Trang chủ » Tin tức » Điểm báo ngày 29/1/2013

Điểm báo ngày 29/1/2013


Bộ trưởng Bộ Y tế trao thư khen của Chủ tịch nước cho BV Nhi đồng 2

Ngày 28/1, thừa ủy quyền của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, đoàn công tác Bộ Y tế do Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến dẫn đầu đã đến thăm và trao thư khen, quà tặng của Chủ tịch nước cho BV Nhi đồng 2 – TP. Hồ Chí Minh về thành tích trong ca phẫu thuật tách cặp song sinh dính liền con của sản phụ Nguyễn Thị Loan, quê Hà Tĩnh ngày 19/12/2012 vừa qua. Trong thư, Chủ tịch nước biểu dương tinh thần trách nhiệm và trình độ chuyên môn cao của các thầy thuốc BV Nhi đồng 2 và khẳng định đây là kết quả của sự nỗ lực nâng cao trình độ khám chữa bệnh, góp phần khẳng định được trình độ của y tế Việt Nam, đồng thời cũng là việc làm thiết thực để hưởng ứng tinh thần làm việc và học tập theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Chủ tịch nước mong BV sẽ tiếp tục phát huy những thành tựu và học tập, sáng tạo không ngừng để phục vụ tốt hơn nữa sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ nhân dân. Trong dịp này, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến và đoàn công tác cũng xuống tận phòng bệnh thăm và trao quà cho hai bé, vợ chồng sản phụ Loan. Bộ trưởng chúc mừng đôi vợ chồng trẻ và động viên gia đình chăm lo, nuôi dạy các cháu thật khỏe mạnh, giỏi giang để sau này trở thành công dân có ích cho đất nước.

Chiều cùng ngày, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cũng đã đến thăm và trao quà Tết của cá nhân cho người nghèo tại quận 8 TP.HCM. Theo đó, 50 gia đình là hộ nghèo phường 14, quận 8 được nhận 50 phần quà gồm nhu yếu phẩm phục vụ Tết và 500 ngàn đồng (Sức khỏe & Đời sống trang 2).        
 
Hàng chục nghìn bệnh nhân được hưởng lợi nhờ áp dụng KHCN

Ngày 28/1, GS.TS. Phạm Minh Thông – Phó Giám đốc BV Bạch Mai cho biết, năm 2012, mặc dù trong điều kiện kinh tế khó khăn, kinh phí cấp cho các hoạt động đều hạn chế, BV vẫn đạt nhiều thành tựu nổi bật trong ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) điều trị cho hàng chục nghìn bệnh nhân. Điển hình là các hoạt động như: ghép tủy thành công ca đầu tiên cho bệnh nhân đa u tủy xương; ghép tế bào gốc mô mỡ tự thân điều trị thoái hóa khớp gối; triệt đốt thần kinh giao cảm động mạch thận điều trị tăng huyết áp kháng trị; đưa ghép thận trở thành thường quy trong BV; số lượng ca mổ tim hở đạt kỷ lục với gần 900 ca; đưa vào triển khai hệ thống chụp cắt lớp vi tính 256 dãy dùng để chụp mạch vành không cần dùng thuốc hạ nhịp… Cũng theo GS. Thông, một trong những yếu tố dẫn đến thành công trong điều trị cho bệnh nhân chính là việc BV đã tăng cường hội chẩn cấp toàn viện đối với những ca lâm sàng khó (Sức khỏe & Đời sống trang 2).  
 
Gần 90% bệnh nhân tâm thần được điều trị ngoại trú

Hiện nay, tất cả trung tâm y tế quận, huyện, thị xã của Hà Nội đã có phòng khám tâm thần; có 2 đến 8 bác sĩ, điều dưỡng công tác trong mỗi phòng khám. Mỗi trạm y tế xã, phường, thị trấn đều có một cán bộ chuyên trách quản lý hồ sơ bệnh án, cấp phát thuốc hằng tháng cho bệnh nhân tâm thần.

