Bệnh viêm da bàn tay, bàn chân ở Quảng Ngãi: Dương tính với vi – rút “sốt mò do bọ chét”
Tối 24-4, ông Phạm Hồng Phương, giám đốc Sở Y tế Quảng Ngãi, cho biết chiều 24-4, thông tin sơ bộ của Bộ Y tế vừa thông báo kết quả bước đầu xác định dương tính với virút Ricketsia “sốt mò do bọ chét” gây nên bệnh viêm da bàn tay, bàn chân tại xã Ba Điền, huyện Ba Tơ (Quảng Ngãi).
Theo đó, có đến 14 mẫu máu dương tính với virút Ricketsia trong số 26 mẫu lấy từ bệnh nhân. Trong số mẫu xét nghiệm có 30% mẫu của bệnh nhân hồng cầu nhỏ, dễ vỡ dẫn đến tử vong.
Thông tin từ Bộ Y tế hôm 24-4 cho hay trong bốn ngày từ 25 đến 28-4, bộ sẽ có ba đoàn công tác, trong đó có đoàn do Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, đoàn do Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long dẫn đầu sẽ vào Quảng Ngãi nghiên cứu thực địa vùng xảy ra bệnh (Tuổi trẻ, Thanh niên, Nông thôn ngày nay 25/4).
Chưa rõ nguyên nhân bệnh viêm da của học sinh
Chiều 24-4, ông Phạm Văn Trường – trưởng Trạm y tế xã Sơn Ba, huyện Sơn Hà (Quảng Ngãi) – cho biết có thêm một HS mắc bệnh không rõ nguyên nhân, đó là em Đinh Thị Hên (12 tuổi), HS Trường THCS Sơn Ba.
Học sinh này xuất hiện các vết bầm trên cơ thể và được chuyển xuống điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Sơn Hà. Đến nay toàn xã Sơn Ba có 19 học sinh có những triệu chứng chưa rõ nguyên nhân với những vết bầm, thâm tím, tập trung chủ yếu ở chân, tay và mặt. Theo các học sinh bị bệnh, vết bầm không đau nhức, nhưng lúc đầu có cảm giác nóng, rát khó chịu.
Ông Đinh Văn Phua, phó chủ tịch UBND xã Sơn Kỳ, cho rằng nhiều khả năng số học sinh này bị bệnh do tiếp xúc với thuốc diệt cỏ khi đi chăn trâu, chăn bò trên núi, nơi phun thuốc diệt cỏ vì tại địa phương này từng xảy ra việc 10 người dân bị như thế, nôn ói, tê nhức chân tay, choáng váng sau khi phun thuốc diệt cỏ.
Hiện hai học sinh điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi là Đinh Thị Hiền (10 tuổi) và Đinh Thị Nhung (10 tuổi) của Trường tiểu học Sơn Ba đã điều trị tan các vết bầm, được cho xuất viện. Bác sĩ Lê Thị Bích Liên, trưởng khoa da liễu Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi, cho biết hai trường hợp này chuyển xuống điều trị tại bệnh viện chỉ là viêm da bình thường và đã chữa khỏi nhưng không xác định được viêm da loại gì, nguyên nhân từ đâu.
Ông Đặng Minh Hoàng, giám đốc Trung tâm Y tế huyện Sơn Hà, cho biết ngay khi nhận được thông tin, trung tâm đã cử nhân viên y tế xuống địa bàn xã kiểm tra. Bước đầu xác định đây không phải là bệnh viêm da "lạ" như xảy ra ở huyện miền núi Ba Tơ. "Chúng tôi đang kiểm tra, tìm hiểu làm rõ nguyên nhân của bệnh để có hướng điều trị kịp thời cho người dân", ông Hoàng nói.
Ngày 24-4, UBND huyện Sơn Hà đã có văn bản chỉ đạo ngành y tế huyện kiểm soát chặt chẽ tình hình diễn biến của bệnh, đồng thời yêu cầu Sở Y tế vào cuộc phối hợp xử lý bệnh. Hôm nay 25-4, Sở Y tế Quảng Ngãi cử cán bộ y tế về xã Sơn Ba để tìm hiểu nguyên nhân, đồng thời tiến hành các bước lấy mẫu bệnh phẩm để cho kết luận về căn bệnh này (Tuổi trẻ, Lao động 25/4).
Thịt gà “ăn gian” hạn sử dụng
Theo chân đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh Bình Dương, hôm qua PV Thanh Niên đã ghi nhận một thực tế đáng lo ngại về an toàn thực phẩm tại các kho chứa thịt đông lạnh.
