Với quan tâm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, sự phối hợp hỗ trợ của các bộ, ban, ngành và với nỗ lực của từng cán bộ y tế từ trung ương đến cơ sở, ngành Y tế Việt Nam đang đổi mới và phát triển không ngừng, chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân ngày càng nâng cao, đạt được nhiều tiến bộ, thành tựu ngang tầm khu vực và quốc tế. Những tiến bộ, thành tựu, cố gắng, nỗ lực của ngành Y tế cần phải được tuyên truyền sâu rộng để nhân dân và xã hội ghi nhận và thêm niềm tin yêu đối với ngành, với những “chiến sỹ áo trắng” đang ngày đêm phục vụ sức khỏe người dân. Bên cạnh đó, việc tuyên truyền, quảng bá những thành tựu và tiến bộ y học sẽ góp phần khẳng định vị thế nền Y học Việt Nam trên bình diện quốc tế.
Chất lượng chăm sóc sức khỏe các tuyến cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của nhân dân, tuy vậy do thiếu thông tin, hoặc do chưa thực sự tin tưởng vào chất lượng dịch vụ y tế địa phương, một bộ phận nhân dân đã khám chữa bệnh trái tuyến, vượt tuyến. Đặc biệt, vẫn có nhiều người bệnh ra nước ngoài khám chữa bệnh, gây tốn kém về tiền bạc và thời gian nhưng kết quả nhiều khi không như mong muốn, không ít trường hợp đã gây ra hậu quả, hệ lụy đáng tiếc. Trong khi đó, ở Việt Nam, nhiều thành tựu, tiến bộ y học đã chinh phục được nhiều lĩnh vực khó, khiến không ít chuyên gia y học thế giới phải ngưỡng mộ, nhiều dịch vụ y tế chất lượng cao ngang tầm khu vực và quốc tế. Việc tuyên truyền thành tựu và tiến bộ y học sẽ nâng cao nhận thức của nhân dân để tiếp cận và sử dụng hiệu quả các dịch vụ y tế sẵn có trong nước, góp phần tăng chi phí – hiệu quả về chăm sóc sức khỏe.
Đối với người cán bộ y tế, việc không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, Y đức là yêu cầu tất yếu, vì vậy mỗi cán bộ y tế phải được liên tục cập nhật thông tin, trao đổi kinh nghiệm trong nước và quốc tế thông qua các kênh thông tin khác nhau. Do vậy, việc tuyên truyền thành tựu và tiến bộ y học sẽ là một trong nhiều kênh thông tin bổ ích hỗ trợ cho người cán bộ y tế thêm kiến thức, kỹ năng để ngày càng hoàn thiện, phục vụ nhân dân ngày một tốt hơn.
Đề án Tuyên truyền thành tựu và tiến bộ y học sẽ tạo ra diễn đàn trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, thúc đẩy các cơ sở y tế nâng cao trình độ chuyên môn và ứng dụng khoa học công nghệ mới trong chăm sóc sức khoẻ; thu hút đầu tư và tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực y tế. Qua diễn đàn này góp phần khuyến khích người cán bộ y tế luôn phấn đấu, tự hoàn thiện mình để xứng đáng với niềm tin của nhân dân, là giải pháp “lấy xây dựng để chống tiêu cực” qua đó góp phần nâng cao Y đức.
Xuất phát từ tính đúng đắn và thiết thực, Đề án sẽ hướng tới mục tiêu: một là, nâng cao hiểu biết của nhân dân về những thành tựu và tiến bộ y học của Việt Nam, khuyến khích nhân dân tăng cường tiếp cận và sử dụng các dịch vụ y tế sẵn có trong nước; góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với nền y học nước nhà; hai là, cung cấp, trao đổi thông tin, tạo điều kiện cho các cơ sở y tế trong nước chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao công nghệ; khuyến khích các cơ sở y tế ứng dụng những tiến bộ và cải tiến kỹ thuật khoa học trong công tác chăm sóc sức khoẻ, không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn; góp phần nâng cao y đức; ba là, phổ biến, trao đổi kinh nghiệm, tăng cường hợp tác và thu hút đầu tư quốc tế trong lĩnh vực y học; bốn là, tôn vinh các cơ sở, cán bộ và nhân viên y tế, cán bộ quản lý và các cá nhân có nhiều thành tích trong lĩnh vực phát triển khoa học công nghệ ngành Y tế.
