Trang chủ » Tin tức » Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức Thành công cùng lúc 4 ca ghép tạng từ một người cho chết não

Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức Thành công cùng lúc 4 ca ghép tạng từ một người cho chết não

Lần đầu tiên có người chết não hiến toàn bộ tạng
 
Không giấu nổi niềm sung sướng sau bao ngày chờ đợi, bao lần tưởng đã được thực hiện rồi lại không thành và ngày 12/4, một bệnh nhân hơn 30 tuổi, chết não do tại nạn giao thông đã được đưa vào Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.
 
Ngay sau khi được gia đình người chết não đồng ý hiến tạng để cứu sống những bệnh nhân khác, Bệnh viện đã nhanh chóng chọn ngẫu nhiên các bệnh nhân cần ghép có cùng cùng nhóm máu để tiến hành ghép cùng lúc 4 ca: Một bệnh nhân người Hải Phòng bị bệnh van tim, suy tim ở giai đoạn cuối (nếu không được ghép tim bệnh nhân sẽ tử vong) phải hồi sức trước khi ghép, đã may mắn trùng nhóm máu và cùng điều kiện miễn dịch với người cho. Một bệnh nhân ở Hà Nội đã ra nước ngoài chữa bệnh và cũng có những chỉ số tương đồng để được ghép gan. Hai bệnh nhân ghép thận ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Riêng 2 giác mạc cũng được hiến cho Ngân hàng mắt, Bệnh viện Mắt Trung ương để thực hiện các ca ghép giác mạc ngay sau đó.
 
Kết quả là 2 ca ghép thận đã hoàn thành sau gần 3 giờ, ca ghép tim kéo dài trong 4 giờ. Riêng ca ghép gan phức tạp hơn cũng hoàn thành sau 8 giờ.
 
Tính đến chiều 15/4, cả 4 bệnh nhân được ghép tạng đều đã hồi phục, tỉnh táo. Hai bệnh nhân ghép thận đã đi lại được, các chỉ số xét nghiệm trở về bình thường. Với bệnh nhân ghép gan và ghép tim đã rút nội khí quản và ăn uống bình thường nhưng vẫn được chăm sóc đặc biệt.
 
Độc lập cùng lúc thực hiện 4 ca ghép thận, gan và tim
 
Nói về việc cùng 1 lúc phải triển khai 4 ca ghép, PGS. TS. Nguyễn Tiến Quyết, Giám đốc Bệnh viện cho biết, đây là một ca phải lấy toàn bộ tạng để ghép cùng một lúc: đầu tiên là lấy tim ghép cho người nhận tim, lấy gan ghép cho người nhận gan và lấy thận ghép cho người nhận thận. Bệnh viện đã phải hoãn gần 100 ca mổ phiên, huy động hơn 130 người là các chuyên gia, bác sỹ, nhân viên y tế. Ghép thận đã trở thành thường quy của Bệnh viện, mỗi ca được ghép chỉ diễn ra trong vòng 2 giờ. Còn ghép gan là kỹ thuật khó nhất nhưng vài năm trở lại đây, Bệnh viện cũng đã thực hiện thành công nhiều ca, trong đó, có cả những ca hiến tạng từ người cho chết não. Đối với ca ghép tim thì đây là lần đầu tiên Bệnh viện tiến hành ghép tim từ người cho chết não nhưng nhờ có sự chuẩn bị tốt về cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật hiện đại và có đội ngũ các chuyên gia tâm lý, các bác sỹ với tinh thần trách nhiệm cũng như tay nghề cao nên Bệnh viện mới có thể thực hiện độc lập cùng một lúc thành công như vậy.
 
Đây là ca ghép tim từ nguồn hiến chết não thứ 3 tại nước ta và do các bác sỹ Việt Nam đảm nhiệm (ca đầu tiên được thực hiện thành công tại Bệnh viện Quân đội 103 cuối tháng 5/2010, ca thứ hai tại Bệnh viện Trung ương Huế vào đầu tháng 3/2011).
 
