Trang chủ » Tin tức » Điểm báo Ngày 21/4/2012

Điểm báo Ngày 21/4/2012

98% mẫu thuốc cam có chứa chì

Trước thực trạng thời gian gần đây có nhiều trường hợp trẻ em tử vong do ngộ độc chì khi sử dụng thuốc cam, Bộ Y tế cùng ngành y tế một số địa phương đã vào cuộc quyết liệt và đưa ra những giải pháp hiệu quả, thiết thực để đảm bảo an toàn cho người dân…

Ngành y tế xử lý nghiêm những cơ sở bán thuốc cam gây ngộ độc

Đây là thông tin được ThS. Nguyễn Hoàng Sơn – Phó Vụ trưởng Vụ Y dược cổ truyền, Bộ Y tế cho phóng viên báo Sức khỏe&Đời sống biết vào chiều ngày 20/4. Theo đó, trong tuần tới, một đoàn thanh tra của Bộ Y tế sẽ được thành lập để cùng với thanh tra y tế các địa phương đẩy mạnh thanh kiểm tra, xử lý nghiêm một số cơ sở kinh doanh (KD) thuốc cam đã bán thuốc cam gây ngộ độc chì cho bệnh nhi.

Theo Bộ Y tế, hiện 15 tỉnh thành báo cáo có trường hợp ngộ độc chì do thuốc cam, các tỉnh chưa phát hiện bệnh nhân cũng vẫn có khả năng có trẻ em bị ngộ độc chì, nên Bộ Y tế đã tiếp tục ban hành công văn đề nghị ngành y tế các địa phương tiếp tục đẩy mạnh thanh, kiểm tra công tác hành nghề y tư nhân, đặc biệt là y dược học cổ truyền; đồng thời đình chỉ ngay những cơ sở hoạt động, KD, buôn bán thuốc không có giấy phép hành nghề và yêu cầu ngừng lưu hành ngay thuốc từ dược liệu không rõ nguồn gốc, thuốc cam.

Cũng theo ông Sơn, Bộ Y tế giao Vụ Y dược cổ truyền phối hợp với Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai tiếp tục theo dõi tình hình bệnh nhân nhiễm độc chì; xác định nguồn lây ngộ độc để kịp thời có những hướng dẫn xử lý ngộ độc phù hợp.

Trước đó, theo thông tin tại cuộc họp bàn về hướng dẫn xử lý ngộ độc chì do Bộ Y tế tổ chức, từ tháng 11/2011 đến tháng 4/2012, riêng Trung tâm Chống độc BV Bạch Mai đã tiếp nhận 130 trường hợp ngộ độc chì, trong đó có 121 trẻ em. Kết quả kiểm tra 500 mẫu thuốc cam và bệnh phẩm tại Viện Hóa học có 98/100 mẫu thuốc cam có hàm lượng chì cao ở mức 2-90% quy ra oxyt chì, có mẫu 85% là chì. Tại cuộc họp, Bộ Y tế đã giao Bệnh viện Bạch Mai xây dựng quy trình điều trị chuẩn với các trường hợp ngộ độc chì do thuốc cam, báo cáo Cục Quản lý khám chữa bệnh xem xét, ban hành sớm. Đồng thời giao Cục Quản lý dược lên kế hoạch nhập khẩu 3 loại thuốc có tác dụng giải độc chì tốt nhưng hiện không có bán trên thị trường ViệtNam.

Bộ Y tế cũng kêu gọi người dân nói không với việc sử dụng các thuốc không có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, thuốc không được cấp phép; đồng thời với người đã sử dụng thuốc cam cần đến cơ sở y tế để được thăm khám và định lượng chì, do các trường hợp ngộ độc chì trường diễn có khả năng ảnh hưởng đến trí tuệ, khi hàm lượng chì trong máu trên 70mcg/dl ở trẻ em sẽ gây nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe.

Nâng cao chất lượng chẩn đoán và ngộ độc chì cho tuyến dưới

Bắc Giang là địa phương có nhiều trường hợp bệnh nhi phải nhập viện điều trị vì đã sử dụng thuốc cam cao nhất, hiện nay số lượng trẻ em được gia đình đưa đến khám để phát hiện bệnh tại Trung tâm Chống độc vẫn tiếp tục tăng. Để nâng cao chất lượng chẩn đoán và điều trị cho các cơ sở y tế của tỉnh, ngày 19/4, Sở Y tế Bắc Giang đã phối hợp với Trung tâm Chống độc BV Bạch Mai tổ chức lớp tập huấn “Chẩn đoán, điều trị ngộ độc chì” cho cán bộ lãnh đạo Sở Y tế, các phòng y tế huyện và trạm y tế xã.

