Robin Warren (sinh năm 1937), một chuyên gia bệnh học ở Perth, Australia, quan sát thấy những vi khuẩn cong nhỏ tập trung tại vùng hang vị ở khoảng 50% bệnh nhân được sinh thiết. Ông đã thấy rằng các dấu hiệu viêm thường xuyên biểu hiện trên niêm mạc dạ dày gần chỗ có vi khuẩn.
Barry Marshall (sinh năm 1951), một nhà lâm sàng trẻ tuổi làm việc tại NHMRC Helicobacter pylori Research Laboratory, QEII Medical Centre; University of Western Australia, Nedlands, Australia, rất quan tâm đến phát hiện của Warren và họ đã cùng nhau bắt đầu nghiên cứu trên những mẫu sinh thiết của 100 bệnh nhân. Sau những nỗ lực nghiên cứu, Marshall đã nuôi cấy thành công loại vi khuẩn cho tới lúc đó còn chưa biết rõ (sau đó được xác định là H. pylori) từ một vài mẫu sinh thiết. Họ cùng phát hiện thấy vi khuẩn này có mặt ở hầu hết tất cả các bệnh nhân viêm dạ dày, loét tá tràng hoặc loét dạ dày. Dựa trên kết quả đó, họ giả định rằng H. pylori có liên quan đến bệnh sinh của các bệnh này.
Ngay cả khi loét dạ dày được chữa lành nhờ ức chế sản sinh acid dịch vị, thì bệnh thường tái phát, vì vi khuẩn và viêm dạ dày mạn tính vẫn còn tồn tại. Trong nghiên cứu điều trị, Marshall và Warren cũng như nhiều nhà khoa học khác đã chỉ ra rằng bệnh nhân chỉ có thể được chữa khỏi loét dạ dày khi tiệt trừ được vi khuẩn trong dạ dày. Nhờ có phát hiện của Marshall và Warren, bệnh loét dạ dày không còn là căn bệnh mạn tính thường gây tàn phế, mà có thể chữa khỏi bằng trị liệu kháng sinh ngắn ngày và ức chế tiết acid.
Loét dạ dày – một bệnh nhiễm khuẩn!
Nhờ sử dụng các kỹ thuật thông thường (nội soi sợi quang, nhuộm bạc mẫu mô học và các kỹ thuật nuôi cấy vi khuẩn ít ái khí), Barry Marshall và Robin Warren đã khẳng định được H. pylori là nguyên nhân gây bệnh. Bằng cách nuôi cấy vi khuẩn, họ đã dễ dàng nghiên cứu khoa học.
Năm 1982, khi Marshall và Warren phát hiện ra vi khuẩn này, stress và lối sống được cho là những nguyên nhân chính của bệnh loét dạ dày. Hiện nay người ta đã chứng minh H. pylori là nguyên nhân của hơn 90% trường hợp loét tá tràng và 80% loét dạ dày. Mối liên quan giữa nhiễm H.pylori với bệnh viêm dạ dày và loét dạ dày sau này đã được chứng minh qua các nghiên cứu trên người tình nguyện, các nghiên cứu về điều trị kháng sinh và nghiên cứu dịch tễ học.
Helicobacter pylori gây nhiễm khuẩn suốt đời
H. pylori là vi khuẩn gram âm hình xoắn sống trong dạ dày của khoảng 50% tất cả mọi người. Ở những nước có mức sống cao thì nhiễm khuẩn ít gặp hơn so với các nước đang phát triển- hầu như mọi người đều nhiễm khuẩn.
Nhiễm khuẩn thường bị mắc từ khi nhỏ, thường bởi lây truyền từ mẹ sang con, và vi khuẩn có thể tồn tại trong dạ dày cho đến hết đời. Nhiễm khuẩn mạn tính khởi đầu ở hang vị. Như báo cáo đầu tiên của Robin Warren, sự hiện diện của H. pylori luôn luôn liên quan với viêm niêm mạc dạ dày sẵn có minh chứng bởi sự thâm nhiễm của tế bào viêm.
Nhiễm khuẩn thường không có triệu chứng nhưng có thể gây loét
Mức độ nặng của viêm và vị trí viêm tại dạ dày là rất quan trọng đối với các bệnh do nhiễm H. pylori gây nên. ? đa số mọi người, nhiễm H. pylori thường không có triệu chứng. Tuy nhiên, khoảng 10-15% người nhiễm sẽ bị loét dạ dày. Những vết loét này thường ở tá tràng hơn là chính tại dạ dày. Các biến chứng nặng bao gồm xuất huyết và thủng vết loét.