Trong năm 2012, trên 17.300 bệnh nhân tâm thần trên địa bàn thành phố được điều trị ngoại trú (hơn 89%), trong đó, số bệnh nhân động kinh là 6.556 người, bệnh nhân tâm thần phân liệt 7.457 người… Hầu hết các bệnh nhân tâm thần đều được điều trị ổn định, có giải pháp chống tái phát. 30% số bệnh nhân động kinh và tâm thần phân liệt được điều trị phục hồi chức năng. Bên cạnh đó, khoảng 5.800 lượt người dân thuộc 58 xã, phường, thị trấn đã được tập huấn kiến thức về sức khỏe tâm thần, phát hiện sớm những rối loạn tâm lý nhằm chủ động phòng tránh bệnh (Hà Nội mới trang 3)
 
Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong giám sát dịch bệnh

Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, năm 2013, ngành y tế sẽ tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong giám sát dịch bệnh, triển khai phần mềm giám sát bệnh truyền nhiễm trên phạm vi toàn quốc; bảo đảm tiêm vắc xin phòng bệnh cho trên 90% trẻ em dưới 1 tuổi.

Để giảm tỷ lệ tử vong do dịch bệnh, ngành sẽ tăng cường năng lực cho bệnh viện các tuyến, phân tuyến điều trị; cập nhật phác đồ điều trị một số bệnh truyền nhiễm gây dịch, phác đồ chống sốc, chống kháng thuốc. Công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe, phổ biến kiến thức về các biện pháp phòng bệnh sẽ được đẩy mạnh… (Hà Nội mới trang 3).
 
Cần Thơ: Tăng cường phòng dịch cúm dịp tết

Sở Y tế TP Cần Thơ vừa có văn bản yêu cầu Trung tâm y tế dự phòng TP Cần Thơ và quận huyện triển khai ngay các biện pháp phòng chống dịch cúm A, cúm B và hội chứng giống cúm. Cụ thể phải chuẩn bị đầy đủ thuốc, vật tư, hóa chất, phương tiện vận chuyển để sẵn sàng ứng phó khi có dịch xảy ra trên địa bàn trong dịp tết này. Sở Y tế TP cũng đề nghị các cơ quan chức năng giám sát chặt chẽ người nhập cảnh, khi phát hiện trường hợp nghi ngờ cần phối hợp với cơ sở điều trị phát hiện sớm, điều trị kịp thời nhằm hạn chế ca mắc bệnh và tử vong, tránh lây lan thành dịch trong cộng đồng.

Theo chỉ đạo của Sở Y tế TP Cần Thơ, các cơ sở điều trị trên địa bàn TP phải chuẩn bị đủ giường bệnh, thuốc điều trị, dịch truyền… để sẵn sàng điều trị trong mọi tình huống khi có bệnh, dịch xảy ra trong dịp tết, đồng thời bố trí nhân lực phù hợp để tiếp nhận và hỗ trợ tuyến dưới khi có nhu cầu (Tuổi trẻ trang 2).
 
Trái mùa, người mắc bệnh sốt xuất huyết vẫn nhiều

Chiều 28-1, bác sĩ Phạm Ngọc Hàm – trưởng khoa y học nhiệt đới, Bệnh viện Đà Nẵng – cho biết tại đây đang tiếp nhận điều trị cho gần 50 ca mắc bệnh sốt xuất huyết, trung bình mỗi ngày có 3-4 ca vào viện dù theo chu kỳ số ca mắc sốt xuất huyết phải “hạ nhiệt” đáng kể.

Cả năm 2011 chỉ khoảng 100 ca điều trị tại khoa y học nhiệt đới, trong khi chỉ từ tháng 9 đến 12-2012 có đến hơn 1.600 ca. Cao điểm là tháng 12-2012 với 720 ca mắc sốt xuất huyết, thời điểm nhiều bệnh nhân nhất có đến 145 trường hợp nằm điều trị.