Tại buổi tập huấn, TS. Phạm Duệ – Giám đốc TT Chống độc, BV Bạch Mai đã chia sẻ một số kinh nghiệm thăm khám các triệu chứng, chẩn đoán phát hiện bệnh, giới thiệu phác đồ điều trị bệnh nhân nhiễm độc chì cho các y, bác sĩ bệnh viện địa phương. Cùng với đó, Trung tâm Chống độc sẽ chuyển giao kỹ thuật, phác đồ điều trị cho BV Sản – nhi Bắc Giang tiếp nhận và điều trị các trẻ em ở địa phương bị nhiễm độc chì đang điều trị tại BV Bạch Mai. Do vậy, những trẻ em sau khi khám, phát hiện bệnh sẽ được điều trị đợt đầu tại BV Bạch Mai, sau đó được chuyển về bệnh viện ở địa phương để điều trị theo phác đồ. Làm như vậy sẽ giảm tải cho bệnh viện tuyến trên, đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chi phí cho người bệnh (Sức khỏe & Đời sống (trang 1) 21/4).

Cả nước có khoảng 60.000 người mắc bệnh máu khó đông

Theo GS.TS. Nguyễn Anh Trí – Viện trưởng Viện Huyết học và truyền máu TW, Chủ tịch Hội Rối loạn đông máu di truyền Việt Nam, hiện cả nước ước tính có khoảng 60.000 bệnh nhân hemophilia (hay còn gọi là bệnh máu khó đông), tuy nhiên, trong đó mới chỉ 20% bệnh nhân được phát hiện và chăm sóc thường xuyên.

Thông tin này được đưa ra tại buổi họp mặt nhân Ngày Hemophilia thế giới do Hội Rối loạn đông máu di truyền Việt Nam phối hợp với Viện Huyết học và truyền máu TW vừa tổ chức tại Hà Nội. Các chuyên gia cũng nhấn mạnh, nếu không được điều trị đầy đủ sẽ dẫn đến tình trạng bị chảy máu nhiều lần gây biến dạng cơ và khớp, làm cho bệnh nhân khó khăn trong việc đi lại, trở thành người tàn tật… (Sức khỏe & Đời sống (trang 2) 21/4).

TP. Hồ Chí Minh: Phấn đấu giảm 70% tình trạng quá tải ở các bệnh viện

UBND TP. Hồ Chí Minh vừa trình Bộ Y tế đề án giảm tình trạng quá tải ở các bệnh viện (BV) trên địa bàn thành phố, theo đó, thành phố phấn đấu từ nay đến năm 2015 giảm 70% tình trạng quá tải ở các BV.

Các giải pháp để giảm tình trạng quá tải BV được đề ra là: đầu tư xây dựng mới một số BV ở cửa ngõ thành phố; đầu tư trang thiết bị, hoàn thiện cơ sở vật chất các BV chuyên khoa, đa khoa; triển khai thí điểm mô hình bác sĩ gia đình; củng cố, tăng cường công tác y tế dự phòng; hỗ trợ nâng cao năng lực khám chữa bệnh tuyến tỉnh như: chuyển giao kỹ thuật chuyên môn, sử dụng công nghệ thông tin để khám bệnh từ xa…

UBND TP.HCM cũng kiến nghị Nhà nước đầu tư xây dựng một số trung tâm y tế kỹ thuật cao, BV chuyên khoa trọng điểm như: ung bướu, chấn thương chỉnh hình, nhi… hỗ trợ bổ sung nguồn vốn trái phiếu Chính phủ cho các dự án trọng điểm của ngành y tế thành phố… (Sức khỏe & Đời sống (trang 2) 21/4).        

Đồng Nai: 2 cửa hàng bán thuốc thú y chứa chất cấm

Chi cục Quản lý thị trường Đồng Nai cho biết, ngày 19/4, qua kiểm tra cửa hàng kinh doanh thuốc thú y của ông Nguyễn Văn Lượm (xã Bảo Bình, huyện Cẩm Mỹ), Đội Quản lý thị trường số 12 đã phát hiện 4 gói bột dùng trong chăn nuôi hiệu B.complex-C, 1 gói bột nutri meat.

Trong khi đó, tại huyện Trảng Bom, kiểm tra một cửa hàng kinh doanh thức ăn chăn nuôi tại xã Tây Hòa, Đội Quản lý thị trường số 5 phát hiện và tạm giữ gần 570kg thức ăn chăn nuôi không có nhãn hiệu hàng hóa. Qua lấy mẫu kiểm định, kết quả cả 2 loại sản phẩm tại cửa hàng của ông Lượm đều có chất cấm salbutamol. Còn kiểm nghiệm mẫu thức ăn chăn nuôi của cửa hàng ở xã Tây Hòa, có 1 bao gần 10kg có chất cấm salbutamol (Sức khỏe & Đời sống (trang 2) 21/4).

Bệnh lạ gây chết người ở huyện Ba Tơ

Ở huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi đang xảy ra  bệnh viêm da lạ, làm nhiều người chết. Bệnh lạ đang gây tâm lý hoang mang và ảnh hưởng cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao trong tỉnh.

