Trang chủ » Tin tức » Điểm báo Ngày 19/4/2012

Điểm báo Ngày 19/4/2012

98% mẫu thuốc cam nhiễm chì

Chiều 18-4, Bộ Y tế đã có cuộc họp bàn xây dựng phác đồ điều trị nhiễm chì do ngộ độc thuốc cam (một loại thuốc nam mà nhiều người dân tin là trị được một số bệnh).

Theo Bộ Y tế, tính từ tháng 11-2011 đến tháng 4-2012, riêng trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận 130 trường hợp khám do ngộ độc chì, trong đó có 121 trẻ em. Kết quả kiểm tra 500 mẫu thuốc cam và bệnh phẩm tại Viện Hóa học có 98/100 mẫu thuốc cam có hàm lượng chì cao ở mức 2-90% quy ra oxyt chì, có mẫu 85% là chì.

Tại cuộc họp, Bộ Y tế nhận định khó có khả năng lượng chì cao trong thuốc cam là từ dược liệu, do kiểm tra trên 40.000 mẫu dược liệu trong ba năm qua chưa phát hiện mẫu nào có chứa chì cao quá mức cho phép, trong khi hàm lượng chì phát hiện trong thuốc cam quá cao. Vì vậy, Bộ Y tế nhận định có khả năng chì trong thuốc cam từ hóa chất được phối trộn với dược liệu. Bộ Y tế cũng cho hay hầu hết thuốc cam bán tại các tỉnh thành hiện nay đều không do cơ sở trong nước sản xuất mà được nhập từ Móng Cái, Quảng Ninh và có khả năng có xuất xứ từ Trung Quốc.

Tại cuộc họp, Bộ Y tế cho biết đã giao Bệnh viện Bạch Mai xây dựng quy trình điều trị chuẩn với các trường hợp ngộ độc chì do thuốc cam, báo cáo Cục Quản lý khám chữa bệnh xem xét, ban hành sớm. Đồng thời giao Cục Quản lý dược tổ chức nhập khẩu ba loại thuốc có tác dụng giải độc chì tốt nhưng hiện không có bán trên thị trường VN.

Bộ Y tế cũng kêu gọi người dân đã sử dụng thuốc cam đến cơ sở y tế để được thăm khám và định lượng chì, do các trường hợp ngộ độc chì trường diễn có khả năng ảnh hưởng đến trí tuệ, khi hàm lượng chì trong máu trên 70mcg/dl ở trẻ em sẽ gây chứng đần độn.

Theo Bộ Y tế, hiện 15 tỉnh thành báo cáo có trường hợp ngộ độc chì do thuốc cam, các tỉnh chưa phát hiện bệnh nhân cũng vẫn có khả năng có trẻ em bị ngộ độc chì, nên Bộ Y tế yêu cầu các tỉnh thành tiếp tục đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, yêu cầu ngừng lưu hành ngay thuốc cam và thuốc từ dược liệu không rõ nguồn gốc.

Tại VN, hiện có hai sản phẩm thuốc cam có số đăng ký lưu hành nhưng Bộ Y tế cho biết đã lấy 100 mẫu thuốc cam cả không và có đăng ký lưu hành để kiểm tra, trường hợp có đăng ký nhưng có nhiễm chì cũng bị đình chỉ lưu hành.

Theo Bộ Y tế, Tổ chức Y tế thế giới đã có thư gửi Bộ Y tế khuyến cáo tình trạng gia tăng trường hợp ngộ độc thuốc cam cần được xem như mối đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng (Tuổi trẻ, Thanh nhiên, Nhân dân, Hà Nội mới 19/4).

Cảnh cáo giám đốc Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn

Ngày 18-4, Sở Y tế TP.HCM đã họp công bố quyết định kỷ luật của Sở Nội vụ đối với bác sĩ Nguyễn Thành Hy – giám đốc Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn.

Theo đó, bác sĩ Hy nhận hình thức kỷ luật cảnh cáo do các sai phạm trong công tác tổ chức cán bộ, cho thuê mặt bằng, hoạt động liên doanh, liên kết thành lập phòng khám đa khoa và bác sĩ gia đình giữa Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn, Bệnh viện Đại học Y dược và Công ty MTS.

