Trang chủ » Tin tức » Điểm báo ngày 30/1/2013

Điểm báo ngày 30/1/2013


Hỗ trợ gia đình sinh hai con gái: Kinh nghiệm hay để cân bằng giới tính

Lần đầu tiên tại VN, một đề án nhằm hỗ trợ tài chính cho các gia đình sinh con gái và thực hiện tốt kế hoạch hóa gia đình (có hai con) đã được xây dựng và đệ trình Chính phủ. Nói về đề án thú vị này với Tuổi Trẻ, ông Dương Quốc Trọng – tổng cục trưởng Tổng cục Dân số – kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) – cho biết:

– Hiện đề án đã hoàn thành ở mức độ xây dựng tại Tổng cục Dân số – kế hoạch hóa gia đình và đang đệ trình Chính phủ, xin ý kiến các bộ ngành, đặc biệt là Bộ Kế hoạch – đầu tư và Bộ Tài chính. Quan điểm của chúng tôi là phải có hỗ trợ tài chính cho các gia đình sinh hai con gái. Có mấy lý do: người dân muốn sinh con trai hơn con gái, chính sách an sinh xã hội của mình chưa tốt, 70% dân số VN sống ở nông thôn và người ta vẫn phải trông chờ vào con trai. Giải pháp chính là truyền thông, vận động nhưng vẫn phải có hỗ trợ về mặt kinh tế.

* Cụ thể là những hỗ trợ tài chính nào, thưa ông?

– Chúng tôi tạm đề xuất mấy hướng. Đối với các gia đình làm tốt chính sách kế hoạch hóa gia đình, sinh con một bề là nữ thì có hỗ trợ tài chính một lần, kèm theo hỗ trợ bảo hiểm y tế, hỗ trợ học phí khi các cháu đi học. Nếu ngân sách tốt hơn, các gia đình sinh con một bề gái mà cha mẹ không có sinh kế, không có lương hưu, khi hết tuổi lao động sẽ được hỗ trợ tài chính.

Không phải tự nhiên chúng tôi nghĩ ra đề án này, mà đây là vấn đề quốc tế đã làm. Một số nước do tỉ suất sinh giảm thấp, gia đình nào sinh con đều được nhà nước hỗ trợ tài chính, sinh càng nhiều con càng được hỗ trợ. Ở Trung Quốc có vấn đề tương tự VN là tâm lý ưa thích con trai thì các gia đình sinh con gái được hỗ trợ tài chính, khi đến tuổi học hành thì hỗ trợ học phí, thậm chí là cộng điểm cho thí sinh nữ, chia nhà với diện tích rộng hơn cho các gia đình sinh con một bề gái. Khi về già, cha mẹ sinh con gái không có sinh kế sẽ được hỗ trợ 600 tệ/người/tháng (khoảng 2 triệu đồng/người/tháng).

* Ba năm trước, một đề án nhằm giảm tỉ số giới tính khi sinh đã được triển khai. Nhưng kết quả tại Hà Nội có tới 93% gia đình sinh con thứ
ba đã sinh được con trai như mong muốn. Với chính sách này, việc hỗ trợ liệu có ý nghĩa thật sự, hay chỉ là ý nghĩa tinh thần?

– VN có tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh chậm hơn một số nước. Các nước như Hàn Quốc, Trung Quốc, vấn đề này đã xuất hiện từ những năm 1980, còn VN thì đến năm 2006 mới bắt đầu. Quan điểm của chúng tôi là tiếp thu những kinh nghiệm thành công, mà đây là kinh nghiệm thành công của các nước để giảm tỉ số giới tính khi sinh. Chúng tôi thấy đây là kinh nghiệm hay, còn việc này có thành hiện thực hay không thì phải đợi phản hồi của Chính phủ và các bộ ngành liên quan. Nhưng chúng tôi hi vọng nhận được sự ủng hộ.

