Phát hiện thuốc điều trị viêm khớp giả
Tin từ Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) ngày 19/4 cho biết, Cục vừa có văn bản gửi các cơ quan chức năng thông báo về việc phát hiện Công ty TNHH Dược phẩm Vân Sơn (số 39 Bùi Thị Cúc, thị trấn Ân Thi, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên) bán thuốc tiêm voltarén® 75mg giả.
Đây là loại thuốc dùng để điều trị bệnh viêm khớp mạn tính. Cục cũng đề nghị các cơ sở kinh doanh dược phẩm, người sử dụng không được buôn bán, sử dụng thuốc tiêm voltarén® 75mg khi thấy trên nhãn không có số đăng ký, tem nhập khẩu, tên nhà nhập khẩu…
Trước đó, Trung tâm Kiểm nghiệm dược phẩm – mỹ phẩm – thực phẩm Hưng Yên đã lấy mẫu thuốc voltarén® 75mg tại công ty này để kiểm nghiệm do không có số đăng ký, không có tem nhập khẩu; trên nhãn ghi số lô: 50799, hạn dùng tháng 3-2014, nhà sản xuất Norvartis Farmacéutica, SA Gran Via de les Cots Catalanes, 76408013 Barcelona. Tuy nhiên, khi cơ quan chức năng bóc nhãn trên ống thuốc tiêm trên thì thấy lộ ra dòng chữ: Công ty CPDP Vĩnh Phúc DICLOFENAC – diclofenac natri 75mg/3ml.
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới chiều 19/4, dược sĩ Hoàng Thu Hương, Phó Giám đốc phụ trách kinh doanh của Công ty CPDP Vĩnh Phúc cho biết, DICLOFENAC – diclofenac natri 75mg/3ml là sản phẩm của công ty có cùng hoạt chất, chỉ khác tên biệt dược, nên có công dụng như thuốc voltarén® 75mg. Nguyên liệu, vỏ ống thuốc của công ty đều được nhập khẩu và thuốc được sản xuất trên dây chuyền công nghệ đạt chuẩn quốc tế, vì thế về hình thức rất giống với sản phẩm nhập ngoại voltarén® 75mg và về chất lượng thì tương đương. Lợi dụng điều này, doanh nghiệp khác mua thuốc của công ty, dán nhãn giả để bán với giá cao gấp 3 lần nhằm trục lợi (Hà Nội mới, Nhân dân, Tiền phong 20/4).
Chuyển BHYT về bệnh viện tuyến dưới, cần lộ trình thích hợp
Theo chủ trương của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, trong quý I năm nay, TP Hồ Chí Minh phải hoàn thành việc chuyển đổi thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) từ tuyến tỉnh về y tế cơ sở.
Theo yêu cầu này, hơn nửa triệu người dân thành phố đang đăng ký khám, chữa bệnh ở các bệnh viện tuyến trên sẽ phải chuyển về tuyến dưới là các bệnh viện ở quận, huyện. Ðây là vấn đề đang gây nhiều lo lắng cho những người dùng BHYT trên địa bàn thành phố vì e ngại chất lượng khám, chữa bệnh ở tuyến này. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất cũng như đội ngũ y, bác sĩ ở các bệnh viện quận, huyện chưa chắc đã đủ sức để tiếp nhận số lượng người đến khám, chữa bệnh lớn như vậy. Lúc đó thì các bệnh viện tuyến dưới sẽ quá tải, người bệnh sẽ phải mất thêm thời gian chờ đợi và cả kinh phí để chuyển lên bệnh viện tuyến trên. Các bệnh viện tuyến quận, huyện thì hồ hởi đón nhận chủ trương này và khẳng định đủ năng lực để tiếp nhận lượng lớn bệnh nhân đến khám, chữa bệnh theo thẻ BHYT. Nhưng khẳng định là một chuyện còn năng lực thật sự lại là chuyện khác. Việc này cần được điều tra, khảo sát và đánh giá thật kỹ. Còn các bệnh viện tuyến trên thì không mấy mặn mà vì sẽ bị hụt nguồn thu và thời gian qua, các bệnh viện tuyến này đã được đầu tư nâng cấp nhiều về nhân lực, cơ sở vật chất và trang thiết bị, hiện vẫn chưa hoạt động hết công suất và còn khả năng tiếp nhận thêm bệnh nhân BHYT. Có những bệnh viện, số người đến khám, chữa bệnh dùng thẻ BHYT chiếm tới hơn 90%, nếu không có đủ bệnh nhân đến khám thì sẽ rất lãng phí.