Ngoài ra, bác sĩ Hy còn nghiệm thu công trình xử lý nước thải không đạt yêu cầu của Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn, sai sót trong tài chính, mua sắm thiết bị, sửa chữa nhà cửa, quản lý và sử dụng tài sản, nguồn vốn vay kích cầu (Tuổi trẻ 19/4).

Bệnh “lạ” ở Quảng Ngãi: Tỉnh nói 8 người tử vong, huyện báo 19

Chiều 18-4, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã có cuộc họp khẩn cấp để bàn biện pháp xử lý bệnh “lạ” viêm da lòng bàn tay, bàn chân.

Ông Nguyễn Xuân Mến, phó giám đốc Sở Y tế Quảng Ngãi, báo cáo hiện có 171 người mắc bệnh viêm da “lạ”, trong đó tám người đã tử vong. Trong khi đó, theo UBND huyện Ba Tơ, số người tử vong liên quan đến căn bệnh “lạ” này đã lên tới 19 người. Ông Lê Hàn Phong, chủ tịch UBND huyện Ba Tơ, cho biết có những người chết ở nhà chứ không đi bệnh viện nên bệnh viện không nắm.

Ông Lê Quang Thích, phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, thống nhất giao Sở Y tế thành lập hội đồng y khoa để nghiên cứu bệnh “lạ” này, hỗ trợ kinh phí mua máy lọc máu điều trị bệnh.

Bộ Y tế đã hai lần cử đoàn công tác vào Quảng Ngãi để tìm nguyên nhân nhưng vẫn chưa xác định cụ thể. Đoàn công tác đã lấy mẫu nước, thực phẩm, mẫu máu, tóc, móng và sinh thiết tổn thương của người bệnh để phối hợp với các chuyên gia quốc tế tiếp tục nghiên cứu tìm nguyên nhân (Tuổi trẻ, Thanh niên, Lao động, Nông thôn ngày nay, Tiền phong 19/4).

Kiện đòi bệnh viện bồi thường 80.000 USD

Chiều 18-4, TAND TP.HCM mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ kiện của bệnh nhân Huỳnh Tom Vũ (tên gọi khác là Huỳnh Hữu Thông, 52 tuổi, Việt kiều Mỹ) đòi Công ty TNHH Bệnh viện mắt Thái Thành Nam (Q.10, TP.HCM) phải bồi thường gần 80.000 USD.

Tháng 6-2009, ông Thông về VN thăm nhà. Do thấy mắt phải hơi mờ, ông đến Bệnh viện Mắt Sài Gòn (trực thuộc Công ty TNHH Bệnh viện mắt Thái Thành Nam) khám và thay thủy tinh thể với chi phí 7,9 triệu đồng.

Ngày 5-6, ông được bác sĩ bệnh viện mổ mắt và cho về với lời hứa chỉ bốn giờ sau mắt ông sẽ nhìn thấy bình thường. Tuy nhiên, nhiều giờ sau mắt ông Thông vẫn không nhìn thấy gì.

Ông Thông đến Bệnh viện Mắt TP.HCM để khám thì được chẩn đoán mắt của ông bị biến chứng nghiêm trọng sau phẫu thuật, nếu không chữa trị kịp thời sẽ bị mù vĩnh viễn. Ông vội quay trở về Mỹ để chữa trị và được chẩn đoán bị viêm nhiễm nghiêm trọng, phải thay giác mạc. Tổng cộng các khoản viện phí cho việc điều trị tại Mỹ và chi phí đi lại, thiệt hại vì mất thu nhập lên tới 80.000 USD nên ông yêu cầu bệnh viện phải bồi thường số tiền này.

Tại tòa, đại diện bệnh viện không đồng ý yêu cầu bồi thường của ông Thông vì bệnh viện đã làm đúng quy trình khám và phẫu thuật và vì ông Thông tự đi nơi khác khám và chữa trị, không tuân thủ quy trình điều trị của bệnh viện. Do vụ việc phức tạp nên đến ngày 23-4 tòa sẽ tuyên án (Tuổi trẻ, Thanh niên 19/4).

