày 31-3-2013 để xem xét cấp chứng nhận.
Đây là cơ sở y tế đầu tiên được can thiệp y tế xác định lại giới tính, cũng như khám xác định lại cho những người đã chuyển đổi giới tính đầu tiên tại VN (Tuổi trẻ trang 2).
Những em bé đón Tết trong bệnh viện
Cận Tết không khí trong các buồng bệnh (Bệnh viện Nhi T.Ư) sôi động hơn một chút so với ngày thường vì nhiều bệnh nhi háo hức được về nhà đoàn tụ cùng người thân. Nhưng cũng không ít cô bé, cậu bé lại không may mắn được như vậy, phải đón năm mới trong bệnh viện cùng với kim tiêm và dịch truyền. Lò Thị Quyên (8 tuổi, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La) nằm im trên giường bệnh, đôi mắt to tròn ngước nhìn lên trần nhà một lúc lâu cho đến khi người mẹ khẽ hỏi: “Con đang nghĩ gì thế?”.
Gắng gượng ngồi dậy, Quyên dụi đầu vào ngực mẹ nói nhỏ: “Con không được về nhà mình ăn Tết với mọi người à mẹ?”. Nghe con gái nói vậy, anh Lò Văn Inh đỡ lời cho vợ khi thấy từ hai khóe mắt người vợ bắt đầu rơm rớm nước mắt: “Năm nay nhà mình ăn Tết ở bệnh viện để con chữa cho mau khỏe rồi về ăn Tết thêm lần nữa với mọi người ở quê con nhé”.
Quyên vừa được phát hiện mắc bệnh suy tủy sau khi cô bé bị sốt liên tục 3 tuần. Bác sĩ Dương Bá Trực, Trưởng khoa Huyết học và Truyền máu cho biết tình trạng bệnh của Quyên tương đối nặng, cần điều trị bằng truyền máu liên tục.
Lần đầu ăn Tết trong bệnh viện, lại xa nhà hàng trăm cây số, vợ chồng anh Inh không giấu được vẻ lo lắng khi số tiền mang đi cạn dần mỗi ngày, bệnh tình con gái thì chưa tiến triển nhiều lắm, công việc ở quê ngừng trệ vì không có ai làm.
Bệnh viện mỗi ngày lại thêm vắng bởi nhiều bệnh nhi đã được về nhà, căn phòng ngày thường có tới chục bệnh nhân thì nay chỉ còn Quyên và một cậu bé nữa cũng bị suy tủy ở lại ăn Tết.
Quanh ra quẩn vào hết truyền máu lại tiêm thuốc khiến cô bé 8 tuổi lúc nào cũng suy tư. Quyên bảo: “Con buồn vì không có bạn để chơi nhưng cũng vui vì các bạn được về nhà chứ không phải ăn Tết trong viện như con, cô ạ”.
Ở khoa Ung bướu cũng có một số bệnh nhi bị ung thư phải ở lại điều trị hóa chất. Với những bệnh nhân đặc biệt này, ăn Tết ở bệnh viện không quá xa lạ, nhưng Tết này có thể là cái Tết cuối cùng của các bé trong cuộc đời này. Vì thế gia đình và các bác sĩ luôn lo lắng chu đáo cho những đứa trẻ.
Như mọi năm, năm nay ban lãnh đạo bệnh viện lại tất bật lo bánh chưng, quà Tết cho những bệnh nhi ở lại đón năm mới trong viện.
Bệnh tật khiến những cô bé, cậu bé và cha mẹ không có dịp sum vầy bên người thân nơi quê nhà, nhưng sự chu đáo của bệnh viện, sự tận tâm và sẻ chia của các y bác sĩ đã thực sự mang đến cho những bệnh nhân một cái tết ấm áp tình người (Tiền phong trang 12).
Chuyển giao 144 kỹ thuật cho các phòng khám, khoa “vệ tinh”
Ngày 5-2, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị sơ kết Hoạt động phòng khám "vệ tinh", khoa "vệ tinh" năm 2012.
Năm 2012 có 17 bệnh viện cấp thành phố thành lập 48 phòng khám "vệ tinh" tại 12 bệnh viện quận, huyện. Ðến nay, có 144 kỹ thuật chuyên môn đã và đang được chuyển giao cho các phòng khám "vệ tinh", khoa "vệ tinh" của thành phố. Các phòng khám này đã khám, điều trị cho gần 95.300 lượt người bệnh và phẫu thuật tại chỗ cho 832 trường hợp. Bên cạnh phòng khám "vệ tinh", một số bệnh viện triển khai khoa "vệ tinh" góp phần giảm tải cho các bệnh viện lớn của thành phố. Các phòng khám "vệ tinh", khoa "vệ tinh" đã giúp các bệnh viện quận, huyện tăng số người bệnh đến khám và giảm tỷ lệ người bệnh chuyển viện. Trong đó kỹ thuật mổ sinh, mổ viêm ruột thừa cấp tại Bệnh viện Cần Giờ giảm 90% số người bệnh chuyển viện.
Năm 2013, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh phấn đấu giảm từ 70 đến 90% số người bệnh tại những địa phương đã chuyển giao kỹ thuật tiên tiến cho phòng khám "vệ tinh", khoa "vệ tinh".