Đó là một trong những nội dung của dự thảo Nghị định “Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế” do Bộ Y tế chủ trì soạn thảo và đưa ra lấy ý kiến nhân dân. Theo đó, với hành vi đưa, nhận môi giới hối lộ trong KCB, vi phạm các quy định chuyên môn kỹ thuật trong KCB gây ra tai biến cho người bệnh nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ bị phạt từ 15 – 20 triệu đồng. Với hành vi lạm dụng nghề nghiệp để có hành vi quấy rối tình dục người bệnh, mức phạt đề xuất là từ 2 – 5 triệu đồng. Và mức phạt từ 5- 10 triệu đồng đối với hành vi chỉ định sử dụng các dịch vụ KCB hoặc gợi ý chuyển người bệnh tới cơ sở KCB khác vì mục đích vụ lợi… (Sức khoẻ và đời sống trang 2)
Đưa bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại miền núi
Bộ Y tế vừa xây dựng dự án "Thí điểm đưa bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn" nhằm tiến tới cung cấp đủ nguồn nhân lực (ưu tiên 62 huyện nghèo) và nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ y tế bảo đảm công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân tại cơ sở.
Đối tượng của dự án là các bác sĩ đã tốt nghiệp chính quy, bác sĩ đang làm việc chưa đúng ngành nghề đào tạo, bác sĩ khác có nhu cầu, tự nguyện tham gia dự án với thời gian công tác tình nguyện tối thiểu 5 năm đối với nam và nữ 4 năm. Bác sĩ tình nguyện làm việc tại các huyện nghèo sẽ được hưởng 100% lương; không tính thời gian tập sự; được xếp lương bậc 2 (sau khi được cấp bằng chuyên khoa I); trong thời gian công tác được hưởng đầy đủ các chế độ phụ cấp theo quy định hiện hành và chính sách ưu đãi khác của địa phương; được địa phương tạo điều kiện thuận lợi về nhà công vụ, các điều kiện vật chất liên quan khác… (Hà Nội mới trang 5)
Đảm bảo tốt công tác chăm sóc sức khoẻ dịp tết
Bộ Y tế vừa chỉ thị các đơn vị tăng cường công tác phòng chống dịch, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), tổ chức tốt công tác khám, chữa bệnh, bảo đảm thuốc chữa bệnh phục vụ nhân dân trong thời gian trước, trong và sau tết.
Theo đó, Sở Y tế các địa phương phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm về ATVSTP trên địa bàn; chỉ đạo các cơ sở kinh doanh thuốc tổ chức địa điểm trực bán thuốc 24/24h, đáp ứng nhu cầu người bệnh trong những ngày nghỉ tết. Các bệnh viện, trực 24/24h, bảo đảm đủ nhân lực, thuốc, trang thiết bị, phương tiện để xử lý kịp thời các trường hợp cấp cứu tai nạn giao thông, sinh đẻ trong những ngày tết, không được từ chối hoặc chậm trễ bất cứ trường hợp cấp cứu nào… (Hà Nội mới trang 5)
Cứu sống cháu bé bị mảnh kiếng đâm lủng phổi
Chiều 31.1, Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ cho biết, bệnh nhi Nguyễn Xuân Mai (5 tuổi, ở thị trấn Ngã Sáu, H.Châu Thành, Hậu Giang) bị mảnh kiếng tủ vỡ đâm lủng phổi đã hồi phục và được ra viện sau gần 2 tuần điều trị tích cực.
Trước đó, ngày 17.1, trong lúc chạy giỡn với người nhà, cháu Mai đã tông vào tủ kiếng và bị mảnh vỡ kiếng đâm vào ngực.
Cháu được gia đình đưa đến Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cấp cứu trong tình trạng nguy kịch, lủng phổi, máu tràn màng phổi, khó thở và rách cơ hoành, ổ bụng.
Các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật dẫn lưu màng phổi, may cơ hoành và lấy ra khỏi màng phổi của bệnh nhi một mảnh kiếng nhọn dài 6 cm.
Sau phẫu thuật, cháu Mai được Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ chuyển về điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ. (Thanh niên trang 4)
Cứu sống bệnh nhân đã ngừng thở
TS. Huỳnh Văn Thưởng – Trưởng đơn vị Tim mạch can thiệp, Bệnh viện đa khoa tỉnh Khánh Hòa cho biết, đơn vị kết hợp với Khoa Hồi sức tích cực – Chống độc vừa cứu sống bệnh nhân (BN) Nguyễn Đình T. (56 tuổi, Cam Lộc, Cam Ranh, Khánh Hòa). Đây là một ca rất khó, BN nhập viện trong tình trạng ngưng thở, ngưng tim, không bắt được mạch, huyết áp không đo được. BN được chẩn đoán bị nhồi máu cơ tim, hẹp nặng 3 nhánh mạch vành (bệnh lý này có nguy cơ tái nhồi máu cơ tim và tử vong rất cao). BN được êkíp bác sĩ của 2 khoa điều trị tích cực theo phác đồ điều trị nhồi máu cơ tim và tiến hành can thiệp đặt stent 3 nhánh mạch vành. Sau can thiệp đặt stent, sức khỏe của BN đã hồi phục hoàn toàn. TS.BS. Huỳnh Văn Thưởng cho biết thêm, bệnh lý nhồi máu cơ tim biến chứng ngưng tim, ngưng thở là bệnh lý cực kỳ nguy hiểm, rất dễ dẫn đến tử vong. Tuy nhiên, từ khi thành lập đến nay, Đơn vị Tim mạch can thiệp phối hợp với Khoa Hồi sức tích cực – Chống độc đã cấp cứu thành công rất nhiều BN tương tự. (Sức khoẻ và đời sống trang 4)
Cần Thơ: Lọc máu cứu sống thai phụ
Bệnh viện Đa khoa T.Ư Cần Thơ vừa cứu sống sản phụ L.T.L., bị hội chứng HELLP (hội chứng tán huyết, tăng men gan và giảm tiểu cầu) nhờ thay huyết tương bằng máy lọc máu liên tục. Đây là ca lọc máu liên tục đầu tiên được thực hiện tại bệnh viện.
Bác sĩ Nguyễn Văn Yên, trưởng khoa hồi sức tích cực và chống độc, cho biết sản phụ L. mang thai con so 38,5 tuần, được Bệnh viện Đa khoa Sóc Trăng chuyển đến trong tình trạng sốt cao, xuất huyết dưới da, vàng da, suy gan, giảm tiểu cầu nặng và rối loạn đông máu. Êkip bác sĩ được huy động để truyền huyết tương, tiểu cầu và tiến hành phẫu thuật lấy thai cho sản phụ an toàn. Tuy nhiên, sau đó sản phụ tiếp tục được truyền 23 đơn vị huyết tương tươi, 24 đơn vị tiểu cầu… nhưng tình trạng thiếu máu tán huyết, giảm tiểu cầu, suy gan vẫn không giảm và sản phụ phải thở máy. Sau bốn lần lọc máu thay huyết tương, hiện chị L. đã tươi tỉnh, sức khỏe ổn định và có thể sẽ xuất viện trong vài ngày tới. (Sức khoẻ và đời sống trang 7)