Theo Sở Y tế Đà Nẵng, diễn biến phức tạp và thất thường của dịch sốt xuất huyết chủ yếu do thời thiết thay đổi thất thường liên tục (Tuổi trẻ trang 12).
 
Nhiều trẻ ngộ độc do uống thuốc pha sai nồng độ

Phòng khám Nhi – BV Xanh Pôn vừa tiếp nhận cấp cứu một bé trai 20 tháng tuổi trong tình trạng nguy kịch chỉ vì uống oresol sai nồng độ. Các bác sĩ cảnh báo, khi dùng thuốc cho trẻ nhỏ phải hết sức chú ý, bởi ngay cả những thuốc lành tính nhất hay thuốc người lớn dùng được song với trẻ có thể gây biến chứng nguy kịch. Một bệnh nhi vào cấp cứu tại BV Xanh Pôn cuối tuần qua trong tình trạng  sốt, co giật, vật vã kích thích. Theo các bác sĩ của phòng khám Nhi – BV Xanh Pôn, qua khám và hỏi bệnh sử, bác sĩ phát hiện cháu bé bị tiêu chảy và được mẹ cho uống oresol nhưng pha sai nồng độ. Lý do này khá phổ biến bởi oresol có vị khó uống nên nhiều bà mẹ hay “sáng tạo” bằng cách pha thuốc lẫn với nước đường hoặc pha đặc để dỗ trẻ uống cho nhanh… Trong khi đó, nếu pha oresol đặc hơn so với khuyến cáo, khi trẻ uống khá nguy hiểm vì khiến hàm lượng muối trong máu tăng lên, gây tình trạng ưu trương (quá nhiều muối trong máu), áp lực thẩm thấu trong máu cao hơn bình thường. Thậm chí, nếu liên tục pha oserol với nồng độ rất đặc cho trẻ uống có thể gây biến chứng “teo não”,  rất dễ bị tử vong.

Ngày 28-1, trao đổi về cách dùng thuốc cho trẻ nhỏ, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi – BV Bạch Mai cho biết, việc dùng thuốc cho trẻ nhỏ một cách tùy tiện, pha sai nồng độ… rất phổ biến. Nhiều người nghĩ trẻ cũng giống như người lớn, cùng loại thuốc chỉ cần giảm liều lượng đi là được. Thực tế, trẻ con không phải là một cơ thể người lớn thu nhỏ, có những loại thuốc người lớn dùng không gây phản ứng gì, nhưng trẻ lại không thể dùng được. Ông Dũng lấy ví dụ, nhiều loại thuốc ho có chế phẩm thuốc phiện như codein, dùng cho người lớn, nhưng cấm chỉ định với trẻ dưới 2 tuổi. Hay như Dextromethorphan là thuốc giảm ho có tác dụng giảm ho nhất thời đối với các trường hợp ho do kích thích nhẹ ở phế quản, thường gặp trong ho cảm lạnh thông thường, không có tác dụng long đờm. Thuốc này được chỉ định trong các trường hợp ho cảm lạnh thông thường ở trẻ, song trong khuyến cáo bác sĩ luôn nhấn mạnh phải thận trọng và không nên dùng thuốc cho trẻ dưới 2 tuổi. 

Ví dụ khác, các thuốc nhỏ mũi gây co mạch cũng không dùng cho trẻ dưới 2 tháng, hạn chế kê cho trẻ sơ sinh mà chỉ dùng nước muối sinh lý. Các thuốc này không chỉ gây co mạch mũi mà còn làm co các mạch khác, làm tăng huyết áp, nặng có thể dẫn đến tử vong. BV từng tiếp nhận cấp cứu cho không ít bệnh nhi nhập viện trong tình trạng xanh tái vì co các mạch máu dưới da. Hay như thuốc chống dị ứng Chlopheniramin, thuốc kháng histamin, không nên dùng cho trẻ sơ sinh vì có thể gây ức chế hô hấp, làm quánh đờm, liều cao gây co giật, tử vong. 

