Trang chủ » Tin tức » Điểm báo ngày 2/5/2012

Điểm báo ngày 2/5/2012

Vẫn loay hoay tìm giải pháp
 
Những thông tin tại hội nghị bàn về phương án chống quá tải bệnh viện (BV) do Bộ Y tế tổ chức vào cuối tháng 4 vừa qua cho thấy, công suất sử dụng giường bệnh chung toàn quốc đã lên đến 110%. Quá tải diễn ra ở khắp các tuyến BV, điều đó cho thấy tình trạng quá tải là có thực, chứ không phải quá tải ảo do bệnh nhân vượt tuyến tự do như đồn đoán lâu nay.
Bệnh nhân nằm ghép chỉ có ở Việt Nam
Khảo sát của Bộ Y tế về công tác khám, chữa bệnh tại cuộc họp này cho thấy, tình trạng quá tải BV đã xuất hiện ở cả 3 tuyến điều trị (trung ương, tỉnh, huyện và BV ngành) với công suất sử dụng giường bệnh chung toàn quốc đã lên đến 110%. Đáng lưu ý, có BV công suất sử dụng giường bệnh tới 200%. Quá tải trầm trọng nhất là BV K mức 172%, BV Nhi TƯ mức 119%, BV Bạch Mai mức 168%, Bệnh viện Chợ Rẫy mức 139%… Nếu so số giường thực kê với số giường kế hoạch, thì BV K sử dụng đến 249% công suất giường bệnh, tức là mỗi giường bệnh không lúc nào có dưới 2,5 bệnh nhân. Nhiều lúc, đã có những giường bệnh phải chứa 4-5 bệnh nhân, nhất là tuyến BV trung ương. Bệnh nhân không được nằm mà phải ngồi truyền dịch, thậm chí ở nhiều BV bệnh nhân ngồi truyền dịch cả ngoài hành lang và đây không còn là hiện tượng lạ.
Ông Nguyễn Hoàng Long, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính (Bộ Y tế) cho hay, công suất giường bệnh chỉ nên ở mức 70-80%, lên đến 90% đã coi là quá tải vì không còn thời gian chuẩn bị để phục vụ người bệnh mới.
Đối chiếu công suất "nên" này và công suất thực tế mới thấy sự quá tải ghê gớm của mạng lưới khám, chữa bệnh. Ông Long khẳng định, tình trạng bệnh nhân nằm ghép chỉ có ở Việt Nam, công suất sử dụng giường bệnh chỉ tăng mà không giảm. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do dân số tăng nhanh nhưng số BV, giường bệnh lại không tăng tương xứng. Tỷ lệ giường bệnh/vạn dân của cả nước tuy có tăng hằng năm, nhưng vẫn còn thấp so với sự gia tăng nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân và phân bố không đồng đều giữa các vùng, miền, chủ yếu tập trung nhiều ở các đô thị, vùng kinh tế lớn. Hiện, bình quân giường bệnh/vạn dân ở Việt Nam đạt 20,5 giường, vào loại thấp nhất thế giới, trong khi đó, theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (năm 2009), trung bình số giường bệnh/vạn dân toàn cầu là 25, riêng khu vực Tây Thái Bình Dương là 33.
Cần giải pháp từ gốc
Tại cuộc họp này, lần đầu tiên Bộ Y tế công bố dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án chống quá tải BV do Bộ Y tế đang chủ trì xây dựng. Theo đó, giai đoạn từ nay đến năm 2015, giải quyết tình trạng quá tải tại các BV trung ương như Bạch Mai, Chợ Rẫy, K…; giai đoạn đến năm 2020, xây dựng các cụm BV tại cửa ngõ TP Hồ Chí Minh, tại các cụm đô thị ở Hà Nội, mở rộng BV Trung ương Huế với việc đưa Trung tâm Điều trị ung bướu vào hoạt động từ năm 2013.
Mục tiêu chung của đề án là đưa bình quân giường bệnh/vạn dân lên 25-27 giường vào năm 2015. Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều chuyên gia tham dự cuộc họp thì mục tiêu này là quá tham vọng do không đủ nhân lực phục vụ. Một số đại biểu đưa ra ý kiến không nên xây dựng những BV quá lớn, điển hình như BV Bạch Mai đang đề xuất tăng số giường lên 3/500, gần gấp đôi so với quy mô hiện nay, như vậy sẽ rất khó quản lý và không đạt hiệu quả mong đợi. Và việc đề án đặt mục tiêu giảm tải đến năm 2015 tại các BV chuyên khoa, đa khoa trung ương mới chỉ là giải pháp giải quyết tình trạng quá tải ở phần ngọn chứ không phải giải pháp từ gốc. Căn nguyên người dân vượt tuyến, lên tuyến cao nhất chữa bệnh gây ra tình trạng quá tải chính là do sự yếu kém ở tuyến y tế địa phương. Vì vậy, các BV tỉnh, huyện cần phải năng động phát triển kỹ thuật và quảng bá cho người dân biết về những kỹ thuật mình làm được để từ đó tin tưởng đến khám, chữa bệnh, hạn chế vượt tuyến. Ông Nghiêm Trần Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế (Bộ Y tế) nhấn mạnh đến giải pháp chăm sóc sức khỏe tại cộng đồng với nhóm bệnh nhân mạn tính, đồng thời mở rộng loại hình "BV ban ngày". Hiện, Hà Nội mới có một BV ban ngày là BV Mai Hương (dành cho bệnh nhân mắc các bệnh liên quan đến sức khỏe tâm thần), nhưng ở Mỹ có đến 75% số bệnh nhân được khám, chữa bệnh ở mô hình này, còn ở Pháp là 60%.
Tiếp thu những ý kiến đóng góp của các chuyên gia, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên cho biết, khi xây dựng đề án, Bộ sẽ chú trọng đến nhiều nhóm giải pháp, trong đó có giải pháp tăng cường cơ sở vật chất cho BV đã có, mở rộng BV mới, đào tạo nhân lực, phát triển hệ thống bác sỹ gia đình, chăm sóc sức khỏe tại cộng đồng. Bộ Y tế cũng sẽ thí điểm mô hình khám, chữa bệnh theo nhu cầu và bảo hiểm y tế có mức hưởng tùy theo mức đóng chứ không đóng khung một mức đóng – một mức hưởng như hiện hành (Hà Nội mới 2/5).
 
