PV: Thưa ông, thời gian gần đây, nhiều quảng cáo TPCN có nội dung giúp đàn ông “đánh thức tuổi xuân”, “phong độ đỉnh” là thổi phồng chức năng của TPCN. Đó có phải nội dung Cục ATTP đã duyệt cho các TPCN trên?
TS. Nguyễn Thanh Phong: Mỗi năm, có khoảng 1.000 hồ sơ đăng ký nội dung quảng cáo TPCN, nhưng có tới 90% phải chỉnh sửa vì nội dung không đúng như tác dụng của sản phẩm. Tất cả những quảng cáo về TPCN đã được Cục ATTP thẩm định nội dung đều đảm bảo chính xác về công dụng sản phẩm. Dẫn đến các quảng cáo thổi phồng sự thật là do một số nhà in, nhà xuất bản đã in và phát tán các quảng cáo không đúng qui định, khi không có thẩm định của cơ quan y tế. Vì thế, các quảng cáo TPCN chữa khỏi bệnh đều là không đúng, vì TPCN không phải thuốc chữa bệnh. Bên cạnh đó, cũng xuất hiện nhiều website mua bán, quảng cáo TPCN gây bức xúc cho dư luận xã hội, khi không có cơ sở khoa học, không đúng với chất lượng sản phẩm, đặc biệt là không đúng thuần phong mỹ tục, nhưng rất khó kiểm soát. Cục ATTP đã có công văn gửi Bộ TT&TT đề nghị xử lý các trang mạng vi phạm này.
PV: Trước các sai phạm trên, Cục ATTP đã có các biện pháp gì, thưa ông?
TS. Nguyễn Thanh Phong: Cục ATTP đã xử lý nhiều đơn vị vi phạm. Chỉ riêng trong tuần vừa qua, đã xử lý 9 trường hợp vi phạm về quảng cáo với tổng số tiền 135 triệu đồng. Trong đó có Công ty TNHH MTV XNK SX DV TM Thiên Nam Dược quảng cáo sản phẩm TPCN Kháng Lạc Cao có nội dung liên quan đến người cai nghiện ma túy và 8 cơ sở khác: Công ty TNHH TM và XNK Đại Đông, Công ty TNHH Viễn Bằng, Công ty TNHH Bán lẻ nhanh, Công ty cổ phần dược phẩm Hoa Thiên Phú, Công ty TNHH Beful, Nhà thuốc Phương Chính, Công ty TNHH TM DP Nam Á và Công ty TNHH Tân Thánh Hữu. Ngoài ra, Cục ATTP còn buộc các cơ sở vi phạm thu hồi, tiêu hủy các tài liệu quảng cáo sai và đính chính trên phương tiện thông tin đại chúng về các nội dung đó.
Trước đó, Cục ATTP đã thu hồi giấy chứng nhận tiêu chuẩn của sản phẩm “Hương cảng Canh Công Phu”, vì chứa hoạt chất gây tác dụng xấu cho sức khỏe và không đúng về chức năng.
PV: Ở Hà Nội vẫn có nhiều nơi bán các sản phẩm tương ớt không nhãn mác. Liệu các sản phẩm này có chất cấm mà chưa được phát hiện?
TS. Nguyễn Thanh Phong: Chỉ cần sản phẩm không nhãn mác là đã vi phạm. Vì thế, người tiêu dùng trước hết cần bảo vệ mình bằng sử dụng quyền không dùng sản phẩm đó.
PV: Thông tin 90% ống hút nhựa từ Trung Quốc có chất độc khiến nhiều người đang lo ngại. Cục ATTP có biết điều này?
TS. Nguyễn Thanh Phong: Thông tin trên được một nhóm nghiên cứu ở Trung Quốc đưa ra trên mạng và chưa có phát ngôn chính thức. Nhưng ở Việt Nam, từ lâu các bao bì sản phẩm như hộp xốp, ống hút đều được giám sát chất lượng ATTP theo các tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật. Sản phẩm ống hút được lưu thông chính thống đều chưa phát hiện chất độc. Tuy nhiên, do sự gian lận thương mại nên chúng ta cũng không chủ quan về nguy cơ ống hút có độc vẫn có khả năng xảy ra do nhập lậu. Vì thế, người tiêu dùng cần cảnh giác, không sử dụng các sản phẩm không có nguồn gốc.
PV: Xin cảm ơn ông!
Trang chủ » Thực phẩm chức năng » Tin mới » Cảnh giác trước quảng cáo thực phẩm chức năng cho đàn ông