Không cấp lại giấy phép hoạt động về thuốc và nguyên liệu làm thuốc cho một công ty của Ấn Độ
Ngày 23-1, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) có thông báo chính thức xác nhận không cấp lại giấy phép hoạt động về thuốc và nguyên liệu làm thuốc tại Việt Nam của Công ty XL Laboratories Pvt. Ltd., Ấn Độ. Quyết định này được đưa ra khi các cơ quan chức năng xét vi phạm của công ty này đã có thuốc vi phạm chất lượng ở mức độ hai (vi phạm có thể ảnh hưởng tới hiệu quả điều trị và độ an toàn khi sử dụng) trong thời gian thử thách sáu tháng. Công ty có trách nhiệm thông báo cho các cơ quan hữu quan và đối tác Việt Nam biết để theo dõi và thực hiện. (Nhân dân trang 5)
Đưa 500 bác sĩ trẻ về huyện nghèo
Ngày 23.1, Bộ Y tế cho biết, hiện đã có 100 bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại 62 huyện nghèo trên địa bàn cả nước. Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, dự kiến sẽ có khoảng 500 bác sĩ trẻ được đưa lên khám chữa bệnh cho 20 tỉnh có huyện nghèo trong giai đoạn từ năm 2013-2016. Hiện nay, tại 62 huyện nghèo có 34 bệnh viện nhưng số lượng bác sĩ rất hiếm hoi, bệnh viện nhiều nhất có 28 bác sĩ, bệnh viện ít nhất có 6 bác sĩ và nhiều nơi không có bác sĩ chuyên khoa. Các bác sĩ tình nguyện sau 3-5 năm có thể ở lại hoặc trở về bệnh viện cũ làm việc, được xếp lương bậc 2, không tính thời gian tập sự, được bố trí nhà công vụ … (Nông thôn ngày nay trang 2)
Hà Nội: Sốt xuất huyết giảm 72% so với năm 2011
Ngày 23/1, Sở Y tế Hà Nội đã tổ chức hội nghị đánh giá công tác phòng chống dịch năm 2012 và triển khai nhiệm vụ năm 2013. Theo báo cáo, trong năm 2012, thành phố cơ bản kiểm soát tốt dịch bệnh, các ổ dịch được phát hiện và xử lý kịp thời, không có ổ dịch lớn. Cụ thể như: dịch sốt xuất huyết có 1.367 trường hợp mắc, giảm 72% so với năm 2011; 13 trường hợp mắc bệnh do nhiễm liên cầu lợn, không có tử vong; 4.500 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, tăng 3 lần so với năm 2011, không có tử vong… Bên cạnh đó, Sở Y tế đã chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh thực hiện tốt công tác sàng lọc phát hiện bệnh nhân nghi mắc bệnh dịch, chuẩn bị cho việc cấp cứu và điều trị cho bệnh nhân, hạn chế thấp nhất tử vong do mắc các dịch bệnh, đặc biệt không có trường hợp tử vong do mắc sốt xuất huyết Dengue và tay chân miệng. (Sức khoẻ và đời sống trang 2)
Sẽ giảm chi phí thanh toán khám chữa bệnh trái tuyến
Thông tin từ Bảo hiểm xã hội Việt Nam ngày 23/1 cho biết, tính đến hết năm 2012, cơ quan này đã cấp khoảng 60 triệu thẻ BHYT cho các đối tượng, trong đó hơn 15 triệu thẻ BHYT cho người nghèo, chính sách xã hội, hơn 2 triệu thẻ BHYT cho đối tượng người có công. Liên quan đến vấn đề này, tại cuộc họp Ban soạn thảo sửa đổi bổ sung Luật BHYT vừa diễn ra, Bộ Y tế cho biết, sau 3 năm triển khai thực hiện Luật BHYT, hiện vẫn còn 35% dân số chưa tham gia BHYT. Vì vậy, để đảm bảo lộ trình thực hiện BHYT toàn dân, Dự thảo Luật BHYT sửa đổi sẽ chú trọng vào nội dung như, tăng tỷ lệ tham gia BHYT của các đối tượng bắt buộc (học sinh – sinh viên, người lao động trong các doanh nghiệp). Bên cạnh đó, sẽ giảm mức thanh toán viện phí đối với các trường hợp khám bệnh trái tuyến từ 30 – 70% như hiện nay xuống 20 – 50%. (Sức khoẻ và đời sống trang 2)
