Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) TP.HCM cho biết, Đội QLTT 4A vừa kiểm tra 3 sạp tại chợ Bình Tây (Q.6), tịch thu gần 130 kg thực phẩm bẩn.
Cụ thể, kiểm tra sạp Thu Dung (do bà Trần Huỳnh Ngọc Yến làm chủ), QLTT thu giữ 80 kg hạt dẻ hết hạn sử dụng, 7,4 kg xí muội (táo, đào…) là hàng hóa ẩm mốc có dấu hiệu không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Tại sạp Quế Mai (do bà Lư Muối làm chủ), QLTT tạm giữ 20 kg hạt dẻ, là hàng ngoại nhập lậu. Tại sạp Đức Tín (do bà Trần Tú Ngọc làm chủ), QLTT niêm phong tạm giữ 20,5 kg xí muội các loại không bao bì, không nhãn hiệu, không rõ nguồn gốc, không hóa đơn chứng từ, có dấu hiệu không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Đại diện Đội QLTT 4A cho biết toàn bộ lô hàng này sẽ bị tiêu hủy, xử phạt hành chính các chủ hàng. (Thanh niên (trang 10D) 5/6)
Ghép tụy – thận điều trị bệnh nhân đái tháo đường
Thông tin từ Bệnh viện 103 (Hà Nội) cho hay bệnh viện này đang tiến hành ghép tụy – thận thực nghiệm, chuẩn bị triển khai ghép tụy – thận điều trị cho bệnh nhân đái tháo đường.
Theo đó, kỹ thuật này có hiệu quả trên cả bệnh nhân đái tháo đường type 1 và type 2, đặc biệt là nhóm bệnh nhân đái tháo đường type 1 vốn là bệnh bẩm sinh, dễ gặp biến chứng suy thận, mù lòa, loét bàn chân… từ khi còn trẻ tuổi.
Trước mắt, việc ghép tụy – thận phối hợp sẽ được triển khai trên bệnh nhi (13-14 tuổi trở lên, khi bắt đầu xuất hiện biến chứng). (Tuổi trẻ (trang 9) 5/6)
Chăm sóc sức khỏe sinh sản cho lao động nữ trong các KCN ở Hải Dương: Hầu như chưa có trạm y tế cho công nhân
Theo nhận xét của bà Nguyễn Thị Thu Hồng – Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN – chăm sóc sức khoẻ sinh sản (CS SKSS) là khái niệm và nội dung quan trọng, nhưng CNLĐ chưa được tiếp cận đầy đủ.
Tại Hải Dương, có lúc LĐLĐ tỉnh phải đặt lịch 2 tháng mới tổ chức tuyên truyền được cho CNLĐ tại DN.
Nguồn lực hỗ trợ tuyên truyền rất hạn chế
Hiện Hải Dương có 9 KCN với 148 DN, 54.829 LĐ, trong đó LĐ nữ 39.494 người. Đa số LĐ nữ còn trẻ, đang ở tuổi lập gia đình và sinh đẻ. Hầu hết họ chưa được cung cấp kiến thức về CS SKSS và các dịch vụ về kế hoạch hoá gia đình, ít có điều kiện, nhất là ít có thời gian CS SKSS cho bản thân và trẻ sơ sinh. Bà Hoàng Thị Thu – Trưởng ban Nữ công LĐLĐ Hải Dương cho biết, rất khó khăn trong bố trí thời gian để tổ chức các cuộc tuyên truyền vì DN thường xuyên phải tăng ca, có những cuộc phải đặt lịch 1 tới 2 tháng.
Bên cạnh đó, Hải Dương chưa tiếp cận được các dự án để đầu tư cho công tác truyền thông CS SKSS cho LĐ nữ tại các KCN. Hầu như các KCN chưa có trạm y tế dành riêng cho CNLĐ nên LĐ nữ không có điều kiện tiếp cận các cơ sở y tế cộng đồng. Trong khi đó, nguồn lực của các ngành hỗ trợ cho công tác tuyên truyền còn hạn chế; các chiến dịch truyền thông về SKSS ở tỉnh mới chỉ tập trung vào các khu dân cư trong tỉnh mà chưa đề cập tới KCN.
Còn CBCĐ, CB nữ công các cấp thường là kiêm nhiệm, ít được tập huấn chuyên sâu về kiến thức CS SKSS nên khó trong tuyên truyền cho CNLĐ. Bà Thu còn nhấn mạnh công tác kiểm tra giám sát của CĐ mới chỉ đề cập đến thực hiện chính sách LĐ nữ tại DN, chưa quan tâm tham gia xây dựng chính sách về SKSS. Một tình trạng khác – tình trạng chung của nhiều nơi – là người sử dụng lao động chưa quan tâm tạo điều kiện về thời gian và cơ sở vật chất để tổ chức hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức cho NLĐ.
Ngành y tế cần tăng cường cung cấp dịch vụ CS SKSS
Để mang kiến thức về SKSS đến cho nữ CNLĐ ở KCN, LĐLĐ Hải Dương đã đầu tư kinh phí cho công tác tuyên truyền chính sách pháp luật lồng ghép tuyên truyền công tác dân số, CS SKSS mỗi năm 6-10 triệu đồng. Ban Nữ công LĐLĐ tỉnh tự cân đối để tổ chức từ 8 – 10 cuộc/năm tại các DN; hằng năm phối hợp với Hội Kế hoạch hoá gia đình của tỉnh phát tờ gấp, bao caosu miễn phí cho CNLĐ; mời bác sĩ đến DN tư vấn trực tiếp về SKSS cho CNLĐ.
Từ nhu cầu thực tế của nữ CNLĐ trong các KCN ở Hải Dương, những người làm công tác nữ công của CĐ Hải Dương đề nghị Nhà nước cần có những chính sách, chế độ cụ thể để các DN thực hiện phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền, nâng cao nhận thức về CS SKSS, góp phần cải thiện điều kiện sống và sinh hoạt, điều kiện khám SK định kỳ cho LĐ nữ trong DN.
Ngành y tế cần đào tạo CB chuyên môn làm công tác truyền thông, tuyên truyền kiến thức CS SKSS và tăng cường cung cấp các dịch vụ CS SKSS, mở rộng các phòng tư vấn tâm lý và CS SKSS tại KCN, hoạt động thường xuyên để tư vấn cho CNLĐ.