Sau thời gian tạm lắng, từ hơn một tháng qua, bệnh tổn thương ngoài da bàn tay, bàn chân lại bùng phát trở lại. Trong tuần qua, đã có thêm năm người bệnh người Hếre ở xã Ba Ðiền chết và hàng chục trường hợp mắc bệnh này phải chuyển viện lên tuyến trên điều trị. Theo Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ Lê Hàn Phong thì tình hình bệnh viêm da lạ tại xã Ba Ðiền đang diễn biến rất phức tạp, đồng bào hoang mang vì căn bệnh dày sừng lòng bàn tay, bàn chân đã liên tục gây chết người nhưng chưa tìm được nguyên nhân. Hàng trăm người ở xã Ba Ðiền, Ba Ngạc, Ba Vinh bị bệnh viêm da lạ đã điều trị tại Bệnh viện Ða khoa Quảng Ngãi và Bệnh viện Phong – Da liễu Trung ương Quy Hòa (Bình Ðịnh) nhưng đến nay vẫn chưa lành bệnh. Nếu tính từ ca bệnh viêm da lạ đầu tiên vào tháng 4-2011 tại Làng Rêu, xã Ba Ðiền xảy ra cho đến nay thì toàn huyện Ba Tơ đã có 166 người mắc bệnh. Trong số người bị bệnh viêm da lạ đã có 19 người chết và hiện số người mắc bệnh đang tăng cao. Theo ngành y tế Quảng Ngãi, tính đến chiều 16-4-2012, đã có 166 người mắc bệnh viêm da lạ (trong đó tám trường hợp chết tại bệnh viện). Người bệnh vừa qua đời do bệnh lạ cũng chưa rõ nguyên nhân là anh Phạm Văn Ðát (46 tuổi) ở thôn Làng Rêu, xã Ba Ðiền. Hiện, Bệnh viện Phong – Da liễu Trung ương Quy Hòa đang điều trị 39 người bệnh viêm da lạ, hiện có bốn người trong tình trạng rất nguy kịch, nhưng cũng chưa tìm được nguyên nhân và phác đồ điều trị ổn định. Các trường hợp mắc bệnh viêm bàn tay, bàn chân đều có biểu hiện lâm sàng khá giống nhau như: tổn thương da mu bàn tay, bàn chân, đầu và kẽ của các ngón tay, chân với những mảng da mầu đỏ sậm, sưng nhẹ, đau nhẹ, ít ngứa, sau từ bốn đến bảy ngày bàn tay, bàn chân có dấu hiệu nứt nẻ và dày. Một số người bệnh có tổn thương ở vùng má, hai bên cánh mũi, mặt trước, đến ngày thứ 14 bắt đầu rụng tóc. Theo kết quả phân tích của Viện  Pa-xtơ Nha Trang số người bệnh nói trên nhiễm độc chưa rõ nguyên nhân và hiện vẫn chưa phát hiện ra độc chất là gì…

Trước diễn biến phức tạp của căn bệnh lạ, ngành y tế Quảng Ngãi đang phối hợp chính quyền địa phương tổ chức ra quân tổng vệ sinh môi trường, phun hóa chất trên diện rộng để phòng bệnh. Ngành đã tiến hành khám sàng lọc, cấp thuốc dự phòng và vi-ta-min tổng hợp trên quy mô toàn xã. Thạc sĩ Nguyễn Xuân Mến, Phó Giám đốc Sở Y tế Quảng Ngãi cho biết: Chúng tôi đang tăng cường giám sát để phát hiện các trường hợp mắc bệnh viêm da lạ sớm nhất để đưa đến cơ sở y tế điều trị kịp thời nhằm hạn chế tử vong. Ðiều đáng nói là khi thăm hỏi, tìm hiểu cuộc sống, sinh hoạt tại một số hộ gia đình có người mắc bệnh, đoàn công tác phát hiện nhiều hộ gia đình cùng sử dụng chung nguồn nước sinh hoạt trong làng nhưng không mắc bệnh. Theo người dân ở đây, hiện trên đỉnh núi làng này có nhiều vỏ lon, chai giống như lon sữa chứa bên trong một thứ nước bốc ra mùi hôi tanh. Người dân địa phương nghi ngờ những vật dụng này có chứa chất độc, suốt chuỗi thời gian dài chôn sâu dưới lòng đất, chất độc phát tán và nhiễm vào mạch nước các khe suối gây nên dịch bệnh viêm da lạ (?).