Bỏng mắt do nghịch gói chống ẩm
Ngày 23/1, theo Bệnh viện Mắt Trung ương, các bác sĩ tại Khoa Chấn thương của BV vừa tiếp nhận điều trị cho bé Phạm H.V., 3 tuổi, ở Hải Dương bị bỏng giác mạc do nghịch gói chống ẩm trong túi bánh gạo. Trước đó, tối 19/1, bé V. thấy gói hút ẩm trong túi bánh gạo và lấy ra nghịch, không ngờ bị bột trong gói bắn vào mắt trái. Thấy hai mắt của bé V. không thể mở ra được nên gia đình đã đưa bé V. đến bệnh viện gần nhà sơ cứu và tiếp tục tới BV Mắt Trung ương điều trị. Các bác sĩ cho biết, bé V. nhập viện trong tình trạng mắt trái sưng đỏ, đau rát do bỏng. Theo tiên lượng, cháu V. chỉ bị nhẹ, bỏng độ 2, con ngươi không bị bột bắn vào nên thị lực có thể không bị ảnh hưởng nhiều. Tuy nhiên, do chất gây bỏng đậm đặc, xuyên sâu vào giác mạc nên mắt trái bé V. có thể sẽ phải mang sẹo suốt đời. Được biết, đây là trường hợp thứ 3 bị bỏng mắt do gói chống ẩm đến khám tại BV Mắt Trung ương trong thời gian gần đây. (Sức khoẻ và đời sống trang 2)
Năm 2012, ngành y tế cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu được giao
Chiều ngày 22/1, Bộ Y tế đã tổ chức Gặp mặt báo chí nhân kỷ niệm 58 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955-27/2/2013) với chủ đề “Bảo vệ sức khỏe là sự nghiệp của toàn dân”. PGS.TS. Nguyễn Thanh Long – Thứ trưởng Bộ Y tế chủ trì buổi gặp mặt.
Phát biểu tại buổi gặp mặt, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long đánh giá cao sự phối hợp của các cơ quan thông tin đại chúng trong việc phối hợp tuyên truyền với ngành y tế trong suốt thời gian qua, đồng thời cho biết, trong năm 2013, sẽ tiếp tục tập trung triển khai một số nhiệm vụ ưu tiên của ngành gồm: Giảm quá tải các BV; Đổi mới cơ chế tài chính y tế công lập; Thực hiện Luật BHYT, thực hiện lộ trình BHYT toàn dân…
Về các hoạt động kỷ niệm ngày Thầy thuốc Việt Nam, Bộ Y tế giao báo Sức khỏe&Đời sống chủ trì, tổ chức tổng kết và trao thưởng cuộc thi “Sự hy sinh thầm lặng” phát sóng trực tiếp trên Đài THVN; Chương trình truyền hình trực tiếp “Thuốc Việt Nam” tại Nhà hát Lớn TP.HCM và khởi động Dự án thí điểm đưa bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. (Sức khoẻ và đời sống trang 2)
Lồng ghép các hoạt động dự phòng và điều trị HIV/AIDS vào hệ thống y tế sẵn có
Ban quản lý dự án thành phần y tế (Dự án quỹ toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS) vừa tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2012 và triển khai kế hoạch 2013. Thông tin cho biết, trong năm 2012, dự án đã hoàn thành nhiều chỉ tiêu vượt mức kế hoạch góp phần làm giảm lây nhiễm HIV trong cộng đồng. Tuy nhiên, chất lượng triển khai của các hoạt động dự phòng và điều trị HIV/AIDS một số nơi còn hạn chế. Số bệnh nhân đến điều trị ít, các chỉ số về bơm kim tiêm, bao cao su thấp và chưa đưa ra mô hình tương thích với điều kiện thực tế… Năm 2013, dự án sẽ tiến hành lồng ghép triệt để các hoạt động vào hệ thống phòng, chống HIV/AIDS, hệ thống y tế sẵn có; Tăng cường vai trò điều phối của Sở Y tế và trung tâm phòng, chống HIV/AIDS; Tập trung nguồn lực vào những huyện đảm bảo đủ tiêu chuẩn.