“Giá” phải trả cho việc hỗ trợ các gia đình sinh con một bề gái sẽ rẻ hơn nhiều so với việc chúng ta có đến 2,3-4,3 triệu đàn ông dư thừa, không thể lấy được vợ VN trong 20-30 năm tới. Còn về hỗ trợ có thật sự hay không, theo tôi, việc hỗ trợ này sẽ mang hai ý nghĩa: hỗ trợ thật sự và hỗ trợ về truyền thông, lan tỏa trong cộng động. Vừa rồi ở Thái Bình, nhân tổng kết công tác dân số năm 2012, ngành dân số ở đó đã tặng mấy chục cây quạt máy cho các gia đình sinh con một bề gái và thực hiện tốt chính sách kế hoạch hóa gia đình. Khi hai bố mẹ và hai con gái mang quạt về thôn, làng xóm hỏi thì họ bảo: “Tôi sinh con gái nên được thưởng”. Một cây quạt chỉ khoảng 1 triệu đồng, nhưng ý nghĩa rất lớn.

* Trung Quốc còn có cả chính sách cộng điểm cho học sinh nữ. Theo ông, VN có nên xem xét chính sách này?

– Tôi không thiên về cộng điểm. Tôi ủng hộ bình đẳng giới thông qua nâng cao vị thế của nữ giới. Nếu nữ giới vì bận con nhỏ, sinh con… không đủ thời gian học hành thì hỗ trợ họ học hành thêm. Còn khi ngồi vào giảng đường, cơ quan thì lúc đó không phải nhờ hỗ trợ, nhờ vì họ là phụ nữ, mà là họ có năng lực thật sự và có thể làm việc ngang ngửa, thậm chí làm việc giỏi hơn nam giới. Việc cộng điểm cho họ, theo tôi, vô hình trung lại làm họ kém đi vì hỗ trợ để họ vào học, vào làm việc ở những vị trí mà năng lực chưa vươn tới, họ sẽ vất vả.

* Theo ông, nếu mọi việc suôn sẻ, bao giờ có thể đưa đề án này vào thực hiện, tức là các gia đình sinh con một bề gái được hỗ trợ chính
thức?

– Tôi hi vọng mọi việc suôn sẻ thì giữa năm 2013 có thể có những quyết định cho chính sách này và sau đó có thể đưa đề án vào áp dụng. Với đề án này, quy mô có thể ở phạm vi quốc gia, ngoài kinh phí từ ngân sách trung ương còn từ địa phương. Trong các chỉ tiêu về dân số, lo ngại nhất là chỉ tiêu chỉ số giới tính khi sinh. Chỉ tiêu đặt ra ở mức 113 bé trai/100 bé gái vào năm 2015, nhưng tình hình này thì rất khó đạt. Vì vậy, thực hiện chỉ đạo của Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân là cần phải có những giải pháp quyết liệt hơn, cả về vận động, tài chính và thực thi pháp luật, đề án này cũng nằm trong những hoạt động “quyết liệt hơn” ấy (Tuổi trẻ trang 9, Gia đình & Xã hội trang 6).
 
Suy hô hấp gây tử vong hàng đầu ở trẻ sơ sinh

Một nghiên cứu của nhóm tác giả thuộc khoa sơ sinh Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ về việc “đánh giá tiên lượng nguy cơ tử vong ở trẻ sơ sinh nhập viện bằng thang điểm CRIB” cho biết: nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ sơ sinh là suy hô hấp (trên 32%), tiếp đến là nhiễm khuẩn huyết sơ sinh (29%) và dị tật bẩm sinh…Các tác giả nghiên cứu trên 100 trẻ sơ sinh nhập viện tại Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ (từ tháng 6-2011 đến 6-2012) trong vòng 24 giờ đầu sau sinh, tiêu chuẩn theo thang điểm CRIB gồm: cân nặng dưới 2.500gr và sinh non dưới 37 tuần tuổi; có các yếu tố nguy cơ như: dị tật bẩm sinh, suy hô hấp, biểu hiện nhiễm trùng… Qua khảo sát trẻ có thang điểm cao, các yếu tố nguy cơ là tuổi thai nhỏ (từ 28 tuần trở xuống), cân nặng thấp (từ 850gr trở xuống) có tỉ lệ tử vong cao nhất. Kiến nghị của các bác sĩ cho rằng cần dự phòng yếu tố nguy cơ tử vong ở trẻ sơ sinh như sinh non, nhẹ cân, vỡ ối sớm, nhiễm trùng và suy hô hấp sơ sinh (Tuổi trẻ trang 12).
 