Chủ trương chuyển BHYT từ các bệnh viện tuyến trên về tuyến dưới rõ ràng là đang gây ra nhiều lấn cấn. Tuy nhiên, phải xác định rằng đây là một chủ trương đúng đắn, cần thực hiện để giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên, tạo điều kiện để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho các bệnh viện tuyến quận, huyện. Nhưng nếu chuyển ngay và chuyển hết BHYT về bệnh viện tuyến quận, huyện thì cũng sẽ gây ra tình trạng quá tải, dưới thừa, trên thiếu. Do vậy, việc chuyển BHYT về các bệnh viện tuyến dưới cần thực hiện theo lộ trình, với thời hạn phù hợp để các bệnh viện tuyến y tế cơ sở có đủ thời gian chuẩn bị hạ tầng, trang thiết bị, nguồn nhân lực… để đáp ứng được nhu cầu khám, chữa bệnh của người có thẻ BHYT mà các bệnh viện tuyến tỉnh chuyển giao về. Và đó cũng là thời gian để các bệnh viện tuyến trên định hướng hoạt động phù hợp tình hình mới. Cách thức đó cũng sẽ giúp người bệnh yên tâm khám, chữa bệnh ở tuyến quận, huyện tăng hiệu quả điều trị vì khi người bệnh tin tưởng bác sĩ và bệnh viện thì khả năng khỏi bệnh sẽ cao hơn. Do vậy, Sở Y tế thành phố cần phối hợp Bảo hiểm xã hội thành phố xây dựng lộ trình và quy trình chuyển đổi đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu sao cho phù hợp nhu cầu của người dân và khả năng của các cơ sở y tế, để bảo đảm tốt nhất quyền lợi của người tham gia BHYT (Nhân dân 20/4).
Trị ung thư bằng kỹ thuật mới
Ngày 19/4, ThS.BS Trần Ngọc Lưu Phương, phó khoa nội tiêu hóa Bệnh viện Nguyễn Tri Phương TP.HCM, cho biết Bệnh viện Nguyễn Tri Phương vừa áp dụng kỹ thuật mới "cắt hớt niêm mạc qua nội soi" để cắt thành công polyp (khối u) đại tràng bị ung thư cho bà T.T.K.T., 63 tuổi.
Bà T. bị rối loạn tiêu hóa vài tháng trước đó. Tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, bà T. được nội soi đại tràng (ruột già) và phát hiện một khối u to ở ruột già với đường kính khoảng 1,5cm. Bệnh nhân đã được nội soi khung ruột già qua đường hậu môn.
Trong khi nội soi, các bác sĩ áp dụng kỹ thuật mới này để tách khối u khỏi lớp dưới niêm mạc và cắt hớt toàn bộ phần khối u, kể cả phần chân khối u đã bị ung thư.
Trước đây, kỹ thuật cắt qua nội soi bình thường không tách được hoàn toàn và không lấy được trọn vẹn phần chân khối u đã bị ung thư (Tuổi trẻ 20/4).
Bệnh lạ ở Quảng Ngãi – Không lạ
Đoàn công tác của Bộ Y tế vừa kết thúc đợt khảo sát về bệnh lạ tại xã Ba Điền, huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi, PGS.TS Trần Hậu Khang, Giám đốc Bệnh viện Da liễu T.Ư, thành viên đoàn cho biết, bước đầu nhận định đây là bệnh viêm lòng bàn tay bàn chân và có rối loạn chức năng gan.
Đoàn công tác đã lấy các mẫu bệnh phẩm như da, máu, đất, nước, bệnh phẩm, trái cây tại đây mang ra Hà Nội xét nghiệm. Có khoảng 10% bệnh nhân bị rối loạn chức năng gan nặng và được đưa đến các bệnh viện đa khoa tỉnh, huyện để cấp cứu và điều trị tích cực.
Đặc biệt, những bệnh nhân này có hiện tượng xuất huyết, giảm protit máu. Do bệnh cảnh nặng nên tuần vừa rồi có bệnh nhân suy đa phủ tạng và tử vong. Với thương tổn men gan, họ thường có triệu chứng suy dinh dưỡng, thể lực yếu, viêm da bàn tay bàn chân và suy gan dẫn đến suy đa phủ tạng gây tử vong.
PGS.TS Trần Hậu Khang cho biết thêm Bộ Y tế cũng đưa ra phác đồ điều trị với các mức độ khác nhau. Theo đó, những bệnh nhân có rối loạn chức năng gan phải đưa về các tuyến trên điều trị tích cực. TS.Khang khẳng định: “Đây là bệnh viêm da bàn tay bàn chân và có rối loạn chức năng gan. Người dân gọi là bệnh lạ chỉ vì từ trước tới nay chưa nơi nào xuất hiện căn bệnh này. Bệnh này thực ra chữa rất dễ: chỉ cần bôi mỡ bong da, bong vẩy.