Phấn đấu giảm được 1/4 số trẻ em tử vong do đuối nước
 
Theo thống kê của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), tỷ suất tử vong do đuối nước ở nước ta là 8/100.000 người/năm. Trẻ em là nhóm có nguy cơ cao tử vong do đuối nước, cao nhất là nhóm trẻ từ 0 đến 4 tuổi với trung bình 22 ca/100.000 trẻ/năm, trong đó, nguy cơ ở trẻ trai cao gấp 1,4 lần trẻ gái.
Tỷ lệ trẻ em đuối nước ở Việt Nam cao gấp 10 lần các nước phát triển. Có nhiều nguyên nhân khiến trẻ tử vong do đuối nước, chủ yếu là do sự lơ là, chủ quan của người lớn, không giám sát trẻ chặt chẽ; trẻ không biết bơi và chưa được trang bị những kiến thức để nhận biết về mức độ an toàn khi chơi đùa cạnh sông nước, cũng như không biết cách ứng phó khi tai nạn xảy ra. Đáng lưu ý, theo bác sỹ Nguyễn Văn Tú, Phó Trưởng khoa Hồi sức – Cấp cứu (Bệnh viện Nhi TƯ), phần lớn trẻ bị đuối nước khi nhập viện đều chưa được sơ cứu hay sơ cứu không đúng cách, dẫn đến tử vong hoặc bị di chứng não do thiếu ô xy.
Bộ Y tế đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2015, Việt Nam sẽ giảm được 1/4 số trẻ em tử vong do đuối nước so với năm 2010 (năm 2010 toàn quốc có khoảng 4/500 trẻ tử vong do đuối nước) (Hà Nội mới 2/5).
 
Gần 50% số người nhiễm HIV đến cơ sở điều trị ở giai đoạn muộn
 
Theo Bộ Y tế, nhận thức về sự cần thiết của việc chăm sóc và điều trị HIV/AIDS sớm ở người bệnh cũng như người nhà bệnh nhân hiện nay vẫn còn hạn chế.
Xét nghiệm phát hiện nhiễm HIV chưa thực sự được xem là xét nghiệm chẩn đoán bệnh. Tình trạng tiếp cận với dịch vụ chăm sóc và điều trị ở giai đoạn muộn tương đối phổ biến. Cụ thể, gần 50% số người nhiễm HIV đến cơ sở điều trị ở giai đoạn lâm sàng 3 và 4; chỉ khoảng 36% phụ nữ mang thai được xét nghiệm và nhận kết quả xét nghiệm HIV, chủ yếu vào giai đoạn chuyển dạ, 49% phụ nữ mang thai nhiễm HIV được sử dụng thuốc ARV trong dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.
Chương trình Phòng, chống HIV/AIDS của Liên hợp quốc và Tổ chức Y tế thế giới mới đây đã công bố hiệu quả của điều trị sớm nhiễm HIV bằng thuốc ARV có thể làm giảm tới 96% tỷ lệ lây truyền HIV qua quan hệ tình dục. Các can thiệp sớm đối với phụ nữ mang thai nhiễm HIV sẽ làm tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con giảm xuống dưới 2% (Hà Nội mới 2/5).
 
