Trang chủ » Thực phẩm chức năng » Tin mới » Thực phẩm chức năng cần thị trường lành mạnh

Thực phẩm chức năng cần thị trường lành mạnh

Từ việc sử dụng bột cóc làm thuốc chống bệnh còi xương cho trẻ em, việc sử dụng côn trùng và các động vật rừng với mục đích bổ dưỡng và làm thuốc chữa bệnh, đến việc sử dụng nhiều loại sản phẩm biển có giá trị dinh dưỡng cao, dược liệu quý có tác dụng “hồi xuân cường lực, cải lão hoàn đồng” như “nhất yến sào, nhì bào ngư”, món ăn “bát trân” gồm 8 loại hải sản quý phục vụ các bữa yến tiệc trong cung đình khi xưa… Kho tàng kinh nghiệm của người Việt Nam hôm nay không ngừng được bổ sung từ thế hệ này qua thế hệ khác trong quá trình lao động sản xuất, chinh phục thiên nhiên và đang được y sinh học hiện đại soi sáng, chứng minh.

Bắt nhịp

Những sản phẩm thực phẩm truyền thống vẫn dược lưu truyền và sử dụng khá rộng rãi trong dân gian cho đến hôm nay tình cờ bắt gặp thời cuộc hội nhập của đất nước với thế giới, bắt gặp những sản phẩm có cùng nguồn gốc tự nhiên của các nước khác, bắt gặp khái niệm mới mẻ có tên gọi TPCN và bắt gặp những công nghệ sinh học hiện đại đang được ứng dụng trong nghiên cứu, sản xuất của cả một nền kinh tế mới mẻ, nền kinh tế TPCN. Và vì thế, không quá bất ngờ khi thị trường và doanh nghiệp nội địa thích ứng nhanh và đang phát triển theo chiều hướng rất thuận lợi.

Trên thế giới, các nhà khoa học trên thế giới đã dự báo rằng, thức ăn của con người trong thế kỷ XXI sẽ là các thực phẩm chức năng. Ở trong nước, tỉ lệ % người dân sử dụng TPCN tăng nhanh và đặc biệt là khu vực thành thị. Khái niệm thức ăn không chỉ gói ngọn ở phạm vi đảm bảo đủ calo, ngon, sạch, mà đã mở ra đòi hỏi phải chứa các hoạt chất sinh học tự nhiên cần cho sức khỏe và sắc đẹp, không chỉ điều khiển được các hoạt động chức năng của từng bộ phận trong cơ thể, tạo cho con người khả năng miễn dịch cao, chống lão hóa, tăng tuổi thọ, mà còn giúp con người phòng chống được một số bệnh, kể cả ung thư.

Thế giới hiện đại đang có xu hướng quay về với các hợp chất thiên nhiên có trong động vật và cây cỏ, khai thác kinh nghiệm y học cổ truyền và nền ẩm thực phương Đông, hạn chế tối đa việc đưa các hóa chất vào cơ thể. Người dân thành thị và một bộ phận ngoại thành, nông thôn Việt Nam đang nhanh chóng đồng hành với xu hướng này. Nguyên nhân bởi người tiêu dùng trong nước đã chứng kiến tình trạng bệnh tật gia tăng, nhất là những căn bệnh hiểm nghèo được cảnh báo hoặc chỉ ra nguyên nhân từ tình trạng lương thực thực phẩm bị xuống cấp nghiêm trọng về phẩm cấp chất lượng, thậm chí nguồn này bị “đầu độc” và trở thành một nguồn độc hại đi vào cơ thể hàng ngày bởi các chất kích thích tăng trưởng, tăng trọng và dư lượng hóa chất độc hại.

Môi trường lành mạnh

Tuy nhiên, do là một thị trường mới, kiến thức và trình độ hiểu biết về TPCN của người tiêu dùng còn hạn chế. Đồng thời các hệ thống quy chuẩn còn sơ khai, luật pháp thiếu các quy định… khiến cho người tiêu dùng Việt Nam dễ bị lợi dụng, chịu thiệt thòi trong thời gian qua.

