Bán thuốc 24/24 giờ trong dịp tết
Cục Quản lý dược vừa có văn bản gửi các cơ quan, đơn vị thuộc ngành y tế, chỉ đạo kiểm soát chặt chẽ giá thuốc, triển khai các giải pháp bình ổn thị trường thuốc, tổ chức hệ thống phân phối thuốc, các điểm bán lẻ thuốc, trực bán thuốc 24/24 giờ để đáp ứng nhu cầu của người bệnh trong dịp tết Nguyên Đán Quý Tỵ 2013, Cục yêu cầu tuyệt đối không để tình trạng thiếu thuốc, gây khan hiếm thuốc giả tạo, tăng giá thuốc đột biến. (Hà Nội mới, Tuổi trẻ trang 2)
Trường Đại học Y Hà Nội mở thêm ngành dinh dưỡng
Năm 2013, tổng chỉ tiêu tuyển sinh Trường ĐH Y Hà Nội sẽ giữ ổn định với hơn 1.000 chỉ tiêu. Trong đó có 550 chỉ tiêu ngành bác sĩ đa khoa, 100 – răng hàm mặt, 100 cử nhân điều dưỡng, gần 100 – bác sĩ y học dự phòng, gần 100 cử nhân y tế công cộng và kỹ thuật y học.
Trường sẽ bắt đầu tuyển sinh đào tạo cử nhân dinh dưỡng (50 chỉ tiêu) và đào tạo thí điểm ĐH văn bằng 2 ngành bác sỹ y học dự phòng (50 chỉ tiêu).
Đối tượng tuyển sinh cử nhân dinh dưỡng là học sinh tốt nghiệp chương trình THPT hoặc bổ túc văn hóa theo quy chế tuyển sinh của Bộ GD-ĐT, thời gian đào tạo 4 năm. Với ngành bác sĩ y học dự phòng văn bằng 2, thời gian đào tạo là 3 năm với những người đã tốt nghiệp ĐH thuộc 2 khối, gồm cử nhân y học ( cử nhân y tế công cộng, kỹ thuật y học, điều dưỡng) còn khối ngành khác là người đã tốt nghiệp đại học ngành hóa học, sinh học.
lNăm nay, Học viện Ngoại giao có 510 chỉ tiêu tuyển sinh, trong đó có 450 chỉ tiêu hệ ĐH của 5 ngành: Quan hệ quốc tế (thi khối A1, D1, D3), ngôn ngữ Anh (D1), kinh tế quốc tế (A, A1, D1), luật quốc tế (A1, D1), truyền thông quốc tế (A1, D1, D3). 60 chỉ tiêu ngành CĐ cho ngành quan hệ quốc tế (A1, D1). Thí sinh đăng ký dự thi khối A1 và D1 vào ngành quan hệ quốc tế sẽ học ngoại ngữ là tiếng Anh hoặc tiếng Trung Quốc. Thí sinh đăng ký dự thi khối D3 sẽ học tiếng Pháp. Điểm trúng tuyển xác định theo từng ngành học, kết hợp với điểm sàn vào học viện theo từng khối thi. Nếu thí sinh đủ điểm vào học viện theo từng khối thi nhưng không đủ điểm trúng tuyển vào ngành đã đăng ký dự thi ban đầu thì được nộp hồ sơ chuyển sang các ngành khác cùng khối thi nếu còn chỉ tiêu. Trong số thí sinh trúng tuyển, Học viện xét 125 sinh viên có nguyện vọng học hệ đào tạo chất lượng cao. (Hà Nội mới trang 5)
Tăng cường công tác kiểm dịch y tế quốc tế
Ngày 4-2, Bộ Y tế ban hành Công điện số: 110/CÐ-DP gửi sở y tế các tỉnh: An Giang, Ðồng Tháp, Long An, Tây Ninh, Bình Phước, Ðác Nông, Ðác Lắc, Gia Lai, Kon Tum về việc tăng cường phòng, chống cúm A(H5N1). Theo đó, các địa phương đẩy mạnh hoạt động kiểm dịch y tế quốc tế phát hiện các trường hợp có biểu hiện như: sốt cao, viêm đường hô hấp cấp và cách ly, điều trị giảm lây nhiễm cúm A(H5N1) vào nước ta. Phối hợp ngành nông nghiệp và các địa phương giám sát gia cầm, thủy cầm nhập khẩu và đẩy mạnh tuyên truyền các biện pháp phòng lây nhiễm cúm A(H5N1). Ðồng thời, giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nghi nhiễm cúm A(H5N1) ở người, các bệnh viện sẵn sàng thu dung, cách ly, điều trị bệnh nhân, cũng như sẵn sàng thuốc, vật tư, hóa chất, phương tiện triển khai các biện pháp xử lý ổ dịch. (Nhân dân trang 5)
Kon Tum: Cứu sống bệnh nhân đã ngừng thở
Sáng 4.2, ca phẫu thuật cho bệnh nhân A Vinh (21 tuổi, ngụ tại làng Kon Ngo, xã Ngọc Bay, TP.Kon Tum) đã được thực hiện thành công.
Bác sĩ Phạm Thanh Việt – khoa Ngoại chấn thương Bệnh viện Đa khoa Kon Tum cho biết, bệnh nhân nhập viện đêm 3.2 trong tình trạng đã ngừng tim, ngừng thở bởi vết dao đâm phía dưới xương đòn bên trái, với chiều dài 2cm, tràn máu màng ngoài tim.
Khi chẻ xương ức, các bác sĩ phát hiện tổn thương thủng thành bên động mạch chủ và đã tiến hành khâu vá… (Nông thôn Ngày nay trang 2)
Phát hiện sớm các trường hợp nghi nhiễm cúm A/H5N1 ở người
Ngày 4-2, Bộ Y tế có công điện gửi giám đốc Sở Y tế các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Long An, Tây Ninh, Bình Phước, Đắk Nông, Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum yêu cầu tăng cường các hoạt động kiểm dịch y tế quốc tế, sớm phát hiện các trường hợp có biểu hiện sốt cao và viêm đường hô hấp cấp, cách ly, điều trị để giảm thiểu lây nhiễm cúm A/H5N1 vào Việt Nam.
Lãnh đạo các sở phối hợp với ngành Nông nghiệp tăng cường giám sát gia cầm, thủy cầm nhập khẩu và nội địa, phát hiện sớm các ổ dịch, triển khai các biện pháp xử lý kịp thời; Tăng cường tuyên truyền biện pháp phòng lây nhiễm cúm A/H5N1 sang người, phối hợp với cơ quan thú y và chính quyền địa phương giám sát dịch cúm A/H5N1 trên gia cầm.
Bộ Y tế cũng yêu cầu các Sở Y tế tăng cường giám sát phát hiện sớm các trường hợp nghi nhiễm cúm A/H5N1 ở người, các bệnh viện sẵn sàng thu nhận, cách ly và điều trị bệnh nhân kịp thời theo phác đồ của Bộ Y tế và thông báo kịp thời cho Trung tâm y tế dự phòng để điều tra, xử lý ổ dịch, sẵn sàng thuốc, vật tư, hóa chất, phương tiện hỗ trợ kịp thời cho địa phương triển khai các biện pháp xử lý ổ dịch. (Tiền phong trang 6).