Để không còn bệnh nhân nghèo bất hạnh
Điều chỉnh viện phí, khu vực công lập phải lo được cho người nghèo, trước mắt từ những cái mình đã có như cấp thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo, hỗ trợ người cận nghèo…
Tôi cho là bảo hiểm y tế toàn dân mới giải quyết được vấn đề của người nghèo, lúc đó tiền trong quỹ bảo hiểm y tế tăng lên, đủ sức cung cấp dịch vụ đủ nhu cầu của người ốm, còn hiện nay vừa tăng giá quỹ đã hụt hơi, là hiện tượng chiếc chăn quá ngắn mà nhiều người đắp.
Tôi biết có hiện tượng hỗ trợ 70% mệnh giá thẻ bảo hiểm y tế, nhưng chỉ 1/4 người cận nghèo tham gia.
Nhưng thử hỏi những người cận nghèo có biết họ được hỗ trợ hay không, họ có biết nếu có thẻ bảo hiểm y tế thì có thuận lợi gì khi đi khám chữa bệnh không? Quy định về người cận nghèo đã rõ ràng chưa? Nếu người cận nghèo đều đã có thông tin về quyền lợi hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế mà không có tiền, thì những hội đoàn của nông dân, thanh niên, tiểu thương, phụ lão… phải tìm cách hỗ trợ họ, như trong lĩnh vực tài chính ngân hàng có hình thức tín chấp.
Nếu người nghèo, cận nghèo đều đã có bảo hiểm y tế thì đó là lúc chúng ta có hệ thống bệnh viện khác nhau. Thứ nhất là khu vực miễn phí, ngân sách nhà nước và hỗ trợ từ các tổ chức xã hội từ thiện đều phải dành cho nhóm này. Nhưng cũng phải kèm theo một yêu cầu là chống phân biệt đối xử, để người cung cấp dịch vụ có ý thức coi trọng dịch vụ mình cung cấp kể cả đó là dịch vụ phát không. Thứ hai, hệ thống bệnh viện công của Nhà nước lúc đó phải có vai trò như những quả đấm đủ mạnh, vừa đảm nhiệm việc nghiên cứu, điều trị những bệnh khó, có chất lượng để cạnh tranh, và thứ nữa là khu vực theo yêu cầu, chất lượng cao.
Khâu thủ tục hành chính khi đi khám chữa bệnh là khâu phiền hà nhất hiện nay. Nhưng có lo được thủ tục, người ta vẫn chưa hoàn toàn yên tâm về chất lượng dịch vụ y tế. Đa số người dân phải làm gì đó “vận động” hậu trường, để đến được những ông bác sĩ nào đấy mà họ cho rằng đáng tin tưởng. Tôi rất không hài lòng với phát biểu của bộ trưởng Bộ Y tế mới đây là chống quá tải bệnh viện tuyến trên bằng cách đưa ra rào cản để chống người dân chuyển viện. Điều đó không đúng, lẽ ra phải tìm cách nâng chất lượng tuyến dưới chứ không phải tìm cách cấm người ta lên tuyến trên, lúc đó những người muốn lên tuyến trên lại phải tìm cách gì đó để lách.
Trong quá trình hình thành và phát triển xã hội, nhiều nơi người ta coi bệnh viện giống như một cơ sở kinh tế. Chúng ta nên chọn hướng đi khác mà không nên để cho bệnh viện phát triển tự nhiên như vậy, do đối tượng của bệnh viện là con người, là sự sống – cái chết, không thể kinh doanh con người, sự sống – cái chết. Lúc đó đặt ra vai trò của Nhà nước. Nếu dịch vụ y tế cũng như một tòa chung cư nhiều tầng nhiều cấp, trong đó có những tầng lệch, có những khu vực giá cả khác nhau và phục vụ những nhóm người bệnh khác nhau, nhưng trên tiêu chí chung là mặt bằng chuẩn về chất lượng dịch vụ thì lúc đó câu chuyện viện phí tăng – bệnh nhân nghèo bất hạnh mới không còn. (Tuổi trẻ 13/7 (trang 5))
Vụ “Lật tẩy chiêu đẩy giá thuốc”:
Bộ Y tế chỉ đạo kiểm tra
Thừa lệnh bộ trưởng Bộ Y tế, phó Văn phòng Bộ Y tế Phạm Thanh Bình vừa ký văn bản gửi Thanh tra Bộ Y tế đề nghị đơn vị này làm đầu mối, phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra thông tin báo Tuổi Trẻ nêu và phải báo cáo văn phòng bộ chậm nhất ngày 15-7.