Thấy được xu hướng tất yếu của thị trường các sản phẩm TPCN, Bộ Y tế đã ban hành các quy định về dòng thực phẩm đặc biệt này. Đồng thời, một Hiệp hội Thực phẩm chức năng cũng đã ra đời đầu năm 2009 làm nhiệm vụ tập hợp các nguồn lực, doanh nghiệp sản xuất trong nước, các nhà nghiên cứu, chuyên gia nhằm xây dựng những quy chuẩn mới phù hợp với tiêu chuẩn chung của cả khu vực và thế giới về TPCN cũng như giúp nhà nước xây dựng các quy phạm pháp luật liên quan, định hướng phát triển chung thị trường và công tác quản lý. Tới đây, mọi sản phẩm TPCN sản xuất trong nước sẽ được cơ quan chức năng trong nước kiểm tra và cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng quy định chung cho toàn thế giới. Như vậy, thị trường TPCN sẽ có thêm các công cụ quản lý và định hướng phát triển lành mạnh, tạo điều kiện cho nền kinh tế TPCN vươn lên như một ngành kinh tế mũi nhọn đóng góp quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội đất nước.

Đối với nước ta hiện nay, việc nghiên cứu tạo ra các chế phẩm thực phẩm chức năng với phương châm “công nghệ cao, bản sắc cổ truyền” đang là hướng nghiên cứu rất lý thú và có lợi thế, vì lẽ chúng ta có thế mạnh về tài nguyên sinh học nhiệt đới và có kho tàng kinh nghiệm phong phú của y học dân tộc. 
Ngành TPCN ra đời thời gian này còn được đánh giá là “phao cứu sinh” của các cơ sở sản xuất tân dược không đạt chuẩn WHO GMP theo yêu cầu của Cục Quản lý dược, Bộ Y tế. Các cơ sở sản xuất tân dược hoặc phải ngừng sản xuất hoặc chuyển sang sản xuất và kinh doanh các sản phẩm TPCN.

Các cơ sở sản xuất thuốc y học cổ truyền đến năm 2011 phải đạt tiêu chuẩn WHO GMP mới được phép sản xuất thuốc. Trong khi hàng loạt các cơ sở nhỏ lẻ, các cơ sở gia truyền đang sản xuất thuốc Đông y đều dần chuyển sang sản xuất và kinh doanh TPCN.

Trung tâm kiểm nghiệm và hợp chuẩn nhận chứng chỉ ISO 17025

Trung tâm Kiểm nghiệm và hợp chuẩn, Viện Thực phẩm Việt Nam ra đời với chức năng nghiên cứu kiểm nghiệm chất lượng các sản phẩm thực phẩm và thực phẩm chức năng, hướng đến chất lượng sản phẩm uy tín, ổn định trên thị trường, để khẳng định thương hiệu TPCN trong nước, phục vụ nhu cầu xuất khẩu ra thị trường thế giới. Trung tâm còn phấn đấu để trở thành một tổ chức có uy tín có khả năng tham mưu cho các cơ quan quản lý chất lượng và liên doanh liên kết với các đơn vị, tổ chức nghiên cứu khoa học trong công tác kiểm tra kiểm nghiệm chất lượng các sản phẩm và TPCN. Văn phòng công nhận chất lượng, Bộ Khoa học – công nghệ cấp chứng chỉ ISO/IEC 17025. Trung tâm đã xây dựng ban hành các tiêu chuẩn cho lĩnh vực TPCN gồm 202 quy trình kỹ thuật chung và riêng phục vụ cho công tác kiểm tra các sản phẩm TPCN. Bên cạnh đó, trung tâm còn tổ chức đào tạo ISO/IEC 17025 cho toàn bộ nhân viên, xây dựng hệ thống tài liệu quản lý chất lượng theo ISO/IEC 17025, lên danh mục cấp phép đăng ký kiểm tra bằng các phương pháp sắc ký lỏng hiệu năng cao, quang phổ tử ngoại khả kiến, hấp thụ nguyên tử, sắc ký lớp mỏng, vi sinh, hoàn thiện các quy trình phân tích liên quan đến danh mục phép thử đăng ký và ban hành các quy trình.