Kiểm tra hàng hóa của Công ty CP chăn nuôi C.P Việt Nam đang gửi tại kho đông lạnh của Công ty TNHH Swire Coid Storage VN (KCN Sóng Thần 1, TX.Dĩ An, Bình Dương), đoàn kiểm tra phát hiện các loại chân gà, đùi gà 1/4, da gà có mỡ với số lượng lớn chỉ còn khoảng 1 tháng nữa là hết hạn sử dụng (HSD). Đặc biệt, theo các thành viên trong đoàn, việc doanh nghiệp (DN) dùng nhãn mác in ngày sản xuất và HSD rồi dán vào các bọc ni lông có chứa sản phẩm là rất dễ thay đổi. Một thành viên đoàn kiểm tra phân tích, trong trường hợp thực phẩm đã hết HSD thì chỉ cần lột nhãn cũ ra rồi dán nhãn mới vào là được. Vừa nói, vị cán bộ vừa dùng tay lột nhãn HSD trên bao bì ra để chứng minh.
Đáng chú ý, lãnh đạo Chi cục Thú y Bình Dương cho biết sau khi đoàn kiểm tra rút đi, ngay trong chiều cùng ngày toàn bộ 800 kg đùi má gà còn hạn 2 ngày sử dụng của DN này đã được bộ phận quản lý kho lạnh “trục xuất” ra khỏi kho và được “sơ tán” về Đồng Nai để làm… nguyên liệu. Trao đổi qua điện thoại với PV, đại diện công ty không giải thích rõ số đùi gà được làm “nguyên liệu” cho người hay gia súc. Riêng số thịt đùi gà, da gà có mỡ, chân gà đã cận HSD thì công ty không bán ra thị trường. Vị đại diện của DN này cũng nói đến ngày 26.4 (cũng là ngày hết HSD của số thực phẩm – PV) sẽ lên Chi cục Thú y Bình Dương để giải trình với đoàn kiểm tra.
Công ty Thực Phẩm Vàng cũng đang lưu trữ trên 7,9 tấn thịt động vật đông lạnh, phần lớn là đùi gà, tại kho chứa hàng ở đường An Bình, thị xã Dĩ An. Theo trình bày của đại diện DN này với đoàn kiểm tra, nguồn nguyên liệu do nhập từ nước ngoài về thông qua một công ty khác. Số còn lại đa phần là thực phẩm sản xuất ở trong nước. Khi nhập hàng vào kho, đa số thịt đùi gà còn HSD từ 5 tháng trở lên. Công ty tổ chức cho công nhân sơ chế, xắt miếng theo yêu cầu của khách hàng rồi đóng gói rút chân không. Đáng lo ngại là, sau khi đóng gói sản phẩm, DN in nhãn mác rồi tự đóng dấu ngày sản xuất (bằng tiếng Anh) cùng HSD 6 tháng rồi dán qua loa lên bao bì sản phẩm (Thanh niên 25/4).
80% người tiêu dùng phải dùng thịt bẩn?
Nhưng con số “ấn tượng” này được công bố tại buổi làm việc của Bộ NN-PTNT với UBND TP.Hà Nội về kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn thủ đô diễn ra chiều 24.4.
Ông Nguyễn Huy Đăng, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Hà Nội cho biết, hiện Hà Nội có 444 điểm cơ sở giết mổ nhỏ lẻ nằm trong khu dân cư “nhiều không”: không bố trí các khu riêng biệt, không có khu xử lý thịt và phụ phẩm đạt tiêu chuẩn vệ sinh thú y, không có hệ thống xử lý chất thải rắn và lỏng gây mất vệ sinh môi trường, sử dụng nước giếng khoan không qua xử lý và trang bị dụng cụ thô sơ…
Chưa hết, 3.700 hộ giết mổ gia súc, gia cầm khác cung cấp trên 47% lượng thịt trâu bò, 37% lượng thịt heo và 57% lượng thịt gia cầm cho toàn Hà Nội nhưng lực lượng thú y gần như không kiểm soát được. 13 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm bán thủ công cũng chưa đảm bảo các điều kiện vệ sinh thú y, chưa thực hiện đúng quy trình giết mổ theo quy định: giết mổ trên sàn, không có móc treo, vận chuyển bằng xe máy, không bao gói…
“Có tới 80% số người tiêu dùng được khảo sát cho biết sẵn sàng chấp nhận sử dụng sản phẩm chưa qua kiểm soát thú y, sản phẩm không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Đây là nguồn tiếp sức cho người sản xuất, kinh doanh không chấp hành quy định của pháp luật, luôn có ý thức chống đối, gây khó khăn cho công tác quản lý về an toàn vệ sinh thực phẩm”, ông Đăng nói.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Như Mai, Phó giám đốc Sở Công thương Hà Nội cho rằng, các vi phạm về quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm ngày càng phổ biến và có chiều hướng gia tăng nhưng chế tài xử lý quá nhẹ, không đủ sức răn đe, khiến người vi phạm “nhờn thuốc” và sẵn sàng tái phạm chỉ vì nghị định hướng dẫn thi hành luật An toàn vệ sinh thực phẩm chưa được ban hành. “Chúng tôi phải mật phục cả đêm mới bắt được một xe gà lậu nhưng xử lý còn vất vả hơn nhiều. Mức xử phạt tối đa là 15 triệu đồng, chưa thấm vào đâu so với số tiền cơ quan hữu trách phải bỏ ra để tiêu hủy tang vật, lên đến hàng trăm triệu đồng. Vì thế, khi bị bắt, các chủ hàng thường bỏ của chạy lấy người, để lại một đống khó khăn cho lực lượng chức năng. Thời gian qua, chúng tôi bắt được nhiều vụ vi phạm nghiêm trọng, trong đó tỷ lệ tái phạm rất cao”, bà Mai bức xúc (Thanh niên, An ninh Thủ đô 25/4).