Như Tuổi Trẻ đã thông tin, được sự cho phép của Cục Quản lý dược (Bộ Y tế), Công ty cổ phần dược phẩm Savi TP.HCM (Savipharm) đã thực hiện việc thay đổi công ty đăng ký và thay đổi tên thuốc đối với 15 mặt hàng của Savipharm sang Công ty GlaxoSmithKline Pte Ltd Singapore (GSK). Sau đó, Savipharm sản xuất 6/15 mặt hàng và xuất khẩu tại chỗ thông qua Công ty cổ phần Dược liệu trung ương 2 (Phytopharma) cho GSK. Giá xuất khẩu thuốc của Savipharm rất rẻ nhưng sau đó được nhập khẩu tại chỗ với giá cao gấp 2,3-4,9 lần. Tổng giám đốc Phytopharma khi trả lời Tuổi Trẻ khẳng định công ty đã kê khai giá với Cục Quản lý dược và được cục đồng ý với giá kê khai này.
Tuy nhiên, khi trả lời Tuổi Trẻ (xem bài “Cục Quản lý dược yêu cầu báo cáo”, ngày 12-7), phòng quản lý giá thuốc của Cục Quản lý dược lại nói rằng các mặt hàng tăng giá trên chưa kê khai giá tại cục. (Tuổi trẻ 13/7 (trang 2))
Thành lập Bệnh viện Huyết học – truyền máu Cần Thơ
Sáng 12-7, Sở Y tế Cần Thơ đã công bố quyết định thành lập Bệnh viện Huyết học – truyền máu trực thuộc sở. Bệnh viện được thành lập trên cơ sở của Trung tâm Huyết học – truyền máu cũ (thành lập cách đây sáu năm).
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Huỳnh, nguyên giám đốc trung tâm, được bổ nhiệm làm giám đốc bệnh viện.
Nhiệm vụ của Bệnh viện Huyết học – truyền máu Cần Thơ tiếp tục là ngân hàng máu sàng lọc và cung cấp máu, chế phẩm máu cho nhu cầu cấp cứu điều trị tại các bệnh viện, đồng thời bước đầu được giao 20 giường bệnh trong năm nay để thực hiện cấp cứu và điều trị cho các bệnh nhân mắc các bệnh lý về máu. Đến năm 2015 bệnh viện sẽ nâng lên 50 giường bệnh.
Hiện nay cả khu vực ĐBSCL chưa có bệnh viện chuyên khoa về bệnh lý máu nào được thành lập. (Tuổi trẻ 13/7 (trang 9))
Sơn La: Ngành Dân số đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì
Ngày 6/7, Chi cục Dân số-KHHGĐ tỉnh Sơn La tổ chức Lễ kỷ niệm Ngày Dân số thế giới 11/7 và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì.
Chủ đề của Ngày Dân số thế giới năm nay là “Tiếp cận phổ cập tới các dịch vụ chăm sóc SKSS”.