Các công ty dược lớn ở Việt Nam như Domesco, Hậu Giang, Traphaco, Imexpharm, IMC, Á Âu… đều có các sản phẩm TPCN. Công ty IMC đã đưa ra thị trường một số sản phẩm có hiệu quả như Genecel, Nattospes, Nga phụ khang, Hoàng thống phong, Kidsmune… được thị trường đánh giá cao. Đặc biệt các công ty sản xuất TPCN ở Việt Nam đều dùng các nguyên liệu là các thảo dược, các chế phẩm sinh học trong nước, tạo ra nhiều việc làm cho nông dân (nuôi trồng, thu hái, chế biến) và góp phần tạo ra các giá trị kinh tế khác cho xã hội. 

Cách phân biệt TPCN với sản phẩm chức năng:

 

TPCN và sản phẩm chức năng (SPCN) hiện nay đang là trào lưu sử dụng để bảo vệ sức khỏe trên thế giới và Việt Nam. Nói là TPCN vì chủ yếu các sản phẩm trên dùng bằng cách qua đường uống – tức là qua thực quản và các SPCN là các sản phẩm sử dụng không qua đường uống – tức có thể qua đường hô hấp, hậu môn, niệu đạo, âm đạo, qua da, qua tóc hoặc qua các huyệt đạo trong cơ thể. Các sản phẩm đó, ở một số nước trên thế giới như Mỹ, EU, Nhật, Trung Quốc… được gọi là sản phẩm bảo vệ sức khỏe hay SPCN – Medical Supplement hay Health Supplement. Một số cao dán ở Nhật Bản có tác dụng kích thích lưu thông khí huyết được dán tại một số huyệt đạo cũng là SPCN.

 

Các lưu ý khi sử dụng TPCN

Đối với những thực phẩm ở dạng tự nhiên, việc chọn lựa cần lưu ý chọn lựa những sản phẩm tươi, mới và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm như dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Để đạt được những lợi ích về sức khỏe, cần sử dụng thường xuyên với số lượng khuyến nghị.

Những sản phẩm đã qua chế biến, đòi hỏi người tiêu dùng phải có kỹ năng đọc nhãn bao bì. TPCN thường được đóng gói giống như thực phẩm thông thường. Ngoài các thông tin của một thực phẩm thông thường, TPCN bắt buộc phải ghi rõ tên nhóm sản phẩm như thực phẩm bổ sung vi chất hay thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm ăn kiêng…

Trên bao bì thường cung cấp hai loại thông tin:

Xác nhận có lợi cho sức khỏe (health claim). Ví dụ như sản phẩm dành cho người tiểu đường hoặc sản phẩm dùng để nuôi qua ống thông dạ dày. Những thực phẩm có xác nhận về sức khỏe phải được cơ quan y tế chứng nhận trước khi đưa ra thị trường và sản phẩm phải được chứng minh bằng các nghiên cứu.

Xác nhận về cấu trúc chức năng (structure / function claims). Những thực phẩm này dùng để chuyển tải những lợi ích tiềm tàng (chứ chưa chắc chắn) đối với sức khỏe con người. Ví dụ thực phẩm bổ sung Oligofructose có tác dụng hỗ trợ đường tiêu hóa, sản phẩm có chứa Chondroitin, Glucosamin, Canxi gluconate có tác dụng tăng dịch khớp, phòng ngừa, hỗ trợ điều trị các nguy cơ thoái hóa hệ thống xương khớp, loãng xương. Hoặc các sản phẩm có chứa nhiều loại acid amin và các nguyên tố vi lượng: kẽm, iode, sắt… được gọi là nguyên sinh chất men bia tươi giúp trẻ tăng chiều cao. Những xác nhận về cấu trúc/chức năng có thể do tác dụng đã được biết đến của một hay nhiều thành phần có sẵn hoặc được bổ sung vào thực phẩm.

Để chọn lựa đúng những thực phẩm cần thiết, người tiêu dùng nên đọc kỹ cả phần đối tượng sử dụng, liều dùng, công dụng, các lưu ý đặc biệt xem có phù hợp với mục đích sử dụng. Đừng quên xem tên, địa chỉ của nhà sản xuất để tránh hàng giả, hàng nhái.


Gửi thảo luận