Nguyện ước của những cách chim cuối trời – Quà tặng cho sự sống
“Họ là những người thầy của chúng tôi” – thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Đức Nghĩa – Phó trưởng Bộ môn giải phẫu Trường Đại học Y Hà Nội – trang trọng nói vậy khi đưa chúng tôi vào phòng trưng bày của Viện Giải phẫu nằm trên đường Tăng Bạt Hổ (Hà Nội), chứng kiến buổi học ngày 24.4 của sinh viên năm thứ nhất thực hành trên xác người đã hiến cho y học.
BS Nghĩa cho biết, số lượng đơn xin hiến thì nhiều, khoảng hơn 300 đơn, nhưng số người thực sự hiến thì quá ít. Năm – sáu năm nay chỉ tiếp nhận được 5 người. Người hiến càng ít, sinh viên lại càng phải học chay trên mô hình với môn giải phẫu – môn khởi nghiệp của những người lựa chọn nghề cứu người. Hiện nay tại Trường ĐH Y Hà Nội, 1.000 SV được thực hành trên có 2 xác người. BS Nghĩa dẫn tôi đến nơi “yên nghỉ” của một chàng trai trẻ người Nam Định. Đi du học ở Mỹ, nhưng anh biết mình lâm bệnh nặng nên có nguyện vọng được hiến xác cho ngành y. BS Nghĩa nói: “Thi hài của anh chúng tôi vẫn đang để “dành” dù đã hiến được 3 năm rồi”.
So với Trường ĐH Y Hà Nội thì tại Trường ĐH Y – dược TPHCM và ĐH Phạm Ngọc Thạch có phần “dồi dào” hơn về nguồn hiến xác. ThS – BS Trang Ngọc Khôi – giảng viên ĐH Y – dược TPHCM – cho hay, hiện có khoảng 17.000 hồ sơ đăng ký hiến, đã tiếp nhận được 477 người. Và người thứ 477 là cụ Sáu Nam – cha của nhà báo Nguyễn Phấn Đấu. ĐH Phạm Ngọc Thạch hiện nhận được 3.293 hồ sơ xin hiến, số xác nhận được là 20. Riêng Trường ĐH Y – dược Huế thì chưa nhận được xác người hiến, mới chỉ nhận được 5 hồ sơ. GS – TS Cao Ngọc Thành – Hiệu trưởng Trường ĐH Y – dược Huế – không giấu nổi sự buồn bã vì SV trường ông vẫn phải học trên những xác có từ mấy chục năm rồi. Theo ThS – BS Nguyễn Đức Nghĩa thì mỗi xác người, SV chỉ học được tối đa trong 1 năm vì bị biến dạng, nhưng dẫu sao vẫn còn hơn là học chay trên mô hình.
Nhà nghiên cứu văn hóa Huế – ông Hồ Tấn Phan cho hay, sở dĩ người dân nói chung không mặn mà lắm với chuyện hiến xác cho y học là do tập quán và văn hóa tâm linh vì “chết không được toàn thây”. Thầy Quán Như – nghiên cứu sinh thạc sĩ tại Viện Nghiên cứu Phật học Viên Quang – trong bài viết “Dâng tặng thân xác cho đời” đã lý giải dưới góc nhìn Phật giáo của pháp sư Huệ Mẫn: Chúng ta phải thừa nhận rằng bất cứ vật gì trong vũ trụ này đều không thuộc quyền sở hữu của ta. Ngay cả thân thể này cũng vậy, nó chỉ là tạm thuê, khi đến kỳ hạn thì phải hoàn trả. Nhưng chúng ta thường cho rằng ở lâu thì “ăn mày đuổi thần miếu” và lấy đó làm của mình, giống như Phật giáo gọi đó là “chấp ngã”, thật ra thân thể này không phải là của ta. Do đó, “hiến tặng thân xác” kỳ thật là “hoàn trả thân xác”. Vì thân “tứ đại” là của tự nhiên, chúng ta chỉ tạm thời bảo quản có thời hạn. Bảo quản lâu rồi thì lại muốn chiếm làm của riêng, giống như “khách trọ giành quyền làm chủ”. Còn cha mẹ của VĐV Đỗ Xuân Tâm thì: “Con tôi vẫn còn nguyên tại Trường ĐH Y – dược, lâu lâu nhớ con lại vô thăm và vẫn thấy con còn đó” (Lao động 25/4).