Lễ kỷ niệm là một trong những hoạt động thiết thực nhằm tuyên truyền sâu rộng đến các cấp lãnh đạo Đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể trong toàn tỉnh, những người có uy tín và nhân dân về những kết quả trong công tác Dân số-KHHGĐ của cả nước nói chung cũng như của tỉnh Sơn La nói riêng. (Gia đình và Xã hội 13/7 (trang 6))
Giá thuốc tại Việt Nam thấp hơn Thái Lan và Trung Quốc
Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế vừa thông báo kết quả khảo sát liên ngành về mô hình quản lý giá, đấu thầu và khảo sát giá thuốc tại Thái Lan và Trung Quốc. Kết quả khảo sát cho thấy, Trung Quốc có 23/36 mặt hàng khảo sát cùng tên thương mại, cùng hoạt chất, cùng nồng độ và hàm lượng có giá trúng thầu cao hơn Việt Nam với tỷ lệ trung bình 2,25 lần. Mặt hàng có giá chênh lệch thấp nhất là 1,03 lần và cao nhất là 4,64 lần. Tại Thái Lan, 25/36 mặt hàng khảo sát có giá cao hơn Việt Nam với tỷ lệ trung bình 3,17 lần. Mặt hàng có giá chênh lệch thấp nhất là 1,64 lần và cao nhất là 6,64 lần. Điều này cho thấy nhiều loại thuốc đặc trị tại thị trường Việt Nam có giá cung ứng cho bệnh nhân thấp hơn Thái Lan và Trung Quốc. Như vậy, Cục Quản lý Dược khẳng định thông tin cho rằng giá thuốc tại thị trường Việt Nam, đặc biệt là các mặt hàng đặc trị, nhập khẩu đang được bán không đúng với giá trị thực là không có căn cứ.
Liên quan đến vấn đề giá thuốc, ông Nguyễn Thanh Lâm – Trưởng phòng Quản lý giá thuốc – Cục Quản lý Dược cho biết, theo số liệu khảo sát và thống kê hằng tháng của Tổng cục Thống kê và báo cáo của Tổ Điều hành thị trường trong nước (Bộ Công Thương), thị trường dược phẩm cơ bản được duy trì bình ổn, đáp ứng đủ thuốc phục vụ công tác điều trị, không để xảy ra tăng giá đồng loạt, đột biến. Chỉ số giá tiêu dùng 6 tháng đầu năm 2012 đối với nhóm hàng thuốc và dịch vụ y tế là 2,08%, đứng thứ 9 trong tổng số 11 nhóm hàng trọng yếu và thấp hơn so với chỉ số tăng giá chung (CPI) là 2,52%. (Người Lao động, Gia đình và Xã hội 13/7 (trang 7))
TP. Hồ Chí Minh: Quỹ bảo hiểm y tế sắp vỡ
Tính đến tháng 6-2012, TPHCM có hơn 4,6 triệu người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT), tăng gần 4% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, theo ông Cao Văn Sang- Giám đốc Bảo hiểm xã hội TPHCM, nguy cơ vỡ quỹ BHYT đang hiện hữu từng ngày.
Vung tay quá trán
Ông Sang dẫn chứng, chỉ trong quý I- 2012 bộ phận BHYT đã thanh toán cho 3,1 triệu lượt người khám, điều trị bệnh với số tiền 1.314,3 tỷ đồng. “Trong khi tổng kết năm 2011, BHYT chỉ thanh toán cho hơn 10 triệu lượt người với 3.234 tỷ đồng. Quỹ BHYT đang trong tình trạng báo động đỏ”- ông Sang nói.
Theo ông Sang, số người tham gia BHYT tự nguyện tăng lên nhưng những đối tượng này là người đang có bệnh mới mua thẻ. Đó là chưa kể, tình trạng bội chi quỹ BHYT trầm trọng hơn khi có hơn 400 dịch vụ y tế tăng giá và gần 1.000 loại phẫu thuật, thủ thuật trong điều trị cũng tăng giá gấp đôi so với trước đây.
Lãnh đạo Bảo hiểm xã hội TPHCM thừa nhận, chưa có việc tăng chính thức nhưng thực tế nhiều dịch vụ y tế cũng đã tăng giá lâu nay. Và nếu tăng lên mức kịch trần như một số tỉnh vừa đề xuất, không chỉ bảo hiểm lâm nguy mà người bệnh cũng khó thở.