Cũng theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, loại thuốc đang bị lạm dụng nhiều nhất hiện nay là kháng sinh. Nhiều người cứ nghĩ con ho, có đờm đặc, ho lâu ngày… là những biểu hiện cần phải dùng kháng sinh. Tuy nhiên, thực chất, uống kháng sinh nhiều làm trẻ kém ăn, chán ăn, có thể dẫn đến tiêu chảy, sức đề kháng của trẻ kém đi nhiều, làm bệnh lâu khỏi. Hơn nữa, kháng sinh có tác dụng với vi khuẩn nhưng hoàn toàn vô dụng với virus. Trong các thuốc kháng sinh được dùng để điều trị hạ sốt, cảm cúm, giảm đau cho trẻ nhỏ, phổ biến nhất là các loại chế phẩm chứa hoạt chất paracetamol và trên thực tế hầu hết trẻ có triệu chứng sốt cao khi nhập viện đều đã sử dụng thuốc này trước đó. 

Về bản chất, paracetamol khá an toàn và được dung nạp tốt khi dùng ở liều thông thường, tuy nhiên khi dùng ở liều cao thì thuốc này có thể gây nhiễm độc tại gan, nặng hơn gây tử vong do ngộ độc cấp hoặc ngộ độc mãn kéo dài. Điều đáng chú ý là các thuốc chứa paracetamol ở trẻ em được bào chế với nhiều loại hàm lượng khác nhau, điều này có thể gây nhầm lẫn dẫn đến dùng quá liều nếu các bậc cha mẹ chủ quan không xem kỹ hướng dẫn sử dụng. Bên cạnh đó, rất nhiều người bệnh không phân biệt và tính toán được tổng liều tối đa hằng ngày của paracetamol dựa trên các thông tin ghi trên lọ thuốc hoặc đơn thuốc…

Ông Dũng nhấn mạnh, chuyển hóa thuốc của người lớn và trẻ em khác nhau, đặc biệt là những thuốc thấm được vào não thì phải rất chú ý khi dùng cho trẻ. Thực tế có những thuốc người lớn dùng liều lượng thấp nhưng với trẻ thì phải dùng liều cao hơn người lớn rất nhiều. Tuy nhiến các loại thuốc này chỉ chiếm tỷ lệ thấp. Vì vậy, khi dùng thuốc, các bậc cha mẹ cần hết sức chú ý đọc kỹ hướng dẫn sử dụng của thuốc, pha thuốc theo đúng nồng độ mà bác sĩ hướng dẫn, tốt nhất ở trẻ nhỏ không nên pha thuốc với nồng độ đậm đặc hơn hướng dẫn (An ninh thủ đô trang 7).
 
Phẫu thuật tim mạch nhi khoa khẳng định đẳng cấp

Tháng 7/2012, một sự kiện thu hút sự quan tâm của xã hội, đó là một bệnh nhi bị dị tật bẩm sinh nặng ở Tp. HCM đã được vận chuyển cấp cứu bằng hàng không ra BV Nhi Trung ương để đem lại sự sống lần thứ hai với ca đại phẫu bằng phương pháp Norwood. Cũng trong năm 2012, các bác sỹ tim mạch nhi đã điều trị thành công chứng rối loạn nhịp tim cho 2 bệnh nhi ở Hải Phòng với kỹ thuật đốt triệt bằng sóng radio cao tần… Thành công tiếp nối thành công, các bác sỹ tim mạch nhi khoa VN trong những năm qua không những đã cứu vớt được rất nhiều trái tim non nớt, bé bỏng mà còn vươn mình khẳng định cấp trên trường quốc tế. (Chi tiết xem Sức khỏe & Đời sống trang 2).
 