Trông chờ vào hệ thống không chính quy

Hiện nay giải pháp cho bài toán thiếu bác sĩ mà nhiều địa phương trông chờ là đào tạo bác sĩ hệ cử tuyển, đào tạo theo địa chỉ hoặc cử y sĩ đi học liên thông… Tuy nhiên, nhiều ý kiến lo lắng nếu trông chờ vào các hệ đào tạo này thì khi đủ số lượng lại phải “đau đầu” với chất lượng bác sĩ.

Bác sĩ không “mặn” về xã, huyện

Bác sĩ Nguyễn Út, phó giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng, cho biết trước nạn thiếu bác sĩ trầm trọng, sở y tế đã thực hiện chính sách thu hút bác sĩ về xã, phường với ưu đãi đặc biệt là hưởng lương gấp đôi, nhưng sau ba năm triển khai chính sách này chỉ có… hai bác sĩ về các phường trung tâm ở Q.Hải Châu.

Từ năm 2006, Bệnh viện Đa khoa huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) đã thực hiện chính sách mời gọi bác sĩ về huyện với mức hỗ trợ 40-50 triệu đồng/người đối với bác sĩ tốt nghiệp sau đại học và nội trú; 40 triệu đồng/người đối với bác sĩ tốt nghiệp đại học loại giỏi; 30 triệu đồng/người tốt nghiệp đại học loại khá và 20 triệu đồng/người tốt nghiệp đại học loại trung bình. Thế nhưng theo bác sĩ Hồ Văn Tiến, phó giám đốc bệnh viện, sáu năm qua bệnh viện chỉ thu hút được… một bác sĩ!

Bác sĩ Đỗ Văn Hòa, giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Sông Hinh (Phú Yên), cho biết bệnh viện thiếu đến 10 bác sĩ nhưng từ năm 2000 đến nay không có bác sĩ nào ở đồng bằng chịu lên đây công tác, trong khi đã có hai bác sĩ bỏ bệnh viện đi nơi khác làm việc. Nạn “chảy máu bác sĩ” xảy ra ở nhiều bệnh viện của tỉnh Phú Yên. Theo bác sĩ Nguyễn Thanh Trúc, phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Phú Yên, từ năm 2006 đến nay ngành y tế tỉnh đã có 21 bác sĩ rời nhiệm sở để đến làm việc cho các bệnh viện lớn hoặc bệnh viện tư vì ở đó trả lương cao.

Bác sĩ Võ Thị Chín, giám đốc Sở Y tế Tiền Giang, cho biết sở đã “truy tìm” thí sinh của Tiền Giang vừa đậu ngành y ở các trường đại học để đặt hàng ngay những năm đầu đại học, nhưng cả năm 2010 chỉ có hai bác sĩ về Tiền Giang và năm 2011 chỉ có một bác sĩ về…

Sau khi áp dụng chính sách đãi ngộ để thu hút bác sĩ không thành công, các lãnh đạo bệnh viện và lãnh đạo ngành y ở các tỉnh đang mong chờ vào lực lượng bác sĩ được đào tạo theo hệ cử tuyển (cử người tốt nghiệp THPT đi học về phục vụ vùng sâu, vùng xa), đào tạo theo địa chỉ (tỉnh hợp đồng với các trường y đào tạo những thí sinh thi vào trường nhưng không đủ điểm đậu và những người này cam kết học xong về tỉnh phục vụ), cử y sĩ đi học liên thông…

Đào tạo nhưng không phân công

Theo ông Trần Quốc Kham, phó vụ trưởng Vụ Khoa học – đào tạo Bộ Y tế, hiện nay mỗi năm các trường y trên cả nước đào tạo được 7.000-7.500 bác sĩ. Trong đó tập trung ưu tiên đào tạo nhân lực cho các ngành đặc biệt khó khăn về nhân lực như: lao, phong, tâm thần, pháp y, y tế dự phòng. Các vùng thiếu nhân lực nhất là Tây Bắc, Tây nguyên và Tây Nam bộ sẽ tổ chức đào tạo bác sĩ theo địa chỉ. Thực tế nhân lực y tế hiện nay thiếu ở mức nào, Tổ chức JICA Nhật Bản đang hỗ trợ để khảo sát, nhưng Bộ Y tế ước tính riêng nhân lực biên chế đã cần thêm 5.500 bác sĩ/năm.