Trao đổi với PV Tiền Phong hôm 12-7, bác sĩ Lưu Thị Thanh Huyền- Phó giám đốc Bảo hiểm xã hội TPHCM cho biết, gánh nặng bội chi xuất hiện khi mở rộng thanh toán thêm 25 loại thuốc chống ung thư, thuốc miễn dịch bắt đầu từ đầu năm 2012.
“Việc mở rộng các loại thuốc đặc trị giúp nhiều cho người bệnh nhưng tình trạng này khiến quỹ bảo hiểm khó kham nổi”- bác sĩ Huyền nói.
Theo bác sĩ Huyền, tiền thuốc vẫn là gánh nặng thực sự. Lấy một ví dụ đơn giản: Một bệnh nhân bị ung thư thận tiến triển phải dùng thuốc Nexava viên uống theo phác đồ , tiêu tốn khoảng 130 triệu đồng/tháng. Vì vậy không có bảo hiểm, người bệnh khó mà gồng gánh nổi chi phí.
Bác sĩ Lê Hoàng Minh- Giám đốc Bệnh viện Ung bướu TPHCM cho biết, nếu không có BHYT chia sẻ, rất nhiều người bệnh lâm vào tình cảnh sống dở chết dở.
“Đơn cử như điều trị ung thư phổi hay tụy, phải dùng thuốc Tarceva, mỗi tháng bệnh nhân tốn khoảng 40 triệu đồng. Trước thuốc này ngoài danh mục chi trả nhưng nay BHYT chi trả nên bệnh nhân giảm gánh nặng đi một phần”- bác sĩ Minh cho biết.
Nhiều loại thuốc đắt tiền điều trị bệnh tay chân miệng, vốn ngoài danh mục nay cũng được BHYT chi trả hay thuốc Immune Globulin điều trị các bệnh viêm dây thần kinh, tổng chi phí điều trị một tuần hơn 200 triệu đồng/người nên mỗi lần thanh toán thì bảo hiểm nặng vai.
Giám sát việc kê toa
Xác định thuốc chiếm 60% tổng chi phí khám, điều trị là gánh nặng gây “bục” quỹ, lãnh đạo Bảo hiểm xã hội TPHCM vừa có công văn yêu cầu các bệnh viện cân đối lại toa thuốc và siết kê toa.
Do vậy, nhiều bệnh viện tại TPHCM trong thời gian qua đã bắt đầu siết kê toa theo những gì mà bảo hiểm xã hội đề nghị. Mặc dù hạn chế phần nào việc kê toa tràn lan nhưng theo các bệnh nhân, quyền lợi của họ bị ảnh hưởng do nhiều loại thuốc đã bị cắt giảm.
Tuy nhiên, bác sĩ Lưu Thị Thanh Huyền cho rằng việc làm này là cần thiết và không thể vì siết mà quyền lợi của bệnh nhân bị ảnh hưởng.
“Chúng tôi yêu cầu các bệnh viện nên xem lại việc kê toa, tránh việc dùng những loại thuốc không cần thiết, gây lãng phí. Bởi lâu nay, nhiều nơi bác sĩ kê toa thả cửa. Có nhiều loại thuốc cùng chủng loại, tác dụng và chất lượng điều trị nhưng vẫn kê thuốc giá cao”- bác sĩ Huyền nói.
Theo tìm hiểu của Tiền Phong, Bảo hiểm xã hội TPHCM cũng đã có công văn thông báo sẽ không thanh toán theo chế độ BHXH 5 loại thuốc Glutathion tiêm, Glucosamine uống, Gingkobiloba uống, Arginin uống và L-Ornithin-L-Aspartat tiêm nếu chúng được kê toa với chức năng bổ trợ thông thường.
“Vừa qua chúng tôi phát hiện hàng loạt toa thuốc kê tràn lan các loại thuốc này với chức năng như là một loại thuốc bổ, không đúng theo đăng ký và chỉ định điều trị từ Cục Quản lý Dược”- bác sĩ Huyền nói.
