17% công nhân bị điếc nghề nghiệp
Đây là kết quả khảo sát trên 259 công nhân được khám và đo điếc nghề nghiệp tại Bệnh viện Tai mũi họng TP.HCM trong năm 2011 được báo cáo tại hội nghị khoa học bệnh viện ngày 20-12.
Theo báo cáo này, đa số công nhân được chuyển đến khám điếc nghề nghiệp là thợ đứng máy, thợ bảo trì máy, làm việc ở môi trường tiếng ồn thường xuyên trên 85dBA, mỗi ngày tiếp xúc tám tiếng. Trong 44/259 công nhân (chiếm tỉ lệ 17%) được xác định điếc nghề nghiệp đều có thời gian tiếp xúc tiếng ồn ít nhất một năm. Đặc biệt, thời gian tiếp xúc tiếng ồn càng lâu tỉ lệ bị điếc nghề nghiệp càng cao. (Tuổi trẻ 21/12 (trang 12))
Có thể hiến tạng ở tuổi 60
Tại hội nghị chuyên đề về hiến tạng được tổ chức ngày 20.12 tại Bệnh viện Việt Đức, GS-TS Nguyễn Tiến Quyết, Giám đốc bệnh viện, cho biết bệnh nhân chết não được lựa chọn hiến tạng có độ tuổi từ 18-60, chức năng tạng bình thường. Với người chết não hiến tim, tuổi cho lý tưởng là dưới 30, tiền sử không có các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.
Hiện tại, chi phí ghép tạng tại Việt Nam thấp hơn nhiều so với thực hiện tại nước ngoài, nhưng hạn chế về nguồn tạng hiến. Hằng năm có khoảng 6.000 ca chỉ định ghép thận; 1.500 ca chỉ định ghép gan; nhưng mới thực hiện 300 ca ghép thận trong 18 năm qua và gần 20 ca ghép gan trong gần 10 năm qua. (Thanh niên 21/12 (trang 13))
Những hạt nhân phòng, chống HIV/AIDS trong cộng đồng
Luôn có mặt tại các tụ điểm mại dâm, hút chích ma túy để tuyên truyền về kiến thức phòng, chống HIV/AIDS, phân phát bơm kim tiêm, bao cao su và giới thiệu các đối tượng này đến cơ sở tư vấn xét nghiệm HIV để kiểm tra sức khỏe… đó là công việc hằng ngày của những người làm công tác giáo dục viên đồng đẳng (GDVÐÐ).
Tiếp cận được tụ điểm tệ nạn đã khó, nhưng để tiếp cận được đối tượng và đưa được họ đến trung tâm kiểm tra sức khỏe là cả một chặng đường dài đầy khó khăn của những người làm công tác GDVÐÐ. Tất cả những người làm công tác này đều có chung một nhiệt huyết: Mong giảm được những tác hại về ma túy và nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng. Trong số những GDVÐÐ, không ít người đã từng một thời đê mê trong làn khói trắng, đã từng tái nghiện và trong những tụ điểm mại dâm… nhưng khi tham gia công việc này, họ lại cũng say mê dù công việc họ đang làm đầy thách thức với những khó khăn và cạm bẫy.
Anh Nguyễn Văn Hiến – từng là con nghiện, rồi tái nghiện rất nhiều lần. Bây giờ anh tham gia làm cộng tác viên GDVÐÐ của quận Bình Thạnh, nhớ lại: Sau khi trở về với cộng đồng tôi muốn tìm một công việc nào đó để phụ giúp gia đình. Tôi đã đến trung tâm xin việc, được mọi người tin tưởng cho làm công việc này. Công việc chính của tôi là tới các tụ điểm, tiếp xúc với người dùng ma túy để hướng dẫn họ sử dụng an toàn và giúp họ tới trung tâm để xét nghiệm". "Anh không sợ gặp bạn cũ, họ lại rủ hút sao?"- tôi đùa. "Nhiều khi ngồi cùng với họ chứng kiến họ hút hoặc chích ma túy, họ cũng mời tôi hút nhưng tôi đã từ chối.
