Tại Hội nghị tổng kết công tác y tế 2012, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Bám sát mục tiêu xây dựng nền y tế công bằng, hiệu quả và phát triển
Sáng 24-1, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố tổng kết công tác y tế 2012, triển khai kế hoạch năm 2013. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đến dự và chỉ đạo hội nghị.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, năm 2012, ngành tiếp tục đạt được những kết quả tích cực trong công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, ngành hoàn thành bốn chỉ tiêu Quốc hội giao và 17 chỉ tiêu Chính phủ giao. Hoạt động y tế dự phòng được tăng cường, giám sát dịch chặt chẽ, khống chế và dập dịch kịp thời; khống chế được hội chứng viêm da dày sừng da bàn tay, bàn chân tại Ba Tơ (Quảng Ngãi). Các đơn vị của ngành y tế ứng dụng thành công nhiều kỹ thuật hiện đại: ghép tủy đồng loại; ghép gan, tim; kỹ thuật chẩn đoán di truyền. Toàn ngành tích cực triển khai các giải pháp giảm tải bệnh viện và nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho nhân dân… Ngoài ra, ngành cũng tham mưu Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ ban hành Nghị quyết, Luật, Nghị định liên quan đến các hoạt động chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân… Nhờ đó, tình trạng sức khỏe của người dân trong những năm qua đã được cải thiện rõ rệt, hầu hết các chỉ số về sức khỏe của Việt Nam cao hơn nhiều so với các nước có cùng thu nhập. Việt Nam được đánh giá là điểm sáng trong thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ về giảm tỷ lệ tử vong bà mẹ và tử vong trẻ dưới năm tuổi; khống chế bệnh sốt rét, HIV/AIDS và các bệnh dịch lây nguy hiểm…
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, ngành y tế còn bộc lộ một số tồn tại, khó khăn như: tình trạng quá tải ở các bệnh viện trung ương và bệnh viện các thành phố lớn vẫn còn cao; cơ sở hạ tầng y tế còn kém phát triển, trong khi đó nhân lực y tế vừa thiếu về số lượng, yếu về chất lượng ở tất cả các tuyến nên chưa đáp ứng được yêu cầu và nhiệm vụ trong tình hình mới. Mức đầu tư của Nhà nước cho y tế còn thấp, các chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư phát triển khu vực ngoài công lập chưa đủ mạnh để có thể huy động tối đa các nguồn lực của xã hội cho chăm sóc sức khỏe…
Phát biểu ý kiến chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao những kết quả hoạt động của ngành y tế, góp phần quan trọng vào thành tựu phát triển kinh tế – xã hội chung của đất nước trong năm 2012. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, ngành y tế cần quán triệt, bám sát quan điểm của Ðảng và Nhà nước về xây dựng nền y tế công bằng, hiệu quả và phát triển. Trên cơ sở đó thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nhân dân. Ðẩy mạnh việc ứng dụng khoa học công nghệ các hoạt động nhằm giảm tỷ lệ mắc bệnh, tử vong; phòng bệnh hiệu quả đi liền với tăng tuổi thọ, chất lượng cuộc sống. Ngành y tế tiếp tục quan tâm tăng cường hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước đối với ngành cũng như quan tâm hơn nữa tới công tác thanh tra, kiểm tra; quản lý chặt chẽ chất lượng hoạt động khám, chữa bệnh tư nhân…
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đặc biệt lưu ý ngành y tế cần tập trung nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho người dân; thực hiện hiệu quả các biện pháp khắc phục tình trạng quá tải các bệnh viện, nhất là đề án giảm tải bệnh viện (đã được Thủ tướng phê duyệt); phát huy y đức và tinh thần trách nhiệm của đội ngũ thầy thuốc đối với người bệnh gắn liền với thực hiện cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Toàn ngành tập trung xây dựng mạng lưới y tế từ trung ương xuống đến các huyện, xã; huy động thêm nguồn lực xã hội tham gia hoạt động chăm sóc sức khỏe nhân dân. ứng dụng các kỹ thuật cao vào phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, kết hợp với y học cổ truyền. Tiếp tục triển khai mở rộng việc chuyển giao kỹ thuật từ tuyến trên về tuyến dưới để nâng cao chất lượng điều trị, góp phần giảm quá tải cho các bệnh viện tuyến trên.
Nhân rộng các mô hình tốt, cách làm hay trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Bên cạnh đó, ngành tập trung triển khai thực hiện lộ trình bảo hiểm y tế toàn dân.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng yêu cầu ngành y tế cần làm tốt công tác dân số kế hoạch hóa gia đình; từng bước nâng cao chất lượng dân số, khắc phục ngay tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh (Nhân dân trang 3, An ninh Thủ đô trang 3, Tiền phong trang 3, Hà Nội mới trang2, Nông thôn ngày nay trang 2, Tuổi trẻ trang 2).
88 công nhân nhập viện vì ngộ độc thực phẩm
Đến chiều 24-1, 88 công nhân Công ty Gilimex – PPJ thuộc Cụm công nghiệp Hải Lăng (Quảng Trị) vẫn đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa huyện Hải Lăng. Số công nhân này nhập viện từ tối 23-1 với các triệu chứng đau bụng, nôn mửa, chóng mặt, khó thở sau khi ăn bữa tối. Chị Nguyễn Thị Hằng, một công nhân, cho biết toàn bộ công nhân có triệu chứng đau bụng từ sau bữa cơm tối 23-1. Các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa huyện Hải Lăng ch o biết đó là những triệu chứng của ngộ độc thức ăn. Trong số đó có tám trường hợp bị ngộ độc nặng phải thở oxy, 80 trường hợp còn lại sau khi được rửa ruột và uống thuốc đã đỡ. Được biết, những công nhân này ăn cơm tại bếp ăn tập thể của công ty do nhà bếp nấu. Mẫu thức ăn đã được đưa đi xét nghiệm (Tuổi trẻ trang 17, Thanh niên trang 4, Lao động trang 3).
Yêu cầu đóng cửa một công ty dược phẩm Ấn Độ
Cục Quản lý Dược – Bộ Y tế vừa có thông báo chính thức không tiếp tục cấp lại giấy phép hoạt động về thuốc và nguyên liệu làm thuốc tại Việt Nam cho công ty Dược phẩm XL Laboratories Pvt. Ltd của Ấn Độ. Nguyên nhân là do công ty này có thuốc vi phạm chất lượng ở mức độ 2 (vi phạm có thể ảnh hưởng tới hiệu quả điều trị và độ an toàn khi sử dụng) trong thời gian thử thách 6 tháng. Theo Cục Quản lý dược, hồ sơ đăng ký doanh nghiệp của công ty này gửi đến Cục vào ngày 13-9-2012. Ngay sau khi Cục ra quyết định không tiếp tục cấp lại giấy phép hoạt động tại Việt Nam, công ty này phải có trách nhiệm thông báo cho các cơ quan hữu quan và đối tác Việt Nam biết để theo dõi và thực hiện (An ninh Thủ đô trang 3).