Trang chủ » Tin tức » Điểm báo ngày 26/4/2012

Điểm báo ngày 26/4/2012

"Bệnh lạ" ở Quảng Ngãi: vẫn chưa rõ nguyên nhân
Ngày 25/4, lãnh đạo Cục Y tế dự phòng, Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương cùng nhiều chuyên gia y tế khác đã vào Quảng Ngãi để làm việc với lãnh đạo tỉnh và Sở Y tế Quảng Ngãi về vấn đề bệnh viêm da bàn tay, bàn chân (còn gọi là bệnh lạ) đang bùng phát.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, một chuyên gia của đoàn công tác cho rằng hiện nay chưa thể khẳng định được đặc điểm dịch tễ của bệnh nên chưa thể kết luận nguyên nhân của bệnh là do virút Rickettsia "sốt mò do bọ chét".
Trong đợt công tác này, Bộ Y tế sẽ thiết kế một nghiên cứu dịch tễ và điều tra trên diện rộng về căn nguyên, đường lây, khả năng lây, hướng điều trị của bệnh. Mục tiêu là điều trị và giảm tử vong do căn bệnh này trong thời gian tới. Ngoài ra, nhiều ý kiến cho rằng nếu dinh dưỡng đầy đủ, hạn chế việc khô da ở vùng da viêm và điều trị các vấn đề về gan thì khả năng chữa khỏi bệnh rất cao.
Chiều 25/4, PGS.TS Trần Hậu Khang, Giám đốc Bệnh viện Da liễu trung ương – cũng cho biết thông tin về virút Rickettsia gây nên bệnh viêm da bàn tay, bàn chân tại xã Ba Điền, huyện Ba Tơ (Quảng Ngãi) là không chính xác. Theo bác sĩ Khang, virút Rickettsia "không phải là căn nguyên của bệnh. Hiện chưa có bất cứ phát ngôn chính thức nào về các vấn đề liên quan đến căn bệnh này". Được biết ngay trong chiều 25/4, bác sĩ Khang đã cùng đoàn công tác của Bộ Y tế đến Quảng Ngãi nhằm nghiên cứu thực địa vùng xảy ra bệnh (Tuổi trẻ 26/4).
Vụ nhiều học sinh bị bệnh không rõ nguyên nhân – Bệnh viêm da quang hợp
Ngày 25/4, đoàn công tác của Sở Y tế Quảng Ngãi đã đi kiểm tra thực tế và khám bệnh cho học sinh các trường tiểu học, THCS Sơn Ba (huyện Sơn Hà) mắc bệnh không rõ nguyên nhân với các triệu chứng nổi các vết bầm thâm tím trên người.
Bác sĩ Mai Quang Bắc, phó giám đốc Trung tâm Da liễu Quảng Ngãi, cho biết bước đầu nhận định những học sinh này bị bệnh viêm da do tiếp xúc (còn gọi là viêm da quang hợp) trực tiếp với ánh nắng mặt trời trong nhiệt độ quá cao, cộng thêm các học sinh này thể trạng yếu, thiếu máu, suy dinh dưỡng nặng nên dễ nhiễm bệnh. “Bệnh này không nguy hiểm, chỉ là viêm da bình thường và chữa trị được” ông Bắc nói.
Bệnh trên học sinh không chỉ xảy ra ở xã Sơn Ba mà còn rải rác ở các xã Sơn Hải, Sơn Cao. Đoàn đã lấy mẫu bệnh phẩm để kiểm tra xác định chính xác nguyên nhân của bệnh (Tuổi trẻ, Nông thôn ngày nay, Lao động 26/4).
Thực phẩm biến đổi gen phải ghi nhãn rõ ràng
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa ký ban hành nghị định hướng dẫn thực hiện Luật an toàn thực phẩm. Theo đó, nghị định có hiệu lực từ ngày 11-6-2012, kể từ thời điểm này các nhà sản xuất thực phẩm thay vì công bố tiêu chuẩn sản phẩm như hiện hành sẽ thực hiện công bố hợp quy và công bố phù hợp quy định về an toàn thực phẩm tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền trước khi lưu thông hàng hóa ra thị trường.