Điển hình là 5 bệnh nhân đưa ra Bệnh viện Da liễu T.Ư điều trị trước đây cũng thực hiện theo phác đồ bôi kem bong da, bạt sừng là khỏi hoàn toàn. Với các bệnh nhân có triệu chứng men gan cao cần cho nghỉ ngơi, tăng cường dinh dưỡng và uống thuốc bổ gan. Tuy nhiên, những bệnh nhân có men gan tăng cao thì cần được theo dõi, điều trị trong khoa cấp cứu”. Phác đồ điều trị bệnh này là sự đóng góp của các chuyên khoa dựa trên những điều tra dịch tễ và những xét nghiệm ban đầu.
Hiện chưa có kết luận cuối cùng về nguyên nhân gây ra bệnh. Phải mất 1 đến 2 tuần nữa mới có các kết quả xét nghiệm những mẫu bệnh phẩm từ các labo chuyên khoa đầu ngành.
Tuy vậy, theo đánh giá ban đầu của các chuyên gia y tế, dựa trên tính chất dịch tễ, chưa thấy có bằng chứng của sự lây lan từ người này qua người khác. Nếu có chỉ là nhiễm bệnh qua tiếp xúc phần da hở vì bệnh chỉ xuất hiện tại bàn tay và bàn chân.
Ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết mục đích của chuyến thực địa là tiếp tục khảo sát tổng thể, nghiên cứu đời sống sinh hoạt của người dân địa phương, tìm hiểu rõ nguyên nhân căn bệnh nguy hiểm này do đây là căn bệnh tương đối phức tạp.
Ông Khoa cho hay khi có kết quả khảo sát sẽ loại trừ dần, tìm nguyên nhân để chữa trị dứt điểm. Các chuyên gia sẽ tìm nguyên nhân gây bệnh theo 3 hướng chính: yếu tố môi trường; yếu tố trong thực phẩm; căn nguyên do vi sinh (là những bệnh có thể lây nhiễm).
Nếu sau khi có đầy đủ các kết quả xét nghiệm vẫn không phát hiện nguyên nhân gây bệnh, đoàn công tác sẽ báo cáo lãnh đạo Bộ Y tế đề nghị Tổ chức Y tế Thế giới và Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống Dịch bệnh (CDC) hỗ trợ chuyên gia kỹ thuật để tìm căn nguyên gây bệnh.
Từ đầu năm 2012 đến nay, tại xã Ba Điền có 68 trường hợp mắc bệnh mới, 28 trường hợp tái phát và 8 trường hợp đã tử vong. Hiện còn 63 bệnh nhân mắc bệnh viêm da bàn tay, bàn chân đang điều trị tại Bệnh viện Phong – Da liễu T.Ư Quy Hòa.
Ngày 20/4, Bộ Y tế họp các chuyên gia
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó cục trưởng Cục Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), cho hay đoàn công tác của Bộ Y tế đã đi thực địa tại địa điểm xảy ra các ca bệnh viêm da bàn tay, bàn chân, đồng thời đến thăm người bệnh đang nằm điều trị, cùng hội chẩn với các bác sĩ Bệnh viện Phong – Da liễu trung ương Quy Hòa, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định.
“Theo kế hoạch, ngày 20/4 bộ sẽ tiến hành cuộc họp có sự tham gia của các chuyên gia từ các đơn vị: Bệnh viện Da liễu trung ương, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới quốc gia, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Nhi trung ương, Viện Y học lao động và vệ sinh môi trường đánh giá cụ thể kết quả thu được từ chuyến đi vừa rồi, chủ yếu nhằm đề ra hướng điều trị thích hợp hơn”, ông Khoa nói.
Ông Khoa cho biết các chuyên gia y tế Việt Nam sẽ phải vào cuộc chặt chẽ tìm hướng điều trị cho căn bệnh nguy hiểm này. Nếu có khó khăn gì, vướng mắc ở đâu mới có thể đề xuất Tổ chức Y tế thế giới vào cuộc giúp đỡ, hỗ trợ cụ thể. Nếu không phát hiện nguyên nhân gây bệnh, Bộ Y tế sẽ đề nghị Tổ chức Y tế thế giới và Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh Hoa Kỳ hỗ trợ chuyên gia kỹ thuật để tìm căn nguyên gây bệnh.