“Nếu chỉ định không đúng trong điều trị, phía BHYT sẽ không chi trả”- bác sĩ Huyền khẳng định. (Tiền phong 13/7 (trang 6))
Phòng khám in sách quảng cáo “nổ như pháo”
Ngày 12.7, ông Nguyễn Văn Lộc, Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Bình Dương cho biết đã chỉ đạo lực lượng thanh tra, kiểm tra việc phòng khám Trung Quốc phát hành sách quảng cáo tràn lan trên địa bàn TP.Thủ Dầu Một.
Theo xác minh, trong hai ngày (11 và 12.7), tại các ngã tư trên nhiều tuyến đường ở TP.Thủ Dầu Một xuất hiện 2 người đàn ông đi xe máy, đứng phát tờ rơi và sách quảng cáo cho người đi đường. Đặc biệt, vào buổi trưa và chiều, khi người dân đi làm về đông thì 2 người đàn ông này tranh thủ đến các ngã tư để tiếp thị.
Chỉ trong khoảng hơn 1 giờ, 2 người này đã phát hàng ngàn cuốn sách. Sách có tên gọi "Sổ tay y học" dày 32 trang (do Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin xuất bản theo Giấy phép số 141-2011 của Cục Xuất bản), nội dung chủ yếu là quảng cáo các phương pháp chữa bệnh của Phòng khám Đông y Hiện Đại (P.13, Q.Tân Bình, TP.HCM). Trong đó, nhiều nội dung quảng cáo "nổ như pháo": các bác sĩ Trung Quốc được "mời" qua trực tiếp khám và điều trị bệnh; các loại thuốc được chiết xuất từ động vật quý hiếm nên chỉ sử dụng 1-2 liều thì bệnh dù nặng hay nhẹ cũng sẽ giảm…
Lãnh đạo Sở VH-TT-DL Bình Dương khẳng định việc phát hành sách quảng cáo này tại các ngã tư là sai quy định, không được phép; đồng thời sẽ kiểm tra tính hợp pháp việc in sách và xuất bản của "Sổ tay y học" . (cùng chủ đề: Tiền phong 13/7: Phòng khám Trung Quốc tung “sách nổ” ra đường ). ( Thanh niên 13/7 (trang 5))
Nhiều y, bác sĩ trẻ chưa biết cách tiếp cận với bệnh nhân
Ngày 12.7, hơn 100 giáo sư, tiến sĩ, giảng viên tham dự hội thảo “Nâng cao chất lượng thực hành y khoa” do Trường ĐH Y Dược TP.HCM tổ chức.
Tại hội thảo, các giáo sư, tiến sĩ, giảng viên đã nêu những thuận lợi, khó khăn và giải pháp, đồng thời chia sẻ những kinh nghiệm trong việc tổ chức học và thực hành lâm sàng cho các y, bác sĩ tương lai. PGS-TS Nguyễn Văn Khôi – Phó giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM nói: “Các y, bác sĩ trẻ mới ra trường chưa biết cách tiếp cận với bệnh nhân và người nhà của người bệnh. Thay vì nói rõ bệnh tình, hướng chữa bệnh cho người nhà bệnh nhân biết để cùng chia sẻ thì nhiều bác sĩ không nói hoặc nói rất ít. Điều này gây không ít lo lắng cho người nhà bệnh nhân. Thậm chí vì không nói rõ hướng xử lý nên người nhà bệnh nhân đã đi kiện vì cho rằng bác sĩ gây tử vong cho người thân họ”.
