Trang chủ » Thực phẩm chức năng » Tin mới » Lạm dụng kê toa TPCN: Móc túi bệnh nhân, bảo hiểm chịu trận

Lạm dụng kê toa TPCN: Móc túi bệnh nhân, bảo hiểm chịu trận

Người bệnh kêu trời

Làm thủ tục xuất viện sau khi sinh em bé tại một bệnh viện phụ sản ở TPHCM, chị N.T.N.H. (ngụ quận 7, TPHCM) được bác sĩ dặn dò cách chăm sóc em bé và không quên kèm theo một toa thuốc. Ra tới nhà thuốc, chưa hết hí hửng mẹ tròn con vuông, chị N. bỗng ỉu xìu vì cô bán thuốc kêu thanh toán gần 1 triệu đồng. Nhìn lại toa thuốc, ngoài bông gạc chăm sóc rốn cho em bé, viên nhai bổ sung sắt Saferon, thuốc chống nhiễm khuẩn Cefixime, còn có thêm cả Zentomilk viên nang, chị H. thắc mắc, cô bán thuốc bảo: “3 hộp Zentomilk mất đứt gần 300.000 đồng rồi chị ơi”. Theo cô bán thuốc, Zentomilk là loại TPCN có tác dụng làm tăng tiết sữa và bổ sung dinh dưỡng sữa mẹ và có giá như thế bởi có thêm thành phần tảo quý Spirulina… Đem câu chuyện bác sĩ cho uống Zentomilk lên trang web Diễn đàn trẻ thơ, chị H. mới té ngửa, không phải riêng mình, rất nhiều bà mẹ mới sinh con cũng được kê toa thuốc có TPCN này. Thậm chí có bà mẹ còn “dở khóc dở cười” vì trong đơn thuốc xuất viện bác sĩ còn kê cả sữa tắm, nước rửa tay, nước rửa phụ khoa.

Tương tự, bị ung thư vòm họng gần một năm qua, anh Nguyễn Văn T. (ngụ quận Thủ Đức, TPHCM) được chẩn đoán mới bị giai đoạn đầu nên chủ yếu được điều trị bằng thuốc. Đầu tuần rồi đi tái khám, anh T. được bác sĩ kê một đơn thuốc dài tới 7 loại, Eprex 4000 đơn vị (tạo máu), Avastin 100mg (đặc trị ung thư), Flavin 7 (dạng nước), trà thảo dược Thiên Lam (Giảo Cổ lam)… “Tính sơ sơ đơn thuốc gần hết 15 triệu đồng chú ạ. Kiểu này chắc chịu chết thôi” – anh T. nói. Theo tìm hiểu, trong 7 loại thuốc anh T. được bác sĩ kê toa, Flavin 7 và Giảo Cổ lam là 2 loại TPCN đã ngốn hết hơn 5 triệu đồng.

Đáng nói hơn, ngay cả nhiều bệnh nhi cũng được bác sĩ vô tư kê thêm nhiều loại TPCN vào đơn thuốc. Tìm hiểu một số bệnh viện nhi tại TPHCM cho thấy, nhiều toa thuốc của bác sĩ đều có kèm theo các loại thực phẩm hỗ trợ hoặc TPCN như men tiêu hóa, cốm vi sinh, thậm chí kê cả loại sữa cho trẻ. Mới đây, chị Lê Thanh P. (ngụ quận 3, TPHCM) bức xúc vì đưa con tới khám tại một bệnh viện nhi của thành phố được bác sĩ kê toa cả TPCN Bio Kid (TPCN hỗ trợ đường tiêu hóa) với giá hơn 100.000 đồng/gói. Còn trước đó, con chị được kê thêm Bacivit, một loại men tiêu hóa có giá gần 400.000 đồng/60 gói. “Con tôi bị táo bón dài ngày, ăn uống khó tiêu nên thỉnh thoảng phải đi khám bác sĩ, nhưng lần nào đơn thuốc cũng có TPCN, không loại này thì loại khác” – chị P. ấm ức. Một số bác sĩ cho biết tình trạng kê toa thuốc có kèm theo TPCN hiện nay khá phổ biến, tuy nhiên chiếm ưu thế vẫn là các loại bệnh như ung thư, suy gan, thận, thần kinh, tiêu hóa, bệnh nam khoa…