Sự thành công của cả 4 ca ghép tạng thực hiện độc lập cùng một lúc đã khẳng định trình độ về kỹ thuật của đội ngũ y, bác sỹ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, đặc biệt, khẳng định nghĩa cử cao đẹp hiến tạng cứu đồng loại của người Việt Nam.
 
Chờ đợi nguồn tạng hiến
 
PGS. TS. Nguyễn Tiến Quyết xót xa: "Cả nước, hàng chục nghìn người có nhu cầu ghép thận, tim, gan. Tại Bệnh viện Việt Đức, riêng bệnh nhân đang điều trị nội trú hằng ngày có nhu cầu ghép gan, tim có cả chục người, nhu cầu ghép thận thì hàng trăm, song số người chết não hiến tạng tại Bệnh viện đến giờ chỉ đếm chưa hết số ngón trên một bàn tay".
 
Hiện nay, mỗi ngày Bệnh viện tiếp nhận, điều trị từ 5-7 ca chết não, nhưng đây mới chỉ là trường hợp thứ tư đồng ý hiến tạng. Không ít lần Bệnh viện thuyết phục, gia đình đồng ý, các bác sỹ chuẩn bị đủ thiết bị, người nhận đã sẵn sàng nằm chờ trong phòng phẫu thuật nhưng rốt cuộc người nhà lại thay đổi ý định vì ý niệm "chết phải toàn thây" trong khi “Nội tạng chỉ là phần mềm, có lấy đi thì xương cốt vẫn vẹn nguyên, nhưng nhiều người vẫn không hiểu". Vì vậy, “để có được nguồn tạng hiến, chúng tôi như người đang đi câu”, PGS. Quyết nói.
 
Cũng liên quan đến hiến tạng, thiếu tướng, PGS. TS. Hoàng Mạnh An, Giám đốc Bệnh viện Quân đội 103, cho hay, việc vận động gia đình người chết não đồng ý hiến tạng là một bài toán nan giải. Nếu chỉ để các bệnh viện vận động như hiện nay thì nguồn hiến tạng từ người cho chết não sẽ rất hạn chế. “Phải đến khi nào chúng ta làm được như nhiều nước, có cuộc vận động từ trong xã hội may ra tình hình mới cải thiện", PGS. An nói.
 
Theo PGS. TS. Nguyễn Tiến Quyết, “người chết não thực tế là chết hẳn rồi, bởi chỉ cần rút nội khí quản ra là bệnh nhân ngừng thở ngay. Điều này, Quốc hội đã ban hành Luật Hiến ghép mô, tạng và Bộ Y tế cũng đã có những văn bản hướng dẫn dưới Luật. Tuy nhiên, bác sỹ xác định tình trạng của bệnh nhân không chỉ dựa vào những căn cứ của Luật mà còn làm thận trọng bằng tâm linh của chính mình nữa". Trường hợp bệnh nhân hiến tạng ngày 12/4 tại Bệnh viện Việt Đức cũng đã được Bệnh viện điều trị dài ngày nhưng không thể qua khỏi. Đây là một trong số rất ít trường hợp bị chết não tại nước ta đồng ý hiến tạng cho cả gan, tim, thận và giác mạc.
 
Một người chết não hiến tạng, 4 người được cứu
 
Nói về sự kiện này, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu đã rất vui mừng và phấn khởi vì sau nhiều năm chuẩn bị, nhiều lần thực tập để chuẩn bị cho việc ghép tạng của các bác sỹ Việt Nam, lần này đã có một gia đình có tấm lòng nhân đạo quyết định hiến tạng để cứu sống cùng lúc 4 người bệnh và cả 4 ca ghép tim, gan, thận của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã thành công tốt đẹp.
 
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Quốc Triệu thay mặt Ngành Y tế và người bệnh được ghép tạng gửi lời cảm ơn đến gia đình của người hiến tạng đã có tấm lòng cao cả đối với cộng đồng, đồng loại, đối với những người không may bị bệnh. Đây là một nghĩa cử cao đẹp giúp những người được nhận sẽ có cuộc sống trở lại, mang lại hạnh phúc cho gia đình họ.

Gửi thảo luận