Nghị định này cũng quy định rõ giao ba bộ Y tế, Công thương, Nông nghiệp và phát triển nông thôn quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm, theo nguyên tắc bảo đảm xuyên suốt quản lý toàn bộ quá trình từ sản xuất – lưu thông sản phẩm, một sản phẩm chỉ chịu sự quản lý của một bộ, ngành, thay cho việc Bộ Y tế quản lý toàn bộ sản phẩm đã thành thực phẩm, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Công thương quản lý quá trình sản xuất – chế biến như trước đây.
Cũng theo nghị định, lần đầu tiên Chính phủ có quy định về an toàn thực phẩm với sản phẩm biến đổi gen, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn có trách nhiệm thành lập hội đồng an toàn sinh vật biến đổi gen, lập danh sách sản phẩm biến đổi gen được sử dụng làm thực phẩm. Sản phẩm có tỉ lệ biến đổi gen trên 5% phải ghi nhãn rõ ràng và thể hiện thông tin liên quan đến sinh vật biến đổi gen trên nhãn hàng hóa (Tuổi trẻ, Nhân dân 26/4).
Tôi đề nghị cử bác sĩ giỏi chứ không phải mổ theo yêu cầu
Đào Quang Vinh (TP.HCM): Ngày 13/4, vợ tôi là Nguyễn Thị Tuyết Trinh bị đau ruột thừa và nhập viện mổ tại Bệnh viện Q.9 (TP.HCM). Khi ấy tôi đề nghị bệnh viện cử bác sĩ có tay nghề giỏi phẫu thuật cắt ruột thừa (mổ hở) cho vợ tôi để đảm bảo an toàn.
Tuy nhiên, khi vợ tôi xuất viện bệnh viện lại tính tiền mổ theo yêu cầu là 3,5 triệu đồng, trong khi mổ thường chỉ phải đóng khoảng 1 triệu đồng. Cộng thêm các khoản viện phí khác, vợ tôi nằm viện ba ngày mà phải đóng viện phí hơn 6 triệu đồng. Tôi không đồng ý và nói rõ tôi không đăng ký mổ yêu cầu cho vợ mà chỉ đề nghị cử bác sĩ giỏi mổ vì sợ bệnh viện cho bác sĩ thực tập mổ. Nhân viên bệnh viện bắt bẻ rằng chọn bác sĩ giỏi là chọn mổ theo yêu cầu. Tôi thấy không thông vì bệnh viện không công khai thế nào là mổ dịch vụ, mổ thường…
Bác sĩ Trần Minh Tâm (giám đốc Bệnh viện Q.9) trả lời:
Bệnh nhân Nguyễn Thị Tuyết Trinh nhập viện tại khoa ngoại ngày 13/4. Trong quá trình tiếp nhận và chuẩn bị phẫu thuật, nhân viên của bệnh viện có tư vấn cho bệnh nhân về việc mổ thường, mổ theo yêu cầu. Đại diện người bệnh là ông Đào Quang Vinh đã ký vào bản đăng ký chữa bệnh theo yêu cầu, chọn bác sĩ giỏi phẫu thuật cho bệnh nhân và đăng ký hậu phẫu nằm phòng máy lạnh, có tivi và nhà vệ sinh trong phòng.
Ngoài ra, ca mổ cắt ruột thừa cho bệnh nhân Tuyết Trinh là trường hợp mổ khó do ruột thừa nằm ở vị trí bất thường (sau manh tràng) nên bệnh viện phải tăng cường êkip phẫu thuật cho bệnh nhân, dẫn đến công phẫu thuật có tăng (viêm ruột thừa bình thường 1,5 triệu đồng, viêm ruột thừa khó 2,5 triệu đồng).
