Trang chủ » Danh y xưa và nay » Danh y thế giới » Michael DeBakey, bác sĩ tiên phong trong ngành phẫu thuật tim thế giới

Michael DeBakey, bác sĩ tiên phong trong ngành phẫu thuật tim thế giới

Chuyên viên giải phẫu tim mạch nổi tiếng thế giới, bác sĩ Michael DeBakey là một người đi tiên phong trong phẫu thuật thông tim và phát minh nhiều dụng cụ giúp các bịnh nhân về tim mạch…

Bác sĩ Michael DeBakey được coi như là người đã khởi xướng các loại phẫu thuật liên quan đến tim và các mạch máu mà hiện nay đang được thực hiện trên khắp thế giới. Ông đã đi đầu trong việc chế ra trái tim nhân tạo và máy bơm cho tim, giúp những người chờ được thay tim tiếp tục sống. Ông cũng tiếp tay trong việc chế ra hơn 70 dụng cụ trợ giúp trong việc giải phẫu.

Bác sĩ DeBakey qua đời tại một bệnh viện ở thành phố Houston, bang Texas, vì tuổi già. Nếu sống thêm hai tháng nữa, ông sẽ mừng sinh nhật thứ 100. Vào tháng Tư , bác sĩ DeBakey được Quốc Hội Hoa Kỳ trao tặng Huân chương Vàng, một phần thưởng chương cao quí nhất mà Quốc Hội Hoa Kỳ dành cho một thường dân. Trong buổi lễ trao huân chương, Nghị Sĩ Harry Reid, lãnh đạo khối đa số Thượng viện nói rằng bác sĩ DeBakey bắt đầu sáng chế và hoàn thiện máy trợ tim từ khi ông còn là sinh viên tại đại học y khoa Tulane trong thành phố New Orleans, bang Louisiana.

Thượng nghị sĩ Reid nói: “Trong khi các bạn cùng lớp còn đang học những điều căn bản, bác sĩ DeBakey đã sáng chế ra máy bơm máu đầu tiên, để phụ giúp cho việc mổ tim bằng cách banh lồng ngực. Xin quí vị nhớ cho, đó là năm 1931.”

Chiếc máy bơm độc đáo do bác sĩ DeBakey sáng chế sau này đã trở thành một bộ phận của loại máy có hai chức năng thay cho phổi và tim, được sử dụng trong khi giải phẫu. Bác sĩ DeBakey và các đồng sự của ông đã sử dụng thành công máy này năm 1967, và vào năm đó, ông đã nói chuyện với đài VOA về ích lợi của máy bơm này.

Bác sĩ DeBakey giải thích: “ Máy này có thể dùng để bơm và truyền máu cho những bịnh nhân bị bệnh rất nặng đến độ nếu không có máy, sẽ không thể sống nổi sau khi trải qua cuộc phẫu thuật. Tôi tin rằng chúng ta có thể trông đợi là trong tương lai máy này sẽ được sử dụng nhiều hơn."

Bác sĩ DeBakey coi việc phát minh quả tim nhân tạo là bước tiến hợp lý kế tiếp, và ông đóng góp nhiều công sức cho việc nghiên cứu và thử nghiệm cho đề tài này. Ngay từ năm 1967 ông đã nói với đài VOA là tim nhân tạo sẽ giải quyết được vấn đề cho các bịnh nhân phải chờ đợi quả tim thật của người nào thích hợp với mình hiến tặng.

Bác sĩ DeBakey giải thích: “Nếu chúng ta có sẵn những trái tim nhân tạo, có thể thực hiện chức năng của những trái tim bình thường , thì chúng ta có thể điều trị nhiều bịnh nhân theo cách đó.”

Trong hai năm 1968 và 1969, bác sĩ DeBakey đã mở màn cho kỷ nguyên thay tim bằng cách mổ banh lồng ngực. Nhờ có những phát minh ra các loại thuốc kiểm soát được tình trạng cơ thể con người có thể không chấp nhận bộ phận mới, Đại học Y khoa Baylor tại thành phố Houston, bang Texas, đã trở nên trung tâm thay tim nổi tiếng thế giới.

Bác sĩ DeBakey cũng là người tiên phong trong công việc khai thông các mạch tim bị tắc nghẽn để tránh tai biến mạch máu não, giải phẫu nơi các động mạch tắc nghẽn để tránh nhồi máu cơ tim, cũng như chữa cho động mạch chủ không bị bể. Các thao tác do ông phát minh cũng đã cứu sống chính ông. Năm 2006 Bác sĩ Clifford Kitten đã giải phẫu để chữa động mạch chủ của bác sĩ DeBakey.

Bác sĩ Kitten nói: “Tôi rất hãnh diện, hãnh diện vô cùng, vì tôi đã học được từ bác sĩ DeBarkey mà tôi xem như bậc thầy của tôi Trong 70 năm hành nghề, Bác sĩ DeBakey đã mổ tim hơn 60 ngàn lần. Bịnh nhân của ông gồm đủ hạng người, từ những người nghèo mạt rệp cho tới người nổi tiếng như Tổng Thống Nga Boris Yeltsin, Vua Hussein của nước Jordani, vua Shah của nước Iran, và các tổng thống Hoa Kỳ như Kennedy, Lyndon Johnson, và Ric-hard Nixon Tổng thống Hoa Kỳ George Bush là một trong những người chủ trì lễ trao Huân chương Vàng của Quốc Hội Hoa Kỳ cho Bác Sĩ DeBakey hồi tháng Tư.

Nhà lãnh đạo Mỹ nói:”Cuộc sống của người dân Mỹ chúng ta kéo dài được thêm 50 phần trăm, nhờ những cuộc nghiên cứu kéo dài từ cả thế kỷ vừa qua, và người mà chúng ta vinh danh hôm nay đã góp phần tạo ra lý do đó.”

Cũng trong buổi lễ trao huân chương, bác sĩ DeBakey, một người có cha mẹ là di dân đến từ Libăng, đã phát biểu rằng ông cảm thấy rất nhỏ bé khi nhận giải thưởng cao quí nhất này.

Bác sĩ DeBakey nói: “Sau khi nghe tin được trao huân chương, sự hãnh diện của tôi được làm công dân của Hoa Kỳ khiến tôi tràn ngập vui sướng. Tôi nghĩ rằng, một cá nhân tại nước này có nhiều cơ hội thăng tiến hơn bất cứ nơi nào khác trên thế giới, không cần biết người đó gốc gác ra sao, và gia cảnh như thế nào.”
 

Gửi thảo luận