Thí điểm mô hình 2.0 cho người nhiễm HIV
 
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long vừa ký quyết định thí điểm mô hình điều trị 2.0 cho người nhiễm HIV ở Điện Biên và Cần Thơ.
Mục tiêu của chương trình là tăng số người nhiễm HIV được tiếp cận dịch vụ điều trị bằng cách cung cấp dịch vụ tại tuyến xã (hiện thời là tuyến huyện, gây trở ngại cho người bệnh), đồng thời tăng khả năng kết nối giữa trạm y tế phường xã với cộng đồng người nhiễm HIV trong chẩn đoán, dự phòng, điều trị cho người nhiễm HIV.
Chương trình 2.0 là sáng kiến của Tổ chức Y tế thế giới và Chương trình phối hợp phòng chống HIV của Liên Hiệp Quốc. Mục tiêu tối ưu hóa phác đồ điều trị, tăng số người bệnh được tiếp cận dịch vụ thông qua việc giảm giá thành điều trị cho bệnh nhân HIV. Tại VN, lựa chọn Điện Biên và Cần Thơ triển khai đầu tiên do đây là các địa phương có số ca mắc HIV cao, tỉ lệ người nhiễm được tiếp cận với dịch vụ điều trị bằng thuốc kháng virút còn thấp (Điện Biên 19,5%, Cần Thơ 28,4%), thời gian trả kết quả xét nghiệm khẳng định dương tính HIV từ 1-2 tuần là quá dài, dẫn đến mất dấu người nhiễm HIV.
Theo Bộ Y tế, chương trình thí điểm sẽ kéo dài đến tháng 6-2013, người có nhu cầu sẽ được sàng lọc HIV bằng test nhanh, tư vấn dự phòng HIV cho phụ nữ mang thai, dự phòng và điều trị nhiễm trùng cơ hội, cung cấp dịch vụ giảm hại ngay tại xã phường. Những bệnh nhân cần điều trị bằng thuốc kháng virút sẽ được cấp thuốc ngay tại trạm y tế xã phường (Tuổi trẻ 2/5).
 
Hỗ trợ gia đình mẹ con sản phụ ở Hóc Môn
 
Bác sĩ Đỗ Kim Hoàng, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa khu vực Hóc Môn (TP.HCM) cho biết trong sáng 1/5, bệnh viện đã cử đoàn đến viếng linh cữu sản phụ Ngô Thị Hồng Thu và em bé tại xã Tân Thới Nhì, huyện Hóc Môn.
Theo bác sĩ Hoàng, bệnh viện sẽ có kế hoạch hỗ trợ gia đình sản phụ này. Chờ sau khi an táng xong, bệnh viện sẽ trao đổi với gia đình và đưa ra hướng hỗ trợ cụ thể (Tuổi trẻ 2/5).
 
Hà Nội kiểm tra nguồn gốc xí muội
 
Theo chánh thanh tra Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Việt Cường, trước thông tin xí muội Trung Quốc nhiễm chất độc, ngày 2 và 3/5 thanh tra Sở Y tế Hà Nội sẽ kiểm tra nguồn gốc, lấy mẫu xí muội, ô mai các loại trên thị trường, trong đó các chỉ tiêu cần kiểm tra là chất tạo ngọt, chì, các hóa chất bảo quản…
Dịp này, Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết sẽ phối hợp với Sở Y tế Hà Nội kiểm tra một số cơ sở đầu mối cung cấp xí muội, ô mai (Tuổi trẻ 2/5).
 
