Trang chủ » Tin tức » Điểm báo ngày 23/4/2012

Điểm báo ngày 23/4/2012

Viện Hóa học quân sự tìm hiểu nguyên nhân chết lạ ở Quảng Ngãi

Từ đầu tháng 4 đến nay, bệnh viêm da tại xã Ba Điền, huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi vẫn tiếp tục gia tăng và diễn biến ngày càng phức tạp, gây hoang mang trong nhân dân

Trước diễn biến phức tạp của bệnh viêm da bàn tay bàn chân chưa rõ nguyên nhân tại Quảng Ngãi, chiều 20/4, đoàn công tác của Bộ Quốc phòng do Đại tá Đinh Ngọc Tấn, Viện trưởng Viện Môi trường Hóa học, môi trường quân sự, làm trưởng đoàn, đã làm việc với Ủy ban Nhân dân huyện Ba Tơ và xã Ba Điền để tìm hiểu, khảo sát, lấy mẫu đất và tìm hiểu nguyên nhân gây ra căn bệnh này.

Theo Sở Y tế Quảng Ngãi, đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh có 171 người mắc bệnh, trong đó, riêng xã Ba Điền có 161 trường hợp.

Hiện Bệnh viện Phong-Da liễu Quy Hòa đang tiếp nhận điều trị cho 43 bệnh nhân, trong đó có 2 trường hợp nặng. Đã có 8 trường hợp tử vong, nhiều người đang bị bệnh nặng, ngoài tầm kiểm soát của địa phương.

Ông Lê Hàn Phong, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi cho biết, đoàn công tác tìm hiểu về môi trường, không khí, chất đất, chất nước và những chất độc hại từ thời chiến tranh để lại (nhiều người già tại xã Ba Điền cho rằng trên phía tây Làng Rêu, nơi có nhiều bệnh nhân nhất xã Ba Điền trước đây có một kho đạn của Mỹ còn sót lại). Trên cơ sở đó, Đoàn công tác của Bộ Quốc phòng sẽ nghiên cứu, cung cấp những thông tin, nguyên nhân dẫn đến căn bệnh này.

Chính quyền địa phương đã hỗ trợ 4,5 triệu đồng cho mỗi gia đình có người chết do bệnh viêm da chưa rõ nguyên nhân và hỗ trợ tiền ăn 30.000 đồng/ngày cho những người đang điều trị tại Bệnh viện phong – Da liễu Quy Hòa và Trung tâm Y tế huyện.

Ngoài ra, địa phương cũng đã huy động lực lượng quân đội, thanh niên giúp người dân thu hoạch lúa, động viên và hướng dẫn người dân cách phòng tránh bệnh, tuyên truyền, động viên bà con bình tĩnh, thông báo kịp thời khi nghi nhiễm bệnh; tăng cường công tác tuyên truyền kết hợp vệ sinh môi trường, vệ sinh ăn uống… đến từng hộ gia đình.

Trước đó, trong hai ngày 12-13/4, đoàn công tác của Bộ Y tế do ông Nguyễn Trọng Khoa, Cục phó Cục quản lý khám, chữa bệnh Bộ Y tế dẫn đầu cũng đã về làm việc với lãnh đạo đạo Sở Y tế Quảng Ngãi và tiếp tục khảo sát, kiểm tra tìm nguyên nhân mắc bệnh viêm da bàn tay, bàn chân tại xã Ba Điền. (Lao động (trang 2), Hà Nội mới (trang 2) 23/4). 

Vẫn lo gánh nặng viện phí

Thông tư liên tịch số 04/2012/TTLT- BYT- BCT ban hành mức tối đa khung giá 447 dịch vụ khám, chữa bệnh (KCB) trong các cơ sở KCB công lập của liên bộ Y tế – Tài chính có hiệu lực từ ngày 15-4-2012. Nhưng đến nay, nhiều bệnh viện (BV) vẫn đang trong quá trình xây dựng, đề xuất mức thu trước khi được các cấp có thẩm quyền phê duyệt. 
Sẽ chênh lệch nhưng không lớn

Mức viện phí mới sẽ được áp dụng đối với 12% trong tổng số 4.000 dịch vụ y tế đang được cung cấp tại các BV ở mọi tuyến và vẫn được tính theo nguyên tắc thu một phần viện phí (chỉ gồm 3 yếu tố: chi phí thuốc, máu, dịch truyền; chi phí điện nước, thông tin liên lạc, xử lý rác thải; chi phí duy tu, bảo dưỡng thiết bị y tế). Các chi phí còn lại như lương cán bộ y tế, khấu hao nhà cửa… vẫn do ngân sách nhà nước chi trả.