Như vậy, quy mô đào tạo bác sĩ còn lớn hơn so với số biên chế cần, nhưng ông Kham cho rằng hiện nay không có chính sách phân công công tác như thời trước nên bác sĩ có thể làm việc ở đâu mà họ muốn, các cơ sở y tế phải có chính sách tuyển dụng và thu hút mới có thể có bác sĩ về làm việc. Ông Kham cũng xác nhận những năm qua, Bộ Y tế, Bộ GD-ĐT đã có chính sách đào tạo theo địa chỉ, nâng cấp y sĩ ở địa phương thành bác sĩ, nhưng sớm nhất là năm 2013 những bác sĩ đầu tiên của lứa này mới ra trường và trở lại địa phương phục vụ.

Trả lời câu hỏi: “Liệu bác sĩ hệ cử tuyển và đào tạo theo địa chỉ có đảm bảo chất lượng?”, ông Kham thừa nhận chất lượng nhân lực sau đào tạo cử tuyển không thể cao bằng đào tạo hệ chính quy đỗ đạt đầu vào 27-28 điểm, nhất là ngành y. Tuy nhiên, ông Kham cho rằng Bộ Y tế rất nghiêm ngặt trong kiểm soát đầu ra. Các khóa học vừa rồi, học viên hệ cử tuyển được học thêm văn hóa một năm trước khi học chuyên ngành, khi được học chuyên ngành thì có thầy kèm cặp riêng. Những học viên học tốt thì ra trường đúng thời hạn, nhưng có trường hợp phải 8-9 năm mới ra trường được, thậm chí có trường hợp không thể tốt nghiệp phải chuyển sang các mô hình đào tạo khác. “Sinh mạng con người rất quan trọng nên chúng tôi phải đảm bảo giữ chất lượng, đảm bảo yêu cầu mới cho ra trường về làm việc. Trong những năm qua, nói chung bác sĩ tốt nghiệp hệ cử tuyển về công tác cơ bản đáp ứng được yêu cầu, chưa có sai sót nghiêm trọng nào về chuyên môn liên quan đến họ” – ông Kham nói (Tuổi trẻ 19/4).

2 người tử vong vì nhiễm cúm A(H5N1)

Ngày 18.4, tại An Giang, Bộ NN-PTNT tổ chức Hội nghị phát triển chăn nuôi thủy cầm bền vững tại khu vực Nam bộ.

Theo Cơ quan thú y Vùng 7, từ đầu năm đến nay đã có 2 người (ở Sóc Trăng, Kiên Giang) tử vong vì nhiễm cúm A/H5N1. Cùng thời gian, dịch cúm gia cầm tái phát tại 15 xã, 12 huyện ở 6 tỉnh, thành vùng ĐBSCL, với 3.077 con gia cầm nhiễm bệnh. 

Theo thống kê của Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT), đàn thủy cầm khu vực ĐBSCL tăng từ 21 triệu con năm 2006 lên gần 31 triệu con năm 2011, chiếm 41% tổng đàn thủy cầm cả nước. Tuy phát triển rất nhanh nhưng việc quản lý còn nhiều hạn chế; công tác phòng chống dịch bệnh nhiều lúc, nhiều nơi còn sơ hở; tiêm phòng trên đàn nhỏ lẻ chưa đạt yêu cầu… (Thanh niên 19/4).

Tăng viện phí: Loay hoay tìm cách cứu người nghèo

Thông tin về tăng giá viện phí lại một lần nữa được nêu lên khi thời hạn áp dụng sẽ được triển khai trong thời gian gần. Việc điều chỉnh giá dịch vụ trong ngành y tế là hợp lý và cần phải làm. Tuy nhiên, điều băn khoăn nhất hiện nay chính là 37% dân số vẫn còn trắng bảo hiểm y tế, trong đó, hộ cận nghèo chiếm đến 74%…    

Chạy ăn không đủ, tiền đâu mua bảo hiểm?