Quan điểm hiện nay là viêm mạn tính trong đoạn xa dạ dày do nhiễm H. pylori dẫn đến tăng tiết acid từ vùng thân vị không nhiễm khuẩn. Điều này sẽ dẫn đến phát triển loét ở tá tràng dễ bị tổn thương.
Các bệnh ác tính liên quan đến nhiễm H. pylori
Ở một số người, H. pylori cũng gây nhiễm tại vùng thân vị. Điều này khiến viêm lan rộng hơn dẫn đến không những loét thân vị mà còn gây ung thư dạ dày. Tỉ lệ ung thư dạ dày đã giảm ở nhiều quốc gia trong nửa cuối thế kỷ qua nhưng vẫn đứng thứ 2 trong số các tử vong do ung thư trên toàn thế giới.
Viêm niêm mạc dạ dày cũng là yếu tố nguy cơ u lympho niêm mạc liên quan đến mô bạch huyết (mucosa associated lymphoid tissue- MALT). Vì u lympho có thể thoái triển khi H. pylori bị tiệt trừ bằng kháng sinh, nên vi khuẩn đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì khối u.
Mắc bệnh hay không – sự tương tác giữa vi khuẩn và người nhiễm
H. pylori chỉ hiện diện ở người và đã thích nghi với môi trường dạ dày. Chỉ có rất ít người nhiễm bị bệnh dạ dày. Cơ chế gây bệnh liên tục được làm sáng tỏ.
Bản thân vi khuẩn rất hay biến đổi, và các chủng khác nhau rõ rệt ở nhiều khía cạnh, như sự bám dính vào niêm mạc dạ dày và khả năng gây viêm. Ngay ở một cá nhân nhiễm khuẩn, mọi vi khuẩn không đồng nhất, và trong đợt viêm mạn tính vi khuẩn thích ứng với sự thay đổi trong dạ dày theo thời gian.
Cũng vậy, những biến đổi di truyền giữa mọi người có thể ảnh hưởng đến sự nhạy cảm với H. pylori. Cho tới nay đã có mô hình động vật là chuột nhảy Mông Cổ. Nghiên cứu về loét dạ dày và biến đổi ác tính trên mô hình động vật này hứa hẹn đem lại thông tin chi tiết hơn về cơ chế gây bệnh.
Kháng sinh chữa khỏi bệnh nhưng có thể dẫn tới kháng thuốc
Có thể chẩn đoán nhiễm H. pylori bằng xét nghiệm kháng thể, phát hiện vi khuẩn trong mẫu sinh thiết trong khi nội soi, hoặc bằng test hơi thở không xâm hại phát hiện sự sản sinh enzym của vi khuẩn trong dạ dày.
Việc sử dụng bừa bãi kháng sinh diệt trừ H. pylori cho người khỏe mạnh mang mầm bệnh sẽ khiến vi khuẩn kháng thuốc. Do vậy, điều trị chống H. pylori cần được áp dụng hạn chế cho bệnh nhân không có tiền sử loét dạ dày tá tràng.
Nguồn gốc vi khuẩn của các bệnh viêm mạn tính khác
Nhiều bệnh ở người như bệnh Crohn, viêm loét đại tràng, viêm khớp dạng thấp và xơ mỡ động mạch là do viêm mạn tính. Phát hiện thấy một trong những bệnh thường gặp nhất ở người – bệnh loét dạ dày – có nguyên nhân nhiễm khuẩn, đã khơi dậy sự quan trâm nghiên cứu tìm nguyên nhân vi khuẩn của các bệnh viêm mạn tính khác. Mặc dù chưa có câu trả lời rõ ràng, nhưng dữ liệu hiện nay đã gợi ý rằng sự rối loạn chức năng nhận dạng vi khuẩn của hệ miễn dịch người có thể dẫn đến phát triển bệnh. Phát hiện về H. pylori đem lại hiểu biết rõ hơn về mối liên quan giữa viêm nhiễm mạn tính và ung thư.
P.Liên
theo http://nobelprize.org 3/10/2005
Trang chủ » Tin tức » Giải thưởng Nobel Y học năm 2005