Mình là người tuyên truyền thì phải chứng tỏ cho họ biết và phải truyền thông cho họ hiểu về tác hại của ma túy, không tránh được cám dỗ thì làm sao làm được công việc này". Qua hai năm làm GDVÐÐ, anh đã giúp hàng trăm người tìm đến các trung tâm để xét nghiệm và trong số họ không ít người đã và đang từ bỏ ma túy, cũng như có những cách sử dụng ma túy an toàn để tránh xa căn bệnh thế kỷ. Chính vì vậy, càng ngày anh càng trở thành người bạn đáng tin cậy của họ và họ còn là một trong những cộng sự đáng tin cậy của anh trong việc tìm kiếm những đối tượng mới.
"Trước khi tiếp cận đối tượng, GDVÐÐ phải dành rất nhiều thời gian quan sát hành vi của họ. Chính vì vậy, để tiếp cận một đối tượng không chỉ một sớm một chiều mà đòi hỏi "mưa dầm, thấm lâu". Nếu không có sự kiên trì và yêu nghề thì khó có thể trụ lại với công việc này"- chị Trương Ngọc Huệ năm nay 52 tuổi, đã tham gia công tác xã hội hơn 10 năm và nay là một GDVÐÐ phụ trách về mại dâm, cho biết. Hằng ngày chị phải tới những quán cà-phê hoặc nhà nghỉ để tư vấn cho các đối tượng có nguy cơ. Chị nói: Công việc này đòi hỏi mình phải kiên trì. GDVÐÐ phải đi tới đi lui nhiều lần mới khuyên họ đi đến trung tâm được. Vào các quán cà-phê, khách sạn, quán ăn để tuyên truyền không phải là chuyện đơn giản. Ðầu tiên là mình phải tiếp cận được với người quản lý rồi mới có thể tiếp cận được tiếp viên. Ban đầu cũng chỉ tuyên truyền về các bệnh phụ khoa và cách làm đẹp để thu hút họ, sau đó mới tuyên truyền sâu hơn và khuyên họ đi khám. Nhiều lần các đối tượng này hứa là sẽ đi nhưng khi tới chở họ đi thì họ lại trốn mất. Có đối tượng thì nói về quê, cho hai, ba số điện thoại nhưng gọi không được.
Ðặc thù công việc của GDVÐÐ là cả ban ngày lẫn ban đêm thường lui tới các điểm hút chích, giao lưu với người nghiện, gái mại dâm nên dễ bị người ngoài hiểu lầm họ hoạt động trong nghề đó. Anh Hiến kể: "Có lần tôi suýt bị công an địa phương bắt vì nghi ngờ buôn bán ma túy, đến khi tôi trình thẻ nghề ra mới hết bị nghi ngờ. Ngoài ra, tôi còn đi thu gom bơm kim tiêm bẩn cũng bị nhiều người nhìn và cho rằng thu kim tiêm đó về rửa sạch rồi đem đi bán". Anh Hiến cười xòa khi kể lại chuyện nhưng tôi cảm nhận anh đang rất tự hào và hạnh phúc với công việc mình đang làm.
Các GDVÐÐ đã và đang đóng góp quan trọng trong thực hiện các dự án can thiệp giảm tác hại phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn thành phố. Họ chính là những hạt nhân phòng, chống HIV/AIDS trong cộng đồng. Nhiều GDVÐÐ là những người nhiễm đã nỗ lực cố gắng vượt qua mặc cảm, bệnh tật để góp sức trong công tác phòng, chống HIV/AIDS. Hoạt động của GDVÐÐ đã hỗ trợ, giúp đỡ trực tiếp cho nhiều gia đình người nhiễm, qua đó còn là thông điệp chống kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS. (Nhân dân 21/12 (Chuyên trang TPHCM))
Trình độ ghép tạng của Việt Nam không thua thế giới
Ðó là khẳng định của các chuyên gia trong ngành đưa ra ngày 20-12 tại hội nghị chuyên đề ghép tạng nhân kỷ niệm 5 năm thành công ca ghép gan người lớn đầu tiên tại Việt Nam. Thế nhưng đến nay cả nước mới có gần 750 trường hợp được ghép tạng, trong đó hơn 700 ca ghép thận, 27 ca ghép gan và bảy ca ghép tim. Số lượng đó là quá ít so với nhu cầu khoảng 8.000 người cần ghép thận và 1.500 người có chỉ định ghép gan.