Tại BV Chợ Rẫy, TPHCM, bệnh nhân Trần V, trú tại Tiền Giang thuộc diện hộ cận nghèo bị tai nạn rắn độc cắn bất ngờ khi làm ruộng. Chân của anh bị hoại tử và chi phí thuốc men, ăn ở mỗi ngày lên đến 2 triệu đồng. Gia đình anh và thậm chí cả khu vực của anh đang ở, nhiều gia đình cũng thuộc diện cận nghèo chưa có ai tham gia mua BHYT. Gia đình bệnh nhân này cho biết: “Gia đình lo chạy ăn quần quật cũng chỉ đủ sống tạm qua ngày, nếu  đóng bảo hiểm thì chẳng biết lấy tiền ở đâu để đóng”…

Trường hợp tương tự có rất nhiều tại các BV chuyên khoa ở TPHCM. Tại BV Ung bướu, nhiều bệnh nhân khoa xạ 4 cũng “khóc ròng” khi không tham gia bảo hiểm y tế. Bệnh nhân N.N.T.L – 46 tuổi, ở ngay tại Bình Chánh, TPHCM bị ung thư thanh quản vừa được phát hiện phải “cầm nhà” đang ở mới có tiền tạm ứng viện phí. Bệnh nhân trên cũng thuộc diện hộ cận nghèo nhưng lại không có BHYT. Điều may mắn đối với hai trường hợp trên đó chính là giá dịch vụ y tế đến thời điểm này vẫn chưa tăng, nếu tăng với mức 6 – 10 lần  theo bảng giá mới thì liệu hai bệnh nhân trên có kham nổi?

Có cần thiết lập quỹ hỗ trợ khám – chữa bệnh?

Theo bà Tống Thị Song Hương – Vụ trưởng Vụ BHYT – Bộ Y tế – ước tính năm 2012, tỉ lệ bao phủ BHYT sẽ đạt khoảng 66% dân số cả nước, trong đó 43% là những người thuộc hộ cận nghèo; 76% học sinh, sinh viên sẽ có thẻ BHYT. Hiện cả nước còn khoảng 37% dân số chưa tham gia BHYT, trong đó chủ yếu là người cận nghèo (74%), người lao động trong các doanh nghiệp và các đối tượng là nông dân, lao động phi chính thức… 

Mặc dù, mức hỗ trợ để mua thẻ BHYT cho đối tượng cận nghèo lên đến 70% chi phí, thậm chí có địa phương hỗ trợ lên mức 80-90% và người cận nghèo chỉ còn đóng 10%, đối tượng trên cũng không mặn mà tham gia. Điều này cho thấy, lộ trình thực hiện BHYT toàn dân khó đạt được mục tiêu và người nghèo vẫn là đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

 

Nhiều ý kiến cho rằng người dân thuộc hộ cận nghèo quá chủ quan và không chịu tham gia BHYT mặc dù đã được hỗ trợ kinh phí. Liệu có phải do Nhà nước cứ mãi bao cấp khiến người dân ỷ lại? Tuy nhiên, khi PV Báo Lao Động phỏng vấn nhiều người bệnh thuộc hộ cận nghèo không tham gia BHYT cho thấy, việc không tham gia do đa phần thu nhập không ổn định, lao động tự do hằng ngày phải đối mặt với việc kiếm sống và chưa dám nghĩ đến việc tham gia BHYT.

Vậy khi người nghèo chưa tham gia BHYT, nếu phải nằm viện mà không có khả năng chi trả tiền viện phí thì sẽ giải quyết như thế nào? Ông Lý Ngọc Kính – Phó Chủ tịch Hội Kinh tế y tế ViệtNam – đã đề xuất: Cần sớm huy động Quỹ Hỗ trợ khám chữa bệnh cho người nghèo (Quỹ 139) để người bệnh nghèo có nguồn quỹ hỗ trợ cùng chi trả. 

Tuy nhiên, theo luật sư Đặng Thế Phiệt – đoàn luật sư TPHCM – nếu người dân chuyển viện lên tuyến trên ở khác tỉnh thì việc thanh toán diễn ra như thế nào? Ai giám sát việc chi trả khi cơ chế thanh toán đa tuyến vẫn chưa được các địa phương ký kết. Đó là chưa kể các khoản phí và phụ phí khác khi nằm viện? Thay vì thành lập quỹ hỗ trợ khám chữa bệnh, các địa phương nên dùng quỹ này để mua thẻ BHYT cho người cận nghèo (Lao động 19/4).