Ông Nguyễn Ngọc Hiền, Phó Giám đốc BV Bạch Mai (Hà Nội) cho biết, BV đang hoàn thành các thủ tục cuối cùng trước khi trình khung giá mới của 447 dịch vụ y tế để Bộ Y tế phê duyệt. Theo ông Hiền, với BV hạng đặc biệt như Bạch Mai, giá các dịch vụ đều được đề nghị ở mức tối đa. Với mức tính này, giá tiền giường ngày sẽ là 70.000 đồng/người, giá khám bệnh là 20.000 đồng/lượt. Ông Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cũng chia sẻ, các BV do Sở Y tế Hà Nội quản lý hiện vẫn áp dụng khung giá cũ bởi ban xây dựng khung giá viện phí mới thành lập, sau đó phương án thu còn trình HĐND thành phố xem xét.

Theo ông Nguyễn Nam Liên, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ Y tế), giá được quy định trong Thông tư 04 được coi là mức giá tối đa, các tỉnh, thành căn cứ vào đó để phê duyệt mức giá sao cho phù hợp với điều kiện riêng của địa phương, còn Bộ Y tế sẽ phê duyệt mức giá tại 30 BV trực thuộc. Ông Liên khẳng định, mức viện phí sẽ khác nhau giữa các hạng BV, bằng hoặc nhỏ hơn khung giá tối đa, nhưng sự chênh lệch không quá lớn vì viện phí mới cũng chỉ tính 3/7 yếu tố cấu thành nên dịch vụ y tế. Các BV hạng đặc biệt như Bạch Mai, Chợ Rẫy, Trung ương Huế, 108 sẽ được thu ở mức tối đa của khung giá này. Cũng theo ông Liên, tại các BV trực thuộc Bộ, sớm nhất cũng phải sau tháng 5 mới có thể áp dụng giá viện phí mới.

Giảm gánh nặng cùng chi trả

Theo Bộ Y tế, việc điều chỉnh viện phí sẽ không tác động đến những đối tượng có thẻ BHYT. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, khi mức phí tăng lên bao nhiêu lần thì mức cùng chi trả của người dân cũng tăng lên bấy nhiêu lần. Vì thế, khi giá 447 dịch vụ y tế chủ yếu là được điều chỉnh tăng với mức tăng ít nhất là gấp hai lần mức cũ thì kể cả người có BHYT lẫn người không có thẻ BHYT, đặc biệt là người nghèo, sẽ phải đóng một khoản tiền rất lớn.