Mới đây, đoàn công tác của Bộ Y tế gồm các chuyên gia đầu ngành da liễu, chăm sóc sức khỏe, vệ sinh an toàn thực phẩm, huyết học truyền máu… cũng đã về xã Ba Ðiền, huyện Ba Tơ để kiểm tra, khảo sát các yếu tố tác động nhằm xác định nguyên nhân gây ra căn bệnh viêm da bàn tay, bàn chân tại địa phương. Ðoàn đã tiến hành lấy mẫu các bệnh phẩm, nước, đất, thực phẩm và khám bệnh, lấy mẫu máu xét nghiệm cho người dân xã Ba Ðiền – nơi tâm điểm của bệnh dày sừng lòng bàn tay, bàn chân và có số người chết cao nhất để sớm tìm ra nguyên nhân gây bệnh. Tính đến ngày 15-4 đã có khoảng 1.500 người dân xã Ba Ðiền được khám, siêu âm và hai phần ba số người trên được lấy tóc, máu để xét nghiệm. Sau ba ngày khảo sát tại xã Ba Ðiền, đoàn công tác nhận định bước đầu: hơn 80% người bệnh suy đa phủ tạng, rối loạn chức năng gan dẫn đến chết. Thạc sĩ Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) nhận định: "Người dân có các triệu chứng tổn thương da và rối loạn chức năng gan có thể là do bị nhiễm một loại độc tố. Khi tiếp xúc trực tiếp, chất độc ngấm vào da, sau đó tiếp tục theo đường máu dẫn vào cơ thể gây chấn thương nội tạng, đặc biệt là gan". Phó Cục trưởng Nguyễn Trọng Khoa cho rằng, các chuyên gia chống độc Việt Nam khuyến cáo tìm nguyên nhân nhiễm độc trước hết phải tìm hiểu thật kỹ tiền sử, quá trình sinh hoạt, ăn uống, tiếp xúc môi trường và cuộc sống của người bệnh. Vấn đề tìm hóa chất gây độc hiện gặp nhiều khó khăn, bởi hóa chất gây độc rất đa dạng.

Bộ Y tế đã hai lần cử đoàn công tác với các chuyên gia đầu ngành vào địa phương, nơi xảy ra bệnh lạ để nghiên cứu, khảo sát và đưa người đi điều trị tại các bệnh viện chuyên ngành T.Ư nhưng hiện nay vẫn chưa tìm ra nguyên nhân. Trước tình hình bệnh lạ đang diễn biến phức tạp, UBND huyện Ba Tơ, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã có văn bản đề nghị Trung tâm nhiệt đới Việt Nga, Bộ Tư lệnh hóa học (Bộ Quốc phòng) giúp đỡ nghiên cứu sớm tìm ra nguyên nhân gây bệnh viêm da lạ. Bộ Y tế cũng sẽ đề nghị các chuyên gia đầu ngành quốc tế và Tổ chức Y tế Liên hợp quốc hỗ trợ nếu như kết quả khảo sát lần này chưa thể tìm được nguyên nhân gây bệnh…

Người dân ở các xã xuất hiện bệnh lạ mong các nhà khoa học, các bác sĩ sớm tìm ra nguyên nhân gây bệnh, cả phương pháp điều trị thích hợp để bảo vệ sức khỏe và ổn định cuộc sống người dân (Nhân dân (trang 5) 21/4). 

Chiêu 'làm giá' thuốc

Nhiều nhà máy dược phẩm mọc lên chỉ để làm nhiệm vụ đóng gói hoặc sản xuất ăn theo, nhiều công ty dược chỉ “cắt lô” để dễ bề làm giá.

Trong khi đáng ra, các doanh nghiệp này phải tiếp cận được các loại thuốc vừa hết bảo hộ độc quyền (generic) để có thể sản xuất thuốc giá rẻ hơn bán cho người bệnh, thay vì vẫn phải nhập khẩu.

“Cắt lô” làm giá

Có một nhà máy nhưng nhiều năm nay ngoài sản xuất một vài loại thuốc nhức đầu xổ mũi thông dụng, giám đốc công ty dược V. ở TPHCM vẫn sang các nước để “cắt lô” một số thuốc phân phối độc quyền về Việt Nam. Bằng cách mua gom một lô thuốc trị bệnh tim mạch hay tiểu đường từ hãng dược nước ngoài sản xuất, đưa về Việt Nam và phân phối độc quyền. Cách làm này theo giám đốc công ty dược V. là “cắt lô” để kiếm lời nhanh. “Khi đưa các thuốc này về, công ty phân phối lại qua các tầng nấc trung gian để kiếm lời”- người này nói. Một dược sĩ cho biết, tình trạng kinh doanh “cắt lô” đang rất phổ biến, dẫn tới doanh nghiệp dược dễ bề thao túng thị trường, đẩy giá.

Khi tìm mua loại thuốc Amiodaron- một loại thuốc dùng để điều trị rối loạn nhịp tim, ông Hoàng 56 tuổi ở quận 7 được các nhà thuốc cho biết hết hàng. Tuy nhiên theo tìm hiểu, thực chất đây chỉ là “chiêu trò” của đơn vị phân phối, bởi thuốc này theo các công ty dược nhập khẩu đã bị nhiều doanh nghiệp “cắt lô” độc quyền phân phối. Một tuần sau, ông Hoàng ghé lại nhà thuốc mua, loại thuốc này đã bị thổi giá tăng thêm 7.000 đồng/hộp. Hỏi ra mới biết, nhà phân phối yêu cầu điều chỉnh giá lên vì hàng thiếu lại hiếm.