Bệnh nghề nghiệp tăng, người lao động thiệt

Theo kết quả khám và phát hiện trong năm qua tại Hà Nội có khoảng 250 công nhân bị phát hiện mắc bệnh nghề nghiệp (BNN). Theo Cục Y tế dự phòng và môi trường (Bộ Y tế) thì con số thực tế có thể cao hơn gấp 8-10 lần. 

Trong khi đó, có rất nhiều ngành nghề mà người lao động (NLĐ) luôn bị ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp các loại bệnh khá nguy hiểm nhưng không có trong danh mục quy định của Bộ Y tế, khiến quyền lợi của NLĐ đáng lẽ được hưởng theo Luật BHXH chưa được đáp ứng một cách chính đáng. Tại TP Hồ Chí Minh hiện có khoảng 2,8 triệu lao động đang làm việc tại 30.000 DN lớn; 70.000 DN vừa và nhỏ; 3 khu chế xuất, 12 khu công nghiệp với gần 1.000 DN đang hoạt động. Điều đáng nói là có tới 72,23% DN nêu trên có môi trường lao động ẩn chứa nguy cơ mắc các BNN. Các vi phạm như tiếng ồn vượt mẫu 15,96%, bụi vượt mẫu 0,94%…

Một khảo sát mới đây về tình hình ô nhiễm môi trường lao động tại 1.000 cơ sở sản xuất của Viện Nghiên cứu khoa học – kỹ thuật bảo hộ lao động cho thấy, có tới 68% phân xưởng sản xuất bị ô nhiễm nhiệt, 20% ô nhiễm bụi, 17% ô nhiễm hơi khí độc hại… Đặc biệt, có rất nhiều phân xưởng bị ô nhiễm đồng thời từ hai yếu tố trở lên. Công nhân làm việc trong các môi trường độc hại, không an toàn nêu trên dễ mắc các BNN như viêm phổi (40,26%), các bệnh đường tiêu hóa (14,35%), bệnh về cơ, xương, khớp (12%), viêm mũi, viêm xoang… Theo các chuyên gia về sức khỏe lao động và môi trường thì BNN nhiễm dần vào cơ thể NLĐ, đến khi xuất hiện các triệu chứng thì bệnh đã nặng và khó chữa. 

Trong thực tế, nhiều doanh nghiệp cho rằng việc khám sức khỏe định kỳ với khám BNN là một nên gần như không thể phát hiện BNN để điều trị tích cực. Theo GS.TS Lê Vân Trình, Chủ tịch HĐKH Viện Nghiên cứu khoa học – kỹ thuật bảo hộ lao động, BNN rất nguy hại cho sức khỏe NLĐ, nhưng NLĐ lại kém hiểu biết về vấn đề này nên rất hiếm có trường hợp đòi hỏi chủ DN cho khám BNN. Hoặc họ ngại khám BNN vì sợ ảnh hưởng đến việc làm và cũng hiếm có kiến nghị liên quan đến quyền lợi lẽ ra họ được hưởng. Theo quy định bắt buộc, DN phải thực hiện việc đưa lao động khám sức khỏe định kỳ với chi phí từ 200.000 đồng/người trở lên. Nếu khám các BNN và các bệnh phát sinh khác chi phí sẽ tăng lên nhiều. Như vậy, nếu DN cố tình lờ việc khám sức khỏe định kỳ và BNN theo quy định thì mỗi năm DN có thể "tiết kiệm" được một khoản nên các DN chỉ thực hiện qua loa đại khái. Tình trạng này đã kéo dài nhiều năm nay nhưng không được giải quyết một cách triệt để. Mức phạt hành chính với các DN vi phạm cao nhất đến 30 triệu đồng/vụ, nên nhiều DN chấp nhận bị phạt vì những cái lợi từ lỗi vi phạm lớn hơn nhiều. 

Vì vậy, các chuyên gia lao động từng đề nghị các cơ quan liên quan lập dự thảo thay đổi mức xử phạt hành chính lên 500 triệu đến 1 tỷ đồng/vụ để răn đe DN cũng chính là bảo vệ quyền lợi cho NLĐ. Bên cạnh đó, rất cần sự quan tâm hơn nữa của các cơ quan chức năng liên quan, sự nhắc nhở, thanh kiểm tra kịp thời các DN không thực hiện đúng theo quy định của Luật Lao động (Hà Nội mới 19/4).