Khi bệnh nhân xuất viện, bệnh viện có liệt kê các chi tiết thanh toán ra viện bằng phiếu thanh toán ra viện và ông Đào Quang Vinh đã ký nhận trên phiếu này. Như vậy bệnh viện đã công khai hết các chi phí cho bệnh nhân. Nếu còn thắc mắc, ban giám đốc bệnh viện mời bệnh nhân và người nhà đến bệnh viện để được giải thích rõ hơn (Tuổi trẻ 26/4).
Đua nhau tăng viện phí kịch trần
Thông tin 447 dịch vụ y tế sẽ tăng giá ít nhất trong tháng 7 tới khiến các bệnh viện (BV) “thở phào” trước việc gồng mình chịu trận lỗ lâu nay. Điều đáng nói, chính vì khung giá viện phí đưa ra mở khiến các BV đua nhau đăng ký tăng lên giá kịch trần, mặc cho sự chênh lệch giữa các tuyến điều trị, hạng BV, thương hiệu BV…       
Nhiều bệnh viện tại TPHCM đã tăng viện phí từ lâu.
Tăng giá kịch trần để đón đầu
Chiều 24/4, Sở Y tế Hà Nội đã họp với các BV trực thuộc để nói rõ yêu cầu: Các BV sẽ đưa ra khung giá mới trên cơ sở thực thanh, thực chi. Nghĩa là các BV sẽ làm lại giá, căn cứ vào giá điện, nước, vật tư tiêu hao… tính toán chi phí thực để đưa ra giá, nhưng không được vượt trần bộ đã quy định. Các BV hạng 1, hạng 2 sẽ họp riêng và đưa ra bảng giá phù hợp cho phân hạng của mình. Phải có những tiêu chí này trình thì mới thuyết phục được UBND TP phê duyệt.
Bà Nguyễn Thị Xuyên, Thứ trưởng Bộ Y tế cũng đã yêu cầu: “Thông tư đã quy định khá chi tiết các cơ cấu giá thành của từng dịch vụ nên các BV sẽ không thể đề xuất mức phí quá cao được. Vì như chi phí cho giường bệnh không đạt chuẩn, không có điều hòa thì không thể đòi thu phí cao… Đối với BV hạng 1, BV đặc biệt thì đề xuất mức tối đa là hợp lý, còn BV hạng 2, 3 phải thu thấp hơn”.
Tuy nhiên, trong hội nghị triển khai thông tư 04 tại Hà Nội sáng 23/4 vừa qua, ông Nguyễn Minh Thảo, Phó TGĐ BHXH VN cho hay: Đến thời điểm này, hầu hết các BV đã xây dựng khung giá viện phí trình phê duyệt, đưa ra khung giá ở mức tối đa. Như vậy là bất hợp lý vì chất lượng dịch vụ khác nhau giữa các tuyến điều trị, hạng BV thì giá khác nhau và không được vượt trần”. GĐ một BV hạng 1 ở Hà Nội nhận định: Khả năng các BV đưa ra bảng giá kịch trần là rất cao, bởi đây là bảng giá sẽ áp dụng cho một thời gian dài nhất định, phải tính đến yếu tố trượt giá, đón đầu.
Vả lại, đây cũng chỉ là giá một phần viện phí, chứ chưa phải tính đủ nên họ không dại gì đưa ra một mức giá thấp hơn giới hạn cho phép. Các BV hạng 1 hay 2 đều lý luận dù họ ở hạng nào cũng phải sử dụng từng đó các chi phí cơ sở vật chất, điện nước, vật tư tiêu hao chứ không được mua với giá thấp hơn. Thực tế, hầu hết các BV khi xây dựng khung giá viện phí trình phê duyệt đều đưa ra ở mức tối đa, bất chấp chất lượng dịch vụ khác nhau giữa các tuyến điều trị, hạng bệnh viện… Thậm chí, nhiều BV xây dựng giá dịch vụ y tế không đúng theo pháp luật giá và tăng 20% so với giá trần.