Trao đổi về căn bệnh này, PGS.TS Nguyễn Tất Thắng, Chủ nhiệm bộ môn da liễu Trường đại học Y dược TP.HCM, cho biết hiện chưa thể nói trước điều gì về chuyên môn. Tuy nhiên, có thể xem xét bệnh “lạ” ở Quảng Ngãi trong nhóm ngộ độc. Các báo cáo về thói quen sinh hoạt tại vùng có nhiều người mắc bệnh cho thấy người dân ở đây thường sử dụng nồi đồng nấu cơm. Do đó, có thể xem xét khía cạnh ngộ độc đồng. Thứ hai, người dân tại đây thường sử dụng gạo ẩm mốc, nên cũng có thể xem xét khía cạnh ngộ độc nấm. Các biểu hiện dày sừng lòng bàn tay, bàn chân chỉ là bên ngoài da, không nguy hiểm. Nguyên nhân tử vong thuộc về vấn đề nội khoa, chống độc, nhất là cần xem xét đến biểu hiện của bệnh ở gan (Tiền phong, Thanh niên, Lao động, Tuổi trẻ 20/4).
Gần 50% bệnh viện không có hệ thống xử lý nước thải
Gần 50% bệnh viện trên cả nước chưa có hệ thống xử lý nước thải là thông tin được đưa ra tại hội thảo “Bảo vệ môi trường và sức khỏe” tổ chức sáng 19/4 tại TP HCM.
Tại hội thảo, các chuyên gia trong lĩnh vực môi trường và sức khỏe đã cùng nhau thảo luận về thực trạng rác thải y tế và việc xử lý rác thải y tế tại các bệnh viện ở Việt Nam hiện nay. Đồng thời, các chuyên gia cũng cung cấp các nghiên cứu khoa học mới nhất về xử lý nước thải và quy trình xử lý chất thải bằng công nghệ vi sinh thân thiện với môi trường, an toàn, bảo đảm sức khỏe người dân.
Theo thống kê của Cục Quản lý môi trường y tế Bộ Y tế, hiện cả nước có 13.640 cơ sở y tế các loại. Mỗi ngày các cơ sở này thải ra môi trường khoảng 42 tấn chất thải rắn nguy hại và khoảng 120.000m3 nước thải y tế (chưa tính nước thải của các cơ sở y tế dự phòng, đào tạo y dược, sản xuất thuốc…).
Đáng lo ngại là hiện nay mới chỉ có khoảng 53,4% bệnh viện trên cả nước có hệ thống xử lý nước thải y tế. Hầu hết các cơ sở y tế dự phòng chưa có hệ thống xử lý nước thải, chủ yếu xử lý sơ bộ bằng hóa chất, bể tự hoại;… Bên cạnh đó, mới chỉ có 17% cơ sở dự phòng trên cả nước (cả nước có 1.016 cơ sở y tế dự phòng) xử lý chất thải rắn bằng lò đốt thủ công; số còn lại thuê xử lý hoặc tự chôn lắp (Tuổi trẻ 20/4).
Nên đầu tư cho bệnh viện tuyến dưới
Vừa qua, tôi được cấp cứu và điều trị tại khoa Nội I BV Đa khoa Đống Đa (Hà Nội). Trong hơn 10 ngày nằm viện, tôi được các bác sĩ, điều dưỡng viên và nhân viên khoa ân cần chăm sóc và chạy chữa tận tình.
Nhưng thuốc nâng sức để đẩy lùi bệnh tật và mau chóng hồi phục sức khỏe (nước truyền thông thường) đã không có, người bệnh phải tự mua hoàn toàn, mà những kỹ thuật thăm khám cần thiết cũng không có, nên người bệnh phải thuê xe đi mấy cây số để thăm khám kỹ thuật ở cơ sở khám bệnh tư nhân. Thực tế này vừa khó khăn không ít cho người bệnh và người nhà bệnh nhân, vừa khiến bệnh viện phải chi một số tiền không ít, nhất là đối với bệnh nhân nghèo. Như soi tim 1 lần mất 650.000 đồng, đo chức năng thở chỉ 2 lần hít vào thở ra cũng mất 200.000 đồng. Nếu BV có những thiết bị kỹ thuật cần thiết đó mà BHYT không có chế độ chi hoàn toàn thì bệnh nhân cũng có thể chi một phần.
Chính do trang bị kỹ thuật của các bệnh viện tuyến dưới quá thiếu là một trong những lý do chủ yếu làm cho người bệnh không chỉ ở các tỉnh, mà ngay tại Hà Nội cũng muốn lên thẳng bệnh viện T.Ư để chữa trị. Đây cũng là nguyên nhân làm cho bệnh viện tuyến trên luôn quá tải, bệnh viện tuyến dưới không sử dụng hết công suất giường bệnh đã có.