Rửa phổi cho người khó thở trầm trọng

Hôm 28-1, phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) Ngô Quý Châu cho hay lần đầu tiên tại VN, bệnh viện này đã đưa kỹ thuật rửa phổi toàn bộ điều trị chứng tích protein ở phế nang phổi vào điều trị cho ba bệnh nhân, kết quả đều rất tốt. Theo ông Châu, trước đây bệnh này rất khó phát hiện và điều trị. Rửa phổi toàn bộ thực hiện bằng biện pháp đặt nội quản hai nòng vào phổi, một nòng để thông khí và một nòng bơm nước muối sinh lý rửa sạch các phế nang chứa chất bẩn. Hiện tượng tích protein ở phế nang gặp ở những người có rối loạn về cấu trúc cơ thể, tiết nhiều protein làm đặc phế nang, gây hiện tượng khó thở trầm trọng cho người mắc bệnh. Ở ba bệnh nhân đã được điều trị, từ khó thở, có khi chỉ nằm để thở, không đi làm hoặc đi lại được, nay đã sinh hoạt và lao động bình thường (Tuổi trẻ trang 12, An ninh thủ đô trang 2, Tiền phong trang 2).
 
Cháu bé được tái tạo bàng quang xuất viện

Bé gái 2 ngày tuổi được tái tạo bàng quang cùng một số bộ phận khác tại Bệnh viện T.Ư Huế (Tuổi Trẻ ngày 14-1) vừa xuất viện. Đây là ca phẫu thuật phức tạp, liên quan đến nhiều chuyên khoa, kéo dài và khó. Ngày 2-1 tại Bệnh viện T.Ư Huế, một bé gái ra đời với nhiều dị tật: bàng quang bị lộ ra ngoài và chẻ đôi thành hai phần; ruột non và ruột già cũng lộ ra ngoài, lộn ngược lồng ruột chèn vào giữa hai nửa bàng quang, hai phần cổ bàng quang, đường tiểu dưới và cơ quan sinh dục bị chia đôi hoàn toàn, thành bụng phía trên bị khiếm khuyết không thể đóng lại. Ngày 4-1 ca phẫu thuật được PGS.TS Phạm Anh Vũ, phó khoa ngoại nhi – cấp cứu bụng Bệnh viện T.Ư Huế, và đồng nghiệp tiến hành trong bốn giờ.

Theo PGS.TS Phạm Anh Vũ, vẫn chưa xác định được nguyên nhân dị tật này. Tuy nhiên, bước đầu có thể nhận định đây là hậu quả của rối loạn trong quá trình tạo thai, xuất hiện khoảng tuần thứ 10 của thời kỳ bào thai. Do nguyên nhân chưa rõ nên việc dự phòng là không thể và chỉ có thể cố gắng tầm soát, phát hiện sớm trong thai kỳ để tham vấn hợp lý, dựa trên hội chẩn đa chuyên khoa sâu như di truyền học, sản khoa, ngoại nhi, phục hồi chức năng và tâm lý trị liệu.

Việc tạo hình bàng quang và cổ bàng quang dù rất tốt cũng chỉ mang lại chưa đến 50% kết quả tiểu tiện hoàn toàn tự chủ sau này. Riêng bệnh nhi này, hiện bé không bị tình trạng trên. Tuy vậy, khi bé được 6 tháng tuổi sẽ tiến hành mổ tạo bộ phận hậu môn (Tuổi trẻ trang 12).
 
Nối thành công cẳng chân bị đứt lìa

Ngày 28-1, Bệnh viện đa khoa khu vực Thống Nhất (Đồng Nai) đã phẫu thuật nối thành công cẳng chân của một bệnh nhân bị đứt lìa do máy cắt cỏ gây ra.

Trước đó, vào ngày 26-1, trong lúc đi bộ bên đường, anh Nguyễn Chí Dũng (35 tuổi, ngụ huyện Tân Phú, Đồng Nai) bị lưỡi dao máy cắt cỏ của một người khác đang cắt cỏ văng chém vào chân, làm phần cẳng chân dưới bị đứt lìa, mất nhiều máu.

Các y bác sỹ Khoa Chấn thương chỉnh hình bệnh viện Thống Nhất đã phẫu thuật nối lại gân, động tĩnh mạch và các dây thần kinh đã bị đứt lìa của bệnh nhân (Tiền phong trang 6).

Gửi thảo luận