45 năm ngành châm cứu Việt Nam
Ngày 24-4, Trung ương Hội Châm cứu Việt Nam kỷ niệm 45 năm xây dựng và phát triển ngành châm cứu Việt Nam (1967 – 2012). Ðến dự, có nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu và các đồng chí nguyên lãnh đạo Ðảng, Chính phủ, Quốc hội. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gửi lẵng hoa chúc mừng.
Có lịch sử ra đời hàng nghìn năm, châm cứu đã có nhiều đóng góp trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Ngày nay, với phương châm kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại, châm cứu tham gia giải quyết được nhiều chứng bệnh hiểm nghèo, như việc ứng dụng châm tê mổ thành công cho 60 loại phẫu thuật hay tham gia điều trị thành công các bệnh: liệt nửa người, liệt toàn thân, câm, điếc… hay hỗ trợ cắt cơn nghiện ma túy. Trong đó có nhiều kỹ thuật đang được ứng dụng hiệu quả ở tuyến dưới. Với mạng lưới rộng khắp trong cả nước cũng như có nhiều nghiên cứu giá trị Hội Châm cứu Việt Nam được Liên hiệp Hội Châm cứu thế giới đánh giá là một trong năm hội châm cứu tiêu biểu (Nhân dân 25/4).
Vào làng “bệnh lạ”
Nhiều ngày qua các tổ chức y tế và chính quyền địa phương đang nỗ lực tìm kiếm nguyên nhân gây ra căn “bệnh lạ” ở xã Ba Điền, huyện Ba Tơ. Để có cái nhìn bao quát hơn về hiện tượng này, chúng tôi đã có cuộc thâm nhập “lãnh địa bệnh lạ”.
Ô nhiễm môi trường trầm trọng
Theo chân người dân địa phương, chúng tôi đến thôn Huy Long, xã Ba Điền, huyện Ba Tơ – nơi có 28 ca mắc “bệnh lạ”. Điều đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là vấn đề vệ sinh môi trường không được đảm bảo. Theo phong tục của đồng bào ở đây mỗi nhà đều có một chuồng trâu sát ngay bên cạnh, thậm chí được bố trí trước sân nhà. Nghề chính của đồng bào nơi đây là làm lúa nước, vì vậy việc nuôi trâu, bò để lấy phân là điều rất cần thiết. Tuy nhiên với cách lấy phân không khoa học, ăn, ở không hợp vệ sinh đã dẫn đến ô nhiễm môi trường trầm trọng.
Để cận cảnh người bị mắc “bệnh lạ”, chúng tôi đến thôn Làng Rêu gặp Phạm Văn Trách (16 tuổi). Khi chúng tôi đến cũng là lúc Trách đang ăn cơm trưa, trên thân thể đầy vết lở loét. Thức ăn bị ruồi bám dày đặc. Qua quan sát, chúng tôi bắt gặp ngay chuồng trâu nằm ngay sát nơi ăn cơm của Trách. Phân, ruồi, nhặng và các loại côn trùng khác bám khắp ngôi nhà sàn. Anh Nguyễn Văn Đây – người dân địa phương cho biết, đa số đồng bào ở đây thường uống nước suối không đun sôi rồi đi làm. Dưới ngôi nhà của Trách có một con suối chảy qua, con suối này vừa dùng để giặt đồ, vừa để ăn, uống…
Theo thống kê mới nhất của Ban Tuyên giáo – Huyện ủy Ba Tơ thì đến nay trên địa bàn huyện (gồm các xã: Ba Điền, Ba Ngạc, Ba Tô, Ba Xa và Ba Vinh) đã có 172 ca bị mắc “bệnh lạ”, trong đó 19 người bị tử vong (đều ở xã Ba Điền). Cũng theo thống kê, ở thôn Làng Rêu, xã Ba Điền có tỷ lệ ca mắc bệnh cao nhất (89/172 ca).
UBND huyện Ba Tơ cũng đã có văn bản đề nghị Trung tâm nhiệt đới Việt – Nga; Cục Quân y, Bộ Quốc phòng và Bộ Tư lệnh Hóa học thuộc Bộ Quốc phòng nghiên cứu tìm căn nguyên “bệnh lạ”.