Tình trạng khan hiếm thuốc và đẩy giá diễn ra phổ biến hiện nay, bởi những đơn vị kinh doanh theo kiểu “cắt lô” hoặc tạo ra những “liên minh ma quỷ” trong kinh doanh dược. Anh Hoàng Văn Huy- chuyên nhập hàng và phân phối thuốc ở TPHCM, cho biết: “Mình chỉ “cắt lô” một hai mặt hàng chuyên điều trị tiểu đường thôi, bởi dễ bán và được giá”. Theo người này bật mí thì việc “cắt lô” độc quyền, doanh nghiệp rất dễ thao túng và làm giá. Chỉ cần nói hết hàng để tạo sự khan hiếm giả, sau đó bung hàng ra và đẩy giá lên. Vì đặc thù, có bệnh không thể không mua thuốc chữa vì giá tăng.

Trên thực tế, ngay cả người không có công ty hoặc công ty không đủ điều kiện hoạt động trong lĩnh vực dược, vẫn mượn pháp nhân để “cắt lô” bao tiêu sản phẩm, do dễ kiếm lợi nhuận cao. Giá thuốc “cắt lô”, sau khi làm xong các thủ tục, có loại được đẩy giá lên cao gấp hàng trăm lần. Tuy nhiên vẫn chưa có cơ quan nào giám sát hay chế tài nào xử lý những sự vụ như vậy.

Ông Lương Đăng Khoa- Tổng Giám đốc Boston Pharma ViệtNam cho biết: Nhiều doanh nghiệp sợ sản xuất phải đầu tư tốn kém, nên mới làm kiểu ăn xổi như vậy. Trong khi đó, việc đánh giá tương đương sinh học đối với thuốc gốc (generic)- thuốc đã hết bảo hộ độc quyền của các công ty dược trong nước lại quá hiếm hoi.

PGS-TS Lê Văn Truyền, chuyên gia cao cấp dược học thừa nhận trình độ công nghiệp dược Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế và lép vế so với các nước, bởi còn không ít công ty dùng công nghệ lạc hậu, chỉ đóng gói. Việt Nam có gần 100 nhà máy đạt chuẩn GMP-WHO nhưng gần như chưa tiếp cận được các loại thuốc vừa hết bảo hộ độc quyền (generic). Thay vì chớp lấy các thuốc generic để cạnh tranh với các hãng dược nước ngoài thì các công ty trong nước vẫn tập trung cho các chủng loại hàng thông thường và nhái mẫu mã dẫn đến hiện tượng đầu tư trùng lắp, cạnh tranh lẫn nhau…

Ăn theo

Phụ thuộc vào 90% nguồn nguyên liệu nhập khẩu, hàng chục công ty dược trong nước xây dựng nhà máy chỉ để đóng gói các loại thuốc của hãng dược nước ngoài sau khi mua về, một số ít sản xuất thuốc nhưng là những loại thuốc thông thường. Dược sĩ Nguyễn Văn K., giám đốc một công ty dược có trụ sở tại TPHCM, cho biết hầu như các công ty dược trong nước làm ăn kiểu “tát nước theo mưa”. 50% nhu cầu thuốc mà công ty nội sản xuất chỉ có vài ba phần trăm thuốc độc quyền, còn lại là thuốc thông thường, thuốc bị thay tên đổi họ.

Ông Trương Hữu Dũng- Giám đốc Cty dược T.Đ ở quận 10, cho biết: “Người bệnh bị cảm cúm nhức đầu tưởng rằng chỉ có Panadol, Paracetamol hay Decolgen nhưng thực tế thị trường có hàng trăm loại thuốc có tác dụng điều trị tương tự như vậy do trong nước sản xuất. Họ sản xuất theo kiểu bắt chước. Thấy thuốc nước ngoài bán chạy là mình làm theo, giá cả thì mỗi nơi mỗi giá, có khi bán giá cao hơn thuốc ngoại”- ông Dũng tiếp.

Hàng trăm loại kháng sinh nội cũng được các công ty trong nước đua nhau sản xuất, chỉ khác tên gọi thương mại, còn phòng và điều trị giống nhau. Hễ thấy công ty nào có sản phẩm bán chạy thì một tháng sau cũng thấy vài ba công ty dược khác sản xuất theo. “Đua nhau sản xuất kháng sinh, nên các công ty dược nội “giẫm đạp” nhau để cạnh tranh đưa thuốc vào bệnh viện, đua nhau tăng chi hoa hồng, nên đẩy giá thuốc lên cao bắt người bệnh gánh”- ông K. thừa nhận.