Đề án tập trung tuyên truyền những thành tựu, tiến bộ y học mang lại hiệu quả cao trong các lĩnh vực khám chữa bệnh, y tế công cộng và các lĩnh vực chăm sóc – nâng cao sức khỏe khác, góp phần thực hiện các chỉ tiêu của Quốc hội giao, mục tiêu Thiên niên kỷ và các chỉ tiêu của ngành Y tế: phương pháp, giải pháp mới; ứng dụng công nghệ, khoa học kỹ thuật; phát minh, sáng chế; các địa chỉ y tế tin cậy; gương các nhà khoa học, thầy thuốc giỏi, người tốt, việc tốt… của ngành Y tế. Đối tượng hướng tới của Đề án là các nhà quản lý, lãnh đạo Đảng và chính quyền các cấp; cán bộ, nhân viên công tác trong ngành Y tế; các tầng lớp nhân dân và các đối tác khác… trên phạm vi toàn quốc và người có nhu cầu ở nước ngoài.
Để thông tin đến được với các đối tượng một cách nhanh, chính xác và hiệu quả, những hình thức tuyên truyền của Đề án rất đa dạng và phong phú thông qua các phương tiện truyền thông, thông tin đại chúng, thông qua hình thức tổ chức hội thảo, toạ đàm, triển lãm và một số loại hình hoạt động tại cộng đồng khác.
Theo Quyết định của Bộ trưởng Bộ Y tế, trong giai đoạn 2011-2015, Đề án tập trung vào một số hoạt động trọng tâm cơ bản sau:
Đối với hoạt động tuyên truyền qua mạng lưới truyền thông giáo dục sức khỏe:
Trung tâm Truyền thông GDSK Trung ương thực hiện hiệu quả hoạt động tuyên truyền thông qua các phương tiện truyền thông của Trung tâm; phối hợp hiệu quả với các cơ quan báo đài trung ương và các địa phương thực hiện tuyên truyền thành tựu và tiến bộ y học và trang bị các phương tiện phục vụ cho hoạt động Đề án.
Trung tâm Truyền thông GDSK các tỉnh/thành phố tổ chức hiệu quả hoạt động tuyên truyền thành tựu và tiến bộ y học của địa phương: xây dựng chuyên trang và đăng tải các thông tin cập nhật về thành tựu và tiến bộ y học trên các ấn phẩm của Trung tâm Truyền thông GDSK; phối hợp và xây dựng các chuyên mục, chương trình “thành tựu và tiến bộ y học”, đăng tải các thông tin trên báo, đài địa phương; phối hợp và hỗ trợ thực hiện các hoạt động tuyên truyền trực tiếp tại các cơ sở y tế.
Đối với hoạt động tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng: Các cơ quan thông tin đại chúng trung ương và địa phương, trên cơ sở kế hoạch và các nội dung đã thống nhất với Bộ Y tế và Sở Y tế, thực hiện thông tin, tuyên truyền một cách hiệu quả, cập nhật và thường xuyên. Mỗi cơ quan báo, đài tùy theo chức năng nhiệm vụ của mình, xây dựng các chương trình, hoạt động, dành thời lượng thích hợp, phân công cán bộ chuyên trách lĩnh vực, phối hợp với các cơ sở y tế thực hiện thông tin tuyên truyền một cách hiệu quả.