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, PGS.TS. Nguyễn Thanh Long – Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, về dự phòng, cần tập trung hơn nữa vào công tác tư vấn xét nghiệm tự nguyện, tiếp tục đẩy mạnh việc can thiệp giảm tác hại, mở rộng và tăng nhanh số lượng các điểm điều trị methadone. Về điều trị, đáp ứng yêu cầu mở rộng tăng nhanh số người được điều trị và đảm bảo được tính bền vững, kết nối các phòng khám ngoại trú (OPC) với hệ thống bảo hiểm y tế để cung cấp các dịch vụ khám chữa bệnh cho người nhiễm HIV/AIDS thanh toán qua hệ thống này và mở rộng loại hình điều trị phân phát thuốc tại xã phường… (Sức khoẻ và đời sống trang 12)
Lần đầu tiên tập huấn về y học gia đình cho quân y các đồn biên phòng
Từ ngày 22 – 30/1/2013, tại Hải Phòng, Cục Hậu cần – Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng phối hợp với Trường Đại học Y Hà Nội tổ chức lớp tập huấn kiến thức về y học gia đình cho 35 học viên là quân y sĩ các đồn biên phòng biên giới phía Bắc (từ Hà Tĩnh trở ra). PGS.TS. Phạm Lê Tuấn – Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính, Phó ban quản lý dự án KHQDY của Bộ Y tế, Chủ nhiệm Bộ môn Y học Gia đình (ĐH Y Hà Nội) tham dự và trực tiếp giảng bài cho lớp học. Đây là lần đầu tiên lực lượng quân y BĐBP tổ chức một lớp tập huấn chuyên môn dài ngày cho các đồng chí quân y sĩ của đồn biên phòng với nội dung tương đối mới mẻ (bác sĩ gia đình). Đây cũng đang là một chủ trương của Bộ Y tế nhằm tiến tới giảm quá tải BV.
Các học viên đã được cung cấp những kiến thức: cách lập kế hoạch và thực hành theo dõi, quản lý sức khỏe liên tục và toàn diện cho người khỏe mạnh, bệnh nhân, gia đình, đơn vị và một nhóm dân cư tại cộng đồng; lập kế hoạch và thực hành theo dõi, quản lý một số bệnh mạn tính thường gặp như hen phế quản, tăng huyết áp, đái tháo đường… Những kiến thức về BSGĐ sẽ giúp các đồng chí quân y sĩ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho bộ đội và nhân dân biên giới một cách khoa học và hiệu quả hơn.( Sức khoẻ và đời sống trang 12)
Lần đầu tiên cắt u dạ dày qua nội soi đường miệng
Hôm qua các bác sĩ Bệnh viện FV thực hiện thành công ca cắt u dạ dày bằng nội soi đường miệng không cần mổ lần đầu tiên ở Việt Nam cho bệnh nhân là chị Nguyễn Thị L., 40 tuổi ở quận 10, TPHCM.
Trước đó, các bác sĩ phát hiện trong bao tử chị L. có một khối u và được chỉ định uống thuốc.
Tuy nhiên, nhiều tháng nay bệnh của chị L. vẫn không thuyên giảm. Thay vì phải mổ ở bụng để xác định khối u lành hay ác tính và phải cắt một phần dạ
dày, các bác sĩ Khoa Tiêu hóa – Gan mật Bệnh viện FV áp dụng kỹ thuật mới nhất trên thế giới để cắt khối u bằng nội soi qua đường miệng.
Theo bác sĩ Nguyễn Ngọc Sơn – Trưởng khoa Tiêu hóa – Gan mật, việc cắt bỏ u dạ dày thông qua nội soi đường miệng ngoài tránh biến chứng còn giúp bệnh nhân không bị đau, không có sẹo trên bụng, đặc biệt là bao tử còn nguyên vì không phải cắt đi một phần theo phương pháp cũ. (Tiền phong trang 6, Tuổi trẻ trang 12)