Khi hỏi mua thuốc Panadol, chị Vinh được nhân viên nhà thuốc Ái Mỹ trên đường Huỳnh Tấn Phát, quận 7 tư vấn có loại thuốc tương tự như Panadol nhưng giá cao hơn 200 đồng/viên. Chị Vinh đã chọn thuốc ngoại, vì chất lượng cao hơn, trong khi giá lại thấp hơn thuốc nội. Đại diện một công ty dược ở quận 7, thừa nhận, tình trạng sản xuất đại trà, sản xuất kiểu “ăn theo” nhưng giá vẫn cao do nguyên liệu phải nhập khẩu khiến cho thuốc nội khó tiêu thụ, người bệnh vẫn chưa thực sự tin tưởng.

PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết chỉ trong một năm Cục quản lý dược đã cấp tới 87 số đăng ký thuốc cho cùng hoạt chất Cefuroxime, 98 số đăng ký cho hoạt chất Cefixim và hàng chục số đăng ký cho các loại thuốc cùng hoạt chất khác như Amlodipin, Azithromycin, Metformin…trong khi những loại này đã quá nhiều ở Việt Nam. Đây là lý do khiến các công ty trong nước giẫm lên nhau sản xuất mà không cạnh tranh được với các thuốc cùng loại của các hãng dược nước ngoài.

Theo TS Lê Hậu, Khoa dược- Đại học Y Dược TPHCM trong khi chưa có điều kiện để nghiên cứu phát minh ra những loại thuốc mới, ngành dược Việt Nam vẫn không tập trung sản xuất thuốc generic cho nhu cầu điều trị trong nước. Theo tính toán của Bộ Y tế, hiện mỗi năm có khoảng 25-30 hoạt chất hết bản quyền với trị giá hàng chục tỷ USD được các nước trên thế giới đổ xô vào khai thác. Trong khi các công ty dược trong nước thờ ơ, chỉ tập trung “cắt lô”, “ăn theo” kiếm lời nhanh. Với cách làm ăn này, người bệnh không biết tới khi nào mới thôi bị móc túi (Tiền phong ( trang 5) 21/4).

Sửa phác đồ điều trị hội chứng viêm dày sừng da bàn tay bàn chân

Hôm qua Hội đồng chuyên môn của Bộ Y tế gồm các chuyên gia da liễu hàng đầu Việt Nam đã tham gia cuộc họp khẩn tìm nguyên nhân căn bệnh đang gây lo lắng cho nhiều người dân ở huyện Ba Tơ (Quảng Ngãi).

Ông Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, các chuyên gia đã thống nhất sửa đổi phác đồ điều trị căn bệnh này bằng việc phân tuyến điều trị rõ ràng hơn với căn bệnh này. Theo đó, các ca bệnh nhẹ sẽ được điều trị ở tuyến cơ sở còn những bệnh nhân nặng sẽ được chuyển tới các khoa hồi sức của bệnh viện đa khoa tỉnh và trung ương điều trị tích cực.

Trong tuần tới, Bộ Y tế sẽ ban hành phác đồ điều trị mới cập nhật những phương pháp điều trị tốt hơn để hạn chế tỷ lệ bệnh nhân tử vong.

Tại cuộc họp, Hội đồng chuyên môn đã thống nhất gọi căn bệnh mà người dân quen gọi là bệnh lạ là “hội chứng viêm dày sừng da bàn tay bàn chân” thay tên gọi cũ là “bệnh viêm lòng bàn tay, bàn chân và có rối loạn chức năng gan” (Tiền phong ( trang 6), Tuổi trẻ (trang 2) 21/4).

Ồ ạt đưa con đi xét nghiệm chì

Thông tin về số trẻ bị ngộ độc chì do sử dụng thuốc cam phải nhập viện cấp cứu tăng đột biến từ đầu năm đến nay, trong đó có cả những ca tử vong khiến cho nhiều bậc phụ huynh từng cho con nhỏ sử dụng loại thuốc này hết sức hoang mang, lo lắng. Tại Trung tâm Chống độc – BV Bạch Mai sáng 20-4, phóng viên ANTĐ chứng kiến cảnh tượng chưa từng có trong hàng chục năm qua. Hàng trăm ông bố bà mẹ bế con xếp hàng chờ đến lượt vào xét nghiệm máu để kiểm tra hàm lượng chì. Cũng chưa bao giờ Trung tâm này ưu tiên hẳn một quầy tiếp đón, phát số cho bệnh nhân đến làm xét nghiệm chì, đồng thời cũng dành riêng một phòng bệnh phục vụ công tác khám ngộ độc chì và lấy mẫu máu gửi xét nghiệm. Mới hơn 10 giờ, số phiếu được phát ra cho bệnh nhi làm xét nghiệm chì đã xấp xỉ 100, trong khi vẫn còn rất nhiều bệnh nhi khác chờ chưa đến lượt. Các bác sĩ ở đây cho biết, khoảng 5 ngày qua, trung bình mỗi ngày đều có từ 50-70 trẻ được đưa đến khám, xét nghiệm chì. Mẫu máu của các bệnh nhân này được lấy gửi đến Viện hóa học và Y học vệ sinh lao động để làm xét nghiệm, sau 3 tuần sẽ trả kết quả.