Tổng vệ sinh “lãnh địa bệnh lạ”
Trước sự phức tạp của “bệnh lạ”, lãnh đạo Công an huyện Ba Tơ cùng Huyện đoàn Ba Tơ triển khai 100 đoàn viên thanh niên đến dọn vệ sinh tại 4 thôn Làng Rêu, Huy Long, Làng Tương và Gò Nghênh, xã Ba Điền (Ba Tơ). Thu gom rác thải sinh hoạt, quét dọn phân trâu, phân bò từ khắp các ngã đường và tại nhà dân. Trung tâm y tế huyện Ba Tơ tiến hành phun thuốc diệt khuẩn tại nhà ở của bà con, tường rào và chuồng trâu…
Anh Phạm Văn Oa – Phó Bí thư xã Ba Điền cho biết: lực lượng thanh niên Công an và đoàn viên các cơ sở ở huyện Ba Tơ đến thăm hỏi, tổng vệ sinh đã phần nào giải tỏa tâm lý hoang mang trong bà con. Trong hai ngày 21 và 22-4, không khí dọn vệ sinh và giao lưu giữa thanh niên với bà con ở xã Ba Điền làm vơi đi căng thẳng về căn “bệnh lạ”. Trung úy Huỳnh Thị Thảo – Bí thư đoàn thanh niên Công an huyện Ba Tơ cho biết: “Thời gian tới chúng tôi tiếp tục tham mưu cho lãnh đạo Công an huyện triển khai lực lượng về xã Ba Điền để giúp bà con, đặc biệt là người bị bệnh dọn vệ sinh, tăng gia sản xuất. Đồng thời tổ chức tuyên truyền pháp luật lồng ghép với công tác kêu gọi bảo vệ môi trường…” (An ninh Thủ đô 25/4).
Phát hiện bệnh “ma cà rồng” tại Việt Nam
Lần đầu tiên các bác sĩ Bệnh viện Da liễu T.Ư đã phát hiện và điều trị cho một bé gái mắc bệnh “ma cà rồng”. Đến nay trên thế giới, đây vẫn được coi là một căn bệnh hiếm gặp. Những người mắc bệnh vĩnh viễn không được tiếp xúc với ánh nắng.
Bác sĩ Nguyễn Tiến Thành, Khoa bệnh về da của phụ nữ và trẻ em (Bệnh viện Da liễu T.Ư) cho biết, đây là lần đầu tiên Bệnh viện Da liễu T.Ư tiếp nhận một trường hợp mắc bệnh lạ như vậy nên ban đầu các bác sĩ đưa ra những chẩn đoán phân biệt. Tuy nhiên sau khi làm các xét nghiệm và định lượng porphyrin trong máu, nước tiểu, các bác sĩ đã chẩn đoán cháu Tr. mắc căn bệnh Porphyrin bẩm sinh thể hiếm gặp. Đây là một bệnh di truyền gene lặn do thiếu sót enzym trong quá trình tổng hợp nhân Heme.
Theo TS Nguyễn Duy Hưng, Tổng thư ký Hội Da liễu Việt Nam, Porphyrin là căn bệnh hiếm gặp của cả nhân loại. Đến nay mới chỉ phát hiện khoảng 200 trường hợp từ nhẹ đến nặng. Nhiều người gọi đây là “bệnh ma cà rồng” bởi đặc tính bùng phát tổn thương da khi tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời và hậu quả để lại những vết sẹo gây biến dạng khủng khiếp trên mặt, tay, chân bệnh nhân, thậm chí gây co quắp, rụt các chi. Thêm vào đó, lớp da quanh môi mỏng hơn và co lại khiến răng lộ ra. Khi da và lợi tổn thương nên người bệnh dễ chảy máu ở khóe miệng, nước tiểu và răng bệnh nhân chuyển sang màu nâu đỏ.
Bác sĩ Thành cho biết, với Tr, sau hơn 1 tháng điều trị, bệnh có dấu hiệu khả quan, các tổn thương trên da giảm dần. Trên da bệnh nhân không xuất hiện những tổn thương mới, các mụn nước cũng đã xẹp và đóng vảy, sức khỏe bệnh nhân được cải thiện rõ rệt. Bệnh nhân đã được xuất viện.
Tuy nhiên, TS Nguyễn Duy Hưng cho rằng, bệnh nhân vẫn phải thăm khám định kỳ bởi phương pháp điều trị hiện nay mới chỉ là điều trị triệu chứng, chưa phải là điều trị nguyên nhân.
Phía gia đình phải chăm sóc bệnh nhân theo một chế độ nghiêm ngặt và mọi sự tiếp xúc ánh nắng đều bị cấm. “Cháu bé phải được theo dõi lâu dài, đặc biệt kiểm tra thị lực thường xuyên vì có thể biến chứng viêm kết mạc giác mạc, lộn mi, dính mi thậm chí bị mù”- TS Hưng nói.