Đơn độc với tai ương
 
Căn bệnh viêm da quái ác đã cướp đi sinh mạng nhiều người dân ở miền núi Quảng Ngãi. Gần một năm dịch bệnh hoành hành, ngành y tế vẫn chưa tìm được nguyên nhân gây bệnh. Điều đó có nghĩa là hàng ngàn người dân vẫn hằng ngày hàng giờ thấp thỏm, lo âu, hàng trăm bệnh nhân vẫn đang phải chống chọi với bệnh một cách đơn độc và đầy may rủi.
Khoán trắng cho địa phương?
Đơn độc vì mọi việc dường như khoán trắng cho địa phương. Người ta đã nói nhiều đến sự yếu kém, thiếu trước hụt sau của y tế cơ sở từ nguồn lực, con người, phương tiện thiết bị lẫn kinh nghiệm trong xử lý những ca bệnh khó. Thế nhưng với trường hợp Quảng Ngãi, khó khăn còn gấp nhiều lần khi ngành y tế địa phương phải gồng lên để xử lý căn bệnh lạ. Những bệnh nhân là đồng bào dân tộc thiểu số khi phát bệnh chỉ gắng chịu, bệnh nặng quá thì đến bệnh viện huyện đã là chuyện xa vời, nói gì đến việc phòng bệnh từ xa như chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Y tế (!). Nhà nghèo, bệnh nặng, y tế cơ sở yếu kém nên mới có con số gần 20 người tử vong sau gần một năm bùng phát dịch bệnh.
Đau lòng hơn khi Bộ Y tế cho rằng hiện mới có tám người tử vong vì bệnh này, còn xã Ba Điền nói có đến 19 người tử vong vì “bệnh lạ”. Hóa ra 11 người tử vong mà chính quyền địa phương xót lòng chia sẻ với báo chí lại không được ngành y tế thừa nhận vì dù triệu chứng bệnh giống nhau nhưng “họ chết ở nhà, không phải ở bệnh viện” nên “không có cơ sở khoa học” (?).
Đơn độc vì ngành y tế vẫn đang tất bật với bao nhiêu dự án, bao nhiêu chiến dịch phát động phòng ngừa ở Hà Nội, TP.HCM và các đô thị lớn. Quá tải bệnh viện trung ương, vấn đề tăng viện phí, rồi những xầm xì giá thuốc… Ngần ấy việc thôi đã có cảm giác Bộ Y tế quá sức và không thể còn tâm trí lo những việc ở… xa. Bệnh viêm da ở Quảng Ngãi vì thế có lẽ chỉ gợn lên như một thoáng ưu tư rồi bao nhiêu bận rộn lại cuốn bộ máy ngành y tế vào những việc “thời vụ” vốn không bao giờ dứt. Nói vậy có thể hơi quá lời, nhưng những gì người ta chứng kiến về phản ứng chậm chạp của lãnh đạo Bộ Y tế trước sinh mệnh người dân, trước một căn bệnh lạ chết nhiều người khiến sự liên tưởng không thể khác.
Thiệt thòi của vùng sâu
Một năm trôi qua, người dân vẫn đương đầu với “bệnh lạ”, bởi chưa ai có thể quen với căn bệnh nguy hiểm rập rình bên cạnh trong khi thiếu vắng sự trợ giúp hiệu quả của hệ thống y tế quốc gia cũng như các tổ chức quốc tế. Giả sử căn bệnh này không ở mấy xã heo hút miền núi Quảng Ngãi mà ở ngay Hà Nội, TP.HCM, liệu mọi phản ứng có nhanh và hiệu quả hơn? Người đứng đầu một bệnh viện chuyên ngành tuyến trung ương kể rằng khi nhận điện thoại từ Quảng Ngãi báo về “bệnh lạ”, ông quá bận nên không vào tận nơi được, chỉ yêu cầu tỉnh gửi ra năm bệnh nhân điển hình để điều trị mẫu.