Xử lý việc kê đơn tùy tiện

Không chỉ TPCN mà nhiều loại thuốc trong danh mục Bảo hiểm Y tế (BHYT) thanh toán cũng bị đánh lận thành thuốc bổ, TPCN để kê cho bệnh nhân vô tội vạ. Cụ thể như thuốc Glucosamin được Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) hướng dẫn chỉ định sử dụng trong các trường hợp điều trị giảm triệu chứng của viêm khớp gối nhẹ và trung bình nhưng thực tế nhiều bệnh nhân bị viêm khớp cổ, vai cũng được kê loại thuốc này. Hay như thuốc Glutathion, là một loại thuốc tiêm được ưu tiên sử dụng với chỉ định phòng nhiễm độc thần kinh do dùng Cisplastin hoặc Oxaliplatin hoặc phòng ngừa tác dụng phụ khi dùng thuốc chống ung thư hoặc tia xạ, hỗ trợ điều trị ngộ độc kim loại nặng hoặc các hợp chất khác. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp bác sĩ chỉ định sử dụng và kê toa Glutathion không phù hợp, ngay cả bệnh nhân bị ngộ độc rượu nhưng cũng được cho dùng loại thuốc này như một loại thuốc bổ.

Một số loại thuốc khác được BHYT thanh toán với chi phí rất lớn nhưng cũng bị các bác sĩ kê toa như một loại thuốc bổ thông thường, bạ đâu kê đó như thuốc Arginin, thuốc L-Ornithin-L-aspartat (tiêm, viên) dùng điều trị bệnh não gan và tăng amoniac huyết… Trước thực trạng trên, ông Nguyễn Minh Thảo, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, vừa có công văn yêu cầu BHYT các địa phương rà soát danh mục thuốc thành phẩm sử dụng tại các cơ sở khám chữa bệnh được quỹ BHYT thanh toán và kiên quyết không thanh toán theo chế độ BHYT đối với các chế phẩm đường uống chứa Ginkgo Biloba, Glucosamin, Arginin và L-Ornithin-L-aspartat lưu hành dưới dạng TPCN. Theo ông Thảo, thời gian qua BHYT phải thanh toán cho nhiều cơ sở khám chữa bệnh với tỷ lệ chi phí lớn vì bác sĩ đã lạm dụng kê toa các loại TPCN nói trên không đúng chỉ định, hướng dẫn sử dụng của Cục Quản lý dược.

Ghi nhận về thực trạng lạm dụng TPCN trong kê toa của bác sĩ, bà Lưu Thị Minh Huyền, Phó Giám đốc Bảo hiểm Xã hội TPHCM, cho biết qua giám định BHYT đã phát hiện không ít cơ sở để bác sĩ kê toa có TPCN vô tội vạ. “Chúng tôi sẽ rà soát lại từng cơ sở y tế, bệnh viện và từ chối thẳng thừng đơn vị nào có kê toa thuốc sử dụng như TPCN không đúng chỉ định” – bà Huyền nói. Để hạn chế tình trạng này, các bệnh viện nên tổ chức bình đơn thuốc, rà soát đơn thuốc hàng ngày, hàng tuần để nhắc nhở bác sĩ. Và điều quan trọng hơn, theo bà Huyền chính lương tâm bác sĩ nên biết rằng có cần thiết kê đơn có TPCN cho bệnh nhân hay không! Còn theo ông Nguyễn Thanh Phong, Phó Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, theo quy định của Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) không được phép kê đơn thuốc có TPCN và cần xử lý nghiêm. Còn về phía Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, đến nay chưa có quy định nào kiểm soát TPCN “luồn lách” vào bệnh viện hay cơ sở khám chữa bệnh.

Gửi thảo luận