Hỗ trợ tiền cho gia đình sinh 2 con gái: Chỉ là giải pháp tình thế!

Đề án can thiệp mất cân bằng giới tính khi sinh mà Bộ Y tế vừa trình Thủ tướng xem xét, với điểm mấu chốt là chính sách tăng hỗ trợ cho các gia đình sinh con gái một bề, đang được dư luận hết sức quan tâm. Trao đổi với báo chí, Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số- kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) khẳng định, đó chỉ là giải pháp mang tính… tình thế.

Khuyến khích sinh con gái!

Đề án can thiệp mất cân bằng giới tính khi sinh do Tổng cục DS-KHHGĐ soạn thảo ghi rõ: “Trong năm 2013, rà soát, bổ sung, xây dựng và triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái. Hoàn thiện việc xây dựng mô hình, đề án liên quan đến việc can thiệp giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh…”. Vài ngày qua, ngay sau khi Tổng cục DS-KHHGĐ thông báo đã gửi Đề án này trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, xuất hiện khá nhiều luồng thông tin, quan điểm đối lập. Nhiều chuyên gia bày tỏ lo ngại, nếu thực hiện chính sách hỗ trợ cho các gia đình sinh 2 con gái, nhất là hỗ trợ bằng tiền mặt, sẽ nảy sinh vấn đề bất bình đẳng giới. Một số ý kiến khác phân tích, hiện nay đang xuất hiện xu hướng những người khi đã giàu có lại thích sinh nhiều con, đeo đuổi sinh cho bằng được con trai để nối dõi, nên nếu chính sách này thực hiện không cẩn thận thì bản chất của việc hỗ trợ có khi lại bị lệch lạc. 

Nói về vấn đề này, Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ Dương Quốc Trọng nhấn mạnh, chính sách hỗ trợ tiền cho các gia đình sinh con một bề là nữ chỉ là giải pháp tình thế, với hy vọng mang lại tác dụng ngay lập tức trong việc cải thiện tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh đang diễn ra rất trầm trọng ở nước ta hiện nay. Chỉ có giải pháp “đánh mạnh vào kinh tế” đối với các gia đình sinh con gái một bề, để động viên, giúp họ thấy được chính sách của Nhà nước khuyến khích sinh con gái, thì mới phát huy được hiệu quả nhanh nhất. Cụ thể, trong Đề án nêu rõ, những gia đình sinh con một bề là gái theo đúng chính sách gia đình có từ 1-2 con, sẽ được hỗ trợ bằng tiền mặt, đứa trẻ gái của gia đình sinh con một bề khi lớn sẽ được ưu tiên về chế độ bảo hiểm y tế, học phí, khi lớn hơn có thể được tạo điều kiện trong học tập, đào tạo nghề, việc làm và vay vốn làm kinh tế. Những người cao tuổi sinh con gái một bề cũng sẽ được hưởng chế độ an sinh xã hội ưu tiên hơn…

Ông Trọng phân tích, một giải pháp “đánh vào kinh tế” khác mà Bộ Y tế đã, đang triển khai rất mạnh là tăng cường các hình thức xử phạt, xử phạt nặng hành vi lựa chọn giới tính thai nhi. Tuy vậy, kinh nghiệm cho thấy, dù phạt tiền, kỷ luật hay cách chức người có hành vi vi phạm thì người ta vẫn có nhiều cách để lách luật, thậm chí sẵn sàng chịu phạt để sinh con trai. Hơn nữa, để xử phạt được hành vi này là rất khó.