Sa tế chứa chất hóa dẻo chưa có ở Việt Nam

Ngày 18-4, Cục ATVSTP – Bộ Y tế cho biết, vào ngày 16-4 vừa qua, Báo điện tử Kinh tế Trung Quốc và Trung tâm An toàn thực phẩm Hồng Kông thông tin phát hiện sản phẩm Sa tế “KimLan Satay Paste” của Công ty Thực phẩm KimLan sản xuất (xuất xứ từ Đài Loan-Trung Quốc) có chứa chất hoá dẻo Di-isodecyl phthalate (DIDP) với hàm lượng 190ppm (mức cho phép là 9ppm). 

Trung tâm An toàn thực phẩm Hồng Kông đã thông báo ngừng bán và khuyến cáo người tiêu dùng không tiêu thụ sản phẩm này. Trước thông tin trên, Cục ATVSTP đã kiểm tra hồ sơ cấp phép và khẳng định, từ ngày 1-12-2008 đến nay, Cục TVSTP chưa cấp chứng nhận tiêu chuẩn sản phẩm cho sản phẩm Sa tế “KimLan Satay Paste” tại thị trường Việt Nam. Tuy vậy, điều lo ngại là tình trạng nhập lậu, trái phép mặt hàng phụ gia thực phẩm qua biên giới từ Trung Quốc vào Việt Nam còn khá phổ biến nên rất khó kiểm soát. Cục ATVSTP sẽ tiếp tục cập nhật thông tin về vấn đề này (An ninh Thủ đô, Sức khỏe & Đời sống, Tiền phong 19/4).

Thanh toán theo định suất tạo chủ động trong sử dụng Quỹ Bảo hiểm Y tế

Ngày 18/4, Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam đã tổ chức hội nghị về thanh toán BHYT theo định suất (là thanh toán theo định mức bình quân tính trên mỗi thẻ BHYT). Thông tin tại hội nghị cho biết, hiện đã có khoảng 40% cơ sở y tế thực hiện thanh toán chi phí KCB theo định suất.

Theo đánh giá của Ban Thực hiện chính sách BHYT, cơ quan BHXH Việt Nam, việc thanh toán theo định suất đã tạo ra sự chủ động, tích cực hơn cho các bệnh viện trong sử dụng nguồn tài chính từ Quỹ BHYT, từng bước nâng cao trách nhiệm của các bên liên quan trong việc quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí BHYT. Đa số các cơ sở KCB đã đảm bảo quyền lợi cho người có thẻ (Sức khỏe & Đời sống, Tiền phong 19/4).

Chưa chính thức áp dụng giá viện phí mới

Trao đổi với phóng viên báo SK&ĐS ngày 18/4, ông Nguyễn Nam Liên, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch-Tài chính, Bộ Y tế cho biết, mặc dù Thông tư liên tịch số 04 của liên Bộ Y tế – Bộ Tài chính quy định điều chỉnh giá dịch vụ khám chữa bệnh có hiệu lực từ 15/4, nhưng các bệnh viện (BV) hiện vẫn chưa tăng giá viện phí vì các BV, Sở Y tế hiện đang xây dựng khung giá. Theo quy định của Luật Khám chữa bệnh nêu rõ, UBND tỉnh thành ban hành mức viện phí áp dụng tại địa phương, Bộ Y tế quy định mức viện phí áp dụng tại bệnh viện tuyến TW. Do đó, các địa phương đang tiến hành xây dựng bảng viện phí áp dụng tại địa phương và trình kỳ họp HĐND xem xét vào tháng 6 tới.

Các bệnh viện tuyến TW trực thuộc Bộ Y tế cũng đang xây dựng mức viện phí trình Bộ Y tế xem xét trong thời gian tới. Tuy nhiên, ông Liên cho hay, hiện tại, Bộ Y tế mới nhận được đề xuất về mức giá viện phí mới của 20% số bệnh viện do Bộ quản lý (Sức khỏe & Đời sống 19/4).

Gửi thảo luận