Đối với hoạt động tổ chức các sự kiện, chương trình tuyên truyền trực tiếp: Các cơ quan, tổ chức thường xuyên các hình thức hoạt động tuyên truyền huy động sự tham gia trực tiếp của các cơ sở y tế, của cộng đồng và xã hội, như hội thảo, hội nghị khoa học, tọa đàm, triển lãm về các thành tựu và tiến bộ y học Việt Nam…
Đối với hoạt động tuyên truyền tại các cơ sở y tế: Tất cả các cơ sở y tế, trong đó trọng tâm là các cơ sở khám chữa bệnh đều có nhiệm vụ phối hợp với các cơ quan báo, đài thực hiện thông tin tuyên truyền các thành tựu và tiến bộ y học của đơn vị mình, phân công cán bộ chuyên trách, cộng tác viên viết bài, cung cấp thông tin cho báo chí, đảm bảo cập nhật, chính xác phù hợp với chủ đề và mục tiêu đề án; tổ chức các hoạt động tuyên truyền như hội thảo khoa học, hội nghị giới thiệu các ứng dụng kỹ thuật mới của đơn vị…
Nhằm đảm bảo tính hệ thống, nhất quán và trên hết là tính hiệu quả của Đề án, Ban chỉ đạo thực hiện Đề án cấp Bộ đã được thực hiện do TS. Nguyễn Quốc Triệu, Bộ trưởng Bộ Y tế làm trưởng Ban. Trung tâm Truyền thông GDSK Trung ương là cơ quan thường trực, chịu trách nhiệm làm đầu mối tổ chức, điều phối, phối hợp với các cơ sở y tế, các cơ quan báo đài trung ương và các cơ quan liên quan thực hiện các hoạt động tuyên truyền thành tựu và tiến bộ y học và thực hiện tuyên truyền trên các ấn phẩm của Trung tâm. Các vụ, cục, tổng cục và các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế, tùy theo chức năng, nhiệm vụ, phối hợp thực hiện Đề án, cung cấp và thẩm định các thông tin về thành tựu và tiến bộ y học được tuyên truyền. Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thành lập Ban chỉ đạo Đề án cấp tỉnh, do đồng chí Giám đốc Sở Y tế làm trưởng Ban, Giám đốc Trung tâm Truyền thông GDSK tỉnh làm Phó Trưởng ban thường trực, mời đại diện các cơ quan báo đài địa phương tham gia Ban chỉ đạo. Y tế các bộ, ngành trung ương thành lập Ban chỉ đạo, phối hợp với Trung tâm Truyền thông GDSK Trung ương để triển khai thực hiện Đề án trong phạm vi bộ, ngành. Các cơ quan thông tin đại chúng trung ương và địa phương phối hợp với Bộ Y tế và Sở Y tế các tỉnh/thành phố thực hiện hiệu quả hoạt động thông tin, tuyên truyền thành tựu và tiến bộ y học Việt Nam trên các phương tiện thông tin đại chúng đảm bảo tính chính xác, khách quan của thông tin đăng tải và tuân thủ Luật Báo chí.
Đề án Tuyên truyền thành tựu và tiến bộ y học Việt Nam giai đoạn 2011 – 2015: GÓP PHẦN KHẲNG ĐỊNH VỊ THẾ NỀN Y HỌC VIỆT NAM
Thiết nghĩ, trên thực tế, hiệu quả của thông tin đại chúng, của công tác truyền thông đã được khẳng định đối với hầu hết các lĩnh vực của cuộc sống. Việc chỉ đạo xây dựng và quyết định đưa vào thực tế hoạt động tuyên truyền thành tựu và tiến bộ y học Việt Nam của lãnh đạo Bộ Y tế là một quyết định sáng suốt, phù hợp với thời đại công nghệ thông tin và đòi hỏi của ngành, của xã hội. Và có thể khẳng định chắc chắn, cùng với Đề án 1816, Đề án “Tuyên truyền thành tựu và tiến bộ y học” sẽ góp phần tăng cường năng lực chuyên môn của hệ thống y tế nói chung và y tế cơ sở nói riêng.