Năm bệnh nhân nặng may mắn được làm đủ các chỉ định tại bệnh viện đầu ngành: cắt da – sinh thiết, xét nghiệm máu, sinh thiết gan, hội chẩn… đã khỏi bệnh hoàn toàn sau hơn một tháng điều trị. “Điều trị tận nơi sẽ khỏi, nên đừng gọi là “bệnh lạ” để người dân hoang mang dù thật sự chưa tìm được căn nguyên, chưa tìm ra cơ chế gây bệnh” – vị lãnh đạo này nhắc nhở cả giới truyền thông. Lãnh đạo bệnh viện chuyên ngành còn cáo bận, trách sao những người giữ vị trí cao hơn trong hệ thống y tế?
Càng thấu hiểu cái thiệt thòi của vùng sâu vùng xa, của câu nói dân gian “nhà nghèo, bệnh trọng”, càng hiểu hơn vì sao thành phố đông đúc, ngột ngạt mà nhiều người vẫn phải gắng bám trụ. Căn bệnh quá tải bệnh viện tuyến trên không thể chỉ đổ cho tâm lý nôn nóng của người bệnh, mà chính cách xử lý chậm chạp với “vùng xa” của ngành y tế phải chịu lỗi một phần cơ bản. Có ai dám đùa với sinh mệnh của mình?
Cho nên cái thiệt thòi của những bệnh nhân miền núi Quảng Ngãi trước tai ương hơn một năm qua càng gióng lên tiếng chuông trong cơ chế xử lý dịch bệnh của ngành y. “Bệnh lạ” phát sinh nhưng lạ hơn là cách phòng chống bệnh. Dù lãnh đạo Bộ Y tế đã chịu về địa phương sau một năm xuất hiện “bệnh lạ” thì phản ứng của ngành vẫn là quá muộn. Bởi cái người dân cần là giải pháp ứng phó với bệnh thật chi tiết chứ không phải lại thêm một lời phán chung chung: “Có thể mắc bệnh vì gạo mốc” (?). Trong khi bệnh viện chuyên ngành trung ương khẳng định có thể chữa khỏi mà ngành y tế vẫn để “bệnh lạ” cướp đi sinh mạng của nhiều người rồi mới cấp tập cử đoàn ra, đoàn vào và vẫn chưa đưa ra kết luận thì trách nhiệm thuộc về ai?
Nếu không làm rõ được trách nhiệm thì những vụ việc như ở Quảng Ngãi sẽ còn tiếp diễn và việc phòng chống dịch bệnh vẫn tiếp tục là cuộc chiến đấu đơn độc trước tai ương của những bệnh nhân nghèo.
Kiến nghị hỗ trợ bệnh nhân bị “bệnh lạ”: Ông Lê Hàn Phong, Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ (Quảng Ngãi), cho biết huyện đã có văn bản kiến nghị UBND tỉnh hỗ trợ khẩn cấp gần 2,1 tỉ đồng cho bệnh nhân và gia đình bệnh nhân mắc “bệnh lạ” (dự kiến mức 5 triệu đồng/hộ có người bệnh, 4,5 triệu đồng/hộ có người chết).
Trước đó, UBND huyện Ba Tơ đã trích kinh phí địa phương hỗ trợ tiền ăn 30.000 đồng/ngày/bệnh nhân, hỗ trợ xe đưa đón đến bệnh viện chữa trị miễn phí, huy động lực lượng giúp đỡ gia đình có người mắc “bệnh lạ” thu hoạch mùa vụ… Ông Phong nói thêm cuộc sống của gia đình có người mắc “bệnh lạ” đang rơi vào túng quẫn, khó khăn khi không có tiền để trang trải cuộc sống. “Nhiều trường hợp đến bệnh viện nhưng người đi nuôi bệnh không có tiền ăn nên phải bỏ viện trở lại nhà. Tôi mong các cấp, các ngành sớm giúp đỡ họ vượt qua khó khăn, hỗ trợ gạo dân cũng cần lắm” – ông Phong nói.
Ghi nhận đến chiều 1/5, số ca “bệnh lạ” ở huyện Ba Tơ là 178 trường hợp. Số ca đang phát bệnh nằm điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Ba Tơ là 19 người, chín người hiện còn điều trị ở Bệnh viện Phong da liễu trung ương Quy Hòa (Bình Định) và 38 người bị bệnh nhưng điều trị tại nhà (Tuổi trẻ 2/5).
 