Do chưa có phương thuốc đặc trị bệnh “ma cà rồng” nên để hạn chế mức độ trầm trọng, bác sĩ Thành lưu ý, phải bảo vệ da cho bệnh nhân khỏi ánh nắng bằng những biện pháp thông thường như mặc áo chống nắng, đội mũ rộng vành, bôi kem chống nắng có độ SPF >30, đeo kính bảo vệ mắt… Bởi chỉ một nguồn sáng trực tiếp lên vùng da hở sẽ kích thích sự xuất hiện trở lại những vết cháy nắng, bỏng rộp, sẽ dẫn đến nhiễm trùng, rối loạn chuyển hóa, ung thư da. Ngoài ra, bệnh nhân cũng được chỉ định sử dụng các loại thuốc bôi kháng sinh dạng mỡ, kem giữ ẩm da điều trị hằng ngày.
Thế giới chưa có phương pháp điều trị tận gốc bệnh Porphyrin ngoài cách điều cắt lá lách để giảm tình trạng thiếu máu, điều trị vùng da nhiễm khuẩn và một số trường hợp được cấy ghép tủy xương (Tiền phong 25/4).
Hà Nội thêm 223 ca tay – chân – miệng
Theo tin từ TTYT dự phòng, từ giữa tháng 4 đến nay, toàn thành phố ghi nhận thêm 223 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng .
Như vậy, từ đầu năm đến nay, Hà Nội đã có 1.727 người mắc, trong đó 36 trường hợp dương tính với virus EV71. Ngành y tế khuyến cáo, thời tiết bắt đầu nắng nóng, vì vậy, người dân cần ăn uống, sinh hoạt hợp vệ sinh, tích cực tham gia công tác vệ sinh môi trường (Tiền phong 25/4).
Nhiều loại thuôc tăng giá 45%
Ngày 24-4, Hiệp hội sản xuất và kinh doanh dược VN cho biết, qua khảo sát 12.695 lượt mặt hàng thuốc nội và ngoại nhập từ ngày 21-3 đến 21-4 cho thấy, 65 lượt mặt hàng đã tăng giá trung bình 16%.
Nhiều loại thuốc giá tăng cao như Notravin từ 5.500 đồng lên 7.000 đồng/lọ, Trafedin từ 12.500 đồng lên 18.000 đồng/vỉ, Nebamin từ 3.000 đồng lên 4.200 đồng/vỉ, Gentamycin 0,3% tăng từ 3.500 đồng lên 5.000 đồng/tuýp.
Nhiều mặt hàng thuốc nhập khẩu cũng tăng giá, có loại giá tăng tới 45%, như Niroral (giá tăng từ 16.500 đồng lên 24.000 đồng/tuýp…) Chênh lệch giữa giá nhập khẩu và giá bán buôn của nhiều loại thuốc đến 48% (Tiền phong 25/4).
Trôi nổi thuốc chống tái nghiện
Cục quản lý Dược cho biết, Cục mới chỉ cấp phép cho hai loại thuốc chống tái nghiện Notexon và Natrex 50 nhưng trên thị trường những loại thuốc chống tái nghiện trôi nổi, thuốc “tự chế” được bán tràn lan, mua dễ dàng.
Mua bán công khai
Sau khi được người quen giới thiệu, tôi gọi điện cho Diệp ở thị trấn Phùng, Đan Phượng, Hà Nội, là đầu mối cung cấp các loại thuốc cai nghiện và chống tái nghiện. Diệp cho biết: “Nếu cần thuốc chống tái nghiện, chỗ em có loại nhập từ Mỹ về rất hiệu quả”.
Trên một trang mạng để quảng bá, Diệp không để tên thuốc nhưng cho biết: “Thuốc này sẽ kháng và phản ứng với ma túy nên bệnh nhân sử dụng thuốc hàng ngày, không thể dùng được ma túy. Nếu cố sử dụng ma túy, bệnh nhân cũng không có cảm giác hưng phấn”. Diệp giới thiệu hộp thuốc chống tái nghiện có tên Depade, 30 viên, giá 2,9 triệu đồng/hộp. “Để mua, anh chuyển tiền qua tài khoản 48 giờ sau em gửi thuốc”- Diệp nói. Khi hỏi thuốc có được cấp phép, có an toàn không, Diệp cho biết, Sở Y tế TPHCM nhập khẩu!?