Bà Tống Thị Song Hương, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế (Bộ Y tế) phân tích, giá dịch vụ y tế tăng, phần cùng chi trả của người bệnh có thẻ BHYT sẽ tăng lên. Tuy nhiên, Quỹ BHYT sẽ chi trả cho BV đầy đủ hơn, thầy thuốc cũng chuyên tâm hơn vào việc KCB, góp phần nâng cao quyền lợi cho người bệnh có thẻ BHYT. Với những nhóm đối tượng thuộc hộ gia đình nghèo thì ngân sách nhà nước đã mua thẻ BHYT, còn người cận nghèo được hỗ trợ 70% mức đóng BHYT để tham gia BHYT. Ngoài ra, để hạn chế ảnh hưởng của việc điều chỉnh viện phí đối với người nghèo và một số đối tượng mắc bệnh hiểm nghèo có chi phí điều trị lớn, Quỹ KCB cho người nghèo (Quỹ 139) cũng đã được "khôi phục" để hỗ trợ phần cùng chi trả 5% đối với người nghèo và một số trường hợp bị bệnh nặng hiểm nghèo có chi phí điều trị lớn như ung thư, chạy thận nhân tạo, phẫu thuật tim… Mặc dù vậy, ông Lý Ngọc Kính, Phó Chủ tịch Hội Kinh tế y tế Việt Nam lại lo ngại, nguồn quỹ này được huy động từ nguồn ngân sách của địa phương và hoạt động trong nội bộ tỉnh nên với những bệnh nhân điều trị ngoại tỉnh sẽ khó được hỗ trợ kịp thời. Trong khi đó, những người mắc bệnh nặng, bệnh hiểm nghèo có chi phí lớn hầu hết phải điều trị ở tuyến trung ương. Vì thế, một số chuyên gia y tế đề nghị các địa phương cần sớm xây dựng phương án hỗ trợ. Có thể là BV miễn giảm trực tiếp khi bệnh nhân kết thúc đợt điều trị rồi thanh toán sau với Quỹ 139 nơi bệnh nhân sinh sống hoặc xác nhận mức dự trù số tiền mà người bệnh phải chi trả cho đợt điều trị để người bệnh có cơ sở tạm ứng từ quỹ. Để người bệnh phải tự nộp tiền sau đó cầm chứng từ thanh toán với địa phương để nhận lại khoản hỗ trợ là phương án cuối cùng nhưng sẽ khó hơn cho bệnh nhân.

Theo ông Nguyễn Hoàng Long, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ Y tế), đến thời điểm này Quỹ 139 vẫn là nguồn chính để hỗ trợ bệnh nhân nghèo. Ngoài ra cũng còn một số nguồn viện trợ từ các tổ chức như dự án hỗ trợ người nghèo, cận nghèo ở các vùng khó khăn. Nhiều BV cũng đã chủ động xây dựng nguồn quỹ hỗ trợ bệnh nhân nghèo không có điều kiện cùng chi trả hoặc những bệnh nhân nghèo mắc bệnh mạn tính. Những nỗ lực đó có thể phần nào giảm gánh nặng cùng chi trả của người bệnh khi viện phí mới được áp dụng (Hà Nội mới (trang 1) 23/4). 

59 tỉnh, thành phố thanh toán phí khám, chữa bệnh BHYT theo định suất

Bộ Y tế cho biết, sau 2 năm triển khai thí điểm việc thanh toán chi phí khám, chữa bệnh (KCB) bảo hiểm y tế (BHYT) theo định suất, đến nay đã có 59 tỉnh, thành thực hiện phương thức này với 40% cơ sở KCB BHYT áp dụng.

Theo đó, các bệnh viện đã nâng cao trách nhiệm quản lý và sử dụng quỹ KCB BHYT, tính toán chỉ định điều trị hợp lý để giảm chi phí không cần thiết. Kết dư quỹ KCB định suất ở 400 cơ sở y tế trong năm 2011 là hơn 600 tỷ đồng.

Phương thức thanh toán theo định suất được Luật BHYT quy định là một trong ba phương thức thanh toán chi phí KCB giữa cơ quan BHYT với cơ sở KCB BHYT. Bộ Y tế đã đề ra lộ trình triển khai: Năm 2010 có ít nhất 30%, năm 2013 có 60%, năm 2015 là 100% cơ sở KCB đăng ký ban đầu phải áp dụng phương thức thanh toán này (Hà Nội mới (trang 5) 23/4). 

Hà Nội ghi nhận hơn 1.500 trẻ mắc bệnh tay chân miệng

Từ đầu năm đến nay, Hà Nội ghi nhận 1.504 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng (TCM), không có trường hợp nào tử vong.

Riêng trong tháng 3 vừa qua, ghi nhận số mắc cao nhất với 880 ca, chiếm tới 58% tổng số mắc từ đầu năm. Trung bình, mỗi tuần có từ 150 – 200 trường hợp mắc mới. Đối tượng mắc chủ yếu vẫn là trẻ dưới 5 tuổi, phân bố rải rác ở 29 quận, huyện, thị xã. Sóc Sơn, Từ Liêm, Đống Đa, Thạch Thất, Sơn Tây, Cầu Giấy, Phúc Thọ, Đông Anh… là những quận, huyện có nhiều bệnh nhân mắc.