Trò chuyện với nhiều phụ huynh đưa trẻ đến khám, chúng tôi thấy có một điểm chung là đa số trường hợp đã từng cho trẻ sử dụng thuốc cam. Bế cậu con trai mới hơn 10 tháng tuổi chờ đến lượt xét nghiệm, chị Phạm Thị H., ở Lương Sơn (Hòa Bình) kể, lúc 9 tháng tuổi, con trai chị bị đi ngoài dữ dội hơn 1 tuần, đã đưa xuống BV Nhi Trung ương khám và uống đủ loại thuốc vẫn không khỏi. Nghe hàng xóm mách, chị đến nhà một thầy lang trong làng mua 6 liều thuốc cam đường ruột về cho con uống. Tuy nhiên, chỉ uống hết một ngày thuốc đã thấy con nôn thốc tháo nên chị quyết định không cho uống nữa. Nay cháu nhỏ đã khỏe mạnh, nhưng chị vẫn muốn đưa đi xét nghiệm máu xem có bị ngộ độc chì do sử dụng thuốc nam hay không.

Trong số các bệnh nhi được đưa đến khám, qua sàng lọc có khoảng 10% số trường hợp có biểu hiện ngộ độc nặng phải nhập viện theo dõi, điều trị và hầu hết trong số này đều do nguyên nhân sử dụng thuốc cam không rõ nguồn gốc xuất xứ. Tại phòng bệnh dành riêng cho điều trị bệnh nhân ngộ độc chì, anh Dương Mạnh D., ở Mai Đình (Sóc Sơn, Hà Nội) đã phải túc trực suốt 2 ngày qua để chăm sóc con nhỏ mới 5 tháng tuổi. Anh D. kể, cách đây 1 tuần, con anh bị loét miệng, viêm lưỡi, nước dãi hôi, bà nội cháu ở Thiệu Hóa (Thanh Hóa) đã mua mấy gói thuốc cam của một thầy lang gia truyền trong làng gửi lên, anh cho con uống 2 đợt, mỗi đợt 5 ngày thì thấy cháu có biểu hiện nôn, ho, kém ăn nên vội vã đưa đi BV Nhi trung ương khám, sau đó chuyển sang  BV Xanh Pôn xét nghiệm, kết quả cho thấy nồng độ chì trong máu của bé lên đến 87,5mg/100ml (cao gấp 4 lần cho phép) nên được chuyển sang Trung tâm chống độc điều trị. 
Nguy hại cho thế hệ tương lai

Trao đổi với chúng tôi, TS. Phạm Duệ, Giám đốc Trung tâm Chống độc cho biết, ngộ độc chì trước nay gặp không nhiều và đều ở bệnh nhân lớn tuổi, do đó ngay trong chương trình đào tạo bác sĩ đa khoa của Đại học Y cũng phải vài năm gần đây mới có vài bài giảng về ngộ độc chì. Hơn nữa, ngành y tế nước ta cũng chưa có phác đồ điều trị ngộ độc chì ở trẻ nhỏ nên hầu như các cơ sở y tế đều không điều trị được loại ngộ độc này. Điều trị ngộ độc chì ở người lớn có thể khỏi hoàn toàn nhưng với bệnh nhi, việc điều trị khó khăn hơn rất nhiều, phải có phác đồ mới, liều lượng thuốc thải độc phải tăng giảm khác với người lớn bởi cơ thể trẻ còn rất yếu trong khi bản thân thuốc thải độc cũng là con dao 2 lưỡi.

Do lượng bệnh nhân đến  đông nên hiện chỉ những cháu có biểu hiện nguy hiểm mới được giữ lại lâu, cháu nào nhẹ, đáp ứng điều trị thuốc tốt thì vài ba ngày là cho điều trị ngoại trú. TS. Phạm Duệ cho biết, điều trị ngộ độc chì thường mất rất nhiều thời gian, điều trị thành nhiều đợt, có bệnh nhân điều trị gần 1 tháng, thậm chí có bệnh nhân phải điều trị 2 năm vì chì đã nằm trong rất nhiều cơ quan của cơ thể, phải thải độc dần (cả xương, não…).

Điều nguy hiểm hơn là với trẻ nhỏ bị ngộ độc chì sẽ để lại hậu quả vô cùng to lớn bởi có nguy cơ ảnh hưởng đến sự phát triển chiều cao, thể chất sau này, đồng thời trí tuệ của trẻ cũng sẽ kém phát triển hơn, giảm khả năng học tập, ngu ngơ… Nếu số trẻ ngộ độc chì tăng cao, đó thực sự là điều rất đáng lo lắng.