“Chống tái nghiện hiệu quả” là thông tin Hạnh quảng cáo về loại thuốc chống tái nghiện Depade 50mg. Khi tôi liên lạc, người này cho biết nơi bán thuốc ở quận Cầu Giấy, Hà Nội. “Nếu ở xa, chúng tôi sẽ chuyển thuốc qua bưu điện. Hộp 30 viên giá 1,5 triệu đồng”. Hạnh cho biết, thuốc xách tay từ Mỹ về, điều trị rất hiệu quả?!
Chúng tôi liên lạc với bác sĩ Thu, chủ phòng cai nghiện có tên “Cuộc sống…” ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội (phòng cai nghiện này được quảng cáo tràn ngập trên mạng), người này cho biết, phòng cai nghiện này còn bán các loại thuốc chống tái nghiện như Arbenil nhập từ Thụy Sĩ và Depade từ Mỹ, giá mỗi viên 40.000-45.000 đồng.
Thuốc chống tái nghiện không nguồn gốc còn xuất hiện tại cả hiệu thuốc. Tại quầy thuốc T.K trên đường vào Trung tâm cai nghiện Thanh Đa ở quận Bình Thạnh. Khi tôi hỏi mua loại thuốc chống tái nghiện Revia, chủ quầy lấy ra hộp thuốc màu trắng, trên nhãn chỉ ghi tên Revia bằng tiếng Anh, giá bán 1,6 triệu đồng/hộp 28 viên. Thuốc Arbenil cũng được một quầy thuốc trong chợ dược quận 10 bán lén lút với giá 2,1 triệu/hộp. Tại phòng cai nghiện tại gia của Công ty Nh. A, trên đường Cao Lỗ, quận 8, ngoài việc cắt cơn cho người nghiện tại gia, nơi đây cũng bán thuốc chống tái nghiện cả nội và ngoại với giá 2-5 triệu đồng/hộp, tùy loại.
Sau khi người em cai nghiện ở Trung tâm Thanh Đa trở về, do không có điều kiện thường xuyên đến trung tâm uống thuốc chống tái nghiện theo phác đồ, anh Nguyễn Việt C. ở Bình Chánh, TPHCM đã đặt mua 2 hộp thuốc Arbenil với giá 6 triệu đồng cho em dùng. Sau 1 tháng uống thuốc, em của anh nghiện lại và được đưa vào trại cai tiếp. Tại đây, gia đình anh C. mới biết thuốc trên bị làm giả. Một vài bệnh nhân sau khi mất tiền mua thuốc này uống nhưng nghiện vẫn hoàn nghiện (do thuốc trôi nổi). Cuối cùng, họ phải quay lại điều trị theo phác đồ, dùng methadone cắt cơn trước và dùng thuốc chống tái nghiện Notexon 7-10 ngày sau khi đã cắt cơn.
Dược sĩ Nguyễn Minh Tuyển, chuyên viên tư vấn về thuốc cai nghiện cho biết, những loại thuốc không được cấp phép, thuốc xách tay trôi nổi nếu người nghiện dùng không theo chỉ định của bác sĩ có thể sẽ bị ngộ độc, tử vong.
Khó xử lý vi phạm
Cục Quản lý Dược Bộ Y tế cho biết, chỉ mới cấp phép cho hai loại thuốc chống tái nghiện là Notexon (Naltrexone HCL) và Natrex. Notexon do Công ty Myung In pharm Hàn Quốc sản xuất, công ty dược TW 2 phân phối.
Bác sĩ Bùi Mạnh Tiến – tư vấn chuyên môn chống tái nghiện cho một trung tâm hỗ trợ cộng đồng tại TPHCM cho biết, thuốc chống tái nghiện Notexon sẽ được lưu hành trên thị trường nhiều hơn do được cấp phép bán rộng rãi. “Người sau khi cai tuân thủ phác đồ điều trị và được bác sĩ kê toa, có thể mua thuốc Notexon trên thị trường. Điều này giúp họ dễ dàng tiếp cận và ngăn chặn tình trạng tái nghiện tăng cao hiện nay”- bác sĩ Tiến cho biết. Tuy nhiên, bản thân người sau cai không có ý chí “đoạn tuyệt” với ma túy thì nguy cơ tái nghiện cũng dễ xảy ra.
Trao đổi với Tiền Phong, dược sĩ Nguyễn Văn Vĩnh – Trưởng phòng Quản lý dược Sở Y tế TPHCM cho biết, chưa bao giờ cấp phép cho loại thuốc chống tái nghiện như các trang mạng quảng cáo, vì “không có chức năng”.
Đại diện phòng quản lý dịch vụ y, Sở Y tế TPHCM cho biết, chưa cấp phép cho cơ sở nào trên địa bàn tổ chức cai nghiện tại gia, vì vậy phòng cai nghiện và bán thuốc Ng.A là cơ sở hoạt động “chui”.