Chưa định danh được cây thuốc lạ
 
Nhiều tháng nay, người dân xã Ninh Vân, TX Ninh Hòa (Khánh Hòa) lên rừng đào cây thuốc lạ về chữa bệnh và bán, trong khi ngành y tế Khánh Hòa chưa xác định đây là cây gì, có tác dụng chữa bệnh hay không. Tiếp chúng tôi tại nhà riêng, ông Lê Hăng (51 tuổi, thôn Đông, xã Ninh Vân) trông hoàn toàn khỏe mạnh, không giống một người bệnh xơ gan cổ trướng giai đoạn cuối như trong bệnh án ông cho chúng tôi xem.
Chữa bệnh hiểm nghèo
Ông Hăng kể khoảng tháng 5/2011, bệnh xơ gan cổ trướng của ông phát nặng, bụng trướng lên, không thể đi lại, bệnh viện trả về đợi chết. Khi cả gia đình chuẩn bị lo hậu sự, một người tên Sinh (là công nhân làm đường từ nơi khác đến, chơi thân với ông Hăng) biết bệnh tình của ông, liền vào rừng đào cây thuốc mà theo ông Sinh được đồng bào dân tộc thiểu số bày cho, về đưa cho ông nấu uống.
Theo lời dặn của ông Sinh, cây này không được rửa qua nước, chỉ xắt nhỏ, phơi khô, nấu với nước uống như uống trà.
“Uống khoảng một tuần tôi thấy người dễ chịu. Uống khoảng hai tháng thì da bắt đầu hết vàng, bụng và chân tay xẹp lại dần. Khoảng sáu tháng thì tôi ăn ngon, ngủ ngon và khỏe mạnh. Đến nay tôi vẫn kiên trì uống nước này thay nước”- ông Hăng kể lại.
Ông Hăng cho biết có người nhờ uống thuốc này mà hết bị viêm gan siêu vi B, bệnh gout… “Do cây thuốc này gần cạn kiệt mà trong rừng có nhiều cây hình dáng giống nhau nên người ta lên rừng chặt cả cây không đúng loại tôi đã uống đem về bán. Nhiều người ở nơi khác từ Hà Nội, Sài Gòn… cũng lặn lội đến Ninh Vân mua thuốc”- ông Lê Hăng băn khoăn.
Ông Hàng Văn Hướng, Phó chủ tịch UBND xã Ninh Vân, cho biết thời điểm khi ông Hăng mới khỏi bệnh, mỗi ngày có khoảng 30 người lên rừng tìm cây thuốc, một người đào được khoảng 10kg thuốc mỗi ngày. Tuy nhiên, hiện cây thuốc đã khan hiếm nên chỉ còn vài người kiên trì đi tìm. Không biết cây thuốc đó tác dụng thật sự thế nào, nhưng sau khi ông Hăng khỏi bệnh thì hầu hết gia đình trong xã đều dùng cây này nấu uống thay nước lọc.
“Chúng tôi chỉ theo dõi, ghi nhận và báo cáo lên thị xã chứ không có biện pháp gì can thiệp. Từ lúc có cây thuốc lạ tới nay, tình hình an ninh trật tự tại địa phương vẫn ổn định. Số người lên rừng chỉ tìm đào cây thuốc chứ không phá rừng…”, ông Hướng cho hay.
Sẽ họp bàn với chuyên gia y học
Mặc dù được ông Sinh chỉ cho “thần dược”, nhưng ông Hăng lại không biết ông Sinh ở đâu. Ông Nguyễn Bá Trọng, cán bộ UBND xã Ninh Vân, một trong những người đầu tiên đi đào cây thuốc này, hiện có hàng chục bao tải cây thuốc đã được xắt nhỏ phơi khô, nói: “Tôi không biết cây này tên là gì, trước đó chưa từng gặp. Khi đi đào tôi thấy cây có gai, to nhất bằng cổ chân, thân cây vừa đứng, vừa như dây leo, rễ bám sâu vào đá rất khó đào”.
Trong khi đó, ông Trịnh Tiến Khoa, Giám đốc Trung tâm Y tế thị xã Ninh Hòa, cho biết do không xác định được đây là cây gì nên đã chỉ đạo trạm y tế Ninh Vân khuyến cáo người dân không nên sử dụng rộng rãi cây thuốc này.
Còn ông Bùi Xuân Minh, Giám đốc Sở Y tế Khánh Hòa, cho biết đã nhận được văn bản báo cáo và mẫu cây thuốc lạ từ Trung tâm Y tế thị xã Ninh Hòa. Theo ông Minh, sau khi tổ chức cuộc họp với các chuyên gia y học trong tỉnh, ông mới quyết định có gửi cây thuốc này đi kiểm nghiệm hay không.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, TS dược học Nguyễn Thướng, Chủ tịch Hội Đông y tỉnh Khánh Hòa cho biết: “Quan điểm của tôi là khuyến cáo người dân không dùng tràn lan khi cơ quan chức năng chưa thẩm định, nhưng biết đâu đây là cây thuốc quý mới được dân gian phát hiện.
Từ xưa có nhiều loại thuốc quý được lấy từ kinh nghiệm dân gian như cây trinh nữ hoàng cung trị u xơ tuyến tiền liệt, cây thanh cao hoa vàng trị sốt rét… Vì vậy chúng ta nên trân trọng những thông tin từ người dân và xác minh một cách nghiêm túc tuy việc này mất nhiều thời gian”.
Hiện thời không nên sử dụng
TS. Phạm Đông Phương, Phó trưởng khoa dược Đại học Y dược TP.HCM, giám đốc Trung tâm Đào tạo và nghiên cứu phát triển thuốc nguồn gốc tự nhiên, cho biết khoa dược đã nhận lời mời hợp tác nghiên cứu của TS Nguyễn Thướng, Chủ tịch Hội Đông y tỉnh Khánh Hòa.
“Chúng tôi đã lấy mẫu cây đang được sử dụng. Từ các mẫu này chúng tôi sẽ phối hợp với các chuyên gia thực vật để xác định tên cây. Cùng với việc xác định tên cây, chúng tôi sẽ tiến hành nghiên cứu về thành phần hóa học, độc tính và tác dụng sinh học của cây” – ông Phương nói. Chỉ khi có những kết quả chính xác về tác dụng của cây này mới có thể đưa ra khuyến cáo, hướng dẫn người dân sử dụng với liều lượng hợp lý, hiệu quả. Đồng thời cần có kế hoạch bảo vệ, khai thác hợp lý.
Theo ông Phương, phải mất hàng năm để có thể đưa ra kết luận cuối cùng về tác dụng của “cây thuốc lạ”. Do đó trong thời gian còn đang nghiên cứu, đề nghị người dân không nên sử dụng vì chưa lường được tác dụng cũng như độc tính của cây.
Ngoài ra, ông Phương lưu ý cần hết sức thận trọng khi thông tin về các trường hợp được cho là khỏi các bệnh nhờ uống “cây thuốc lạ” này. Phải kiểm chứng dựa trên hồ sơ bệnh án của từng trường hợp với đầy đủ xét nghiệm, kết luận của cơ sở y tế cụ thể về tình trạng bệnh trong từng thời điểm trước, trong và sau khi dùng “cây thuốc lạ” (Tuổi trẻ 2/5).
 