Theo Cục Y tế dự phòng, cả nước đã có hơn 28.000 ca mắc TCM. Tuần trước, số mắc TCM giảm hơn 100 ca so với số ca mắc mới trung bình trong các tuần từ đầu năm. Cục lưu ý cha mẹ, người chăm sóc trẻ tuyệt đối tránh mắc những sai lầm thường gặp như: kiêng tắm, kiêng gió, ủ trẻ quá kỹ; châm chích cho mụn nước mau vỡ ra, vì đây chính là những nguyên nhân làm cho bệnh của trẻ trầm trọng hơn và là con đường ngắn nhất dẫn đến tình trạng bội nhiễm vi khuẩn, rất nguy hiểm đến tính mạng của trẻ (Hà Nội mới (trang 5) 23/4). 

Mỗi năm có khoảng 7.000 phụ nữ mang thai nhiễm HIV

Theo Bộ Y tế, trung bình mỗi năm cả nước có khoảng 7.000 phụ nữ mang thai nhiễm HIV/AIDS và khoảng 3.000 trẻ em có nguy cơ nhiễm bệnh sau khi sinh.

Nguyên nhân chính là do người mẹ nhiễm HIV không tiếp cận được với các thông tin cần thiết về bệnh, thông tin về dịch vụ chăm sóc, điều trị dự phòng lây nhiễm… Đáng lưu ý là nhiều sản phụ đến lúc chuyển dạ mới biết mình bị HIV và điều này gây nguy hiểm cho trẻ bởi nếu các bà mẹ tuân thủ việc khám thai định kỳ để được theo dõi, phát hiện sớm bệnh, từ đó được hướng dẫn cách dự phòng lây nhiễm thì sẽ hạn chế được nguy cơ trẻ nhiễm HIV từ mẹ.

Mới đây, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) kết luận việc sử dụng thuốc tránh thai là an toàn đối với phụ nữ nhiễm HIV hoặc có nguy cơ cao nhiễm HIV. WHO cũng khuyến cáo phụ nữ sống chung với HIV hoặc có nguy cơ cao nhiễm HIV hãy tiếp tục sử dụng thuốc tránh thai để tránh mang thai ngoài ý muốn, nhưng phải sử dụng cả bao cao su để tránh nhiễm và lây truyền HIV cho người khác (Hà Nội mới (trang 5) 23/4).

Bác sĩ tuyến trên về quận, huyện

Nhiều bạn đọc cho rằng họ đi khám bệnh vượt tuyến là do bệnh viện quận, huyện thiếu bác sĩ chuyên khoa. Tuy nhiên, gần đây tại TP.HCM đã có thay đổi.

Trong phòng khám số 7 ở Bệnh viện Q.Bình Tân ngày 13-4 có hai bác sĩ nữ ngồi khám bệnh, nhưng có một điểm đặc biệt là trên chiếc bàn khám bệnh gần cửa ra vào có một bảng hiệu ghi bác sĩ Lý Kiều Diễm, Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM.

Không đi xa nữa

Bồng con gái mới được 7 tháng tuổi bước ra khỏi phòng khám, chị L.T.T.L. (30 tuổi, ở đường số 10, P.Bình Hưng Hòa, Q.Bình Tân) kể đúng một tuần trước con chị bị tiêu chảy. Chị đưa con đến Bệnh viện Q.Bình Tân thì được bác sĩ Diễm khám và cho nhập viện điều trị. Lần này, chị đưa con đến tái khám.

Chị L. kể trước đây mỗi khi con bị bệnh, chị thường đưa con lên tận Bệnh viện Nhi Đồng 1 khám. Những lần đi khám như vậy rất vất vả vì đường xa, phải ngồi đợi khám rất lâu trong khung cảnh ngột ngạt do rất đông bệnh nhi. Giờ biết ở Bệnh viện Q.Bình Tân cũng có bác sĩ của Bệnh viện Nhi Đồng 1 khám nên từ giờ trở đi con bệnh là chị đưa thẳng đến ngay đây khám cho nhanh, gần, được khám theo diện bảo hiểm y tế (BHYT) mà vẫn yên tâm.