Về lâu dài phải thay đổi được tâm lý

Tại hội nghị tổng kết ngành y tế năm 2012 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, trong năm 2012 toàn ngành đã đạt 4/5 chỉ tiêu do Quốc hội giao, chỉ có duy nhất chỉ tiêu về tỷ số giới tính khi sinh không đạt. Hiện tỷ số giới tính trung bình cả nước là 112,3 trẻ nam/100 trẻ nữ (chỉ tiêu Quốc hội giao trong năm 2012 là 112/100), có nghĩa cứ 100 trẻ gái thì lại có 112,3 trẻ nam được sinh ra. Tại nhiều địa phương như Hưng Yên, Hải Dương… tỷ số này lên đến 125-130 trẻ nam/100 trẻ nữ. Nếu không nhanh chóng giảm được tỷ số này thì ước tính đến năm 2030, chúng ta thiếu khoảng 4-5 triệu cô dâu, rất nhiều nam giới có nguy cơ không lấy được vợ, kéo theo đó là những hệ lụy to lớn cho xã hội. 

Nhấn mạnh sự cần thiết phải có giải pháp “đánh vào kinh tế” song ông Trọng cũng cho rằng, giải pháp lâu dài vẫn phải là thay đổi được nhận thức, quan niệm và tâm lý của cộng đồng, mỗi người dân về vấn đề giới tính. Gốc rễ của vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh chính là tâm lý “trọng nam khinh nữ” đã ăn sâu vào tư tưởng của nhiều người dân nước ta nhiều thế hệ, muốn giảm mất cân bằng giới tính phải thay đổi được căn nguyên này.
Hiện Tổng cục DS-KHHGĐ cũng đang triển khai nhiều biện pháp như sửa đổi, bổ sung và thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội cho người cao tuổi, nhất là các gia đình sinh con một bề là nữ để thúc đẩy nhanh sự chấp nhận các giá trị bình đẳng giới trong đời sống gia đình và xã hội. 

Bên cạnh đó, thực hiện các chính sách tác động, làm thay đổi hương ước của các dòng họ, cộng đồng, đấu tranh để con gái cũng có quyền thờ cúng tổ tiên, được đưa tên vào gia phả, con gái có quyền lợi và nghĩa vụ chăm sóc cha mẹ già… Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ ước tính: “Chúng ta đã mất 50 năm mới thay đổi được tư tưởng con đàn cháu đống và mỗi gia đình chỉ sinh 1 – 2 con, thì cũng có thể mất bằng đấy thời gian để thay đổi tâm lý ưa thích con trai trong cộng đồng”. Với một cuộc chiến lâu dài như vậy, rất cần có các giải pháp tình thế nhưng có hiệu lực tức thời, mang lại hiệu quả đột phá cao và thiết thực (An ninh Thủ đô trang 6).
 
Phòng chống dịch bệnh dịp Tết

Ngày 29-1, Bộ trưởng Bộ Y tế có Chỉ thị về bảo đảm công tác y tế trong dịp Tết Qúy Tỵ 2013. Theo đó, Cục Y tế dự phòng chỉ đạo các địa phương tăng cường phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt bệnh cúm A/H5N1, tay chân miệng, sốt xuất huyết, sởi, rubella, tiêu chảy do Rotavirus và các bệnh dịch lây qua đường hô hấp… Bộ trưởng yêu cầu tăng cường công tác bảo đảm về an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm. Thanh tra thực phẩm không rõ nguồn gốc, kiểm soát chặt phụ gia trong chế biến thực phẩm. Bên cạnh đó, đảm bảo dự trữ đủ thuốc, các bệnh viện trực 24/24 giờ. Trường hợp người bệnh nhập viện không đúng tuyến, không đúng chuyên khoa cũng phải xử lý cấp cứu ban đầu, qua giai đoạn nguy hiểm mới chuyển người bệnh lên tuyến trên. Tổ chức chăm sóc, phục vụ chu đáo người bệnh còn nằm lại điều trị tại các bệnh viện hoặc những người vào cấp cứu trong những ngày Tết (Tiền phong trang 10, Gia đình & Xã hội trang 2).

Gửi thảo luận