Một cán bộ phòng quản lý thuốc gây nghiện của Cục Quản lý dược cho biết, còn nhiều loại thuốc được quảng cáo, mua bán tràn lan trên mạng đều chưa được cấp phép. Vì vậy, các cơ quan y tế địa phương cần thanh kiểm tra để chấn chỉnh tình trạng kinh doanh trái phép này. Bác sĩ Bùi Mạnh Tiến cho biết, thuốc chống tái nghiện chỉ dành cho bệnh nhân nghiện các chất nhóm Opiats đã điều trị cắt cơn, phục hồi chức năng tâm lý xã hội, vừa ra khỏi hoặc chuẩn bị ra khỏi cơ sở cai nghiện trở về cộng đồng.
Nhiều người đã làm thuốc Notexon và Natrex giả, nhái hoặc lấy hàng không nguồn gốc bán với giá cao kiếm lời. Vì những loại thuốc cai hoặc hỗ trợ cai và chống tái nghiện đều chứa các thành phần họ gây nghiện nên nếu không kiểm soát chặt chẽ, không theo phác đồ điều trị của Bộ Y tế và kê toa của bác sĩ, người dùng dễ mang họa (Tiền phong 25/4).
Phẫu thuật nội soi điều trị ung thư dạ dày
Trải qua 16 tháng từ khi bắt đầu triển khai nghiên cứu đề tài, tới nay, Khoa Ngoại chung, Bệnh viện 103 đã phẫu thuật nội soi cho hơn 100 ca bệnh bị các bệnh lý dạ dày như ung thư dạ dày, loét dạ dày không đáp ứng thuốc… mang lại sự sống như bình thương cho các bệnh nhân.
TS.BS. Đặng Việt Dũng, Trưởng khoa Ngoại chung, Bệnh viện 103 cho biết, ưu điểm phẫu thuật noi soi cắt dạ dày là phẫu thuật ít xâm lấn, phục hồi nhanh. Trong phẫu thuật, các bác sỹ sử dụng dao siêu âm, vừa cắt vừa cầm máu, do vậy bệnh nhân sẽ không mất máu. Một ca bệnh mổ chỉ mất 2 chiếc gạc thấm dịch tiết. Một cuộc mổ khoảng 3 tiếng, sau 24 giời bệnh nhân có thể ăn qua sonde, sau 48 giờ bệnh nhân có thể ngồi dạy và tậ vận động nhẹ được. Với 5 lỗ trocar nội soi, vết mổ nhỏ, không mát tính thẩm mỹ mà bình phục nhanh, ra viện sớm (Khoa học & Đời sống 25/4).
Đánh giá khoa học về nhân điện chữa bệnh
Không ai phủ nhận tác dụng nâng cao sức khỏe khi tập luyện nhân điện nhưng việc dùng nhân điện chữa bệnh vẫn còn nhiều ý kiến tranh cãi. Thực tế, tác dụng của nhân điện “chữa”được các bệnh lý nào?
ThS.BS. Hoàng Khánh Toàn, Chủ nhiệm Khoa Đông y, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 khẳng định, qua theo dõi thì thấy các ca khỏi bệnh được công bố chữa bằng nhân điện chỉ là các cá thể đơn lẻ, số lượng rất ít nên ta không thể lấy đó để khẳng định “nó” chữa khỏi được bệnh. Muốn khẳng định, phải có một công trình khoa học nghiêm túc, có sử dụng phương pháp thống kê y học, đối chứng, có so sánh với các phương pháp trị liệu khác.
Theo GS.VS Đào Vọng Đức, nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tiềm năng Con người, phương pháp chữa bệnh bằng nhân điện là một dạng tương tác truyền năng lượng mà khoa học chưa giải thích được nhưng nó đã được áp dụng từ rất lâu. Phương pháp này giống như dùng thuốc. Về nguyên tắc, phương pháp này có thể chữa được mọi bệnh nhưng không phải ai cũng có khả năng cũng như cơ duyên chữa được bệnh. Người có khả năng cũng phải tùy lúc, tùy từng thời điểm và khả năng đó không tồn tại mãi mãi. Người bệnh phải có lòng tin tuyệt đối. Lòng tin giữa bác sỹ và bệnh nhân chính là dây truyền năng lượng. Tất nhiên, cho đến nay, cách chữa này khoa học truyền thống chưa lý giải được. Nhưng nếu chữa trị có tác dụng thì cần tiếp cận một cách khách quan, cầu thị, tôn trọng sự thật để khám phá nhằm phục vụ lợi ích cộng đồng”.
Điểm báo Ngày 25/4/2012
Nhân điện là một môn khoa học mới, vì vậy các cơ quan y tế, các nhà khoa học Việt nam nghiên cứu, chứng minh để có thể ứng dụng vào thực thế (Khoa học & Đời sống 25/4).