Tại TPHCM, các BV đã truyền nhau cách tăng như: Nếu giá dịch vụ nào có mức giá dưới 500.000 đồng thì khi xây dựng khung giá tăng 100% theo mức tối đa của Bộ Y tế, nếu giá dịch vụ ở mức trên 500.000 đồng thì tăng từ 85 – 90%. Thậm chí, việc tăng giá cũng được các BV ngầm tham khảo lẫn nhau để khỏi bị vượt trội giá hoặc giá không bị xuống thấp… Thậm chí, nhiều BV khi đưa ra mức tăng giá khám, điều trị kịch trần cũng chỉ bằng hoặc thấp hơn mức giá mà các BV đã thu trước đây.
Cụ thể, tại BV Nhi Đồng 1, khám thông thường có giá 30.000 đồng/ lượt từ nhiều  năm nay. Tương tự, tại BV Nhi Đồng 2, mỗi lượt khám từ 30.000 đồng, còn khám dịch vụ là 60.000 đồng. Các BV khác điều trị cho người lớn như: BV Nhân Dân Gia Định, BV Bệnh nhiệt đới là 20.000 đồng/lượt khám hay một BV tuyến quận, huyện là BV Đa khoa Tân Bình cũng 20.000 đồng/lượt khám. Tại BV Ung bướu, giá khám dịch vụ lâu nay là 30.000 đồng/lượt, giá một giường bệnh là 100.000 đồng/ngày. BV Chợ Rẫy thì tiền khám bệnh là 30.000 đồng/lượt khám…
Quy định cụ thể để tránh đua nhau tăng kịch trần
Ông Phạm Lương Sơn, Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT cho rằng, các BV phải công khai bảng giá các dịch vụ để người bệnh biết. Tuyệt đối không được thu thêm của người bệnh các chi phí đã tính trong cơ cấu giá. Liệu có hợp lý khi các BV có sự “chênh lệch” giữa các tuyến, thương hiệu ào ào đưa ra mức giá kịch khung, ai kiểm soát việc thu phí, khám dịch vụ? Việc đưa ra khung giá theo kiểu tăng “cào bằng” giữa các BV liệu có hợp lý? Hội đồng thẩm định giá viện phí cần nhanh chóng có cuộc họp để tính toán chi tiết trong việc phân nhóm BV để quy định mức thu cụ thể đối với các kỹ thuật, thủ thuật ở BV hạng đặc biệt, trung ương, tỉnh, quận huyện… Nếu không quy định rõ, việc tăng giá kịch trần sẽ tiếp tục tái diễn và nạn nhân hứng chịu chính là những người chưa tham BHYT.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên cho rằng, BV khi triển khai tự chủ tài chính, giám đốc BV không được giao khoán mức thu, chi cho khoa phòng, đơn vị thuộc BV như từng diễn ra tại một số nơi gây bức xúc cho người bệnh. Bộ Y tế cũng lưu ý địa phương căn cứ vào tình hình kinh tế – xã hội, thu nhập của người dân, tỉ lệ tham gia bảo hiểm y tế để đề xuất mức viện phí phù hợp, tránh hiện tượng đề xuất viện phí vượt khung để được phê duyệt theo mức kịch trần trong khung, trong khi điều kiện người dân tại địa phương còn khó khăn. Bà Xuyên nhận định: “Khi triển khai thông tư 04, một số địa phương chưa hiểu rõ. Bộ sẽ thêm một hướng dẫn chi tiết để các cơ sở y tế hiểu rõ hơn, xây dựng mức viện phí mới cho đúng”. Tuy nhiên, khó có thể nói rằng trên thực tế các BV chưa hiểu rõ thông tư 04, bởi đây là vấn đề liên quan đến “nồi cơm” sống còn của mỗi BV.