Một trong những nguyên nhân cản trở việc thực hiện các ca ghép tạng ở Việt Nam là do thiếu nguồn tạng để ghép và điều kiện kinh phí chi trả của người bệnh rất khó khăn. Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người được ban hành năm 2006 là hành lang pháp lý để thực hiện ghép mô, ghép tạng, nhưng nhiều người chưa hiểu đúng ý nghĩa của việc làm này nên không đồng ý cho tạng. (Nhân dân 21/12 ( trang 5))
Hơn 500 người tham gia mít-tinh nhân Ngày Dân số Việt Nam
Sáng 20-12, tại TP Ðà Nẵng, Ban chỉ đạo công tác Dân số – Kế hoạch hóa gia đình thành phố tổ chức lễ mít-tinh và diễu hành nhân Ngày Dân số Việt Nam 26-12. Buổi lễ thu hút sự tham gia của hơn 500 cán bộ, nhân dân, học sinh, sinh viên TP Ðà Nẵng.
Những năm qua, công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGÐ) của thành phố đạt được nhiều kết quả nổi trội như hoàn thành các chương trình đề án thuộc mục tiêu quốc gia về KHHGÐ, tổng các biện pháp tránh thai đạt mức 109% kế hoạch trong năm 2012, đạt chỉ tiêu về khống chế tỷ số giới tính khi sinh nhỏ hơn 110 và tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên. Tuy vậy, công tác DS-KHHGÐ tại Ðà Nẵng vẫn còn nhiều thách thức như mức sinh giảm nhưng chưa ổn định, số trẻ sinh ra năm 2012 tăng hơn 1.200 trẻ so với năm 2011, tỷ lệ bà mẹ mang thai và trẻ sơ sinh được sàng lọc còn thấp so với yêu cầu thực tiễn. (Nhân dân 21/12 ( trang 5))
Bóc khối u gần 13kg từ chân bệnh nhân
Sau 4 giờ phẫu thuật, chiều 20-12, các bác sĩ Khoa Chấn thương chỉnh hình – BV Nhân dân 115 TPHCM đã lấy thành công khối u có trọng lượng 12,5kg (ảnh) ra khỏi đùi bên trái cho bệnh nhân M. 31 tuổi ở Campuchia.
Trước đó, qua hội chẩn, các bác sĩ kết luận đây là khối u mỡ, không loại trừ khả năng ác tính.
Chụp cộng hưởng từ, chụp mạch máu và các xét nghiệm liên quan cho thấy, khối u đã phát triển quá lớn với nhiều mạch máu tăng sinh quanh khối u, cấu trúc giải phẫu đã thay đổi, tổ chức u đã chèn ép toàn bộ khối cơ vùng đùi trái cần phải phẫu thuật gấp.
Bằng cách can thiệp làm tắc các mạch máu đi vào khối u để hạn chế chảy máu trong mổ, các bác sĩ đã bóc tách u, đồng thời đã tái tạo và chuyển một số gân cơ còn lại để che phủ xương. Hiện bệnh nhân đã ổn định sức khỏe. (Sức khỏe & Đời sống, Tiền phong 21/12 ( trang 6))
Hà Nội: 1.800 cơ sở y tế hành nghề “chui”
Tin từ Sở Y tế Hà Nội, đến ngày 14.12, Sở đã cấp 3.279 chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh và 496 giấy phép hoạt động cho cơ sở khám chữa bệnh theo
quy định của Nghị định 87/2011.
Toàn thành phố vẫn còn khoảng 1.600 người hành nghề và 1.800 cơ sở khám chữa bệnh chưa nộp hồ sơ đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề và giấy phép hoạt động tại Sở Y tế. (Nông thôn Ngày nay 21/12 ( trang 2))