Việt Nam – Trẻ suy dinh dưỡng cao thứ 13 trên thế giới
 
Theo một khảo sát được tài trợ bởi Dự án A&T về kiến thức nuôi con bằng sữa mẹ (NCBSM) của các đối tượng lao động nữ trong một số doanh nghiệp cho thấy: mặc dù kiến thức về NCBSM của người dân đã được cải thiện rõ rệt nhưng hành vi thực hành NCBSM lại chưa đạt tỷ lệ cao. Theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia (2010), ở Việt Nam, số bà mẹ cho con bú trong vòng một giờ đầu sau sinh chỉ đạt 61,7% và chỉ có 19,6% trẻ được bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng…
Tình trạng trẻ không được cung cấp đủ nguồn dinh dưỡng quý giá từ sữa mẹ, đặc biêt trong 6 tháng đầu đời được coi là một trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ suy dinh dưỡng (SDD) thấp còi ở nước ta ở mức cao. Theo Unicef, hiện Việt Nam có tỷ lệ SDD thấp còi ở mức cao thứ 13 trên thế giới, cứ 3 trẻ tại Việt Nam lại có một trẻ bị SDD thấp còi (Gia đình & Xã hội 2/5).
 
Phú Thọ – Bệnh viện tiền tỷ đắp chiếu vì nhà thầu
 
Nhằm nâng cao cơ sở vật chất, điều trị khám chữa bệnh, ngân sách Nhà nước đã đầu tư hàng chục tỉ đồng xây dựng Bệnh viện Lao và bệnh phổi Phú Thọ và Bệnh viện đa khoa Yên Lập.
Tuy nhiên sau nhiều năm thi công, đến nay các công trình này vẫn dang dở.
Mặc dù đã được ứng vốn trên 80% giá trị hợp đồng, nhưng nhà thầu vẫn thi công cầm chừng, thiếu trách nhiệm. Vụ việc đang gây bức xúc trong người dân và ngành y tế tỉnh Phú Thọ.
Thi công “rùa”
Chỉ vào các hạng mục đang thi công dang dở, ngổn ngang vật liệu xây dựng nhưng vắng công nhân thi công, các cán bộ Bệnh viện Lao và bệnh phổi Phú Thọ ngao ngán: Công trình này lẽ ra phải hoàn thiện, đưa vào sử dụng hai năm nay rồi, nhưng nhà thầu nhận được tiền ứng vốn rồi cù nhầy không tiếp tục thi công, bỏ mặc công trình dang dở, xuống cấp.
Được biết, tháng 11/2009, lãnh đạo Bệnh viện Lao và bệnh phổi Phú Thọ ký hợp đồng xây dựng số 156/ HĐ-XD với Công ty Cổ phần Tư vấn và xây lắp hạ tầng (sau đây viết tắt là Cty Xây lắp hạ tầng) do ông Nguyễn Xuân Quý – Chủ tịch HĐQT làm đại diện. Theo đó thì tháng 11/2010 Cty này phải bàn giao toàn bộ 3 công trình: Nhà khoa chống nhiễm khuẩn; nhà khoa lao HIV kháng thuốc; nhà khoa phục hồi chức năng, vật lý trị liệu để bệnh viện đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, đến nay toàn bộ 3 khối nhà chức năng trên vẫn đang trong tình trạng dở dang.
Thực tế tại công trình cho thấy, khối nhà 1 vẫn chưa có cửa, sơn nham nhở và nhiều phòng còn chưa lát gạch nền. Khối 2 nhà khoa lao HIV kháng thuốc và nhà khoa phục hồi chức năng vật lý trị liệu mới chỉ hoàn thiện phần thô, mái chưa lợp, toàn bộ phần ốp lát, cầu thang, điện, cửa… cái có cái không. Theo anh Lê Mã Lương, Kế toán Ban quản lý dự án của bệnh viện thì đến nay nhà thầu đã được ứng tới 86% giá trị công trình, do nhà thầu thi công cầm chừng nên đến nay mặc dù quá hạn bàn giao nhiều năm nhưng mới chỉ đạt khoảng 50% khối lượng thi công.
Cũng theo anh Lương, cả 3 khối nhà đều được đầu tư từ nguồn trái phiếu Chính phủ, có trị giá khoảng 6,7 tỷ đồng, do Cty Xây lắp hạ tầng trúng thầu thi công toàn bộ.
Chưa xong đã xuống cấp
Dự án nâng cấp Bệnh viện Đa khoa huyện Yên Lập, cũng nằm trong tình cảnh tương tự. Hai khối nhà là Khoa lây – Dinh dưỡng, giặt là (gồm cả cổng và tường rào) và Nhà đại thể, hệ thống nhà cầu cũng chậm so với tiến độ hàng năm trời. Đáng chú ý, toàn bộ các công trình đang chậm tiến độ của Bệnh viện Đa khoa Yên Lập đều do Công ty Cổ phần xây lắp điện nước Phú Thọ trúng thầu (tiền thân là Công ty Cổ phần Tư vấn và xây lắp hạ tầng) thi công.
Bà Nguyễn Thị Hợp, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Yên Lập cho biết, theo hợp đồng thì tháng 11/2010 nhà thầu phải bàn giao khối nhà 1, còn tháng 4/2011 bàn giao toàn bộ khối nhà 2. Tuy nhiên trên thực tế, cả 2 khối nhà đều chậm tiến độ so với cam kết. Tại khối nhà 1, đơn vị thi công mới làm xong phần thô, lợp mái và lát nền, còn toàn bộ cửa, phần điện, nước và sơn cùng tường rào chưa hoàn thiện. Khối nhà 2 đã xong thiết bị điện, sơn, lan can, còn phần lát nhà cầu, lan can nhà cầu và cửa hiện cũng chưa được hoàn thiện. Đáng chú ý, chưa bàn giao đưa vào sử dụng nhưng nhiều hạng mục đã có biểu hiện xuống cấp. Ông Hoàng Văn Đạo, Phó Ban quản lý dự án Bệnh viện Đa khoa Yên Lập cho biết: Cả hai khối nhà có trị giá hơn 5,1 tỷ đồng. Đến nay đã ứng tới 80% số vốn cho đơn vị thi công.
Làm rõ trách nhiệm nhà thầu
Việc nhà thầu thi công ì ạch, cầm chừng khiến các bệnh viện này thiếu hạ tầng cơ sở vật chất phục vụ cho công tác khám chữa, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.
Được biết lãnh đạo các bệnh viện trên đã nhiều lần báo cáo sự việc với Sở Kế hoạch và Đầu tư, UBND tỉnh Phú Thọ đề nghị can thiệp, thúc nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công công trình, nhưng tình trạng không có nhiều biến chuyển.
Ngoài việc cầu cứu cơ quan quản lý Nhà nước, lãnh đạo các bệnh viện cũng đã nhiều lần làm việc với nhà thầu. Tại các buổi làm việc này nhà thầu đều hứa hẹn, nhưng rồi lại bỏ mặc cho công trình “đắp chiếu”. Quá bức xúc, có lần Bệnh viện Đa khoa Yên Lập đã gọi đơn vị thi công lên, đòi chấm dứt hợp đồng. Vậy là vị đại diện của Công ty cổ phần xây lắp điện nước Phú Thọ lại hứa hẹn, nhưng rồi để đó.
Nói về thái độ cù nhầy của đơn vị thi công, Giám đốc Nguyễn Thị Hợp bức xúc cho biết: “Chúng tôi đã nhiều lần có văn bản đôn đốc nhà thầu, nhưng ông giám đốc chỉ hứa suông, khiến cho công trình chậm bàn giao quá lâu so với hợp đồng, mà không nói rõ nguyên nhân, gây ra nhiều khó khăn cho hoạt động chuyên môn của bệnh viện”.
Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng Phú Thọ đã đến lúc vào cuộc làm rõ nguyên nhân chậm tiến độ thi công các công trình này và có những biện pháp cần thiết, có như thế các công trình mới sớm được đưa vào sử dụng, đáp ứng cho công tác chăm sóc sức khỏe người dân (Gia đình & Xã hội 2/5).
 