Chị N.T.L. (25 tuổi, Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh) cùng chồng không giấu nổi niềm vui khi tình cờ con anh chị được bác sĩ Bệnh viện Nhi Đồng 1 khám mà không phải mất công đi xa. Những lần trước đó thấy con bệnh, lập tức hai vợ chồng chị chở con lên tận Bệnh viện Nhi Đồng 1 khám. Mấy hôm nay trời nắng nóng quá, hai vợ chồng quyết định đến Bệnh viện Q.Bình Tân khám cho con, không ngờ gặp ngay bác sĩ của Bệnh viện Nhi Đồng 1 xuống khám. "Chúng tôi yên tâm lắm! Lần sau con có bệnh lại đến đây khám cho nhanh, không cần đi đâu hết" – chị L. nói.

Bác sĩ Lý Kiều Diễm chỉ là một trong 59 bác sĩ TP được biệt phái xuống quận, huyện để nâng cao năng lực khám chữa bệnh cho tuyến dưới với nhiều chuyên khoa như ung bướu, chấn thương chỉnh hình, niệu, sản khoa, tai mũi họng, mắt, hồi sức….

Bác sĩ Diễm kể khi biết Bệnh viện Nhi Đồng 1 cần một bác sĩ xuống Bệnh viện Q.Bình Tân một năm để khám chữa bệnh, chuyển giao kinh nghiệm khám, điều trị bệnh cho các bác sĩ tuyến dưới, bác sĩ Diễm đã xung phong xin đi. Không chỉ khám cho bệnh nhi, mỗi tuần bác sĩ Diễm có hai bài giảng bệnh cho năm bác sĩ nhi của Bệnh viện Q.Bình Tân, hội chẩn với các bác sĩ trong khoa nhi, gặp những ca bệnh nặng, vượt quá khả năng điều trị sẽ chuyển lên Bệnh viện Nhi Đồng 1.

Bác sĩ Nguyễn Văn Mười, giám đốc Bệnh viện Q.Bình Tân, cho rằng chủ trương đưa bác sĩ TP xuống bệnh viện quận, huyện với Bệnh viện Q.Bình Tân như "nắng hạn gặp mưa". Lực lượng nhân sự ở Bệnh viện Q.Bình Tân mỏng, chuyên khoa ít, chuyên môn còn hạn chế nên việc được các bác sĩ chuyên khoa cắm xuống các bệnh viện quận, huyện hội chẩn tại chỗ, chuyển giao kỹ thuật… sẽ giúp các bác sĩ Bệnh viện Q.Bình Tân nâng cao được năng lực khám chữa bệnh. Bác sĩ Mười tin chỉ 1-2 năm nữa Bệnh viện Q.Bình Tân sẽ "đi được" bằng đôi chân của mình.

Bệnh viện chuyên khoa thu nhỏ

Bác sĩ Diệp Bảo Tuấn, phó phòng kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, cho biết bệnh viện này đã đưa ba bác sĩ xuống khám bệnh tại các bệnh viện Q.2, Q.9, Q.12. Hai tuần đầu hầu như không có bệnh nhân đến khám, còn nay số người dân đến khám đã tăng lên 4-5 bệnh nhân/ngày. Bệnh nhân đến khám bệnh ung bướu ngoài việc khám bệnh lâm sàng có thể cần đến các xét nghiệm để hỗ trợ trong việc chẩn đoán như sinh thiết, chụp hình… nên các bác sĩ xuống bệnh viện quận, huyện khám chủ yếu vẫn giải quyết những bệnh nhẹ. Còn gặp những bệnh nặng, cần sinh thiết, chụp hình vẫn phải chuyển lên tuyến trên.