Mục tiêu của Bộ Y tế trong đợt tăng giá viện phí lần này là nâng cao chất lượng phục vụ người bệnh. 
Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội lại “giằng co”
Từ nay đến tháng 7, một bảng giá cụ thể cho từng hạng bệnh viện (BV) sẽ được đưa ra. Đây sẽ là lúc BV và Cơ quan BHXH VN đấu tranh để có thể đưa ra mức giá cân đối cho cả hai bên. Trong bối cảnh tự chủ tài chính là bắt buộc, xã hội hóa được khuyến khích, các BV chắc chắn sẽ phải tìm cách thu được nhiều nhất. Và gánh nặng tài chính nếu không đổ lên đầu quỹ BHYT thì sẽ trượt sang vai người dân mà thôi (Lao động 26/4).
Tuyệt đối không mua thuốc của người bán dạo
Ngày 24/4, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên đã ký công văn gửi Chủ tịch UBND các địa phương đề nghị chủ động triển khai một số nhiệm vụ giải quyết tình trạng ngộ độc chì.
Theo Công văn số 2369/BYT-YDCT, Bộ Y tế đề nghị Chủ tịch UBND các địa phương chỉ đạo Sở Y tế phối hợp với các sở, ban, ngành và chính quyền các cấp khẩn trương thành lập các đoàn thanh, kiểm tra các cơ sở hành nghề y học cổ truyền tư nhân trên địa bàn; đình chỉ các cơ sở hành nghề không phép; nghiêm cấm việc hành nghề khám chữa (KCB) bệnh rong, bán thuốc dạo; đình chỉ các cơ sở tự sản xuất, kinh doanh (KD) thuốc cam khi chưa được phép của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền; lấy mẫu các loại thuốc cam (kể cả các loại đã được sản xuất, lưu hành) để kiểm nghiệm hàm lượng chì và báo cáo kết quả kiểm nghiệm về Bộ Y tế (Vụ Y dược cổ truyền) trước ngày 15/5/2012.
Từ thực tế qua kiểm tra tại một số địa phương và qua báo cáo của một số bệnh viện về tình trạng người bệnh bị ngộ độc chì do sử dụng thuốc cam nói riêng và thuốc không rõ nguồn gốc, chưa được cơ quan chức năng cấp phép nói chung… ThS. Nguyễn Hoàng Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Y dược cổ truyền cho biết, Bộ Y tế đã và đang đẩy mạnh tuyên truyền việc triển khai Luật Khám chữa bệnh và công tác hành nghề KCB để các cơ sở y tế hành nghề đúng theo quy định của pháp luật. Đồng thời Bộ Y tế khuyến cáo, người dân nếu có nhu cầu KCB cần đến các cơ sở y tế đã được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động; tuyệt đối không mua thuốc cam và các loại thuốc của những người bán thuốc dạo, những thuốc không rõ nguồn gốc, thuốc chưa được cơ quan chức năng cho phép sản xuất, lưu hành. Đặc biệt, Bộ Y tế cũng khuyến nghị người dân nếu phát hiện người hành nghề KCB rong, hoặc bán thuốc dạo cần báo ngay cho cơ quan y tế để kiểm tra, xử lý.

Liên quan đến vấn đề này, UBND TP. Hà Nội cũng đã yêu cầu Sở Y tế các quận/huyện, thị xã tăng cường kiểm tra, đình chỉ các cơ sở bán thuốc cam không phép. Các đơn vị phải có trách nhiệm rà soát, phúc tra các cơ sở hành nghề y dược tư nhân trên địa bàn, tịch thu tiêu hủy các loại thuốc cam không rõ nguồn gốc, không đăng ký với các cơ quan có thẩm quyền. Kiên quyết đình chỉ các cơ sở không có giấy phép, đặc biệt lưu ý các cơ sở hành nghề KD tại các chợ, vùng sâu, vùng xa… (Sức khỏe & Đời sống, An ninh Thủ đô, Lao động 26/4)

Gửi thảo luận