Lập đường dây nóng theo dõi bệnh lạ
 
Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế),  Bộ đã có kế hoạch lập đường dây nóng tiếp nhận thông tin bệnh viêm dày sừng bàn tay bàn chân có rối loạn chức năng gan ở Quảng Ngãi, trước đó còn gọi đây là bệnh lạ. Hơn 1 năm qua, căn bệnh trên đã xuất hiện ở 5 xã tại Quảng Ngãi nhưng 94% bệnh nhân vẫn khu trú tại xã Ba Điền (huyện Ba Tơ).
Trong đợt công tác tại Ba Tơ, Quảng Ngãi vừa qua, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã giao Cục Y tế dự phòng xây dựng nghiên cứu cấp bộ để tiến hành nghiên cứu sâu về căn bệnh này (Phụ nữ Việt Nam 2/5).
 
Đào tạo phẫu thuật nội soi cho bác sỹ quốc tế
 
Giám đốc Bệnh viện Nhi T.Ư Nguyễn Thanh Liêm cho hay vừa có thêm hai bác sĩ người Thái Lan và Bhutan đăng ký tới học phẫu thuật nội soi tại Bệnh viện Nhi T.Ư.
Theo ông Liêm, trong ba năm qua đã có khoảng 30 bác sĩ người Ý, Philippines, Thái Lan, Mỹ… đến học phẫu thuật nội soi, đặc biệt là kỹ thuật nội soi điều trị u nang ống mật chủ, teo trực tràng và nhiều loại dị tật phức tạp ở trẻ em tại Bệnh viện Nhi T.Ư.
Theo ông Liêm, thời gian qua Bệnh viện Nhi T.Ư đào tạo hoàn toàn miễn phí cho các bác sĩ quốc tế (Tuổi trẻ 2/5).

Gửi thảo luận