Bác sĩ Tuấn cho rằng đây là một chủ chương rất hay của TP để bệnh viện tuyến trên nâng cao năng lực khám chữa bệnh cho tuyến dưới. Đây chỉ là bước đầu, hiện bệnh viện đang có kế hoạch lập một khoa ung bướu vệ tinh tại Bệnh viện Q.2. Khoa vệ tinh này sẽ giống như một bệnh viện ung bướu thu nhỏ ở Q.2 với các bác sĩ của Bệnh viện Ung bướu, trang thiết bị, có giường bệnh nội trú và người bệnh được thanh toán BHYT y như khi lên Bệnh viện Ung bướu điều trị.

Bác sĩ Lê Bích Liên, phó giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 1, cho rằng việc UBND TP và Sở Y tế đưa các bác sĩ TP xuống bệnh viện tuyến quận, huyện không thể nói sẽ giúp các bệnh viện tuyến trên giảm tải ngay được vì số lượng bác sĩ xuống tuyến dưới còn khá hạn chế. Nhưng đây là cách để bệnh viện tuyến trên chuyển giao kinh nghiệm điều trị cho tuyến dưới, để khi bác sĩ bệnh viện tuyến trên rút về, các bác sĩ bệnh viện tuyến dưới phải đủ năng lực để giữ bệnh nhân lại (Tuổi trẻ (trang 7) 23/4).

Mô hình tư vấn sức khỏe đầu tiên ở Phú Thọ

Mô hình tư vấn và chăm sóc sức khỏe tại nhà do Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ triển khai thực hiện đã đem lại hiệu quả thiết thực cho người dân.

Đây là mô hình tư vấn và chăm sóc sức khỏe tại nhà đầu tiên ở khu vực miền núi phía Bắc, giúp các bệnh nhân giảm chi phí đi lại, nằm viện, đặc biệt là giảm sự quá tải cho bệnh viện. 
Bệnh nhân Đỗ Văn Vịnh, 67 tuổi ở phường Tiên Cát, thành phố Việt Trì cho biết đây là mô hình mới được đông đảo người dân đồng tình hưởng ứng với đội ngũ y, bác sỹ nhiệt tình, chu đáo, chi phí ít tốn kém. “Tôi bị bệnh tai biến mạch máu não vừa được điều trị ở Hà Nội về, nhưng do hoàn cảnh neo người, thấy Bệnh viện triển khai mô hình này, gia đình tôi đã gọi điện và được cán bộ y tế của Bệnh viện đến tư vấn và khám  rất nhiệt tình, giá cả hợp lý mà không phải mất công vào viện để khám thường xuyên,” ông Vịnh chia sẻ.

Bác sỹ Nguyễn Huy Ngọc, Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ cho biết Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ vừa thành lập Khoa Tư vấn và chăm sóc sức khỏe gia đình. Với mô hình này, tất cả mọi tổ chức, gia đình, cá nhân sẽ được cung cấp dịch vụ y tế trực tiếp khi có nhu cầu, đặc biệt dành cho bệnh nhân có thông tin bệnh lý không nhất thiết phải đến bệnh viện và không có điều kiện đến điều trị tại bệnh viện.

Đây cũng là giải pháp để giảm tải chi phí cho ngành y tế Phú Thọ và sự quá tải cho bệnh viện. Ngoài ra, các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu được lập hồ sơ quản lý, theo dõi sức khỏe sẽ được bệnh viện ký kết hợp đồng và nhận quản lý sức khỏe cho mọi thành viên định kỳ hàng năm với mức phí 500.000 đồng/người/năm.

Bên cạnh đó, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân khi đăng ký được khoa cấp sổ quản lý sức khỏe tại gia đình. Khi cần tư vấn sức khỏe, kiểm tra sức khoẻ, khám chữa bệnh tại nhà có thể gọi điện thoại tới khoa theo số điện thoại (0210.627.8888) để được hướng dẫn tư vấn sức khỏe.

Ngoài ra, các bệnh nhân sẽ được lấy bệnh phẩm để làm xét nghiệm tại bệnh viện và trả kết quả tại nhà. Trường hợp bệnh nặng nếu phải đi viện, cán bộ của khoa sẽ làm thủ tục và hướng dẫn chuyển người bệnh đến các cơ sở y tế điều trị (Phụ nữ Việt Nam (trang 5) 23/4).
 


Gửi thảo luận