Để giải quyết vấn đề nâng cao chất lượng thực hành y khoa, PGS-TS Châu Ngọc Hoa – Phó hiệu trưởng, Trưởng khoa Y Trường ĐH Y Dược TP.HCM, cho rằng thường xuyên tổ chức hội thảo chuyên môn ngay tại bệnh viện với sự góp mặt của các chuyên gia đầu ngành, các bác sĩ trưởng bộ môn… đã giúp SV có thêm nhiều kiến thức. ( Thanh niên 13/7 (trang 8))
Kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống Y tế CAND
(12/7/1947 – 12/7/2012): Trao tặng Cục Y tế
Huân chương Quân công hạng Ba
Ngày 12/7, Bộ Công an đã long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống Y tế CAND (12/7/1947 – 12/7/2012) và đón nhận Huân chương Quân công hạng Ba cho Cục Y tế. Tới dự, có Thượng tướng Đặng Văn Hiếu, Ủy viên TW Đảng, Thứ trưởng Thường trực Bộ Công an; PGS.TS. Nguyễn Việt Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế và đại diện lãnh đạo Tổng cục HC-KT, Tổng cục XDLL CAND và các Tổng cục, Bộ Tư lệnh, Vụ, Cục, Viện, Trường.. v.v…
Thiếu tướng, GS. TS Phạm Quang Cử, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hậu cần – Kỹ thuật, đã ôn lại chặng đường đầy tự hào của Y tế CAND: Công tác Y tế CAND luôn gắn bó chặt chẽ với mọi hoạt động của lực lượng Công an. 65 năm qua, với tinh thần chủ động sáng tạo, Y tế CAND đã chăm sóc và bảo vệ tốt sức khỏe cho CBCS Công an trong mọi giai đoạn… Để đáp ứng nhu cầu chăm sóc, bảo vệ sức khỏe ngày càng cao của CBCS và nhân dân, tới đây, Y tế CAND quyết tâm đổi mới toàn diện, từ công tác quản lý chăm sóc bảo vệ sức khỏe, đào tạo cán bộ, tranh thủ các nguồn vốn để tăng cường đầu tư nâng cấp trang thiết bị y tế, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh (KCB) v.v…
Tôn vinh cống hiến của những người chiến sĩ áo trắng trong lực lượng CAND, Thượng tướng Đặng Văn Hiếu khẳng định: Công tác y tế Công an có vị trí, vai trò quan trọng trong suốt quá trình thực hiện nhiệm vụ của lực lượng CAND 65 năm qua. Những người thầy thuốc- chiến sĩ đã có sự trưởng thành vượt bậc về mọi mặt, đóng góp quan trọng vào thắng lợi của sự nghiệp bảo vệ ANTT và sự nghiệp y tế của đất nước.
Để nâng cao hơn nữa chất lượng và hiệu quả của công tác y tế trong lực lượng Công an, Thượng tướng Đặng Văn Hiếu chỉ đạo: Y tế CAND cần tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm các chủ trương của Đảng, Nhà nước và Bộ Công an về công tác y tế; sắp xếp lại mạng lưới KCB theo tuyến chuyên môn kỹ thuật, phù hợp với nhiệm vụ công tác, chiến đấu của lực lượng Công an; Nâng cao trình độ, chất lượng công tác KCB và công tác y tế dự phòng là nhiệm vụ quan trọng nhất của các đơn vị y tế, từ Bộ đến cơ sở.
Thượng tướng Đặng Văn Hiếu nhấn mạnh: Y tế CAND cần tăng cường công tác xây dựng Đảng, xây dựng lực lượng y tế đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; mở rộng xã hội hóa và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực y tế với việc nghiên cứu các giải pháp về đổi mới cơ chế, chính sách để xã hội hóa y tế CAND; tiếp tục mở rộng quan hệ hợp tác có chọn lọc với các tổ chức quốc tế về lĩnh vực y tế trong việc phát triển, ứng dụng kỹ thuật y dược tiên tiến v.v… xây dựng các cơ sở y tế trong CAND thành địa chỉ tin cậy của CBCS và nhân dân.
Tại buổi lễ, thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Thượng tướng Đặng Văn Hiếu đã trao Huân chương Quân công hạng Ba cho Cục Y tế và các phần thưởng của Đảng, Nhà nước cho các cán bộ y tế có thành tích xuất sắc trong sự nghiệp bảo vệ và chăm sóc sức khỏe. ( Nhân dân 12/7 (trang 3)).
Trang chủ » Tin tức » Điểm báo ngày 13/7/2012