Cũng theo TS. Phạm Duệ, rất khó để phát hiện trẻ bị ngộ độc chì bởi chỉ những cháu bị rất nặng mới có biểu hiện như  bị co giật, hôn mê, có cháu thay đổi tính tình, quấy khóc, vài ba tuần thiếu máu, xanh xao, nhợt nhạt… còn lại đa phần không có biểu hiện rõ ràng. Vì vậy, muốn chẩn đoán được ngộ độc chì nhất thiết phải xét nghiệm chì trong máu. Trung tâm chống độc khuyến cáo, tuyệt đối không nên cho trẻ uống các loại thuốc cam mua từ các ông, bà lang, bán dạo hoặc bán ở chợ quê, nếu đã sử dụng nhiều thì nên đi xét nghiệm. Tuy nhiên, nếu các loại thuốc cam được mua ở các nhà thuốc, cơ sở hành nghề có đăng ký, trẻ sau khi sử dụng không có triệu chứng bệnh gì thì cũng không nên quá lo lắng, không cần đi xét nghiệm. 

Đình chỉ thêm một cơ sở bán dược liệu không phép

Ngày 20-4, Thanh tra Sở Y tế Hà Nội tiếp tục tiến hành kiểm tra và giám sát một số cơ sở hành nghề y dược cổ truyền và lấy mẫu dược liệu, thuốc cam làm xét nghiệm hàm lượng chì. Ông Nguyễn Việt Cường, Chánh thanh tra Sở Y tế cho biết, qua giám sát tại cơ sở y dược của ông Chân ở cụm 6, (xã Long Xuyên, huyện Phúc Thọ) – 1 trong 3 cơ sở mới bị

Sở Y tế đình chỉ hành nghề do phát hiện bán thuốc cam có hàm lượng chì cao, cơ sở này đã thực hiện nghiêm túc quyết định đình chỉ, tạm thời chưa tiếp tục hành nghề. Cũng qua kiểm tra tại xã này, đoàn phát hiện thêm một cơ sở bán dược liệu không có giấy phép hành nghề. Đoàn thanh tra đã đình chỉ hoạt động và lấy mẫu dược liệu của cơ sở này để làm xét nghiệm.

Cả làng hoang mang vì ngộ độc chì

Bên cạnh các trường hợp trẻ ngộ độc chì do sử dụng thuốc cam, Trung tâm chống độc BV Bạch Mai cũng đang điều trị cho rất nhiều trẻ nghi ngộ độc chì do số trẻ này sống ở một làng nghề chuyên thu mua phế liệu sắt vụn. Chị Nguyễn Thị X., mẹ của cháu bé 4 tuổi đang lấy mẫu máu làm xét nghiệm tại Trung tâm cho biết, chị ở làng Hè (xã Chỉ Đạo, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên), cả làng sống bằng nghề thu mua phế liệu, sắt vụn, cách làng khoảng 3km là bãi rãi lớn. Mới đây, các bác sĩ của huyện, tỉnh đã về trạm y tế xã tổ chức khám, xét nghiệm cho khoảng 100 cháu bé trong làng và phát hiện đến 18 cháu có hàm lượng chì trong máu cao, những cháu này đều được chỉ định lên Trung tâm Chống độc để làm xét nghiệm lại và điều trị. Điều đó gây  tâm lý hoang mang, lo ngại cho mọi người dân trong làng bởi họ lo sợ nguồn nước trong làng bị ô nhiễm là nguyên nhân gây bệnh (An ninh thủ đô (trang 6) 21/4).

Phát hiện thêm mẫu thuốc cam có hàm lượng chì cao

Ngày 20-4, thanh tra Sở Y tế Hà Nội, Trung tâm Kiểm nghiệm dược – mỹ phẩm Hà Nội đã lấy mẫu nguyên liệu sản xuất thuốc cam tại cơ sở bán dược liệu của bà Nguyễn Thị Khai, thị trấn Phúc Thọ, Hà Nội.

Bà Khai là đầu mối cung cấp nguyên liệu sản xuất thuốc cam cho toàn bộ khu vực thị trấn Phúc Thọ và vùng lân cận, trong đó có một số nguyên liệu nhập khẩu.

Trước đó, thanh tra Sở Y tế Hà Nội đã kiểm tra lại cơ sở sản xuất thuốc cam của gia đình ông Nguyễn Văn Trân (huyện Phúc Thọ, Hà Nội). Theo thanh tra Sở Y tế Hà Nội, hai mẫu thuốc cam lấy tại gia đình ông Trân trước đó đều cho kết quả nhiễm chì. Ông Trân cho biết nguyên liệu thanh đại và hồng đơn sản xuất thuốc cam mua từ cơ sở của bà Khai.

Theo thanh tra Sở Y tế Hà Nội, cả hai cơ sở đông y kể trên đều không có bằng cấp chuyên môn và giấy phép hành nghề, do người hành nghề không có bằng tốt nghiệp THPT. Bộ Y tế cho biết hiện đang giao Bệnh viện Bạch Mai xây dựng phác đồ điều trị chuẩn điều trị bệnh nhân nhiễm chì liên quan đến thuốc cam (Tuổi trẻ (trang 2) 21/4).
 


Gửi thảo luận